Ngày 16 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Lễ hội Quán Âm) được tổ chức tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội được hình thành từ việc Hòa thượng Thích Pháp Nhãn (người khai sơn chùa Quán Thế Âm) phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình Cam Lồ, hoàn toàn thiên tạo, rất hoàn chỉnh, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn - một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn. Hòa thượng đặt tên là động Quan Âm, đồng thời, ngài cho lập một ngôi chùa ngay sát hang động, tựa lưng vào núi Kim Sơn và đặt tên là chùa Quán Thế Âm để xưng tụng quả vị Quán Thế Âm. Kể từ đó, vào các ngày lễ vía của Quán Thế Âm, nhân dân địa phương và khách thập phương về đây lễ bái rất đông. Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và cộng đồng địa phương, các vị Chư Tôn Đức Phật giáo lúc bấy giờ đã thống nhất chọn ngày 19 tháng Hai (Âm lịch) hằng năm (Ngày Đản sanh của Ngài), các chùa trên địa bàn Ngũ Hành Sơn hội tụ tại chùa Quán Thế Âm cùng tổ chức Ngày lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm và xem đây như một chốn tổ thờ tự Ngài. Ngày 19/2/1956, nhân dịp tổ chức lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm, để mở ra một sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời khắc ghi một dấu mốc cho sự phát triển hoằng dương chánh pháp, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn được sự cho phép của Giáo hội Phật Giáo lúc bấy giờ đã thành lập Hội phổ Quan Âm và trực tiếp làm trưởng ban tổ chức Ngày Lễ vía Quan Âm tại chùa, lấy tên gọi là Ngày hội Quan Âm, với sự tham gia của hàng chục ngàn Chư tăng ni tín đồ Phật giáo, nhân dân địa phương trong vùng và các nơi khác về tham dự. Từ đó, vào ngày 19 tháng Hai (Âm lịch) hàng năm, ngày hội lễ vía Quán Thế Âm được tổ chức. Đây chính là mốc đầu tiên tiên khởi nên Lễ hội Quán Thế Âm ngày nay.

Một thời gian dài do ảnh hưởng của chiến tranh và nhiều lý do khác, Ngày hội Quan Âm không tổ chức ở quy mô lớn mà chỉ gói gọn tại chùa Quán Thế Âm, cùng với sự tham gia của các chùa Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn theo nghi lễ tôn giáo Phật giáo. Từ năm 1991, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức quy mô, diễn ra trong ba ngày 17, 18 và 19 tháng Hai, trong đó ngày 19 là ngày lễ chính thức.

Lễ hội gồm các nghi lễ: Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ; Lễ rước ánh sáng; Lễ pháp đàn Quán Thế Âm, thuyết giảng Đạo pháp và tổ chức các khóa tu tập; Chính lễ (Lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát; Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát; Lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát và cuối cùng Lễ tạ pháp đàn hoa đăng). Đan xen với các nghi lễ Phật giáo còn có nghi lễ truyền thống của nhân dân địa phương như: Lễ tế Xuân; Lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân công chúa và Lễ tế Thạch nghệ Tổ Sư nghề điêu khắc đá Non Nước Ngũ Hành Sơn.

- Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ tổ chức ngày 17 để dâng lên mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiện Thần đồng thùy từ chứng minh gia hộ, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Nghi lễ do vị chủ Sám (chủ lễ - một vị hòa thượng) thực hiện.

- Lễ rước ánh sáng (Lễ rước đuốc) tổ chức tối 18. Tùy theo quy mô mà nghi thức lễ rước có thể lồng vào trong lễ rước kiệu hóa trang Quan Âm và đi qua các cung đường dẫn đến bờ sông Cổ Cò để thả hoa đăng. Đoàn rước lên đến hàng trăm người (là Chư Tăng, Phật tử, Đạo tràng và Thập phương thiện tín), đi thành hàng đôi, ở giữa là kiệu, dàn rước hoa, dàn nhạc, đội lân - sư tử - rồng và các hóa trang khác. Lễ rước ánh sáng để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh, trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức trong sáng, sẽ làm nhiều việc thiện.

- Lễ thuyết giảng đạo pháp Quán Thế Âm và dân tộc tổ chức xuyên suốt trong thời gian 3 ngày của lễ hội, nhưng quy mô nhất là vào tối ngày 18 và chiều ngày 19. Đối tượng tham dự pháp đàn, ngoại trừ các đạo tràng tại lễ hội, còn có sự tham dự của Phật tử và Thập phương thiện tín, từ già đến trẻ và không phân biệt giới tính, con số lên đến hàng chục nghìn người, tất cả đều có thể tham dự, lắng nghe. Nội dung bài thuyết giảng: về giáo lý Phật giáo; hoặc ngợi ca lòng từ bi bác ái, hạnh nguyện, sự linh ứng của Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm; hay cách chắp tay, lễ lạy, phương pháp niệm Phật cho những Phật tử lần đầu tham dự khóa tu; hoặc là chia sẻ những lời Phật dạy, về những tổn thất tinh thần và vật chất mà chúng ta thường gặp trong đời sống hằng ngày... Sau buổi thuyết giảng là chương trình Pháp đàn trì niệm kinh chú cho những người hiện diện trong đêm lễ hội. 

