Ngày 12 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội chùa Keo

Chùa Keo, tên chữ là Thần quang tự, Nghiêm quang tự, là ngôi chùa tiền Phật, hậu Thánh (thiền sư Không Lộ). Theo truyền thuyết, ông họ Dương, húy là Minh Nghiêm, người làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh.

Thiền sư sinh ngày 14 tháng Chín năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Lý Thái Tổ. Lớn lên Ông theo học đạo thiền, kết bạn với Giác Hải, Đạo Hạnh rồi cùng về tu ở chùa Diên Phúc, phủ Hải Thanh. Sau khi dựng chùa Nghiêm Quang, pháp thuật của sư Không Lộ ngày càng cao, bay trên không, đi dưới nước, bắt rồng phải hàng, hổ phải phục,… Năm Bính Ngọ (1066) đời vua Lý Thánh Tông, ở điện Liên Mộng (tức điện Tử Cổn), vua đang ngự điện bỗng thấy trên xà nhà có tiếng hai con tắc kè kêu, vua liền sinh bệnh, thầy thuốc chữa không khỏi. Triều đình sai đem hơn 50 người đi thuyền đến tịnh xá mời sư Không Lộ và sư Giác Hải về kinh chữa bệnh cho vua. Sau khi chữa khỏi bệnh cho vua, sư Không Lộ được trọng thưởng 1.000 lạng bạc, 500 khoảnh ruộng và được phong là Quốc sư. Ngày 3 tháng Sáu năm Giáp Tuất (1094), sư Không Lộ hóa, thọ 79 tuổi.

Qua tham khảo tài liệu và điều tra thực địa của các nhà nghiên cứu cho thấy, chùa Nghiêm Quang sau đổi là chùa Thần Quang được xây dựng vào thời Lý, tại ấp Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) ở hữu ngạn sông Hoàng (Hồng Hà).

Năm Tân Hợi (1611) xảy ra lũ lụt lớn, chùa trôi mất, dân ấp Keo cũ phải dời đi hai nơi (Hành Cung và Dũng Nhuệ). Dân làng Hành Cung chuyển về mạn Đông Nam hữu ngạn sông Hoàng, đời Minh Mệnh (1820 - 1840) đổi là Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Dân làng Dũng Nhuệ sang tả ngạn sông Hoàng về phía Đông Bắc, đời Tự Đức (1848 -1883) đổi thành Dũng Mỹ, đời Thành Thái (1889 - 1907) đổi là Hành Mỹ, nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Sau cuộc chuyển cư của người ấp Keo, dân Dũng Nhuệ bên tả ngạn tiến hành một cuộc vận động lớn xây dựng lại chùa Thần Quang, tức chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình hiện nay. Hàng năm, làng Keo hai lần mở hội: Hội vui xuân và Hội mùa thu (là lễ trọng lớn nhất trong năm của làng).

Để tổ chức lễ hội, dân làng chuẩn bị lễ vật dâng cúng chu đáo từ trước ngày diễn ra lễ hội, với những sản vật quen thuộc của địa phương như: xôi, rượu, hoa quả, bánh chưng... Tất cả các lễ vật này được người dân lựa chọn công phu, chọn người có uy tín, gia đình đầy đủ, không có bụi, làm ăn thuận lợi để thực hiện công việc làng giao.

Ngoài lễ vật dâng cúng, người dân còn chuẩn bị cho các hoạt động khác diễn ra trong lễ hội, cụ thể:

* Lễ hội vui xuân

Cũng giống như lễ hội mùa xuân của các địa phương khác, chùa Keo tổ chức lễ hội diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng để nhân dân đến cúng Phật và tham gia các trò vui: thi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm; nay, các trò này không còn được tổ chức nữa.

* Lễ hội mùa thu

Lễ hội được mở chính thức trong 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Chín Âm lịch. Thiền sư Không Lộ tịch ngày 3 tháng Sáu, đến ngày 13 tháng Chín là tuần bách nhật. Vì thế, lễ hội chùa Keo mở từ ngày 13 để kỉ niệm 100 ngày ngày mất của thiền sư, ngày 14 kỉ niệm ngày sinh của ông, ngày 15 là lễ tiết ngày rằm hàng tháng của đạo Phật. Lễ học được tiến hành gồm:

+ Bầu chủ hội và các đại diện giúp việc:

Từ tiết kỵ thánh mùng 3 tháng Sáu, sau khi lễ thánh bằng thứ bánh bột gạo nếp trộn mật, nấu cách thủy hai đêm một ngày (tục gọi là bánh bìa), người dân trong xã theo lệ cũ bầu một ông chủ hội. Chủ hội phải là người có uy tín, đủ tư cách để quyết định mọi việc cho hội. Sau đó, người dân bầu các đại diện cho các làng trong xã để giúp ông chủ hội điều hành mọi việc trong hội.

