Ngày 25 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Lễ cấp sắc của người Dao Tiền, tỉnh Phú Thọ

Lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được gọi là “Cấp sắc”, hay “Lập tĩnh”, nghĩa là đặt tên âm hay tên cúng cơm cho nam giới, đánh dấu sự trưởng thành của họ về mặt sinh lý cũng như xã hội, được cộng đồng thừa nhận, được hưởng quyền lợi của mình trong xã hội, được công nhận là con cháu của Bàn Vương và mới đủ điều kiện để trở thành thầy cúng.

 

Lễ cấp sắc còn là lễ trình báo Tổ tiên biết một thành viên nhập vào dòng họ có nghĩa vụ nối dõi và làm tròn phận sự của mình. Nếu không được đặt tên dù người đó có sống 100 tuổi thì cộng đồng người Dao Tiền vẫn coi họ chưa trưởng thành, khi đi ăn cỗ được xếp ngồi với các trẻ em, các cô gái không thích và không lấy những người chưa đặt tên, đặc biệt, họ không được phép làm lễ cầu thành hoàng, thổ địa, các vị thánh thần của dân tộc Dao, khi mất không được đánh trống, chỉ làm cúng đưa về cho bà mụ.

Theo truyền thuyết, xưa người Dao sinh sống ở vùng núi cao, cây cối rậm rạp, bị ma quỷ giết hại bà con, ăn thịt vật nuôi, phá hoại mùa màng. Ngọc Hoàng liền kêu gọi người trần gian cùng với quân nhà trời đánh đuổi ma quỷ để cứu mọi người, nhưng vì người trần không có phép thuật nên đều bị thua. Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp cho một đạo sắc chỉ, phong thầy, để cùng với quân nhà trời trừ yêu quái. Nhờ có sự hiệp lực giữa trời và người mà tất cả ma quỷ đều bị tiêu diệt. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông đã lập gia đình có lòng muốn giúp dân trừ họa. Từ đó, lễ cấp sắc người Dao Tiền ra đời, được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.

Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đan xen với tư tưởng Đạo giáo và Nho giáo đã được “bản địa hóa”. Sự kết hợp này thể hiện với sự tham gia của 2 thầy cúng, một bên đại diện cho sư giáo (bên văn) và đạo giáo (bên võ) mới đảm bảo cho nghi lễ được thực hiện thành công. Lễ cấp sắc có nhiều cấp bậc, cao nhất là đại lễ cấp sắc mười hai đèn, nhưng phổ biến nhất trong cộng đồng Dao Tiền là Lễ cấp sắc ba đèn. Thầy cấp sắc 3 đèn có 36 quân binh, được thầy đưa đến để bảo vệ thầy, chứng kiến và bảo vệ Lễ cấp sắc cho học trò. Học trò cấp sắc xong cũng có 36 quân binh giống như thầy. Số lượng tranh thờ được treo gồm 6 bức, mỗi thầy mang đến 3 tranh thờ. Hệ thống tên đệm của người Dao Tiền dành cho người cấp sắc trong gia đình, dòng họ gồm có 12 loại tên âm: Dào, Triểm, Chuần, Hí, Trán, Phú… Đời ông cụ tên đệm cấp sắc là Dào, đời ông nội tên đệm là Triểm, đời bố tên đệm là Chuần, đời mình là Hí, con mình tên đệm là Trán, cháu mình tên đệm là Phú.

Theo phong tục truyền thống của người Dao Tiền, khi người con trai từ 9 - 12 tuổi trở lên, gia đình phải chuẩn bị tổ chức Lễ cấp sắc cho con, thể hiện trách nhiệm của bố mẹ đối với con cái. Đồng thời mong muốn sau Lễ cấp sắc, người con trai là người trưởng thành, được tổ tiên, làng xóm công nhận, tôn trọng, mọi việc trong cuộc sống luôn may mắn, thuận lợi. Để tổ chức Lễ cấp sắc, gia đình phải chuẩn bị về mặt kinh tế (trước 1 - 2 năm), lương thực, thực phẩm; nhờ thầy cúng chọn ngày tổ chức; mời thầy và anh em đến giúp và các công việc khác liên quan trong quá trình tổ chức lễ cúng.

