Ngày 19 tháng 9 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội đình Lưu Xá

Lễ hội đình Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, được tổ chức từ ngày 15 đến 17 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến vị Thành hoàng Linh Lang Đại vương - vị Thần che chở cho dân, được thờ tại đình làng.

Theo bản Thần tích, Thần sắc (1938) của thôn Lưu Xá, làng Hoàng Xá, tổng Hoàng Lưu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông hiện được lưu trữ ở Thư viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thì ngày sinh của Linh Lang là 16 tháng Giêng, lệ có ca hát, đấu thuyền 3 ngày (tức thi bơi chải), rước Thần vị trên Ngã ba sông (ngã ba Thá). Ngày hóa của Thần là ngày 10 tháng Hai, cũng tổ chức lễ rước Thần vị trên ngã ba sông, đấu thuyền (tức thi bơi chải), ca hát 3 ngày.

Tuy nhiên, bản thần tích này của làng đã bị cháy nên khi khôi phục lại lễ hội dân làng Lưu Xá đã đi sao lại bản Thần phả về Linh Lang Đại vương từ đền Thủ Lệ và sử dụng bản Thần phả ấy như của làng mình. Bản thần tích của đền Thủ Lệ với nội dung tóm tắt như sau: “Vào thời vua Lý Thái Tông, ở xã Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây có ông họ Nguyễn và vợ là Lê Thị Năng, vốn nhà giàu có, nhân hậu. Ông bà sinh được một người con gái, nhan sắc đẹp tuyệt trần, đặt tên là Hạo Nương. Khi cha mẹ qua đời, Hạo Nương về phường Thị Trại sống với dì làm nghề tơ lụa. Năm 17 tuổi, nhà vua vi hành qua làng Thị Trại, thấy nàng xinh đẹp, nết na, đã hỏi nàng làm vợ và cho xây một hành cung ở Thị Trại cho nàng. Một hôm, nàng xuống Hồ Tây tắm, bỗng nhiên thấy một con giảo long bơi vào, lượn quanh 3 vòng rồi biến mất. từ đó bà có thai. Trước khi sinh, bà nằm mơ thấy một vị áo mũ chỉnh tề, tự xưng là con của Long Quân tên là Hoàng Lang xuống đầu thai để sau này giúp nước. Quả nhiên ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Thìn (1064), bà sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú, diện mạo khác thường. Nhà vua đặt tên là Hoàng Lang.

Về sau, đất nước có giặc phương Bắc xâm lược, Hoàng Lang còn bé nhưng nghe sứ giả đang tìm người tài giỏi giúp nước đã nói với sứ giả về tâu với vua, xin vua một lá cờ dài 10 thước, một con voi ông sẽ đánh tan giặc. Nhà vua hay tin, cấp cho Hoàng tử cờ, voi cùng 5000 quân. Ông còn chiêu tập thêm người ở Thủ Lệ giúp việc, cùng các tướng Lê Công Bảo và Phạm Công Hoằng chỉ huy quân đánh giặc và chiến thắng. Đất nước trở lại thanh bình, được nhà vua phong tước nhưng ông không nhận. Ba ngày sau, ông bị bệnh đậu mùa. Khi nhà vua đến thăm, ông nói ông là con của Thủy Quốc Long Thần, vâng mệnh trời cho xuống giúp nước, nay việc đã xong, lại về Thủy Quốc. Hôm đó là ngày mồng 10 tháng Hai”.

So sánh hai bản ở đình Lưu Xá và đền Thủ Lệ có khác nhau về một số chi tiết, như tên địa danh và có những tập tục riêng ở đình Lưu Xá mà bản Thần tích ở đền Thủ Lệ không có, như tục đấu thuyền (thi bơi chải) và ngày sinh của vị Thần Linh Lang Đại vương (ngày 16 tháng Giêng). Trong bản Thần tích của đền Thủ Lệ ghi “ngày sinh 13 tháng 12” điều này không trùng với lịch tổ chức lễ hội ở Lưu Xá. Lễ hội ở Lưu Xá trước tổ chức vào mùng 10 tháng Hai (là ngày hóa) nhưng gần đây chuyển sang ngày 16 tháng Giêng - là ngày sinh của Ngài.

Lễ hội được tổ chức chính tại đình Lưu Xá, có rước kiệu từ đình lên quán Thượng, nơi thờ vọng, cách đó khoảng 1km và cung nghinh tượng Đức Thánh Mẫu từ đền Mẫu, bên cạnh đình, sang dự hội. Cùng với những biến động lịch sử của đất nước, đình bị Pháp đốt cháy, chiếm dụng làm nơi ở, xây bốt Lưu Xá, dân làng phải chuyển đồ thờ đến quán đầu làng để thờ Thành hoàng. Sau năm 1954, dân làng chuyển đồ thờ về khu đất cũ của đình rồi từng bước xây dựng lại đình. Năm 2007, đình được trùng tu và khánh thành năm 2008.

