Ngày 25 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Lễ Cấp sắc của người Dao Quần Chẹt, tỉnh Điện Biên

Lễ cấp sắc (Tủ cải) của người Dao quần chẹt ở tỉnh Điện Biên là nghi lễ quan trọng để công nhận người đàn ông đã trưởng thành. Theo tiếng Nôm Dao, Tủ là báo cáo, Cải là đặt tên, Tủ Cải là báo cáo với tổ tiên về việc đặt tên cúng hay tên âm theo cách gọi của người Dao cho đứa trẻ (có thể hiểu là việc thay đổi thành một con người khác thông qua nghi lễ ngã đài hóa kiếp để hoàn sinh và trưởng thành).

 

Gia đình có con trai chuẩn bị cho lễ cúng rất chu đáo, có thể từ 1 đến 3 năm, hay ngay từ khi đứa trẻ được sinh ra. Tùy điều kiện kinh tế mà lễ cấp sắc diễn ra từ 2 đến 5 ngày và lựa chọn bậc cấp sắc mà không cần phải theo thứ tự từ thấp đến cao, từ 1 – 5 cấp: Tam tinh (3 đèn), Ngũ tinh (5 đèn), Thất tinh (7 đèn), Cửu tinh (9 đèn), Thập nhị tinh (12 đèn). Lễ cấp sắc có thể làm cho nhiều người cùng lúc để tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Để chuẩn bị cho Lễ cấp sắc, ngay từ những ngày đầu tháng Mười Âm lịch, gia chủ đã chuẩn bị gạo, lợn, gà, rượu, rau củ quả, gia vị… để làm cỗ cúng và cỗ mời bà con, dân bản. Ngày trước lễ, mọi người đã tới giúp dựng đàn lễ cúng tổ tiên trong nhà và ngoài trời bằng tre, nứa, trang trí hình người, hoa lá, cây cỏ tượng trưng bằng giấy màu; dựng “ngo đài” nơi người thụ lễ ngã đàn - chính thức đánh dấu sự trưởng thành.

Người thụ lễ phải kiêng không chặt cây, bẻ lá, ngắt hoa; không sát sinh, đánh đập vật nuôi, đặc biệt là con chó nuôi trong nhà, không cãi cọ, gây gổ với mọi người,... Các thầy cúng tham gia lễ phải giữ mình trong sạch, không cãi lộn gây sự, không gần gũi phụ nữ, không đánh mắng sát sinh. Thông thường, Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt có từ 3 đến 7 thầy cúng: cấp độ 3 đèn cần 3 thầy cúng, cấp 5 hoặc 7 đèn cần 5 thầy cúng, cấp 9 hoặc 12 đèn cần đến 7 thầy cúng. Trường hợp đặc biệt, nếu lễ cấp sắc được thực hiện cho hai anh em ruột cùng một lúc thì chủ nhà phải mời thêm một thầy cúng nữa, lúc này số lượng thầy cúng sẽ là từ 4 đến 8 thầy, tùy theo cấp độ thụ đèn. Ở cấp nào cũng phải có thầy cả và thầy hai, những người điều hành và thực hành các nghi lễ chính.

Trước và trong thời gian diễn ra các nghi lễ chính thức, những người tham gia Lễ tủ cải phải thực hiện việc ăn chay. Lễ cấp sắc của người Dao Quần chẹt ở Điện Biên gồm 16 nghi thức, cụ thể như sau:

- Lễ nhận thầy: trước lễ 7 ngày, bố đẻ của người thụ lễ dẫn con mang lễ vật tới nhà thầy cả và các thầy làm lễ bái thầy, nhận làm con, gọi vợ chồng thầy là bố mẹ.

- Lễ thầy cúng: các thầy cúng sau khi nhận lễ vật của người thụ lễ sẽ thắp hương xin phép tổ tiên nhà mình, cầu xin phù hộ và đưa thần linh đến nhà người thụ lễ để làm lễ cấp sắc. Khi đi, các thầy cúng mang theo đồ nghề và người giúp việc, trong đó đặc biệt nhất là bộ tranh thờ gồm: tranh Tam Thanh, Ngọc Hoàng thánh đế, Ngọc Hoàng thánh chủ, tứ phủ công đồng, tứ phủ công tào, thập điện minh vương, tranh hành sư, thiên tướng, tranh vẽ các thần đưa tin tức của nhà trời, các thiên binh thiên tướng. Tuy nhiên, bộ tranh thờ trong lễ cấp sắc của người Dao Quần chẹt nay không còn đầy đủ, các thầy cúng chủ yếu sử dụng các bức tranh vẽ lại, mô tả chân dung các vị thần linh, tổ tiên của dòng họ bằng những nét vẽ đơn giản, mộc mạc, trong đó bộ tranh Tam Thanh được treo ở chính giữa đàn lễ.

