Ngày 24 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Mở cửa phòng trưng bày chuyên đề văn hóa “Óc Eo - Phù Nam” và Khai mạc trưng bày chuyên đề “Cổ vật Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Sáng ngày 25/7/2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Vũng Tàu, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nghiên cứu - Sưu tầm cổ vật Thăng Long - Hà Nội long trọng tổ chức lễ khánh thành phòng trưng bày chuyên đề văn hóa “Óc Eo - Phù Nam” và khai mạc trưng bày chuyên đề “Cổ vật Việt Nam”.

Phòng tưng bày “Óc Eo - Phù Nam” là kết quả của Dự án cải tạo, nâng cấp phòng trưng bày Văn hóa Óc Eo - Phù Nam, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2010.
Trong phòng trưng này này, hơn 100 cổ vật tiêu biểu của văn hóa Óc Eo - Phù Nam một nền văn hóa cổ, được hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở khu vực Nam Bộ, được trưng bày theo 3 nhóm chính, gồm đồ gốm, đồ trang sức và những hiện vật bằng kim loại, nhóm tượng thờ Phật giáo và Hindu giáo.
Nhóm hiện vật gốm bao gồm ba loại hình chính: đồ gia dụng, công cụ lao động và vật trang trí kiến trúc. Sản phẩm phổ biến là đồ gốm gia dụng, như bình, hũ, nồi, nắp, bát, cốc, chai… trong đó, loại hình đặc trưng nhất là bếp lò, vật dụng quen thuộc và thiết yếu của cư dân Óc Eo vùng sông nước. Vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung cũng là những di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo.
Nhóm hiện vật đồ trang sức và những hiện vật bằng kim loại gồm nhiều loại hình, như vòng, nhẫn, bông tai, dây chuyền, hạt chuỗi… được chế tác từ các loại chất liệu quý, như vàng, ngọc, đá quý và mã não,… với nhiều màu sắc, kích cỡ, hình dáng khác nhau. Đáng chú ý là các lá vàng dập nổi, chạm khắc hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ. Ngoài ra, còn có những con dấu, mặt nhẫn khắc hình người, động vật và các loại tiền vàng, bạc, hợp kim thiếc…
Nhóm tượng thờ Phật giáo và Hindu giáo chủ yếu được tạo tác từ chất liệu đá và gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam Bộ. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo ở đây là từ thế kỷ V đến thế kỷ VII. Phong cách điêu khắc vừa phản ánh rõ sự ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ, vừa thể hiện xu hướng bản địa hóa. Truyền thống nghệ thuật này còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, mà một số nhà nghiên cứu tạm gọi là giai đoạn hậu Óc Eo.
Có thể nói, Phòng trưng bày văn hóa Óc Eo - Phù Nam đã giúp người xem thấy được giá trị nhiều mặt của các cổ vật được trưng bày và những đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Óc Eo ở nước ta, góp phần cho việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam, cũng như nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Triển lãm trưng bày chuyên đề “Cổ vật Việt Nam” giới thiệu đến công chúng hơn 50 cổ vật Việt Nam tiêu biểu, đặc sắc được lựa chọn kỹ lưỡng từ các bộ sưu tập của hội viên Hội Nghiên cứu - Sưu tầm cổ vật Thăng Long - Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Các hiện vật trưng bày có niên đại từ văn hóa Đông Sơn (500 năm trước Công nguyên) tới cuối thời Nguyễn (thế kỷ XIX), với nhiều loại hình: trống đồng, ấm, chuông, thạp, chân đèn, bình, tráp, bát, muôi, chóe,... được làm từ chất liệu đồng và gốm. Đặc biệt, lần đầu tiên bộ sưu tập đồ trang sức vàng, gồm vòng tay cẩn pha lê; trâm chạm khắc hình phượng, trâm vàng,... từ thời chúa Nguyễn, được trưng bày tại Hà Nội.
Trưng bày chuyên đề “Cổ vật Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam từ ngày 25/07 đến ngày 25/8/2012.
Cũng trong sáng ngày 25/7/2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm do một số tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong số hàng trăm hiện vật qúy giá đã được bảo tàng tiếp nhận, tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (bản đồ các tỉnh trực thuộc Trung Quốc, do nhà Thanh ấn hành năm 1904) được TS. Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện - Viện Hán Nôm hiến tặng, đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử cũng như dư luận xã hội.
Theo phân tích của nhà sử học Dương Trung Quốc, tấm bản đồ này là một sản phẩm của bản đồ học Trung Hoa, đã bổ sung thêm một bằng chứng xác thực, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Có thể nói rằng, trưng bày chuyên đề "Cổ vật Việt Nam" và lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật đã góp phần thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng trong việc sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Liên kết website