Ngày 24 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Đảo Lý Sơn thuộc huyện Lý Sơn, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý, gồm đảo Lớn (Cù lao Ré), đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu. Đảo có diện tích tự nhiên 9,97 km¬¬2, dân số trên 19.800 người. Toàn huyện đảo có 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thường được các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa xưa (như họ Võ, họ Phạm…) tổ chức vào dịp "cúng việc lề" của họ và do cộng đồng tổ chức tại đình làng vào ngày 15, 16 tháng 3 Âm lịch.

Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp". Theo Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân”. Như vậy, hải đội Hoàng Sa vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ, để tiện luồn lách trong quần đảo có nhiều rạn san hô và bãi đá ngầm hiểm trở. Qua các nguồn sử liệu cho thấy, khi vào trấn nhậm vùng đất phía Nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa để bảo vệ và khai thác biển Đông. Đội Hoàng Sa chính thức được thành lập từ năm nào chưa rõ, sử liệu cũ chỉ ghi “hồi đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước” và chấm dứt hoạt động vào những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là 2 phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Họ thật sự là những anh hùng vô danh, mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi hôm nay và mai sau. Từ thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển thô sơ và luôn phải đối mặt với nguy cơ "một đi không trở lại", đã hình thành ở Lý Sơn những câu hát dân gian "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây"; "Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"… Và, rất nhiều câu ca nói về đội Hoàng Sa và Trường Sa được nhiều người dân trên đảo nhớ và thuộc để truyền cho thế hệ mai sau về một thời bi hùng oanh liệt trong trang sử bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mỗi chuyến đi là "một đi không trở lại", nên người dân trên đảo lập các ngôi mộ kiểu “chiêu hồn nhập cốt”, hiện còn các mộ của Cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và một số "mã liếp" (mộ chiêu hồn) của các đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển cả. Đó là những ngôi mộ được làm bằng đất sét giả cốt người để con cháu tưởng niệm thờ cúng.

Ngoài ra, người dân Lý Sơn còn phối thờ Cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Chánh Thuỷ quân Suất đội Phạm Hữu Nhật và những hùng binh trong đội Hoàng Sa xưa tại di tích Âm linh tự, đình làng An Vĩnh và một số dinh, miếu thờ khác để ngàn đời nhớ đến công lao của họ.

Cho đến nay, người dân Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai/ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Tương truyền, mỗi người lính trong đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây để nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển. Từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ở đây đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán. Vì vậy, có thể khẳng định nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ. Theo quan niệm của nhân dân, đội Hoàng Sa khi làm nhiện vụ trên biển luôn gặp nhiều rủi ro, thường chỉ có đi mà không có về, nên trong buổi tế người ta làm những hình người bằng giấy hoặc bằng bột gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho người lính làm hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua. Về sau, khi đội Hoàng Sa không còn nữa, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đã tự tổ chức tế lễ theo nghi thức xưa tại nhà thờ tộc họ của mình để tưởng nhớ và trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người Lý Sơn.

Để chuẩn bị lễ khao lề, người ta làm 05 mô hình thuyền, các phẩm vật tế lễ, bài vị của các Cai đội Hoàng Sa và những binh lính trong đội, bài vị của các vị thần cai quản biển cả. Trước khi tổ chức lễ khao lề, Ban tế tự đình làng tổ chức lễ tế thần vào đêm trước và tổ chức lễ cầu an cho vong linh các chiến sĩ đội Hoàng Sa. Lễ khao lề được tổ chức ngoài sân đình và do các tộc họ cùng thầy pháp thực hiện. Ông Cả làng và các chức sắc trong làng tham gia làm bồi tế, với sự tham dự của hàng nghìn người dân trong huyện, du khách trong và ngoài tỉnh. Để thực hiện nghi lễ, người ta chuẩn bị 03 ban thờ đặt đồ tế như thịt heo, gà, muối, bánh khô…, bài vị các Cai đội và chiến sỹ Hoàng Sa. Trước các ban thờ là 05 mô hình thuyền câu (loại thuyền đội Hoàng Sa dùng đi biển). Sau khi thầy pháp thực hiện các nghi thức bắt ấn trừ tà, làm phép để an vị các vong linh chiến sỹ Hoàng Sa, là nghi thức đọc văn tế.

Tiếp theo nghi thức tế tại sân đình là nghi thức thả thuyền tế ra biển. Các thuyền tế được đưa ra ngoài biển khơi để thả trôi theo dòng nước, cầu cho vong linh những người lính trong đội Hoàng Sa xưa được siêu thoát và cầu mong cuộc sống yên bình cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Trong những năm gần đây, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được địa phương tổ chức khá long trọng, với sự tham gia đông đảo của nhân dân trên đảo Lý Sơn và nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi, tạo nên một nghi lễ mang đậm nét nhân văn. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức kết hợp với các sinh hoạt văn hóa như: Hội hoa đăng, hát bội, múa lân, lễ rước và lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa - Trường Sa cùng thuỷ quân Hoàng Sa - Trường Sa. Nghi lễ tại đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, còn bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn, Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung. Lễ vật và nghi thức cúng tế thể hiện sắc thái văn hóa riêng của cư dân Lý Sơn. Đây là nghi lễ gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, gắn liền với lịch sử chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của nước ta. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó của di sản văn hóa này, tháng 4/2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Dương Anh (Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website