Một trong những công việc quan trọng là gia đình phải nuôi một đôi lợn để làm lễ cúng Bàn Vương (Bàn Hồ) và các vị thần linh. Trong quá trình nuôi lợn, gia đình phải ứng xử, đối đãi tốt với con lợn như với con cái trong gia đình, không được mắng chửi, phải cho ăn những thức ăn ngon, không được để lợn đói... sợ sau này thần linh quở trách. Lợn dùng trong Lễ cấp sắc phải từ 80 kg đến trên 150 kg trở lên, sau lễ cúng một phần con lợn được biếu cho các thầy cúng để trả công.

Gần đến ngày tổ chức Lễ cấp sắc, gia đình phải mời anh em trong họ hàng đến gia đình để bàn bạc, giúp đỡ làm một số công việc trong Lễ cấp sắc như: đi đón thầy cúng, làm chủ bếp, sắp lễ, làm giấy tiền...cụ thể:

+ Dọn dẹp không gian, địa điểm tổ chức Lễ cấp sắc, thường tổ chức tại gian giữa để lập bàn thờ sư phụ cho hai thầy, các vị thần linh, ma ngoài nhà về chứng kiến Lễ cấp sắc của gia đình. Trên bàn chia thành hai mâm lễ (cho sư phụ thầy cả và sư phụ thầy phụ). Phía trên mâm lễ sư phụ của hai thầy, người Dao Tiền lập đàn treo 6 tờ tranh do hai thầy mang đến.

+ Chuẩn bị tiền giấy và tiền xu: 6 người đàn ông người cắt giấy, người in giấy hình con ngựa trên khuôn gỗ, người bọc giấy ngựa và giấy tiền vàng, người đục hoa văn trên giấy hay còn gọi là đóng dấu tiền để giao cho sư phụ, tổ tiên, Bàn Vương. Đồng thời, gia đình còn phải chuẩn bị: 01 đôi nạo bạt (bằng đồng); 01 đôi quẻ âm dương bằng gốc trúc hoặc gỗ; 01 quả chuông đồng; 01 chiếc tù và (bằng sừng trâu); 01 thẻ lệnh bằng gỗ vót cong trên thân khắc chữ Nôm Dao; 01 ấm nước và chén; 01 bát hương; 01 bọc gạo bên trong có 2 hào bạc trắng; 01 bộ trang phục truyền thống gồm mũ, áo, quần, xà cạp cho người cấp sắc; rượu hoẵng, bánh và các loại thực phẩm phục vụ ăn uống trong thời gian gia đình tổ chức lễ cúng. Tiền xu là loại đồng tiền cổ có lỗ vuông ở giữa, chất liệu bằng đồng được người giúp xiên buộc vào một dây đem bọc vào tấm vải trắng để bày trên mâm lễ của hai thầy.

+ Chuẩn bị mổ lợn, gói bánh để cúng, làm cơm để mời thầy và các khách đến dự Lễ cấp sắc được thực hiện vào buổi sáng của ngày lễ chính. Khách đến thường giúp đỡ gia chủ một chai rượu, vài cân gạo...