+ Dựng phướn, kéo cờ: ngày 11 tháng Chín, dân làng dựng cây phướn ở sân cỏ trước tam quan ngoại.

+ Chuẩn bị của đội rước kiệu: Ông chủ hội chọn 42 trai làng khỏe mạnh, thuần thục động tác để rước kiệu, nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh (thuyền cò). Người làng Keo gọi việc chọn trai này là “kéo kén”, nghĩa là kéo quân để kén người.

Ngày 12, 42 trai làng được tuyển hôm trước lại dự cuộc kéo kén lần nữa để chọn người rước kiệu thuyền rồng, gồm: 4 người vào đòn chính, 8 người vào đòn gồng (mỗi gồng 2 người), 2 người cầm quạt vả che hai bên kiệu chính. Những người còn lại sẽ rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh…

+ Chuẩn bị của đội tế nữ quan và nam quan

Trước lễ hội nhiều tháng, các đội tế nữ quan, nam quan bắt đầu tập luyện theo lệ cũ. Mặc dù, có người đã tham gia đội tế nhiều năm, xong tất cả đều ý thức được vai trò của mình, nên tập luyện rất nghiêm túc và hướng dẫn những thành viên mới của đội.

- Ngày 13 là ngày mở hội, còn gọi là ngày tốt khốc, tưởng nhớ 100 ngày (bách nhật) tịch của thiền sư Không Lộ. Mở đầu là cuộc rước, những trai làng đã được lựa chọn cùng dân làng buổi sáng rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh ra tam quan ngoại, buổi tối rước vào tòa thiêu hương.

Trước đây, vào chiều 13, hội chùa Keo tổ chức đua trải và trao giải thưởng mở rộng từ khu vực chùa ra tận hai bờ sông Hồng dài khoảng 5 cây số. Trải nào được giải nhất cả ba ngày bơi, tiếng địa phương gọi là giải cốn, làng sẽ thưởng thêm. Trai bơi của 8 giáp ngoài tiền, gạo được thưởng lại có rượu, bánh mừng của các cô gái làng lấy chồng xa.

Cũng chiều ngày 13, tại tòa giá roi có cuộc thi thầy đọc. Tham dự là các thầy cúng có giọng đọc tốt, làm văn hay của các vùng hai bờ hạ lưu sông Hồng. Mỗi người phải khăn áo chỉnh tề, thi thử giọng bằng một bài văn chúc tụng thánh Tổ hàng năm. Ai có giọng tốt mới được chọn thi chính thức. Vào thi chính thức, người dự thi phải tự sáng tác một hay nhiều bài tùy ý theo sáu chủ đề: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực. Người ta gọi đây là văn lục cúng. Văn lục cúng thi ở chùa Keo khác với các nơi. Văn được sáng tác bằng văn nôm theo lối trào phúng. Vì thế, người đọc phải có giọng đọc khôi hài mới phù hợp với lối văn này. Theo một số cụ già làng Keo, đây là cuộc thi tài mang tính văn nghệ chứ không phải là nghi lễ tế thánh. Kết thúc cuộc thi, ông chủ hội chọn 4 người xuất sắc xếp loại thứ tự và trao giải.

Tối 13, sau cuộc rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh về tòa thiêu hương, các cuộc lễ thánh diễn ra theo thứ tự sau: ông chủ hội và các ông tùng giá cùng tám em bé (mục đồng), đoàn chấp hiệu, đoàn rước bát bửu trong cuộc rước kiệu thánh sáng hôm sau và hai ông tổng cờ, những người chân kiệu đóng khố bao. Lễ Thánh xong còn có hai cuộc thi là thi kèn và thi trống.

Nửa đêm ngày 13 còn có tục lễ gốc cây phướn (thường gọi tục ấy là “long nhan cây phướn”), tuy giản đơn nhưng vẫn do ông chủ hội chủ trì.

Trải qua những thăng trầm của thời gian, dân làng nay không còn tổ chức cuộc đua trải, thi thầy đọc, thi kèn và thi trống nữa.

