Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc

Lễ hội Nghinh Ông (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là lễ cầu ngư, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa của ngư dân miền biển, diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng Hai (Âm lịch).

Theo các ngư dân ở Sông Đốc, ngày 15/7/1925, sau đêm bão tố, một xác cá Ông (cá Voi) trôi dạt vào Vàm Xoáy, Rạch Gốc (thuộc huyện Ngọc Hiển ngày nay). Các ngư dân đã thỉnh xác cá Ông về Vàm Rạch Ruộng xây lăng thờ cúng. Năm 1943, tàu Pháp tuần tiễu bắn đạn pháo vào làm cháy Lăng Ông, ngư dân Sông Đốc đã liều mình để cứu hài cốt của cá Ông. Hài cốt đó do bị cháy mất nhiều nên ngư dân đã quấn vải đỏ và lập Lăng mới tại Vàm sông Ông Đốc để tiếp tục thờ cúng Ông. Năm 1960, vì lý do an ninh, vạn dân phải di dời Lăng Ông từ Vàm Sông Đốc về khóm 2, thị trấn Sông Đốc như hiện nay.

Hiện nay, người dân Sông Đốc vẫn truyền miệng về huyền thoại “cá Ông cứu độ người”, mang màu sắc Phật giáo. Huyền thoại kể về việc Phật Tổ sai Quan Âm Bồ Tát (Phật Bà Quan Âm) lấy chiếc áo cà sa của mình xé ra thành trăm mảnh vải, thả xuống biển thành một đàn cá Ông, sau đó Quan Âm Bồ Tát lấy xương voi hóa phép thành xương cá Ông to lớn. Với bộ xương đặc biệt của mình, cá Ông có phép thâu đường (rút ngắn khoảng cách) để kịp thời cứu người, cứu thuyền mắc nạn trên biển khơi.

Hàng năm, lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc quy tụ hàng nghìn chiếc ghe, tàu đánh bắt trên biển. Các vị chức sắc trong “Vạn Ban” chọn từ 01 đến 03 chiếc tàu để làm phương tiện thực hành nghi lễ Nghinh Ông, số tàu, thuyền còn lại nối đuôi nhau cùng tiến ra biển, tạo nên một khung cảnh vô cùng náo nhiệt. Lễ hội gồm các nghi thức chính như: Nghinh Ông, Tế Tiền Hiền, Chánh Tế và sau cùng là Tống Ôn.

Trưa ngày 15 là nghi thức Nghinh Ông. Các thành viên trong Ban Trị sự tề tựu trong Chánh điện Lăng Ông, học trò lễ, đội lân cùng tham gia làm lễ. Mọi người tập trung phía trước sân của Lăng để chuẩn bị đi Nghinh Ông. Đoàn đi nghinh có trống đi trước, lân theo sau và nhiều lính lệ tay cầm cờ đủ màu sắc (cờ nước, cờ ngũ sắc…), các học trò lễ, đào thài đi hầu cận long đình, cuối cùng là các thành viên trong Ban Trị sự và đông đảo người dân. Trên đường đoàn nghinh Ông đi qua, nhà dân 2 bên đường đều ra trước nhà lập hương án chờ đoàn nghinh Ông đi qua để thắp hương bái vọng Ông Nam Hải.

Đến cảng cá Sông Đốc, các thành viên trong Ban Trị sự, lính lệ, đào thài, học trò lễ, đội trống, lân lên một chiếc tàu khá lớn đã được trang trí màn che và bàn hương án, gọi là Nhà thủy lục. Tàu được lựa chọn từ gia đình làm ăn phát đạt, có uy tín. Những người khác thì lên những chiếc tàu xung quanh để bắt đầu ra khơi Nghinh Ông. Khi đã ổn định, chiếc tàu lễ xuất hành ra khơi Nghinh Ông trước, hai bên có hai tàu hộ vệ cũng trang hoàng đẹp tương tự như Nhà thủy lục nhưng nhỏ hơn. Toàn bộ các tàu khác nối đuôi nhau, tất cả cùng đi ra ngoài vàm sông Ông Đốc. Nhiều tàu đang đánh bắt ở vùng biển Tây thuộc các tỉnh như Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng,… cũng cùng ra khơi nghinh Ông.

