Ngày 22 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Lễ Hết Chá của người Thái

Người Thái quan niệm mọi vật đều có linh hồn, nên với bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong cuộc sống, họ đều có các nghi lễ hóa giải. Lễ cho người làm nghề mo chang với những tên gọi khác nhau: Hết Chá (người Thái trắng, Mộc Châu), Xên Lẩu Nó (người Thái đen), Kin Pang Then (người Thái trắng, Quỳnh Nhai)… là một trong số rất nhiều nghi lễ của người Thái ở Mộc Châu, Sơn La.

Từ xa xưa, người Thái nói chung và người Thái Mộc Châu nói riêng, mỗi khi bị bệnh, ngoài nhờ bốc thuốc nam chạy chữa, còn nhờ thầy mo đến cúng. Một số thầy mo, vừa làm lễ cúng cầu thần linh, vừa biết bốc thuốc chữa bệnh. Mang ơn thầy mo, những người được chữa khỏi bệnh thường xin được làm con nuôi. Thầy mo thường làm lễ tạ ơn (Lễ Hết Chá) để con nuôi dâng lễ tạ ơn, đồng thời là dịp làm lễ cầu cho các con nuôi, dân bản năm mới khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, súc vật sinh sôi nảy nở.

Lễ Hết Chá được tổ chức hàng năm, theo dương lịch, vào ngày 26 tháng 3, khi hoa ban, hoa mạ nở. Lễ được tổ chức trên một khu đồi gần trung tâm bản. Thầy mo thông báo thời gian làm lễ cho các con nuôi, gia đình họ hàng ở các nơi, đội xòe và bà con trong bản cùng tham dự.

Chuẩn bị cho nghi lễ, bà con trong bản cần 20 sải vải thổ cẩm, 20 sải vải bông địa phương, lương thực, thực phẩm... Đàn ông lên rừng chặt tre dựng cây nêu (xẳng chá), lấy cây giang già về chẻ nan; phụ nữ ghép trống, đẽo thuyền, làm hoa, đan các con vật nhuộm màu đỏ, vàng, xanh để treo lên cây nêu. Vật treo gồm: 17 trống to, 12 trống nhỏ làm bằng len, 20 trống làm bằng gỗ (cống mạy), 20 thuyền gỗ (chắn đôi), 20 con ếch đan bằng tre (tô cốp), 20 con chim đan bằng tre (tô nộc), 20 quả còn nhỏ, 1.200 con ve sầu đan bằng tre (tô chắc chắn), 400 bông hoa trắng, hoa vàng (pó píp), 5 sải vải khít... Cây nêu là thân tre bương già to, dài 3m, không bị sâu bệnh. Thân cây đục 5 tầng lỗ để cắm các cành tre treo hoa, chim muông, ve sầu, quả còn... Gốc cây nêu ghép 4 thanh gỗ làm thành chân đế, đan 4 phên xếp thành hình vuông và quây vải thổ cẩm màu đỏ, bên cạnh đặt 2 chum rượu cần.

Thầy mo mời 4 đến 7 đôi trai gái (báo sạo) xinh đẹp, hoạt bát, gia đình có đầy đủ bố mẹ, hoà thuận, yên ấm, đến giúp việc hành lễ (báo sạo chá): sử dụng nhạc cụ, múa xòe và tham gia diễn trò. Họ chuẩn bị các nhạc cụ phục vụ cho nghi lễ như: một tấm ván gỗ, 6 đoạn tre nhỏ dài 0,7m và 2 ống tre bương to dài 1,1m dùng làm nhạc cụ, dỗ ống tre xuống ván gỗ phát ra âm thanh như trống gọi là “báng bụ”, 1 trống da trâu, 1 bộ chiêng, 1 bộ chũm chọe. Ngoài ra, còn có một số đạo cụ khác như: đó cá, cày bừa, gươm, dao, thúng mẹt, trống, thuổng, xẻng, sọt hái măng, cần câu... phục vụ cho các trò diễn. Tất cả những người tham dự đều mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, thắt khăn thổ cẩm màu đỏ rực rỡ.