Đến nhà chủ lễ, các thầy lập bàn thờ mới trong nhà, bên cạnh bàn thờ tổ tiên của người được cấp sắc, trên bàn đặt hai mâm lễ của thầy cả và thầy hai, phía trên treo tranh của hai thầy. Hai thầy làm lễ tại bàn thờ tổ tiên của gia chủ, thông báo việc đến làm lễ và xin phép tiến hành Lễ cấp sắc. Khấn xong, người giúp việc dùng chổi quét từ trong nhà ra ngoài sân với ý niệm đuổi cái xấu ra ngoài. Mỗi thầy cúng tham gia thực hiện các nghi lễ trong Lễ Tủ cải mang theo từ 3 - 4 người giúp việc, là nam giới trong độ tuổi thanh và thiếu niên, những người này đều đã trải qua Lễ Tủ cải, họ đi theo thầy cúng để học nghề, phụ giúp, thực hiện một số nghi lễ phụ và múa chào đón tổ tiên.

Đến ngày tốt và là ngày hợp với gia chủ, Lễ cấp sắc chính thức bắt đầu tại gia đình có người thụ lễ. Nghi lễ diễn ra với sự tham gia của các thầy cúng và những người giúp việc. Điều hành chính và phân công nhiệm vụ cho các thầy cúng trong Lễ cấp sắc là thầy cả và thầy hai.

- Lễ mời thần linh và tổ tiên: do thầy cả trực tiếp đảm nhiệm. Thầy cả và thầy hai ngồi trước bàn cúng trịnh trọng khấn mời thần linh, tổ tiên về dự lễ cấp sắc cho con cháu, thay mặt gia chủ biếu lương thảo, tiền bạc để tổ tiên, thần linh sử dụng trên đường về dự lễ.

- Lễ khai đàn: là nghi thức khai sáng trong lễ Tủ cải để xua đi những điều tối tăm, xấu xa và cũng là nghi thức để mời cụ tổ của gia chủ về dự lễ. Từ lúc này thầy cả vừa chủ trì, vừa làm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo điều hành các nghi thức cúng lễ, là cầu nối để truyền đạt lời thỉnh cầu của gia chủ với tổ tiên và lời chỉ giáo của tổ tiên truyền lại.

- Lễ cấp sắc: thầy cả, thầy hai, cùng người thụ lễ và bố của người được cấp sắc đứng trước ban thờ làm lễ. Hai thầy làm lễ đuổi đi những cái xấu, mời rượu và chia tiền vàng để cảm tạ thần linh rồi cùng mọi người múa để mừng lễ cấp sắc. Thầy cả đứng trước ban thờ tổ tiên và trước đàn lễ đọc các đạo sắc ban cho người được cấp, sau đó một đạo sắc được ban cho người thụ lễ giữ để đến lúc người này qua đời mới được đốt đi, bản đó gọi là bản Dương điệp, một đạo sắc thầy hóa gửi cho thần linh và tổ tiên, gọi là bản Âm điệp. Trước đó, thầy cả mang ấn tín của mình đóng giáp lai vào hai bản Âm và Dương điệp, mỗi bên có một nửa dấu ấn để sau này người được thụ lễ có đi về thế giới bên kia thì tổ tiên sẽ nhận được con cháu của mình. Nội dung của bản đạo sắc gồm ba phần: lai lịch và lý do của người được thụ lễ; quá trình chuẩn bị lương thảo cho lễ Tủ Cải của gia đình và ghi những điều giáo huấn cho người được thụ lễ; phần ba ghi họ và tên của các thầy đến làm lễ Tủ Cải. Sau khi cấp đạo sắc, các thầy cúng múa hát trước đàn lễ như lời chào đón các thánh linh và tổ tiên về dự lễ.