Lễ hội đình Lưu Xá bắt đầu bằng nghi lễ Ướt dầm” (hay còn gọi là Ướt nghề) vào đầu tháng Giêng Âm lịch. Chính hội tổ chức vào ngày 15, 16 tháng Giêng, có nghi lễ rước Thánh bằng đường bộ và đường thủy. Xưa kia, hội kết thúc bằng việc thi bơi chải giữa các giáp ở ngã ba sông (còn gọi là ngã Ba Thá) - nơi giao nhau của hai con sông: sông Bùi và sông Đáy. Ngã ba này thuộc địa phận của 3 huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, xã Viên An (huyện Ứng Hòa), ngay phía trước cửa đình làng Lưu Xá. Và cũng tại đây, những nghi lễ liên quan đến thủy thần và nghề kiếm cá trên sông được tổ chức và duy trì.

Để chuẩn bị cho nghi lễ Ướt dầm”, ngay từ trước Tết Âm lịch, dân làng làm lễ “Hạ chải” (hạ thuyền). Trước đây, làng thường mượn thuyền của dân để tổ chức rước Thánh và thi bơi chải. Chủ thuyền sẽ được làng thông báo để chuẩn bị, thường họ tháo bỏ mui, chuyển đồ đạc lên bờ. Gia đình được làng chọn tin rằng năm đó làm ăn sẽ gặp may mắn. Ngày này các cụ chuẩn bị hoa quả, sau đó làm lễ trình Thánh, tất cả đội chải cũng theo lên đình làm lễ.

Nghi lễ Ướt dầm” thường diễn ra vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết Nguyên đán, ngày nào đẹp thì làm lễ trình Thánh thực hiện nghi thức này. Từ lúc giao thừa cho đến lúc chưa thực hiện xong nghi lễ Ướt dầm”, làng chưa hạ dầm xuống nước thì tất cả thuyền bè của dân làng trên sông đều bất động. Khi trống đình nổi lên, thực hiện nghi lễ bơi Ướt dầm” thì lúc đó các thuyền bè của dân chài mới bắt đầu được động mái, đi làm ăn. Ai vi phạm sẽ bị làng phạt vạ.

Sau nghi lễ Ướt dầm”, dân làng chuẩn bị cho ngày hội. Vào ngày 14 tháng Giêng, cụ từ và một số cụ ông cao tuổi trong làng ra đình làm lễ Bao sái” đồ thờ, đầu tiên là nước giếng sạch, rồi lau lại bằng nước gừng. Các cụ bà quét dọn đình, chuẩn bị lễ vật dâng Thánh. Sau đó, các cụ tiến hành lắp kiệu, cố định kiệu bằng dây để khi rước cho chắc chắn.

Vào ngày 15 tháng Giêng, buổi sáng tiến hành cung nghinh tượng Đức Thánh Mẫu từ đền sang đình dự hội. Chủ tế rước sắc và các quan viên tế rước tượng. Sau khi về đình, các cụ ông tiến hành làm lễ Tế khai sắc”. Buổi chiều, sau khi làm lễ khai mạc hội, dân làng tiến hành rước kiệu bộ, đi từ đình làng lên quán Thượng. Trước khi rước, các cụ làm lễ tại sân đình, sau đó các quân kiệu và đội chải vào làm lễ. Lễ xong, sau một hồi trống giục, đoàn rước khởi kiệu.

Đoàn rước gồm có cờ thần, trống, thanh la, hoa quả, đội múa rồng, rước hồng kỳ, bát bửu, cờ hội, múa sinh tiền, phật từ, các kiệu như: quan bộ hạ, Đức Thánh Mẫu, Đức Thánh Cả, Đức Thánh Hai, Đức Thánh Ba, đội chấp kích đi sau bảo vệ kiệu. Đoàn rước đi hết địa phận của làng, sau đó quay về ngự tại quán Thượng. 5 kiệu ngự tại hai bên sân quán. Các cụ cao niên phụng nghênh hòm sắc phong vào cung, bên trên che bằng miếng vải đỏ. Khi rước, các cụ đội hòm sắc lên đầu, chân bước theo chiều ngang, làm lễ cửa quán, sau đó theo cửa ngách vào bên trong. Một cụ cầm trống lệnh đánh trống chỉ dẫn quá trình hành lễ. Sau đó, các đội tư văn nữ làm lễ tế yên vị. Đội tế gồm có 15 người, tiến hành tế tại sân quán. Đội tế nữ được thành lập khoảng những năm 1995, 1996, chỉ tế những tuần tế phụ. Buổi tối, các cụ bà tế bán dạ.

