Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội đình Chèm

Đình Chèm (còn gọi là đền Chèm) thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Hội đình Chèm được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của Lý Ông Trọng. Theo Đại Việt Sử kí toàn thư: Lý Ông Trọng - người Từ Liêm, quận Giao Chỉ, vóc dáng cao to lạ thường, giỏi giang. Ngài đã sang nước Tần, làm quan trấn thủ đất Lâm Thao, chống lại quân Hung Nô. Khi tuổi cao, Ngài xin về nước an hưởng tuổi già và mất tại làng Chèm, người dân nơi đây thờ phụng, coi Ngài là Thành hoàng, tin rằng Đức Thánh luôn phù hộ cho đất nước và dân làng.

Hiện nay, nhân dân trong vùng thường gọi Lý Ông Trọng là Đức Ông, Đức Thánh Cả hay Đức Thánh Chèm; có một số người gọi duệ hiệu của Ngài là Hy Khang Thiên Vương để tránh phạm húy.

Hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Năm (Âm lịch) hàng năm, trong không gian của đình Chèm, chùa làng, bến Ngự trên sông Hồng. Tương truyền, đây là ngày Đức Thánh Chèm khao quân.

Tham gia việc tổ chức hội là nhân dân ở ba làng kết nghĩa anh em, gồm: làng Chèm (hiện thuộc phường Thụy Phương), làng Hoàng Xá và làng Hoàng Liên (hiện thuộc phường Liên Mạc). Làng Chèm (thờ chính) được gọi là anh cả, làng Hoàng Xá (thờ vọng) được gọi là anh hai và làng Hoàng Liên (thờ vọng) được gọi là anh ba. Cách xưng hô này thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa 3 làng. Người dân không rõ việc kết nghĩa có từ bao giờ, chỉ biết đời trước truyền cho đời sau như vậy. Khi tổ chức lễ hội, thôn anh cả chịu trách nhiệm chính, bao gồm cả kinh phí tổ chức. Đồng thời, thôn anh cả được quyền phân công cho thôn anh hai và anh ba các công việc phục vụ hội. Ví dụ: tổng số quân phù giá khoảng 40 người thì thôn anh cả sẽ lấy 20 người, thôn anh hai và thôn anh ba mỗi thôn 10 người.

Ngoài dịp lễ hội, hàng năm, nhân dân còn tổ chức làm lễ tại đình Chèm vào ngày kỵ của Đức Thánh Chèm (mùng 10 tháng Giêng) và ngày kỵ của Đức Bà (mùng 10 tháng Hai) hoặc vào ngày Rằm và mùng Một.

Để tổ chức hội, sau ngày mùng 2 tháng Hai (ngày kỵ của Đức Bà), các cụ trong làng bắt đầu họp bàn về tổ chức hội, kiểm tra đồ thờ, đồ rước cũng như trang phục rước ở đình… Do phải huy động đông đảo nhân lực tham gia nên việc quan trọng là phân công và kiểm tra số người tham gia phục vụ lễ hội, như:

- Thủ hiệu: người đánh trống lớn điều khiển việc rước hoặc tế lễ, thường từ 4 – 5 người.

- Tiểu hiệu: người đánh trống khẩu trực tiếp điều hành đội phù giá, 2 người (1 người ở thôn anh cả, 1 người ở thôn anh hai hoặc anh ba).

- Đội phù giá: khoảng 70 người là nam giới từ 18 đến 35 tuổi, có tư cách đạo đức tốt, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của làng.

Trước khi tham gia bất cứ một nghi lễ nào đội phù giá cũng phải vào đình làm lễ. Khi làm lễ, ông tiểu hiệu sẽ hô hiệu lệnh để mọi người làm theo, đồng thời, cũng tùy từng hoàn cảnh để hô cho đúng. Tiểu hiệu hô khoan thanh, những người phù giá phải reo “ù chóe, ù chóe, ù chóe”.

-  Ban lễ tân: ban phục vụ hội gồm những phụ nữ từ 30 tuổi trở lên thuộc phường Thụy Phương, tổ dân phố Hoàng Liên và Hoàng Xá.