- Lễ cấp đèn (Thụ đèn): người thụ lễ ngồi trước đàn lễ trong nhà, thầy cúng dùng chỉ buộc hai đồng tiền cổ vào tóc người thụ lễ và làm nghi lễ cúng ma tổ tiên và thần linh. Cúng xong, thầy dùng kéo cắt cả phần tóc được buộc hai đồng tiền và làm nghi lễ lên đèn, tiếng Dao Quần chẹt gọi là stêng tăng nghĩa là khởi đèn hay cho đèn sáng lên. Ngọn đèn tượng trưng cho ánh sáng của bố đẻ người được thụ lễ truyền ánh sáng cho con trai. Sau đó người được thụ lễ xoay người về bốn hướng tượng trưng cho bốn phương trời mới kết thúc lễ cấp đèn. Theo quan niệm của người Dao Quần chẹt ở Huổi Só, ba ngọn đèn này tượng trưng cho ba ngôi sao sáng soi tỏ cho cơ thể người con trai đang được thụ lễ và để rửa sạch lầm lỗi từ trước đến nay. Những ngọn đèn đó luôn chiếu sáng cho ý chí của người được thụ lễ, khiến đầu óc thông thái, sáng suốt, khơi dậy ý chí vươn lên trong cuộc sống, làm nhiều điều thiện, điều tốt, xây dựng cuộc sống gia đình, dòng tộc, cộng đồng ngày càng thịnh vượng.

- Lễ cấp binh mã cũng diễn ra trước đàn lễ, những người giúp việc thầy cúng lấy ra một dải vải trắng trải dài trên lối đi từ đàn lễ tới người thụ lễ đang ngồi, trên để ít gạo và những đồng tiền xu cổ trượng trưng cho các binh mã. Thầy hai giữ một đầu, người thụ lễ giữ một đầu dải vải. Thầy cả dùng kiếm luồn dưới đoạn giữa và nâng lên làm cho gạo lẫn tiền cổ dồn về hai đầu dải vải. Thầy cả dùng kéo cắt đôi dải vải, một nửa người được thụ lễ giữ lại, một nửa thầy cả giữ để ban phát cho đệ tử của mình làm mũ áo.

Tiếp đến là các nghi lễ như: lễ cấp hương, lễ đặt tên cho người được cấp sắc (tên âm, sau được ghi vào gia phả của dòng họ), Lễ cấp phép sử dụng đồ nghề của thầy cúng, Lễ cấp phép cho người được cấp sắc sau này được đi làm thầy, Lễ truyền cho người được cấp sắc những tri thức và kinh nghiệm dân gian, Lễ học múa, Lễ cầu lộc cầu tài cho người được cấp sắc.

- Lễ ngã đàn là nghi lễ quan trọng nhất, đánh dấu sự trưởng thành của người được cấp sắc. Lễ ngã đài được thực hiện ngoài trời, có dựng ban thờ và Ngo đài. Thầy cúng dùng một dải màu trắng buộc nối vào thắt lưng của người thụ lễ với thắt lưng của thầy và trực tiếp dẫn người thụ lễ ra Ngo đài. Đến nơi, thầy cúng dẫn người thụ lễ đi xung quanh bàn thờ và Ngo đài, vừa đi vừa nhún chân để chào đón tổ tiên. Một thầy cúng khác cầm dao chém xung quanh bàn thờ và Ngo đài với ngụ ý xua đuổi các thế lực xấu xa, đen tối, định nhũng nhiễu, quấy phá buổi lễ và hại người thụ lễ. Thầy cúng làm các nghi lễ tẩy rửa lễ đàn, kẹp bông vào các kẽ tay của người thụ lễ và đưa người thụ lễ bước lên Ngo đài. Thầy cúng dùng dao cắt dây nối giữa hai người với ý nghĩa cắt rốn cho người con và dặn dò các nghi thức ngã đàn. Giờ phút thiêng liêng nhất trong đời người con trai Dao đã đến, người thụ lễ đứng trên Ngo đài, hai tay dang rộng trước sự chứng kiến của tổ tiên, họ hàng và dân bản. Sau hiệu lệnh của thầy cúng, người thụ lễ thả hết những sợi bông kẹp trong kẽ ngón tay xuống đất và chuyển sang tư thế ngồi trên Ngo đài, hai tay bắt chéo nhau và ôm lấy hai đầu gối giống như tư thế bào thai trong bụng mẹ, mặt luôn nhìn về hướng Nam bởi theo quan niệm của người Dao Quần chẹt, khi chết hồn được đưa về quê tổ ở hướng Bắc, khi sống phải quay về hướng Nam, hướng thiên di của dân tộc. Sau đó, thầy cúng đặt trước người thụ lễ bài vị ghi tên húy của người đó. Theo hiệu lệnh của thầy cúng, người thụ lễ ném bài vị xuống lưới, nếu hai mảnh của bài vị đều rơi úp là tốt, dự báo điềm lành. Các thầy cúng khác hỗ trợ việc phá cầu thang lên Ngo đài, thực hiện trò diễn đi săn và múa trong không khí vui nhộn với tiếng chiêng, trống rộn rã. Hết trò đi săn là trò tìm lưới để đỡ người thụ lễ khi ngã đàn. Dưới chân Ngo đài các thầy cúng một tay cầm dao xua đuổi ma xấu một tay cầm chén rượu chúc nhau, cùng cầu xin thần linh, trời đất và tổ tiên phù hộ cho lễ ngã đàn thành công. Lưới được đan bằng dây leo trong rừng, giăng lưới ở chân Ngo đài. Người thụ lễ phải giữ nguyên tư thế lúc ngồi, đôi tay cài vào nhau giơ lên ngang mặt và bắt đầu ngã đàn xuống lưới. Các thầy đỡ người thụ lễ ngồi dậy, cho tiền và cho ăn bánh, uống nước, tượng trưng cho sự hồi sinh của người thụ lễ. Tiếp theo, thầy cúng sẽ ghi tên người được cấp sắc vào tờ sớ, đóng dấu, đọc cho tổ tiên nghe rồi trao lại cho người được thụ lễ, trong đó ghi rõ lý lịch, giờ làm lễ và tên húy. Tờ sớ được làm thành hai bản, một bản gói trong mảnh vải trắng với một số đồng xu cổ trao cho người được cấp sắc giữ, khi chết đặt trên ngực mang theo; một bản thầy cúng hóa gửi tổ tiên. Sau đó, thầy cúng hô to tên của người thụ lễ để các thần linh, tổ tiên, họ hàng, bà con biết và thầy giao người thụ lễ cho tổ tiên, là hai người đóng ma mẹ và ma bố để dạy con săn bắn, biết phát nương làm rẫy. Kết thúc nghi lễ ngã đàn, người được cấp sắc cùng các thầy cúng và ma mẹ, ma bố trở vào nhà. Thầy cúng vào đàn lễ cầu khấn tổ tiên, cầu phúc cho người được thụ lễ gặp nhiều điều may mắn. Người đệ tử cầm trên tay đĩa gạo bốc gạo ném vào phía đàn lễ mời tổ tiên ăn cơm. Các thầy cúng khác cầm gạo ném lên đầu đệ tử thể hiện nghi lễ mở ruộng, mở nương, cầu mong người đệ tử của mình canh tác tạo ra nhiều thóc gạo. Người đệ tử tay rung chuông nhún nhảy, cúi chào tạ ơn tổ tiên trước đàn lễ.