- Chính lễ - Lễ Vía Đức Phật Quán Thế Âm tổ chức vào ngày 19, nhằm ngày khánh đản (ngày sinh) của Đức Phật Quán Thế Âm. Nghi lễ này được xem là linh hồn của Lễ hội Quán Thế Âm. Chính lễ tổ chức long trọng, thu hút hàng chục vạn đồng bào các giới, Vị Hòa thượng có chức danh lớn nhất trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam được mời về để chủ trì nghi lễ. Chủ lễ niệm hương và dâng hương, cầu kinh tưởng niệm ân đức của Đức Phật Quán Thế Âm, nhằm nguyện cầu quốc thái dân an, chúng sanh an lạc.

- Lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm thực hiện sau Lễ vía, thể hiện lòng tôn kính của các Phật tử hướng về Đức Phật Quán Thế Âm trong ngày khánh đản của Ngài. Tôn tượng của Ngài được rước từ trong động Quan Âm ở núi Kim Sơn đi ra đường Sư Vạn Hạnh, rước lên chùa Quán Thế Âm để làm lễ theo nghi lễ Phật giáo. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ ở chùa, kiệu được khiêng từ chùa xuống chiếc thuyền đậu trên sông Cầu Biện và chạy vòng quanh sông Cổ Cò, nhằm cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, làm ăn trên sông nước được thuận lợi, bình an.

- Lễ hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm thực hiện song hành với nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm. Để hóa trang tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, mỗi năm nhà chùa sẽ chọn một trong 32 ứng hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm để hóa thân. Chẳng hạn, hóa trang tái hiện thành Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Thập nhất diện Quan Âm, Quán Âm Thiện Tài Đồng Tử, Bạch Y Quan Âm, Quán Âm Tống Tử, Quán Âm Nam Hải… Phật tử được chọn để hóa trang và hóa thân thành Bồ Tát Quán Thế Âm là một nữ phật tử với gương mặt đoan trang, phúc hậu, có học vấn, văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt, là con của gia đình Phật tử thuần thành và nữ Phật tử đó phải thường xuyên đến chùa. Trước khi lễ hội diễn ra, khoảng 6 đến 8 tháng nữ Phật tử này được vị trụ trì chùa Quán Thế Âm giảng dạy về hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát, tập ngồi thiền, tập từng bước đi, cử chỉ, tính trang nghiêm của hình tướng Quán Thế Âm và thực hiện ăn chay 3 tháng trước khi nhập vai. Đồng thời, chọn may trang phục phù hợp theo ý nghĩa hóa trang. Sự hóa trang mong muốn tái hiện lại hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại lễ hội, để cho chúng sinh có dịp được chiêm ngưỡng sự đức độ, từ bi của Ngài, và ngụ ý rằng Ngài là vị Bồ Tát luôn đồng hành với chúng sanh mọi lúc mọi nơi, đặc biệt luôn đem hạnh nguyện từ bi, ban vui cứu khổ của mình tỏa khắp nhân loại. Ngoài việc hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát, tại lễ hội còn có những hóa trang thành các Tiểu đồng, các vị Bồ Tát khác và các Tiên nữ cùng Tứ Thiên Vương theo hầu, đều do gia đình Phật tử chùa Quán Thế Âm thực hiện.

- Lễ tạ pháp đàn hoa đăng thực hiện vào tối 19, là nghi lễ Phật giáo cuối cùng tại Lễ hội Quán Thế Âm, để cúng tạ sơn thủy, thổ thần và các thần linh đã phù hộ cho lễ hội thành công. Sau khi cúng tạ xong, những ngọn nến lồng vào hoa sen được thả xuống dòng sông, gửi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ được trường tồn như dòng nước.

Đan xen với các nghi lễ Phật giáo, người dân địa phương tổ chức các nghi lễ dân gian như: Lễ dâng hương tưởng niệm tại miếu thờ Huyền Trân công chúa, Lễ tế Xuân (tại chùa Quán Thế Âm) và Lễ tế Thạch Nghệ Tổ Sư nghề đá Non Nước (tại Nhà thờ tổ nghề đá nằm dưới chân núi Mộc Sơn). Bên cạnh đó là các hoạt động giải trí cũng được tổ chức như: hô hát Bài chòi, hò khoan đối đáp, hát dân ca, hát Tuồng; các hội thi, trình diễn thư pháp và triển lãm tranh, ảnh thủy mạc; đến các hoạt động văn hóa văn nghệ; các trò chơi dân gian như múa lân, sư tử, rồng, đẩy gậy, kéo co, đua thuyền, cờ tướng…

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn mang đậm tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt - Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là sự kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống của dân tộc dân tộc Việt Nam. Lễ hội đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, hướng con người đến điều thiện, đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc. Các nghi lễ dân gian thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tri ân người có công với nước, với cộng đồng. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn tuy mang màu sắc Phật giáo nhưng lại tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn biểu dương, tôn vinh các giá trị văn hóa và sức mạnh cộng đồng của môi trường xã hội mà nó đang tồn tại, là chất keo kết dính tạo nên sự gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng ý thức gắn kết với quê hương, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội là sự kết hợp hài hòa giữa thế giới tâm linh và cuộc sống thực tại của con người, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là kênh thông tin quan trọng, tạo cầu nối để quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng trong nước và quốc tế.

Với giá trị tiêu biểu trên, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2021./.

                             Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website