Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội Kỳ Yên đình Thần Thoại Ngọc Hầu

Lễ Kỳ yên tưởng nhớ Tôn thần Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829) của người dân Thoại Sơn nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung, cầu mong thần phù hộ quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt,… Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại là một vị tướng đã cống hiến suốt đời mình trong công cuộc khai hoang, lập ấp, đắp đê, làm đường, mở mang vùng Hậu Giang xưa, giữ yên bờ cõi phía Tây Nam, người có công truyền bá nghệ thuật dân tộc đặc sắc (hát tuồng) đến mọi vùng miền của Tổ quốc.

Tưởng nhớ đến công lao to lớn của Ông Thoại, nhân dân Thoại Sơn lập đình thờ Ông là thần Thành hoàng bổn cảnh, tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Không như các đình khác ở Nam Bộ, theo lệ ba năm tổ chức đại lễ Kỳ Yên, ở đình thần Thoại Ngọc Hầu thì việc tế lễ và mời gánh hát bội về Xây chầu cúng Thần hàng năm. Lễ hội Kỳ yên gồm các nghi lễ: Nghinh thần, Túc yết, Xây chầu, Đại bội và Lễ Chánh tế.

Ngày 10 là lễ Nghinh thần, Thần chủ của đình mời các vị thần nơi khác về tham dự lễ hội, đồng thời cùng phù hộ cho bá tánh của làng được phúc khang ninh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Theo truyền thống, 8 giờ sáng, Ban Quý tế thực hiện nghi thức thỉnh Tổ Nhạc, Tổ Lễ, Tổ Hát bội, Quan Thánh Đế Quân từ Thoại Sơn Cổ Tự về đình an vị tại bàn Hội đồng ngoại. Tiếp đến là lễ tuần sắc (không có lễ thỉnh sắc) vì sắc phong được thờ tự ngay tại bàn thờ Thần và thỉnh sắc ra long đình, rước long đình ra dâng hương ở Tượng đài ở lòng hồ Ông Thoại rồi rước trở về đình. 10 giờ 30 là lễ Thỉnh sanh, làm heo tế Thần Nông. Heo được làm sạch, phần đầu, nọng, nuộc, niệt, lòng, huyết đem luộc chín. Thịt phần bụng lấy mỗi bên 03 phân chia thành 12 phần gọi là thịt tợ, phần thân heo chia thành bốn chỉ lấy xương sống và ba sườn gọi là bộng, phần thịt được lấy từ thân heo và bốn giò nấu canh, kho, xào, cơm thành 28 mâm dâng cúng đều các bàn thờ trong đình ngoài miếu và Tổ nhạc, Tổ lễ, Tổ hát bội, Chiến sĩ. Lễ cúng Thần Nông được tiến hành trước Đàn Xã Tắc theo cổ lệ, lễ vật, nghi thức đầy đủ của một nghi lễ nông nghiệp cổ để cầu phong điều vũ thuận, phong đăng hòa cốc.

Lễ Túc yết diễn ra vào lúc 24 giờ đêm mùng 10 rạng sáng 11 để trình báo với Thần công việc chuẩn bị kỳ tế lễ đã đầy đủ. Trước đó, lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ, bày trí ngay ngắn gồm hoa quả, xôi, nhang đèn… và không thể thiếu một con heo sống đã được làm sạch sẽ, đặt sấp trên giá gỗ, bên cạnh đặt hai thau đựng đầy đủ lòng (luộc chín), huyết heo. Đến giờ hành lễ, các thành viên Ban quý tế, nhạc lễ, đào thài thực hiện nghi thức theo cổ truyền.

Tiếp đến ngày 11 là lễ Xây chầu (còn gọi là lễ Khai tràng, khai thiên lập địa, khai thông thái cực), với mục đích cầu quốc thái dân an, mong sự hài hòa giữa con người với trời, đất. Xây chầu là một nghi thức điểm cổ (đánh trống) chầu, đánh rõ từng tiếng để khai mở vạn vật, kết nối con người với trời đất. Người được chọn cầm chầu phải là người đức cao vọng trọng, có uy tín trong làng, cộng đồng, gia đình đầy đủ vợ chồng, con cháu, không trong thời kỳ tang chế và phải biết rõ về nghi thức hành lễ. Mặt khác, còn phải là người cao niên (trên 50 tuổi) do quan niệm người tuổi càng cao là biểu hiện của sự trường thọ, trường tồn của làng xã, nên thường là Chánh Bái hoặc Hương Cả. Việc chuẩn bị trống chầu được đặc biệt xem trọng, phải đặt trống theo hướng đại lợi (hướng tốt). Tâm mặt trống phải vẽ đồ hình Thái cực biểu thị khai thông thái cực. Bởi theo quan niệm xưa, tiếng trống giữa đêm khuya sẽ làm thông thiên trời đất, khiến cho hoàng thiên hậu thổ thánh thần cảm ứng, có huyền lực làm cho tà ma yêu quái tránh xa, không dám lại gần đình miễu, làng xóm quấy nhiễu. Lễ Xây chầu được cử hành lúc nửa đêm nên âm lực của trống vang xa dễ làm thức tỉnh lòng người, xua đuổi tà ma. Chánh bái hay Hương cả thực hành nghi lễ, dâng trầu cau, rượu và cây dùi trống (hai đầu bịt vải tây đỏ) ra Miếu Ngũ Hành rót rượu trình khấn nguyện, thực hiện các thủ tục để bắt đầu lễ Đại bội.

