Ngày 18 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Lễ khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa Óc Eo” tại Hà Nội

Chiều 24/4/2018, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng tỉnh An Giang phối hợp tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa Óc Eo”.

Văn hóa Óc Eo được nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret phát hiện và khai quật một số địa điểm trên cánh đồng Óc Eo, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang vào năm 1944, gồm: Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Ông Phi, Gò Thôn, Gò Lớn, Giồng Cát và Gò Cây Cóc. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu, khảo sát vào những năm 1946, 1953, 1956, phát hiện ra nhiều dấu tích quan trọng của nền Văn hóa Óc Eo.

Một góc trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: Khắc Đoài

Kế thừa kết quả nghiên cứu của ông Louis Malleret, giai đoạn từ 1975 đến 2012, hàng loạt các cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế ở nhiều di tích thuộc Văn hóa Óc Eo tại Nam Bộ nói chung và khu vực Ba Thê - Óc Eo nói riêng, đã phát hiện ra nhiều loại hình khác nhau: kiến trúc, mộ táng, di chỉ cư trú, cùng hàng nghìn di vật, hiện vật độc đáo, quý giá, với nhiều chất liệu: vàng, đồng, đá, gốm… chứa đựng giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khoa học, thẩm mĩ… Không gian của Văn hóa Óc Eo phân bố ở nhiều tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tập trung nhiều nhất là khu vực Óc Eo - Ba Thê (thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Với 100 hình ảnh và trên 40 hiện vật, Triển lãm giới thiệu khái quát tới công chúng về nền Văn hóa Óc Eo, thể hiện theo những chủ đề, như: Giới thiệu di chỉ Văn hóa Óc Eo; các hoạt động khai quật khảo cổ; tôn giáo, tín ngưỡng; đồ gốm, đồ trang sức bằng vàng, nghề làm kim hoàn và một số hiện vật đặc trưng của Văn hóa Óc Eo…./.

 

Liên kết website