Lễ hội Nghinh Ông những năm gần đây có khoảng 250 đến 300 chiếc tàu tham gia. Chiếc tàu lễ ra đến biển Tây vào khu vực nước trong của biển, các thành viên trong Ban Trị sự trang nghiêm thắp hương bái lạy long đình. Tiếp đó, Chánh bái tiến hành nghi thức xin keo. Xin keo nếu thuận hoặc thấy “Ông dọi” tức là cá Ông phun nước từ dưới biển lên, nhân dân cho rằng cá Ông đã đồng ý thỉnh (đón) về Lăng. Nếu chưa xin keo được hoặc chưa thấy Ông dọi thì phải đi tiếp về hướng Tây một tuần hương lại làm lễ tế để thỉnh Ông, cứ như thế cho đến chừng nào “Ông thuận” (Ông đồng ý) thì mới diễu hành quay về lăng. Khi Ông thuận, thành viên trong Ban Trị sự sẽ múc nước trong dưới biển lên cho vào các bình đã chuẩn bị trước để mang về thờ cúng trên bàn thờ Ông. Theo các vị cao niên, năm nào xin keo một lần mà được thì năm đó công việc đánh bắt của ngư dân được thuận lợi, trúng mùa, còn xin nhiều lần không được thì đoàn nghinh phải đi ra khơi xa hơn nữa và đó cũng là điềm dự báo một năm nghề đánh bắt thủy hải sản gặp nhiều khó khăn. Lấy nước xong, tàu lễ và toàn bộ tàu ra khơi trở về bờ. Đến bờ, đoàn xếp theo thứ tự như lúc đi nghinh và quay trở về lăng. Về đến lăng, mọi người làm lễ thỉnh Ông vào Chánh điện. Nghi thức Nghinh Ông kết thúc.

Tối ngày 15, Ban Trị sự tổ chức nghi thức tế Tiền hiền tại bàn thờ thần Nam Hải giữa chánh điện.

Đêm ngày 15, Ban Trị sự tiếp tục tổ chức nghi lễ Chánh tế. Nghi lễ diễn ra tương tự như tế Tiền hiền. Các thành viên trong Ban Trị sự quì trước bàn thờ Nam Hải, một vị đại diện sẽ đọc bài văn Chánh tế, đặc biệt là trong văn tế có nhắc đến tên của nhiều vị thần linh ở vùng sông biển.

Kết thúc nghi Chánh tế là nghi thức Tống Ôn, tức tiễn đưa chư Thần và các vị âm linh về lại biển khơi, sau khi đã dự lễ với người dân. Ngư dân chuẩn bị một chiếc tàu dài khoảng 1m và có kiểu dáng như tàu đánh bắt ngoài khơi, bên trong tàu bày lễ vật cúng: gà luộc, vịt luộc, gạo, muối, vàng mã,… Đến khuya, đoàn tham gia nghi thức gồm năm người đưa chiếc tàu ra bến sông và có thêm một người đánh trống đi trước. Một chiếc xuồng đã chuẩn bị sẵn để đưa tàu tống ôn ra ngoài cửa sông Ông Đốc tại bến tàu gần đó. Chiếc xuồng chạy đến cửa sông Ông Đốc, mọi người cùng thắp hương khấn nguyện và thả tàu xuống nước. Ông Chánh chủ Lăng Ông Sông Đốc và các vị đi cùng giơ tay chào và mong mỏi tàu sẽ đưa chư vị thần linh và âm hồn đi ra với biển.

Sáng ngày 16, đông đảo người dân địa phương, nhất là các chủ vựa thu mua thủy hải sản, chủ tàu, tài công và ngư phủ ở địa bàn thị trấn Sông Đốc đến thắp hương và khấn vái thần Nam Hải phù hộ cho họ một năm đánh bắt trúng mùa, an toàn và thuận lợi. Sau đó, mọi người cùng dự bữa tiệc mặn, tâm tình và trao đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, nhiều chủ ghe từ các tỉnh khác đang đánh bắt ở vùng Biển Tây, Vịnh Thái Lan hay neo đậu tại cửa Sông Đốc nghe tin cũng đến dâng hương cầu nguyện tại Lăng Ông. Buổi trưa, lễ hội kết thúc.

Trong thời gian lễ hội, Ban Trị sự và cộng đồng mời đoàn hát bội về biểu diễn các tuồng tích cổ và tổ chức các trò chơi dân gian phục vụ người dân và du khách.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc phản ánh lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của cộng đồng cư dân miền biển tại địa phương; là tấm gương phản chiếu bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân nơi đây, là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Cà Mau. Lễ hội là nguồn sử liệu phong phú và xác thực về những bằng chứng liên quan đến chủ quyền biển đảo, về kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ người Cà Mau nói riêng và người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông nói chung và Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc nói riêng là môi trường giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công đức của Cá Ông như một vị thần biển, cứu giúp ngư dân khi gặp hoạn nạn, cũng như mang đến những vụ mùa biển bội thu, cuộc sống được an bình và no đủ. Thực hành Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là cơ hội ôn lại lịch sử cộng đồng, tưởng nhớ các vị Thành hoàng, tiền hiền có công lập làng, tạo nghề và dạy nghề cho cư dân. Tham gia tổ chức, thực hành Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc giúp gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa ngư dân các làng chài trải dọc khắp tỉnh sau những đợt lao động mưu sinh vất vả, hiểm nguy trên biển. Lễ hội cũng thể hiện thái độ ứng xử hài hoà, thân thiện với môi trường biển, sự trân trọng đối với thế giới tự nhiên của ngư dân. Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông trở thành ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển một cách tự nhiên, tự nguyện, thể hiện thái độ nhân văn của ngư dân biển Việt Nam.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 600/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 02 năm 2021./.

                             Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website