Lễ Đại bội là trình thức hóa quá trình từ thái cực, lưỡng nghi, tam tài, tứ tượng, bát quái qua các số lượng diễn viên 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 ở mỗi tiết mục của lễ này. Tuy biểu tượng cho thái cực, lưỡng nghi, bát quái, nhưng những lời lẽ trong nghi lễ nói lên những lời cầu chúc trường thọ, phát đạt, mưa thuận gió hòa. Lễ này do đoàn hát bội thực hiện, thể hiện qua 07 lễ phụ:

+ Lễ Khai thiên tịch địa: tượng trưng cho ngôi thái cực, một kép hát trong vai ông Bàn Cổ cầm bó nhang chỉ múa không hát, sau khi múa xong nhang được cắm trên bàn thờ Thần gọi là Điềm hương.

+ Lễ Xang Nhật Nguyệt: tượng trưng cho âm dương giao hòa, sinh ra vạn vật.

+ Lễ Tam tài: dân gian hay còn gọi là “Tam Đa, Tam Tinh và Tam Hiền” tượng trưng cho 3 vì sao do Thiên Đình sai xuống ban phước, lộc, thọ cho nhân dân.

+ Lễ Tứ Thiên vương dâng liễn: bốn võ tướng trấn 04 cửa trời (Đông, Tây, Nam, Bắc) múa tượng trưng cho chuyển động biến dịch để sinh ra bát quái, cuối cùng bốn vị chụm lại và quay mặt về bốn phía dâng liễn chúc tụng Dân giàu, Nước mạnh, Thịnh vượng, Thọ trường.

+ Lễ Đứng cái (còn gọi là trò Đại Bội): tượng trưng cho ngôi ngũ hành: Kim -Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, Thổ là trung tâm là cái, điều hòa Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và điều hòa bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông là con. Chúc cầu mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc.

+ Lễ Bát tiên hiến thọ tượng trưng cho bát quái: Tám vị tiên múa các vũ khúc chúc thọ cho dân làng.

+ Lễ Gia quan tấn tước: múa, diễn hài, cuối cùng vị Linh Quan dâng câu liễn chúc cho “Gia quan phổ tước”, nghĩa là cầu cho việc thăng quan tiến chức, phát triển sự nghiệp.

Kết thúc những tiết mục mang tính nghi lễ của Xây chầu Đại bội, đoàn hát sẽ tiếp tục hát những vở tuồng khác mang ý nghĩa, giá trị đạo đức về nhân - lễ - nghĩa - trí - tín để phục vụ bà con.

Lễ Chánh tế diễn ra vào lúc 24 giờ đêm 11 rạng ngày 12 với ý nghĩa tạ ơn Thần, tri ân các bậc Tiền hiền, Hậu hiền. Sau lễ Chánh tế, các đoàn hát bội trình diễn phục vụ lễ hội. Buổi chiều, Ban Quý tế cùng đoàn hát bội thực hiện lễ Tôn vương với ý nghĩa chánh luôn thắng tà, minh chúa lên ngôi đem lại thái bình, an cư, lạc nghiệp cho dân chúng. Đây là cách trình diễn tuồng kết hợp với nghi lễ và phần này bắt buộc phải có của một Đại bội, có thể gọi là diễn lễ. Sau phần diễn lễ, vị Chánh tế bưng khay việc trình Thần, lạy 4 lạy, rồi bưng khay việc vào lễ Tổ Hát bội, rước Tân Vương dâng ấn kiếm lên Thần. Sau cùng là lễ tất (kết thúc lễ).

Đình thần Thoại Ngọc Hầu là một ngôi đình gắn với quá trình di dân, khai hoang lập ấp vùng đất Thoại Sơn xưa và nay, phần nghi lễ của vẫn luôn được đảm bảo theo lễ nghi truyền thống. Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu gắn liền dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt mang gươm đi mở cõi đến vùng đất An Giang, không những minh chứng cho quá trình di cư, hình thành cộng đồng cư dân nơi đây, mà còn là những dấu tích của các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội... của khu vực. Quá trình cộng cư người Việt với người Hoa, Khmer và các cư dân bản địa khác đã dẫn đến sự giao lưu văn hóa tín ngưỡng, kinh tế, chính trị và quân sự, tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng. Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu đã góp thêm các cứ liệu lịch sử - văn hóa để minh chứng cho vị thế lịch sử của vùng đất Thoại Sơn nói riêng và An Giang nói chung trong tiến trình mở mang bờ cõi và giao lưu văn hóa của người Việt với các cộng đồng khác cùng sinh sống trên địa bàn. Thực hành lễ hội thể hiện tính cố kết cộng đồng, giữ gìn và giao lưu văn hóa truyền thống giữa các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… và nhắc nhở con cháu về một thời kỳ khai mở đất, đặc biệt là vai trò trị thủy của Thoại Ngọc Hầu. Lễ hội mang đậm dấu ấn truyền thống của lễ hội đình làng Nam Bộ, là một trong số ít những ngôi đình ở An Giang thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái. Lễ hội kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu là nơi lưu giữ nghệ thuật hát bội, đặc biệt có tiết mục hát bội, được Ông Thoại đem từ miền Trung vào. Lễ hội còn mang trong mình nhiều giá trị và tiềm năng phục vụ cho việc phát triển du lịch bền vững ở địa phương.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2947/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2020.

Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website