Sáng ngày 16 tháng Giêng, tiến hành rước trên sông Bùi từ quán Thượng về đình. Các cụ phụng nghênh hòm sắc lên kiệu, sau đó rước kiệu xuống thuyền. Mỗi kiệu ngự trên một thuyền, được trang trí cờ hoa lộng lẫy. Mỗi thuyền có gồm có 8 đến 16 thanh niên rước kiệu và một số bô lão đi theo hầu kiệu. Kiệu quan bộ hạ xuống thuyền trước, sau đó đi tuần một vòng theo dòng sông Bùi, đi hết địa phận của làng Lưu Xá, giáp xã Đồng Phú, sau đó quay về trước cửa quán, đợi khi nào 4 kiệu xuống thuyền hết sau đó mới xếp đội hình xuất phát. Kiệu quan bộ hạ có quyền đi trước hoặc đi sau, đi nhanh đi chậm, mục đích là để dẹp đường cho Đức Thánh đi. Cùng với 5 thuyền kiệu có 2 đội bơi chải nam, nữ bơi song hành (bơi thờ). Mỗi đội bơi gồm 10 người, khi bơi trước lúc bơi sau đoàn rước, rước Ngài về cung an toàn.

Đoàn rước trên sông về đến đình Lưu Xá. Các cụ làm lễ phụng nghênh tượng, hòm sắc vào hậu cung. Sau đó, tiến hành tế lễ. Đội tế gồm có 15 người, là tư văn của ba làng Lưu Xá, Phù Yên và Hoàng Xá cùng tiến hành tế công đồng. Họ tế ba tuần, từ sân vào Đại bái. Buổi tối, đội tư văn nữ tiếp tục tế bán dạ.

Sáng ngày 17 tháng Giêng, các cụ làm lễ tạ, tiếp theo là lễ tiễn thiên quang tại sân. Cụ Thống - già làng, biết chữ Nho xin âm dương để hoàn thành khóa cúng. Tiễn thiên quan xong, rước Đức Thánh Mẫu hồi cung về đền. Các cụ bà làm lễ cúng chúng sinh. Chính quyền địa phương cùng Hội Người cao tuổi và dân làng làm lễ bế mạc hội.

So với trước đây, lễ hội hiện nay vẫn giữ được những nghi lễ chính từ xưa truyền lại. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nên việc tổ chức thi bơi chải (hay còn gọi là bơi thi hầu thánh) chưa thể khôi phục được. Xưa kia, vào dịp lễ hội, bốn giáp Đông, Tây, Nam, Bắc của Lưu Xá lập thành bốn đội thi với nhau. Bấy giờ, làng chỉ có 2 chiếc thuyền rồng bằng gỗ nên phải thi lần lượt từng đôi một. Mỗi thuyền có 8 người bơi (chèo), gồm có 6 người ngồi hai bên mạn thuyền, một người lái, một người tổng cờ và có thể có thêm một người tát nước. Người ta tin rằng giáp nào thắng cuộc thì năm ấy giáp đó sẽ làm ăn gặp nhiều may mắn, đánh bắt được nhiều ngư lợi. Tuy nhiên, hiện nay tập quán bơi chải mới chỉ dừng lại ở việc bơi thờ “hộ tống” đoàn rước thủy. Việc thi bơi chải giữa các giáp chuyển sang thi đấu thể thao giữa các quận/huyện do Thành phố đứng ra tổ chức mà không phải năm nào cũng đăng cai tổ chức tại Lưu Xá.

Lễ hội đình Lưu Xá với các tập tục, nghi lễ có giá trị vô cùng sâu sắc, vừa ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, vừa giáo dục thế hệ sau về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta. Lễ hội là ngày hội của cư dân vạn chài, với nghi lễ bơi chải thể hiện truyền thống làng, truyền thống nghề; là sự kế tục, phát huy truyền thống văn hóa của cư dân làng vạn chài, một truyền thống gắn con người với môi trường sông nước, khai thác thủy sản, vận chuyển trên sông và tâm thức, tâm linh với thủy thần, sông nước. Bơi chải trong lễ hội vừa mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong một năm sông nước an toàn và bội thu, vừa là dịp để trai tráng trong làng trình diễn kỹ năng bơi chải của mình.

Với những giá trị tiêu biểu, Lễ hội đình Lưu Xá được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.

Dương Anh

Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website