Lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú
Vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận được tạo dựng vào năm Nhâm Ngọ (1762), là ngôi vạn được ra đời sớm, có quy mô, kiến trúc bề thế so với các lăng vạn khác ở Bình Thuận. Cũng như những lăng vạn khác, nơi đây thờ phụng cá Ông (cá Voi), các vị Hải Thần, Thủy tổ nghề biển và là thiết chế văn hóa truyền thống, tín ngưỡng ngư nghiệp của ngư dân ven biển vùng đất Phan Thiết.
Hiện nay, tại vạn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn trên 100 bộ xương cốt Ông, trong đó có hàng chục bộ xương lớn với niên đại trên 250 năm, thể hiện lòng tôn kính của các thế hệ ngư dân làng Thủy Tú đối với “Ông”. Đặc biệt, vạn còn lưu giữ bộ xương cá Ông có xương hàm dài 2,7m, rộng 1m; xương sườn dài 1,4m; xương sọ dài 2,28m, cao 1,12m và toàn thân dài 22m, nặng khoảng 64 tấn. Bộ xương cá Ông này đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Phan Thiết đầu tư kinh phí và phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang nghiên cứu lắp ráp nguyên trạng, xây dựng Nhà Trưng bày giới thiệu cho du khách trong khuôn viên vạn Thủy Tú từ năm 2003 đến nay; năm 2005, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập đây là bộ xương cá Voi lớn nhất Việt Nam.
Tại vạn Thủy Tú hàng năm diễn ra 3 kỳ lễ hội chính, cụ thể: Lễ hội Cầu ngư đầu mùa diễn ra vào ngày 20 tháng Tư Âm lịch; Lễ hội Cầu ngư chính mùa diễn ra vào ngày 19 – 22 tháng Sáu Âm lịch (trong đó, tổ chức lễ hội Cầu ngư theo nghi thức Đại lễ là quan trọng nhất, định kỳ 3 năm đáo lệ cúng chay một lần); Lễ hội Cầu ngư mãn mùa diễn ra vào ngày 23 tháng Tám Âm lịch.
Lễ hội Cầu ngư chính mùa được xem là lễ hội biểu hiện đầy đủ các giá trị về bản sắc, nét đặc trưng của lễ hội văn hóa miền biển, với đầy đủ các nghi thức lễ, các thành phần tham gia thực hành nghi lễ, lễ vật dâng tế, diễn ra trong thời gian 3 ngày và nếu có tổ chức hát Bội thì kéo dài khoảng 5 ngày. Còn lễ hội Cầu ngư đầu mùa và lễ hội Cầu ngư mãn mùa được thực hiện đơn giản hơn, thành phần tham gia thực hành lễ hội ít hơn và chủ yếu là Ban Nghi lễ gồm Chánh bái, Bồi bái và Chấp sự tham gia thực hiện các nghi lễ cúng tế Thần Nam Hải, tưởng nhớ các bậc Tiền hiền có công với làng.
Về lễ hội Cầu ngư chính mùa, trước khi diễn ra lễ hội, cộng đồng cư dân thực hiện nghi lễ Trần thiết, quét dọn, lau chùi, trang trí vạn…, bày lễ vật lên các khám thờ và dâng hương khấn báo Thần Nam Hải và tổ tiên, ông bà linh ứng chứng giám và cho phép dân làng được tổ chức lễ hội Cầu ngư theo tập tục truyền thống.
Nghi lễ Nghệ sắc được xem như nghi thức mở đầu của lễ hội Cầu ngư chính mùa diễn ra vào 5 giờ sáng ngày 19 tháng Sáu Âm lịch với sự tham gia của Ban Nghi lễ, Ban Phụng sự lễ hội, đội nhạc lễ, các vị hào lão trong vạn cùng đông đảo dân làng tại Chính điện. Ông Chánh bái, Bồi bái và Trưởng vạn đứng trước khám thờ Ông Nam Hải, khấn báo và cầu xin Ông cho phép bổn vạn được thỉnh 24 sắc Thần (sắc phong của các nhà Vua triều Nguyễn ban cho Ông Nam Hải và các vị thần linh). Các hộp sắc phong được đưa từ trên cao phía sau khám xuống đặt trước khám thờ Ông Nam Hải. Ông Trưởng vạn là người mở hộp sắc đầu tiên, tiếp đó là Chánh bái, Bồi bái và những người trong Ban Nghi lễ lần lượt mở các hộp sắc còn lại. Việc mở các hộp sắc phong chỉ mang tính nghi thức, được thực hiện hết sức nhẹ nhàng và cẩn trọng, sau đó được đặt trở lại vào hộp và bọc lớp vải nhung đỏ như ban đầu. Tiếp đó Ban Nghi lễ lần lượt đặt các hộp sắc phong lên các khám thờ (sắc phong của vị Thần nào được đặt lên đúng khám thờ của vị Thần đó).