Sau lễ ngã đàn là lễ xóa kiêng kỵ cho người được cấp sắc; lễ cúng mời thần linh và tổ tiên đi chơi chợ để chứng kiến cuộc sống và thành quả lao động của con cháu trong tiếng trống chiêng, múa hát của các thầy cúng, cộng đồng; lễ tiễn các thần linh ra về cùng với sự căn dặn của tổ tiên với người được cấp sắc, cũng là lời răn dạy cho tất cả mọi người. Lễ cấp sắc kết thúc, mọi người vui vẻ múa hát tiễn đưa ma tổ tiên và các thần linh về nơi ở cũ.

Lễ cấp sắc của người Dao Quần chẹt phản ánh bản sắc chế độ phụ quyền, đánh dấu sự trưởng thành của đàn ông trong cộng đồng người Dao, kèm theo đó là hệ thống các nghĩa vụ mà thành viên đó được và phải gánh vác. Lễ cấp sắc, ngoài việc công nhận sự trưởng thành của người đàn ông còn là dịp để người Dao tưởng nhớ đến tổ tiên, hiểu rõ hơn về cội nguồn dân tộc, từ đó nâng cao ý thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông trao truyền lại. Lễ cấp sắc là một trong những hoạt động phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Dao thông qua các điệu múa, lời hát, tranh vẽ, hình cắt giấy… Lễ cấp sắc giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Dao, giúp họ có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn, cùng hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đặc biệt, lễ cấp sắc còn là dịp để những người đàn ông Dao cùng các thành viên trong cộng đồng hiểu rõ và thực hiện tốt hơn đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, hiếu thuận với cha mẹ, làm việc thiện, tránh điều ác… Qua lời cúng, lời hát, lời kể và các tích truyện được các thầy cúng thể hiện khi hành lễ cấp sắc, người thụ lễ và người dự lễ có dịp hiểu rõ hơn về lịch sử cội nguồn dân tộc, mỗi người thêm tự hào về bản thân, về nguồn gốc tộc người. Từ đó mỗi thành viên trong cộng đồng tự nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống tinh thần phong phú và phát triển hơn, tạo nên sức mạnh to lớn vượt mọi khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Với giá trị tiêu biểu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ Cấp sắc (Tủ cải) của người Dao Quần chẹt vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 255/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020.

Dương Anh

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website