- Đội sinh tiền: khoảng 20 người, là con gái từ 13 đến 16 tuổi.

 Sau khi kiểm tra và bổ sung đủ số lượng đội rước, các ban, ngành trong 3 thôn sẽ họp bàn thông qua.

Trước ngày hội 2 ngày, tức ngày 12, 13 tháng Năm, dân làng tiến hành làm lễ phục y, thi nấu chè kho.

- Ngày 12: các cụ làm lễ phục y (tức thay y phục) cho các vị thần được thờ, gồm: Đức Thánh Chèm, Đức Bà, Ông Sứ, Lục vị vương (con của Đức Thánh Chèm), ông quản voi và hai nàng hầu. Hàng năm, các cụ tiến hành làm lễ phụng y hai lần: một lần vào dịp trước hội và một lần vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm. Hiện mỗi vị thần được thờ trong đình có 4 bộ trang phục, các cụ thay y phục cho thần xong sẽ giặt cất đi để lễ phục y sau mặc tiếp.

Khi làm lễ phục y, đầu tiên các cụ làm lễ xin phép sau đó mới cởi bỏ y phục của các Ngài và dùng nước sạch để bao sái tượng thờ. Bao sái xong sẽ mặc trang phục mới.

Riêng việc phụng y cho Đức Bà thì do hai người phù giá nữ thực hiện dưới sự hướng dẫn của ông Trưởng ban Khánh tiết. Hai phù giá nữ phải là người làng Chèm, lấy chồng ở làng, phải góa chồng, từ 60 tuổi trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, ngoại hình ưa nhìn. Hai phù giá nữ sẽ theo hầu kiệu của Đức Bà, làm lễ mộc dục cho Đức Bà, được ví như con gái của Đức Bà. Khi được mời làm phù giá, các bà phải sắm lễ vật (hoa quả) lên trình Đức Ông và Đức Bà để xin phép được theo hầu Đức Bà. Các phù giá được chọn cho mình một người hầu là con cháu trong nhà giúp việc cho mình đường rước, đồng thời bê tráp trầu mà hai phù giá têm để mời những người có tuổi trong làng.

- Ngày 13: buổi sáng, nhân dân tổ chức thi nấu chè kho tại đình.

Từ ngày 14 đến 16, dân làng tổ chức các nghi lễ, hoạt động truyền thống.

- Ngày 14, chính hội có các nghi lễ sau:

+ Khai mạc lễ hội.

+ Lễ rước nước: đoàn rước kiệu làm lễ tại đình Chèm, sau đó xuất phát từ đình rồi xuống thuyền ra giữa sông lấy nước.

Đoàn rước đi theo thứ tự như sau: Đội rồng và sư tử; cờ thần và cờ Tổ quốc; tổng cờ (gồm 12 người cầm cờ phất); đại hiệu; đồng văn; thủ hiệu; cờ lịch chiều (20 lá); đội bát bửu; đội trắc tử (đội rước hương án); cờ lịch chiều (10 lá); thủ hiệu; lư hương (2 lư hương do hai người con gái gánh); đội bát bửu; thủ hiệu; bát âm; các em học sinh rước 3 gáo đồng, xô và vòng càn khôn; ba chĩnh nước; cờ lịch chiều (10 lá); thủ hiệu; gươm hầu; kiệu Đức Ông; tế chủ; tế tự; hai gươm hầu trước kiệu Đức Bà; hai quạt cò; phù giá bà; tế tự; các đoàn dâng hương; quân cờ người; các ban ngành, đoàn thể ở địa phương.

Đoàn thuyền rước nước gồm có hai thuyền: thuyền nhỏ chở ba chóe nước (chóe của Đức Ông – anh cả phụ trách, chóe của Đức Bà – anh hai phụ trách, chóe của ông Sứ - anh ba phụ trách), các em học sinh cầm gáo, xô và vòng càn khôn, cụ Chủ tế và hai cụ trong đội tế của đình; thuyền lớn hơn gồm có đội rồng, sư tử, các cụ trong đội tế, đội dâng hương và những người tham gia lễ hội. Đoàn thuyền rước đi một vòng hết địa phận của ba làng Chèm, Hoàng Xá và Liên Mạc thì quay 3 vòng, đi chậm rồi dừng lại, thả vòng càn khôn bằng cây song để cụ Chủ tế dùng gáo đồng múc nước vào chóe, mỗi chóe 3 gáo, chóe nào dùng gáo của chóe đó. Sau khi múc xong, một phù giá dùng xô nhựa múc đầy xô và để cạnh ba chóe nước để rước về.

