Ngày 30 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Miếu Giàng, tỉnh Thái Bình

Theo thần tích, thần sắc Miếu Giàng (xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là nơi thờ phụng hai vị nhân thần: Linh Nhân Hoàng Thái hậu (Hoàng Thái hậu Ỷ Lan) và Thiệu Ninh công chúa.

Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, người có công giúp đỡ, hướng dẫn, khuyến khích nhân dân mở mang nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Đây cũng là nơi nhiều lần Bà cùng Vua về cày tịch điền, lập đàn tế Thần cầu cho Quốc thái Dân an, nhân khang vật thịnh. Để tưởng nhớ công đức của Hoàng Thái hậu, nhân dân làng Giàng lập đền, miếu thờ và tôn Bà là Thành hoàng. Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ dấu tích, di vật liên quan đến Bà (như sắc phong ngày 11 tháng Tám năm Duy Tân thứ 3 - 1909...).

Công chúa Thiệu Ninh là con gái vua Trần Nghệ Tông và bà phi họ Vũ. Công chúa là người giàu lòng bác ái, hiếu thảo, gắn bó với quê hương, đã giúp làng Tây Quan (nay thuộc xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng) xây một ngôi chùa khang trang, đẹp đẽ. Theo Thần tích thôn Giàng thì Thiệu Ninh công chúa có ban cho dân trong thôn 80 mẫu ruộng để cày cấy lấy hoa lợi. Miếu Giàng hiện còn lưu giữ 4 bản sắc phong Thần cho Thiệu Ninh công chúa vào các năm Cảnh Hưng 44 (1783), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924).

Trải qua các triều đại lịch sử ngôi miếu đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Theo bia ký thì đến năm 1683, miếu được tôn tạo lại có quy mô và kiểu dáng gần như ngày nay. Đến thời Nguyễn, miếu đã nhiều lần được trùng tu sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng cũ. Có thể kể đến các lần trùng tu năm 1920 (Khải Định thứ 5) dấu ấn vẫn còn được ghi lại trên thượng lương của tòa Tiền tế với dòng chữ: "Hoàng triều Khải Định Canh Thân nhị nguyệt sơ nhất nhật thìn khắc thụ trụ thượng lương đại cát". Nghĩa là: "Triều Nguyễn đời vua Khải Định năm Canh Thân tức 1920, tháng 2 ngày 01 giờ Thìn đặt nóc".

Toà Hậu cung trùng tu vào năm 1936 (Bảo Đại thứ 11) với dòng chữ Hán còn ghi: "Bảo Đại thập nhất niên nhuận tam nguyệt sơ thập nhật, tu miếu cát". Nghĩa là: "Toà Hậu cung được tu sửa vào năm Bảo Đại thứ 11 tức 1936, tháng 3 nhuận ngày mùng 10". Gần đây nhất là vào năm 1995, toà Tiền tế được tu bổ, tôn tạo lại và có diện mạo uy nghi, bề thế như hiện nay.

Bên cạnh Miếu về phía Tây còn có một Phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh, theo truyền ngôn cũng được xây dựng từ thời Nguyễn. Phủ Mẫu đã được trùng tu lại vào năm Đinh Hợi (2007).

Khuôn viên miếu Giàng được quy hoạch gọn gàng, xung quanh trồng nhiều cây xanh, cảnh quan thoáng đãng. Công trình chính quay mặt về hướng Đông Nam với quy mô kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm có tòa Tiền tế và tòa Hậu cung.

Tòa Tiền tế gồm có 5 gian với chiều dài là 10,8m, chiều rộng 5,4m, chiều cao 5,3m, tổng diện tích tòa Tiền tế là: 58,3m2. Ngoại thất được xây theo kiểu Hồi văn ngũ đấu, mái chảy lợp ngói mũi. Hai đầu hồi xây trụ biểu đèn lồng, trên đỉnh đắp trang trí hình búp hoa dành dành, thân trụ nhấn câu đối chữ Hán. Phần hiên trước được nhấn câu đối chữ Hán tại các cột hiên, trên mặt hiên trang trí các bức Hoành phi với các nội dung: “Tối linh từ”, “Dân đắc lộc”, “Cầu tất ứng”, “Thọ minh Khang”. Phần trên cùng mái hiên đắp vữa trang trí đề tài lưỡng long chầu nhật.

Nội thất tòa Tiền tế gồm có 04 bộ vì kèo được làm theo kiểu “Kèo cầu quá giang vượt” bào trơn đóng bén. Tại gian trung tâm có bài trí một nhang án, trên nhang án có bài trí ngai thờ, bát hương và các đồ tế khí khác. Tại đây còn có bức cuốn thư đề 03 chữ Hán “Cơ Đế Từ” ; hai bên còn khắc các chữ Hán nhỏ: “Đức - Trung - Nghĩa; Tất - Thành - Công”.