Sau lễ Nghệ sắc là nghi lễ cung nghinh Ông Sanh Thủy lục, nghi lễ nghinh rước Thần Nam Hải (cá Voi) từ biển khơi về vạn để chứng giám và thụ hưởng lễ hội. Đây là nghi lễ được thực hiện long trọng và quy mô nhất trong lễ hội Cầu ngư chính mùa. Trong nghi thức này, vạn phải tổ chức một đoàn thuyền lễ, trên có cờ, lọng, hương án, chiêng, trống, đội nhạc lễ và đội chèo Bả trạo ra khơi làm lễ để nghinh rước linh hồn Ông Nam Hải từ biển khơi về vạn chứng giám, hưởng lễ và phù hộ độ trì cho những người lao động trên biển có một mùa cá bội thu, tránh tai nạn rủi ro hướng tới cuộc sống no ấm và sung túc. Đoàn lễ đi bộ từ vạn xuống bến cảng, không đánh chiêng trống, chơi nhạc cổ và múa hát chèo Bả trạo. Toàn bộ những người trong đoàn lễ lên thuyền lễ chính để ra khơi, các ghe thuyền còn lại chở bà con ngư dân ở vạn Thủy Tú và các lăng vạn khác hộ tống thuyền lễ chính ra khơi làm lễ cung thỉnh Ông Nam Hải về vạn. Đoàn lễ ra cách bờ khoảng 2 - 3km, đến vùng biển lặng sóng êm thì dừng lại để thực hiện nghi lễ cung nghinh Ông Sanh Thủy lục. Ông Chánh bái dâng hương đèn lên hương án, các khí cụ lần lượt được gióng lên từng hồi theo trình tự, đội chèo Bả trạo vác mái chèo đứng hầu ở hai bên mạn thuyền lễ. Lễ nghinh Ông Sanh do một Nhà sư làm chủ lễ và 2 ông Chánh bái, Bồi bái làm phụ lễ, thỉnh cầu Ông Nam Hải từ biển khơi về chứng giám, hưởng lễ; các thuyền khác giãn ra xung quanh để hầu lễ. Đại diện Ban Nghi lễ đọc văn tế cung nghinh Ông Nam Hải và các vị Thủy Thần ngoài biển, sau văn tế được hóa và rải xuống biển. Lúc này đội Bả trạo vừa hát vừa diễn xướng mái chèo theo các làn điệu dân gian tạo nên một không khí hồ hởi, vui tươi và nhộn nhịp để đón chào và cung thỉnh Ông Nam Hải.
Đoàn thuyền lễ nhổ neo tiếp tục lướt sóng ra khơi thêm một đoạn nữa, đội Bả trạo liên tục diễn xướng những làn điệu dân gian truyền thống để cung nghinh Ông về vạn. Theo các lão ngư ở Phan Thiết, trước chiến tranh, trong nghi thức tổ chức tàu thuyền ra khơi cung nghinh Ông Sanh thường có rất nhiều Ông (cá Voi) tập trung tề tựu quanh thuyền lễ chứng giám và theo về tận bờ như thấu hiểu được tấm lòng thành kính và nỗi ước ao của người dân lao động biển.