- Sáng 14, kỉ niệm ngày sinh của thiền sư Không Lộ. Mở đầu là cuộc rước kiệu Thánh, khởi đầu từ tòa thượng điện ra tam quan ngoài. Đến tối lại rước bài vị thánh vào tòa thiêu hương. Rước ra, rước vào đều theo hình chữ Á khép kín, được gọi là “xuất á, nhập á”.

Đoàn rước gồm: đội tập phúc là các vãi già mặc áo nâu, tay cầm cành phan, tay cầm dải vải dài, gọi là cầu rước thánh; đoàn mục đồng tay cầm cờ thần, tượng trưng cho những em bé chăn trâu cắt cỏ được gần gũi Không Lộ khi ông làm nghề chài lưới; hai con ngựa, một hồng, một bạch; xe chở trống, chiêng; đội các lão ông cầm bát bửu; phường bát âm; đội múa sênh tiền; giá tiểu đĩnh; đội rước chấp kích; giá thuyền rồng sơn son thiếp vàng; đội khiêng long đình; đội khiêng nhang án; nhân dân và du khách thập phương. Quán xuyến đám rước là ông chủ hội và ông tổng cờ.

Đoàn rước đi từ thánh điện ra ngoài tam quan ngoại, quãng đường rước khoảng 500m. Buổi sáng khi rước thánh ra thì rước qua mạn Đông bờ ao, buổi chiều rước về qua mạn Tây bờ ao. Trong khi tiến hành cuộc rước trên bờ, ở dưới ao trước chùa cũng diễn ra cuộc bơi thuyền. Có 8 em nhỏ, độ tuổi 13 - 14, mặc áo vàng, đội khăn đỏ tết hình hai trái đào, ngồi thành bốn đôi cân đối, bơi bằng dầm gỗ trên một chiếc thuyền nhỏ, gọi là thuyền cò cốc. Trên thuyền còn có hai người lớn, một người đánh mõ và một người lái, mặc áo vàng, khăn vàng, thắt dây lưng đỏ bỏ mối bên trái. Tám mái dầm bổ xuống nước ăn nhịp với tiếng mõ và tiếng “hò dô” của 8 em nhỏ làm cho chiếc thuyền cò cốc lướt nhẹ trên mặt nước quanh ao. Thuyền bơi có tính chất biểu diễn để thờ thánh.

Ngày xưa, trong chiều 14, làng Keo còn thực hiện nghi lễ chầu thánh bằng một điệu múa, người làng Keo gọi là múa ếch vồ.

- Ngày 15, mọi nghi thức được tiến hành tương tự như ngày 14. Tuy nhiên, cuộc lễ thánh của 12 trai chân kiệu được tổ chức bằng một lễ chèo cạn chầu thánh vào ban đêm sau khi đã rước kiệu thánh hoàn cung. Đây là cuộc lễ để kết thúc ba ngày hội chùa Keo.

Ngoài hai lễ hội lớn, chùa Keo hàng năm còn thực hiện các lệ sau:

- Lễ ngày Đinh tháng Hai Âm lịch: người dân chọn từ mùng 1 đến mùng 10 lấy ngày Đinh làm ngày sửa lễ tế trà đức thánh.

- Lệ mùng 3 tháng Sáu: là ngày tịch của thiền sư Không Lộ.

- Ngoài các sự lệ trên, ở chùa Keo còn có một sự lệ đặc biệt: sự lệ trang hoàng thánh tượng, 12 năm mới có một lần, chọn ngày làm từ tiết kỵ thánh đến 15 tháng Tám. Tượng thánh được tắm bằng nước chế từ nước dừa và hạt bưởi, sau đó tô son lại.

- Lễ phục y được làm mỗi năm một lần: từ 15 tháng Tám đến mùng 10 tháng Chín, dân làng chọn ngày tốt làm lễ thay áo cho tượng. Xiêm áo cũ của tượng làm lộc phát cho dân trong làng.

Lễ hội chùa Keo gắn với sự tích về thiền sư Không Lộ phản ánh một thời kỳ phát triển của Phật giáo Việt Nam. Lễ hội thể hiện sự suy tôn của cộng đồng đối với thánh Không Lộ - nhân vật được huyền thoại hóa thành vị thần bảo hộ, che chở cho làng, được thánh hóa để trở thành vị thánh quyền năng của cư dân nông nghiệp. Tổ chức và duy trì lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng và vui chơi lành mạnh của người dân, giúp tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng xã, thôn xóm, gia đình; đồng thời, gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội chùa Keo được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017.

Liên kết website