Lấy nước xong, đoàn thuyền rước quay trở về địa điểm xuất phát. Khi về qua đình các thuyền phải quay đầu vào để lễ Đức Thánh, rồi trở về bãi tập kết. Tại đây, một phù giá múc nước từ xô vào các chóe cho đầy, sau đó, mới rước về đình. Về đến đình, chóe nước được rước vào hậu cung, rồi chuyển nước vào các chĩnh khác để ngày 15 sẽ dùng nước này làm lễ mộc dục.Tiếp đó, dân làng thực hiện các nghi lễ khác.

Tương truyền, lễ hội được tổ chức sau khi Đức Thánh thắng trận trở về, Ngài lập đàn chay cúng phát tấu, cúng phật, cúng phan, cúng khai quang, cúng quá độ để cầu siêu và cầu bình an. Do đó, trong lễ hội hiện nay phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ này. Điều đặc biệt là sớ cúng trong dịp lễ hội ở đình Chèm thì phải ghi đầy đủ các mỹ tự trong 24 đạo sắc phong của Đức Thánh. Cúng phát tấu và cúng phật được thực hiện tại tòa hữu mạc của đình Chèm. Ban thờ được trải bằng vải đỏ, các thầy cúng cắm 15 bài vị (là những tờ giấy có viết chữ Hán gắn vào những thanh tre nhỏ) vào bát gạo và sắp xếp theo thứ tự, bày lễ vật. Riêng cúng phát tấu phải có thêm 5 quyển sách, 5 cái bút, 5 gương, 5 lược, 5 kéo, 5 khăn mặt, để thỉnh ngũ vị sứ giả trên thiên đình. Ban lễ được sắp xếp xong, 5 thầy cúng lên nhà Đại bái làm lễ Đức Thánh, sau đó, trở lại vị trí để làm lễ cúng. Trong đó, có một người thầy cả/thầy chính được dân làng gọi là pháp sư, do nhân dân của 3 làng cử ra.

+ Lễ phát tấu: nghi lễ thỉnh mời ngũ vị sứ giả ở trên thiên đình về dự hội, đồng thời, cầu siêu cho các vong hồn chết oan trong chiến trận. Lễ phát tấu sử dụng 13 bài sớ khác nhau.

+ Cúng phan: sau khi cúng phát tấu xong, các thầy cúng ra ngoài cổng đình để cúng phan, tức là cúng tấm lòng nhà phật, cầu mong cho những vong hồn chết oan ở ngoài sông Hồng (phía trước cổng đình) có thể bấu víu vào lá cờ phật để liên thiên đình.

+ Cúng phật: nghi lễ thỉnh phật về chứng kiến các nghi lễ diễn ra trong lễ hội đình Chèm.

+ Rước văn: đoàn rước văn về tế lễ xuất phát từ đình đến chùa, gồm: một người đánh trống khẩu, Chủ tế rước hộp văn và một người cầm lọng che hộp văn. Hộp văn được đặt lên ban thờ của chùa. Chiều ngày 14 dân làng rước văn từ chùa về đình.

Trước khi rước văn ra khỏi chùa, Chủ tế vào làm lễ, sau đó đến các cụ trong đội tế, đội phù giá. Chủ tế rước hộp văn ra kiệu để rước về đình. Kiệu long đình được hạ ở trước nhà Đại bái, Chủ tế rước hộp văn vào trong cung để dán vào giá văn. Sau đó, đội tế sẽ bắt đầu làm lễ tế để nhập tịch. Đội tế có 23 người nhưng tế chính thức có 16 người. Tham gia đội tế là người của ba làng: Chèm, Hoàng Xá, Hoàng Liên. Tuy nhiên, Chủ tế thì nhất thiết phải là người của làng Chèm. Làng Hoàng Xá cử một người ra làm Bồi Bái, còn làng Hoàng Liên chỉ đứng chầu, để hỗ trợ các cụ.