Đoàn lễ cung nghinh Ông Sanh trở về vạn, vào đến cổng chính, đội Bả trạo trong tư thế quỳ để diễn xướng các vũ điệu và hát thỉnh mời Ông vào vạn. Đoàn lễ thỉnh hương án Ông vào gian trưng bày bộ xương cá Ông lớn nhất ở phía trước vạn Thủy Tú, đội Bả trạo tiếp tục thực hiện các vũ điệu trong tư thế ngồi chèo, đứng chèo và di chuyển xung quanh bộ xương cốt Ông ở gian trưng bày. Hương án Ông đưa trở về khám thờ yên vị trong Chính điện, đội Bả trạo tiếp tục diễn xướng, hát múa ngay trước Chính điện với những làn điệu vô cùng độc đáo, phong phú và hấp dẫn để mừng Ông. Đội Bả trạo hát múa, chèo hầu mừng khoảng nửa giờ là kết thúc, đến đây nghi lễ cung thỉnh Ông Sanh Thủy lục coi như đã hoàn tất. Tuy nhiên, nghi thức thỉnh ông Sanh ngoài biển lâu nay ít thực hiện, thay vào đó chỉ tổ chức đoàn lễ ra bờ biển thực hiện nghi thức rồi quay về vạn.
Ngoài ra còn có nghi lễ Khai kinh thỉnh chư vị Thủy Thần và Tiền hiền; Nghi lễ Thỉnh Thập điện và Cầu siêu cho chư vị hương linh; nghi lễ Phóng sanh chim, cá được thực hiện ngay trước cổng chính của vạn; Nghi lễ phóng đăng được thực hiện ngoài khơi cầu đánh bắt nhiều cá cho ngư dân; Nghi lễ cầu quốc thái dân an; Nghi lễ Khai xá thuyền rồng (tượng trưng cho thuyền của Bà Thủy Long thánh phi nương nương tôn thần); Nghi lễ Khai đàn chẩn tế âm linh (lễ cúng Thí thực); Nghi lễ Khai diên hát Bội; Nghi lễ Thả thuyền rồng trên biển sau nghi lễ Khai xá, mang những phẩm vật và tấm lòng thành của ngư dân đến với những oan hồn trên biển; Nghi lễ Chánh lễ tế thần và lễ tế Tiền vãng; Nghi lễ Nghệ sắc hồi đình hoàn mãn
Lễ hội Cầu ngư là không gian hội tụ các yếu tố mang đậm sắc thái văn hóa biển, trong đó chứa đựng cả giá trị văn hóa tâm linh, những bài học về cách thức ứng xử với môi trường biển và là một phần của cội nguồn văn hóa dân tộc. Nội dung của các nghi lễ, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian không chỉ diễn đạt về cách thức ứng xử với biển, nguồn lợi thủy sản mà biển mang lại, mà ở đó người ta nhận thấy những giá trị được đúc kết từ các loại hình di sản văn hóa mang đầy đủ diện mạo văn hóa biển và phản ánh cuộc sống lao động mưu sinh trên biển của ngư dân, để từ mối quan hệ với tự nhiên đó đã phản chiếu mối quan hệ và cách thức ứng xử với môi trường xã hội.
Lễ hội Cầu ngư phản ánh đặc trưng của tín ngưỡng ngư nghiệp, thể hiện khát vọng chính đáng của ngư dân cầu mong cho hoạt động kinh tế biển bình an và được mùa; lòng biết ơn biển, trong đó cá Ông và các vị hải thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là chỗ dựa để họ đặt niềm tin và an tâm khi lao động trên biển. Giá trị của lễ hội hướng về cội nguồn, duy trì phong tục tập quán truyền thống, bảo tồn và phát huy nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng ngư dân các làng chài.
Lễ hội Cầu ngư vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn với hoạt động ngư nghiệp của ngư dân, vừa là nơi lưu giữ phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần trước cuộc sống lao động vất vả, mệt nhọc, đầy hiểm nguy trên biển cả bao la. Lễ hội cũng là nơi cố kết cộng đồng, tinh thần hòa hợp và niềm tin tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông; nơi biểu hiện mạnh mẽ với ý thức về tinh thần đoàn kết, để mọi người trong cộng đồng hướng về cội nguồn lịch sử, văn hóa truyền thống, tổ tiên, tưởng nhớ công ơn những người đã có công khai phá đất đai, lập làng và xây dựng lăng vạn. Lễ hội góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh; là nơi để những người cùng chung ngành nghề, sinh kế có dịp gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong nghề nghiệp, củng cố tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, gặp bất trắc khi đang lao động trên biển và chia sẻ vui buồn trong cuộc sống; thể hiện vai trò giáo dục về nhân cách, đạo đức, tâm hồn và truyền thống văn hóa dân tộc.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4614/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.
Dương Anh
Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa