Ngày 2 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy

Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, là lễ hội lớn nhất trong năm tại đình, được tổ chức vào ngày 12 - 15 tháng Tư Âm lịch.

Ngày 11, những người có trách nhiệm trong cộng đồng thực hiện các nghi thức mở đầu như: Lễ mở cửa tam quan, lễ tế đất, cúng tiên thường, lễ trình sanh. Ông Từ có trách nhiệm mở đúng giờ, lần lượt các cửa tam quan từ trái qua phải, cửa phụ, cửa bên hông, cửa nhà bổn thôn và lục ấp để mong các Thần phù hộ cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ. Sau đó, những người có bổn phận, trách nhiệm lau chùi các vật dụng, làm vệ sinh trong ngoài đình. Lễ tế đất được thực hiện ở nhà bổn thôn để thông báo với Thần cai quản đất đai tại đình về nghi lễ sắp diễn ra, mong Thần Đất chứng giám và phù hộ cho lễ hội được diễn ra thuận lợi. Cúng tiên thường do dân làng dâng lễ vật cúng, để báo cáo với người đã khuất về việc tổ chức lễ hội. Lễ trình sanh cúng ở miếu Thần Nông trong khuôn viên đình với lễ vật là bộ tam sanh: heo lông trắng, dê lông đen, ngỗng lông trắng, sau 3 năm thì cúng bò lông vàng thay cho heo, để cầu 3 điều lợi: lợi quốc gia, lợi thôn xã, lợi nhân dân.

Từ 2 giờ sáng ngày 12, nghi lễ đầu tiên là lễ thỉnh sắc thần du ngoạn bằng long xa phụng tán. Đoàn xe đi từ đình Bình Thủy qua chợ Bình Thủy, phường Long Hòa, phường Long Tuyền đến ngã 3 đường Nguyễn Văn Trường, sau đó quay trở về đình làm lễ an vị. Khi sắc thần du ngoạn, hai bên đường các gia đình đều bày mâm lễ vật nghinh đón thần để cầu mạnh khỏe, bình an, làm ăn khá giả. 5 giờ sáng là lễ tế Thần Nông tại miếu để tưởng nhớ Thần Nông nghiệp có công dạy dân cày cấy, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Lễ vật là bộ tam sanh trong lễ trình sanh hôm trước, đã được giết thịt và heo quay, rượu, bánh, hoa quả, nhang đèn... Buổi trưa, 12 giờ, là lễ thay khăn sắc Thần. Chủ lễ làm lễ xin được thay khăn mới cho sắc phong. Sắc được lấy ra và chủ lễ đọc sắc phong, sau đó dùng khăn đỏ mới thay và để sắc lại vào hộp, đặt lên ngai. Chủ lễ tiếp tục làm lễ cầu Thần phù hộ cho bổn làng được bình an, hưng thịnh. Nghi thức này vừa để kiểm tra tình trạng hiện tại của sắc, vừa để bà con được chứng kiến sắc Thần mà vua Tự Đức đã phong cho đình. Sau đó là lễ Xây chầu – Đại bội. Tại đình Bình Thủy, lễ Xây chầu được thực hành theo hình thức xây bán văn bán võ, kết hợp hài hòa, cân đối giữa xây chầu văn và xây chầu võ. Trước khi bắt đầu lễ Xây chầu, Chủ tế làm lễ khấn mời Thành Hoàng về dự và nghe hát bội. Sau đó, trống chầu nổi lên với 360 dùi để bắt đầu nghi lễ. Lễ Xây chầu thể hiện ý nghĩa khai thông thái cực, hòa hợp lưỡng nghi, cầu an. Trong thời gian đó, Trưởng ban trị sự cùng ông bầu gánh hát bưng khay trầu rượu xuống nhà võ ca thỉnh Tổ hát bội ra sân khấu. Lễ Đại bội do các đào kép trong gánh hát bội trình diễn, cụ thể hóa lễ Xây chầu bằng hình tượng nhân vật kết hợp phục trang, điệu múa và lời hát qua các nghi tiết: nhứt thái (nhứt trụ), lưỡng nghi, tam tài, tứ tượng, ngũ hành trình tự với số lượng người diễn xướng: 1, 2, 3, 4, 5…

Sáng ngày 13 là lễ tế bàn soạn tại gian chánh điện để các thành viên chủ trì tập trung bàn về lễ vật dâng cúng thần và phân công nhiệm vụ.

Lễ Túc yết vào 2 giờ sáng ngày 14 để nghinh thần với sự chủ trì của Ban Chủ lễ và 14 học trò. Lễ vật đặc biệt có con heo đã cạo lông, 1 chén huyết, 1 chén lông. Văn tế khi đọc xong được mang đi hóa.

2 giờ sáng ngày 15 diễn ra lễ chánh tế, nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng đình. Đây là lễ cúng Thần trong kỳ lễ Thượng điền để tạ Thần, cúng Tiền hiền, Hậu hiền - những người có công lập ấp dựng làng xã, mở mang đất đai, mang lại bình yên no ấm cho dân làng, cũng là buổi lễ cúng cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Lễ vật dâng cúng Thần là 1 con heo trắng, cùng 1 chén huyết, và các lễ vật khác.

Sau lễ Chánh tế là lễ Tôn vương do diễn viên hát bội Ban Tế tự đình thực hiện. Khi vở tuồng ngoài sân đang diễn, Ban Trị sự bưng lễ vật xuống rạp hát bội làm lễ và thỉnh tổ hát bội lên đình thực hiện lễ Tôn vương trước chính điện. Tiếp theo là lễ tế Sơn Quân tại miếu Sơn Quân, hay còn gọi là miếu ông Hổ, cầu mong Thần chứng cho tấm lòng thành kính của dân làng mà ban cho họ cuộc sống bình yên, không thiên tai địch họa, không thú dữ hoành hành, nhũng nhiễu dân lành.

Ngoài nghi lễ, trình diễn hát bội, lễ hội đình Bình Thủy còn tổ chức thi nữ công gia chánh (thổi xôi), trình diễn ẩm thực địa phương, các trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co, đập nồi (bịt mắt), nhảy bao bố… thu hút nhiều người tham gia.

Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy là minh chứng quan trọng về lịch sử định cư trên vùng đất này của người Việt; Sắc phong vua ban thể hiện sự công nhận của chế độ quân chủ về mặt hành chính, sự hình thành làng xã và ngôi đình thờ Thành Hoàng. Nghi lễ Kỳ Yên góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng về cuộc sống bình yên, thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp lúa nước, cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng... Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa của cha ông cho thế hệ kế cận; đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của người dân, gắn kết cộng đồng khi tham gia các hoạt động, nghi thức trong lễ hội.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018.

 

Dương Anh (Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website