Trước ngày lễ, gia đình thầy mo cúng tổ tiên xin phép tổ chức lễ Hết Chá. Sáng ngày lễ, thầy mo, trong vai trò vừa là chủ lễ vừa là thầy cúng chính, chuẩn bị mâm lễ gồm: ngan, gà, lợn, xôi, rượu, vải khít, vải bông trắng địa phương… mang ra cây nêu cúng dâng thần linh. Các thầy cúng mang theo các đồ nghề trừ ma và thể hiện uy phong của mình như: thanh kiếm, quạt mo, 2 khăn mặt, sợi chỉ trắng đỏ se lại tượng trưng cho dây thừng buộc voi, miếng vải bông dài 1m, sáo mo, túi thổ cẩm đựng 3 - 7 đồng tiền xu. Bắt đầu nghi lễ, thầy mo hát Chá giới thiệu với tổ tiên, sư phụ đã khuất về việc làm Chá của gia đình mình trong năm, mong muốn được phù hộ công việc suôn sẻ và hát bài “Xên Chá” mời sư phụ “Phị mun” từ trên trời xuống trần gian chứng kiến. Để cúng Chá, thầy mo đọc các bài cúng có nội dung khác nhau nhưng chung một chủ đề: Mời sư phụ trên trời xuống trần gian xem con người ăn ở, làm việc và cư xử với nhau để răn dạy con người từ cách làm ăn, đối nhân xử thế, yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn, cùng vui với niềm vui chung của bản mường. Sau lời mời sư phụ, thầy mo đốt nến cắm vào ngọn kiếm, tay cầm quạt, vác kiếm đứng dậy đi về bên mâm lễ mặn, giơ kiếm gắn nến soi một vòng quanh cây xẳng chá để kiểm tra rồi quay về mâm lễ chay ngồi niệm bài chú. Thầy mo nhập tâm, “thoát xác lên trời” mời sư phụ xuống nhập vào 2 thầy cúng phụ “lãm”. Đội giúp việc nổi nhạc tắng bụ theo nhịp 2/4, 4/4. Hai ông lãm nhảy theo nhịp đấu kiếm, ông hề tay cầm mẹt đập theo nhịp tắng bụ ra cổ vũ. Hết đấu kiếm, ông lãm cầm khăn nhảy qua xẳng chá, ném cho các đôi trai gái, từng lượt nhảy múa theo nhịp tắng bụ quanh xẳng chá 3 vòng. Thầy mo dẫn sư phụ đi duyệt xẳng chá, vác kiếm đi theo nhịp tắng bụ, đến gốc cây xẳng chá dừng lại uống rượu cần, xem cây.

Con nuôi ở khắp bản trên, mường dưới lần lượt đến tặng quà “sống chướng liểng” như: gạo, gà, cá nướng, xôi, trứng, rượu trắng,… Thầy mo đang nhập hồn, cởi áo, đầu quàng khăn mọ mun, thử tấm lòng của con nuôi bằng cách lấy mũi kiếm chọc vào gói quà và đưa lên tai để nghe ngóng. Nếu ở nhà, con nuôi nào nói xấu bố nuôi, ông sẽ nói lại cho các con nuôi nghe, nhưng không nói tên ai, mà để người con đó tự suy nghĩ. Con nuôi nào thực lòng yêu quý bố nuôi, thì khi ông chọc mũi kiếm vào gói quà, đưa lên môi nếm sẽ gật đầu cười. Sau đó, ông dạy bảo con nuôi. Lời cúng thể hiện bằng hát dân ca, gọi là khắp chá, với làn điệu lúc vui nhộn, khi du dương sâu lắng, rạo rực, đệm thêm tiếng sáo mo “pí mun”.

Nghi lễ kết thúc, mọi người cùng vui chơi các trò diễn dân gian có nội dung mang tính nhân văn dí dỏm có tính giáo dục cao, như:

- Trò trâu tập cày: thể hiện mong ước của người nông dân về con trâu cày tốt và mùa màng bội thu… cả trâu (do người đóng giả) và người vừa cày, vừa làm trò gây cười cho mọi người.

- Trò thi nấu canh trứng: giữa nàng tiên “nang manh” (do ông lãm đóng giả, váy áo xộc xệch) với cô gái trần gian, nàng tiên vụng về đánh đổ cả canh.

- Trò xúc cá: phê phán người phụ nữ lười biếng, không chung thủy với chồng, bị dân bản khinh thường.

Ngoài ra, còn có các trò chơi như: rủ nhau đi hái măng rừng, câu cá… Sau mỗi trò diễn, bà con lại xòe chá quanh cây nêu.

Lễ Hết Chá mang tính cộng đồng cao, tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái, nâng cao đời sống... Nghi lễ còn là sự nhắc nhở con người về tinh thần uống nước nhớ nguồn, hài hòa trong các mối quan hệ ứng xử với thiên nhiên và xã hội; bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, tri thức dân gian về chữa bệnh, trong canh tác...

Với những giá trị đặc biệt trên, Lễ Hết Chá được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định  số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015.

Liên kết website