- Ngày 15: dân làng tổ chức lễ rước nước như ngày 14.

+ Lễ bài ban (xin dọn ban thờ): các cụ trong Ban Khánh tiết, Ban Tế tự cùng đội phù giá dọn các đồ thờ ở ban thờ của Đức Ông và Đức Bà tại hậu cung để chuẩn bị cho nghi lễ phụng nghinh hai Ngài ra ngoài.

+ Lễ mộc dục: diễn ra tại hai tòa tiểu vương đình vào chính Ngọ. Sau khi làm lễ bài ban xong, quân phù giá sẽ đưa kiệu vào để phụng nghinh long ngai của hai Ngài từ hậu cung ra tiểu vương đình. Chủ tế, Trưởng Ban Khánh tiết, hai ông tiểu hiệu và hai bà phù giá vào hậu cung để rước hai Ngài lên kiệu. Những người này có nhiệm vụ rước Đức Ông và Đức Bà từ ban thờ lên kiệu. Kiệu được đặt ở giữa cửa ra vào của gian hậu cung, có rèm che. Đồng thời, phù giá đứng xung quanh kiệu che không cho người ngoài nhìn thấy, thỉnh thoảng hô “ù chóe, ù chóe” lúc rước long ngai của hai Ngài lên kiệu. Khi rước long ngai của Đức Thánh ra, tất cả mọi người tham gia trực tiếp vào việc rước đều phải bịt miệng bằng khăn đỏ.

Tham gia làm lễ mộc dục cho Đức Ông và Đức Bà gồm có 5 người: Chủ tế, Tả văn, Trưởng ban Khánh tiết tại đình và hai bà phù giá. Có hai loại gáo được sử dụng trong lúc mộc dục: một gáo nhỏ được dùng để múc nước từ chóe ra chậu nhôm và một gáo nhỏ như chén uống nước được dùng để múc nước ở chậu lên tắm tượng. Các cụ dùng 7 gáo nước để làm lễ mộc dục theo trình tự như sau: thủ đại y tam chĩnh (trên đầu 3 gáo nước), tả thủ nhất chĩnh (bên phải 1 gáo), hữu thủ (bên trái), tiền ngân (phía trước) nhất chĩnh, hậu bối (phía sau) nhất chĩnh. Theo các cụ thì con số 7 biểu hiện cho 7 vì tinh tú. Sau đó mặc trang phục cho nhà Ngài. Việc mộc dục cho Đức Bà phải do hai phù giá nữ thực hiện, các bà làm dưới sự hướng dẫn của Trưởng ban Khánh tiết. Khi làm lễ mộc dục cho hai Ngài, pháp sư và các thầy cúng phải đứng ở bên trong cổng đình, để làm lễ quá độ, tránh các tà ma xâm nhập vào hai Ngài khi mộc dục.

Sau khi làm lễ mộc dục xong, long ngai của Đức Ông và Đức Bà được đưa vào kiệu và rước vào ban công đồng để các Ngài nghỉ ngơi và nghe kinh cúng quá độ, đến khoảng 2 giờ chiều, đội phù giá tiến hành rước hai Ngài từ ban công đồng vào hậu cung.

+ Lễ mộc dục cụ Sứ: khoảng 3 giờ chiều, nhân dân rước cụ Sứ từ Đại bái ra nhà vuông (căn nhà tạm được dựng lên, khi hết hội tháo ra) ở ngoài cổng đình để làm lễ mộc dục. Trước khi rước ra, mọi người phải làm lễ (nếu lễ Thánh dâng 4 lễ, thì lễ cụ Sứ phải dâng 5 lễ). Tương truyền, cụ Sứ có công lớn đối với Đức Thánh Chèm nên được Ngài ban thưởng, nhưng cụ không lấy bất cứ thứ gì, vì vậy, Đức Thánh Chèm nói khi mất sẽ được dâng thêm một lễ. Khi rước cụ Sứ ra, hai cụ Từ của đình phải ôm lấy tượng của Ngài và quân phù giá rước Ngài ra. Lễ mộc dục cụ Sứ diễn ra giống với lễ mộc dục của Đức Ông và Đức Bà.