Tòa Hậu cung: Với quy mô kiến trúc kiểu chữ Nhị xây dựng ngay phía sau toà Tiền tế theo chiều dọc, gồm có 05 gian, kích thước dài 8,5m, rộng 5,5m, cao 4m, tổng diện tích 48m².

Ngoại thất toà Hậu cung được làm theo kiểu “Tiền đao, hậu đốc”, mái chảy lợp ngói mũi. Các bờ chảy, bờ nóc được gắn trang trí gạch hoa chanh khá đẹp.

Nội thất Hậu cung được làm theo kiểu “Thượng chúa báng, hạ kẻ chuyền” chạm trổ hoa văn lá lật tại các vì kèo, xà, kẻ, nghé đỡ. Không gian thờ tự của tòa này được phân thành hai khu vực. Hai gian ngoài bài trí 03 ngai thờ và các đồ tế khí như mâm bồng, ống hương, đài thờ... Hai gian trong cùng là chính tẩm có bài trí khám cùng ngai và bài vị thờ cùng một số đồ thờ khác.

Điều ấn tượng nhất là tại tòa Hậu cung là các bức Hoành phi, cuốn thư chạm trổ cầu kỳ như các bức: “Khâm phúc tư dân”, “Từ Vân Phúc” và còn nhiều đôi câu đối lòng máng chạm trổ hoa văn tứ quý, kỷ hà với nét chữ thanh thoát, uyển chuyển.

Hai tòa giải võ được xây dựng phía sau tòa Tiền tế, phía trước góc phải và góc trái tòa Hậu cung. Mỗi tòa giải võ có 02 gian với kích thước dài 4m, rộng 2m, cao 3m, tổng diện tích 8m², được xây theo kiểu mái chảy, hồi văn đắp đấu. Khung kiến trúc có 01 vì kèo ở giữa theo kiểu “kèo cầu trụ báng” bào trơn đóng bén.

Phủ Mẫu có quy mô kiến trúc kiểu chữ Tam gồm có 03 toà ngang xây liền nhau như một toà và không có khoảng ngăn cách:

Toà Đệ Nhất gồm có 03 gian, kích thước dài 7,5m, rộng 3,5m, cao 4,5m, tổng diện tích 28m². Ngoại thất xây dựng theo kiểu hồi văn đắp đấu, mái chảy lợp ngói mũi. Nội thất mái cuốn vòm làm 02 bộ vì kèo bê tông cốt thép. Gian giữa bài trí 01 đôi câu đối và 01 bức cuốn thư.

Toà Đệ Nhị gồm có 03 gian, kích thước dài 4,5m, rộng 2,5m, x cao 3,6m, tổng diện tích 12m². Kiến trúc ngoại thất xây dựng theo kiểu hồi văn đắp đấu, mái chảy lợp ngói mũi. Nội thất gồm có 02 bộ vì kèo bằng gỗ theo kiểu "kèo cầu quá giang" bào trơn đóng bén, hoành rui đều làm bằng gỗ. Toà đệ nhị có 02 nhang án đặt các đồ thờ như: ống hương, chân đèn, đài thờ, bát hương.

Toà Đệ Tam (Hậu cung) 01 gian, kích thước dài 2,7m, rộng 1,7m, x cao 3,1m; tổng diện 4,6m². Ngoại thất xây dựng theo kiểu hồi văn đắp đấu, mái chảy lợp ngói mũi. Nội thất xây gạch cuốn vòm; toà này xây bệ thờ và đặt khám cùng tượng thờ Mẫu.

Theo bản kê Thần tích, Thần sắc thôn Giàng, xã Thượng Tầm, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, lễ hội làng Giàng xưa diễn ra vào ngày mồng 1 tháng Tư âm lịch hàng năm. Đây là ngày lễ Kỳ Phúc của làng và được kéo dài 03 ngày từ ngày cuối tháng Ba đến ngày 2 tháng Tư âm lịch, trong đó ngày mồng 01 tháng Tư âm lịch là ngày chính hội.

Ngoài ra trong năm còn có tế lễ vào các ngày sau: Ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 tháng Giêng (Tết Nguyên Đán); ngày mồng 5 tháng Năm (Tết Đoan Ngọ); ngày rằm (15) tháng Tám (Trung Thu).

Với giá trị tiêu biểu trên, Miếu Giàng, tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 697/QĐ-BVHTTDL ngày 20/3/2023./.

Tuyết Chinh

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website