Lễ cấp sắc của người Dao Tiền được tổ chức thường kéo dài ba ngày, hai đêm với nhiều nghi lễ như: Lễ hẹn “Giặm hẹn” (hứa với tổ tiên, sư phụ, Bàn Vương sẽ làm lễ lập tĩnh); Lễ đón thầy “đăng sờ” để tổ chức lễ hợp sư (thầy cúng mang theo đạo cụ và tranh thờ đến nhà gia chủ); Thầy xin phép tổ tiên đưa binh mã “Chiết panh” vào và chia binh mã trong nhà để làm cấp sắc (xin phép rước binh mã của các thầy vào trong nhà để nhập vào bàn thờ, tranh thờ để lễ cấp sắc được tốt đẹp, thuận lợi); Lễ khai đàn treo tranh “Mảng Miên” (với ý nghĩa để cho binh mã nhập vào tranh thờ, cùng tranh thờ chứng kiến và bảo vệ cho thầy và trò, người dân trong Lễ cấp sắc, gồm 6 tranh, mỗi thầy cúng chính có 3 tranh: Lình Pớ/tranh ông Thiện, Lình Sị/tranh ông ác, Tồ Tá/tranh ông Ba, ông thánh hiền lành nhất; dưới mép tranh treo hai lá ảnh thánh Triệu Tiên Sư và Lý Tiên Sư; hoặc có thầy cúng cho biết mỗi thầy có 3 bức tranh: “Miên Sí” có nhiệm vụ giống như Thiên Lôi (thần sấm), “Miên Tè” có nhiệm vụ làm ông thầy, sư phụ của các thần, thánh, “Miên Muổn” có hình ảnh của ba ông Tam Thanh); Xòe (nhảy múa điệu Nhảng miên giảng, dân bản - ông chủ các gia đình hoặc các cụ ông và thầy cúng thực hiện các điệu múa đồng khởi “là miến giảng”, trong đó, độc đáo nhất là nghi thức soi sáng tâm hồn và thể xác cho học trò, thời điểm diễn ra từ lúc 2 - 4 giờ sáng); Lễ mời tổ tiên chứng dám và lễ cúng sư phụ (tổ sư thầy cúng) để làm lễ đặt tên âm cho học trò; Lễ đặt tên; Nghi lễ dâng hương hay còn gọi là Cấp bát hương “piêu hòm hoang” (học trò được cấp bát hương, được công nhận là người trưởng thành, từ nay trở đi được quyền truyền dạy cho các học trò nếu làm thầy cấp sắc, làm chủ gia đình được quyền thắp hương thờ cúng tổ tiên); Nghi lễ cấp đèn “Sao tang” (thầy mo con đặt đèn lên vai trái học trò, thầy mo cả đặt đèn lên vai phải học trò, thầy bố đặt đèn lên đỉnh đầu con trai; học trò được hướng dẫn tập làm thầy, được cấp âm binh, lương thực, được giao ống tranh, gậy thần để sau này trò được làm thầy cúng); Học trò sau khi cấp sắc được các thầy dẫn đi chèo (múa), Lễ đưa ma đồi (thầy mo thực hiện giao bánh mời các ma đồi, ma bên ngoài nhà, thành hoàng… vào nhận bánh và không được làm hại làm xấu ảnh hưởng đến học trò cấp sắc; thầy thực hiện các điệu múa trèo đồi tiễn ma/múa lên đồng; mời 3 cô gái đồng trinh đến hát làm vui tổ tiên, sư phụ của thầy cúng - các bài hát kể về nguồn gốc người Dao, sự tích các đồ vật trong gia đình, các hiện tượng tự nhiên như trăng, sao…); Lễ cúng mời Bàn Cổ (ông tổ của người Dao) về nhà chứng kiến Lễ cấp sắc cho học trò; Lễ cúng tạ lễ tổ tiên và kết thúc nghi lễ, công nhận sự trưởng thành cho thành viên nam.

Trong các nghi lễ, thầy cúng và cộng đồng vẫn duy trì, thực hành nhiều diễn xướng dân gian như: các điệu múa, bài hát; nghệ thuật cắt giấy… được truyền lại từ bao đời nay.

Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, từ thơ ca, âm nhạc, biểu diễn, tạo hình... mỗi thể loại đều gắn liền với câu chuyện, sự tích các vị thần linh. Lễ cấp sắc góp phần minh chứng về nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển của người Dao Tiền nói riêng và của cộng đồng người Dao tỉnh Phú Thọ nói chung, quá trình di cư của người Dao vào Việt Nam. Lễ cấp sắc còn phản ánh sinh động những phong tục, tập quán, đời sống kinh tế của người Dao Tiền trước đây, với các nghi lễ cúng cầu mùa, cúng gọi hồn các loại giống cây trồng, vật nuôi, đến các bài múa, bài hát kể về quá trình lao động, sản xuất để tạo ra các hạt thóc, hạt lúa, các công cụ để làm ra các vật phẩm dâng cúng thần linh. Lễ cấp sắc của người Dao Tiền mang đậm giá trị nghệ thuật, bảo lưu nghệ thuật diễn xướng phong phú (24 điệu múa, các bài hát với 36 làn điệu khác nhau, 24 - 36 câu chuyện); âm nhạc đa dạng về nội dung và hình thức (trống, chiêng, tù và, thanh âm dương); nghệ thuật tạo hình (tranh thờ, cắt giấy đồ mã). Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là một biểu tượng văn hóa tổng hợp và phong phú, có giá trị trong việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử tộc người, phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống của cộng đồng người Dao Tiền. Lễ cấp sắc luôn đóng vai trò là cầu nối, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau giữa các thành viên, tạo nên sự cố kết trong cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ cấp sắc của người Dao Tiền vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 258/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020./.

Dương Anh

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website