+ Lễ thả chim bồ câu: cộng cồng cầu mong những con chim này sẽ cõng vong hồn chết oan lên thiên đình, đồng thời, lên đó mời các vị thần về dự hội.

+ Cúng quá độ: do pháp sư thực hiện, diễn ra khi đang làm lễ mộc dục (pháp sư đứng trước cửa đình làm lễ đuổi tà ma xâm nhập vào các Ngài) và sau khi mộc dục cho Ngài (pháp sư vào ngồi tại gian Đại bái làm lễ cúng quá độ cho nhà Ngài nghỉ ngơi).

+ Cúng khai quang yên vị: diễn ra sau khi mọi nghi thức trong ngày 15 đã hoàn thành. Lúc này, pháp sư và các thầy cúng sẽ đi đến tất cả các ban thờ trong đình để làm lễ khai quang yên vị. Sau khi kết thúc nghi lễ này, tất cả đồ thờ không được di chuyển và cũng không ai được động đến.

- Ngày 16:

Buổi sáng, dân làng tiến hành rước nước giống như hai ngày trước. Tuy nhiên, nước rước về trong ngày này được cho vào chóe dùng trong năm.

Buổi chiều, người dân rước văn từ đình về chùa để tế hậu hội (tức tế kết thúc hội).

Hiện nay, 5 năm nhân dân tổ chức hội lớn một lần. Vào những năm tổ chức hội lớn, sẽ có rước văn và làm lễ mộc dục cho các Ngài tại tòa tiểu vương đình hoặc nhà vuông. Những năm hội lệ, nhân dân chỉ tổ chức rước nước về và mộc dục tại chỗ.

Hội đình Chèm có một số kiêng kỵ, tục hèm như: trong các ngày hội chỉ dâng lễ chay; nhân dân không mặc trang phục màu vàng khi dự hội, vì họ quan niệm đây là màu hoàng bào nhà vua ban cho Đức Thánh, chỉ có Đức Thánh mới được mặc; người trong phường không đặt tên con trùng với tên của Đức Ông, Đức Bà; để tránh phạm húy nhân dân trong vùng thường gọi chệch từ “Trọng” thành từ “Trượng” và từ “Thân” thành từ “Thơn”; người ra đình không được ăn hành, tỏi; cụ Từ ở đình không được đi dự đám tang, phải sống tại đình, để thỉnh chuông báo Ngài biết trời sáng và trời tối vào lúc 5 giờ sáng và 5 giờ chiều, thỉnh 3 hồi chuông báo Ngài có người đến lễ.

Từ năm 1990, hội đình Chèm đã có thêm một số yếu tố mới, đặc biệt là những nghi lễ liên quan đến Phật giáo và Đạo giáo như mời các pháp sư làm lễ cúng khi làm lễ Mộc dục, Phát tấu, cúng Phan, cúng Khai quang, cúng Quá độ; các vị sư tăng làm lễ cúng Phật, lễ thả chim… để cầu siêu và cầu bình an.

Câu chuyện về Đức Thánh Lý Ông Trọng và hội đình Chèm mang giá trị lịch sử lớn, góp phần lưu giữ và phát huy truyền thống thờ phụng một vị nhân thần vào những thế kỉ cuối trước công nguyên. Lý Ông Trọng được hòa quyện giữa anh hùng văn hóa chống thiên tai với anh hùng lịch sử trừ địch họa. Hội đình Chèm là sự kết hợp chặt chẽ giữa tín ngưỡng thờ thành hoàng làng với tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp thông qua lễ rước nước, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. Hàng năm, cộng đồng tổ chức hội vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, vừa củng cố các mối quan hệ xã hội, tinh thần đoàn kết các làng xã với nhau và cũng là cách thức giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa một cách sinh động, thiết thực.

Với ý nghĩa và giá trị của di sản, Lễ hội Đình Chèm được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016./.

Liên kết website