Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Mộ và đền thờ Trần Tịnh, tỉnh Hà Tĩnh

Mộ và Đền thờ Trần Tịnh thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Theo gia phả dòng họ Trần tại thôn Mật Thiết, xã Kim Lộc cũ không thấy ghi chép về năm sinh và năm mất, chỉ ghi ngày mất của ông là ngày mồng 03 tháng Mười Hai (Âm lịch). Ông sinh ra trong một gia đình danh giá và có nề nếp ở làng Nguyệt Ao, từ thuở nhỏ đã nỗi tiếng học giỏi, thông minh, tư chất hiền lành.

Về công trạng và sự nghiệp của danh nhân Trần Tịnh đã được ghi rõ trong tấm bia - một di vật quý hiếm còn lưu giữ tại di tích, đặc biệt người soạn văn bia lại là người bạn tri vong của Ông đó là Quan hộ Bộ Thượng thư Phùng Khắc Khoan, đỗ tiến sỹ khoa thi năm Canh Thìn (1580) đời vua Lê Thế Tôn, niên hiệu Quang Hưng năm thứ 3.

Nội dung văn bia ghi rõ: "... Nhân khi thánh chúa giấy nghiệp ở đất Thanh Hoa (dịch chữ Tây thổ) ông theo giúp nộp chăm lo vương sự trung thành, chăm chỉ chầu chực có công.

Niên hiệu Cảnh Trị thứ 6 (đời Lê Anh Tôn - 1563) ông giữ chức Chưởng bạ, tước văn lý tử, ra vào nơi nghiêm cấm, càng thêm cung kính cẩn thận.

Niên hiệu Quang Hưng thứ 5 (đời Lê Thế Tôn - 1582) (ông được) vinh thăng chức phụng sự, chế tại nội truyền mệnh, tỏ ra hết đổi trung thành thờ vua.

Niên hiệu Quang Hưng thứ 17 (1584) (ông được) gia phong đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tham tri; tước văn lý bá; đem thân giúp nước, tòng quân có công, vâng chầu ở vương phủ, một lòng giữ tiết của kẻ bề tôi.

Niên hiệu Hoằng Định thứ 2 (đời Lê Kính Tôn - 1601) xét việc có lòng kiến nghĩa theo vua từ khi còn bôn ba (ông) được vinh phong làm hiệp mưu tá lý công thần.

Niên hiệu Hoằng Định thứ 5 - 1604) (ông được) gia phong chức tổng thái giám, chưởng cung nội thừa chế sự, tước văn lý hầu ..."(1).

Văn Lý Hầu Trần Tịnh là một nhân vật quan trọng trong quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Nhật Bản thế kỷ XVII. Năm 1610, Ông được chúa Trịnh cử giữ chức vụ: An Nam quốc Nghệ An sở Tổng Thái giám Thượng giám sự Văn Lý Hầu. Theo sử liệu của Nhật Bản thì Văn Lý Hầu Trần Tịnh phụ trách ngoại thương ở xứ Nghệ An có quan hệ giao thương với Nhật Bản trong khoảng thời gian từ năm 1607 - 1612.

Khi về già an nghỉ, ông thường lo nghĩ đến làng xóm quê hương, ông đã cúng cho chùa Gia Hưng và Chân Phúc 5 mẫu ruộng làm ruộng tam bảo. Trong xã cúng 7 mẫu ruộng cho làng Mật và làng Cót 7 mẫu, làng Giao Tác 12 mẫu, làng Nguyễn Xá 7 mẫu và làng Chợ Vi 12 mẫu…

Sau khi ông mất, để tưởng nhớ đến công lao và sự nghiệp giúp dân cứu nước của danh nhân Trần Tịnh, triều đình thời Lê - Trịnh đã gia phong ông chức Liêm Quận công, tước Văn Lý hầu, sau này con cháu dòng họ và nhân dân địa phương xây dựng Đền thờ tại quê nhà, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Như vậy, Trần Tịnh đã làm quan qua 3 triều vua, từ vua Lê Anh Tông (1556 - 1573), vua Lê Thế Tông (1573 - 1599) và vua Lê Kính Tông (1599 - 1619). Ông là một ông quan thanh liêm chính trực, đức độ, nhân nghĩa, giàu lòng nhân ái vị tha và thông minh giàu dũng khí được nhân dân yêu mến, kính trọng, quân sỹ cảm phục, bạn bè nể trọng, vua tôi tin tưởng yêu mến.

Di tích Mộ và đền thờ Trần Tịnh là một di tích lịch sử - văn hoá có giá trị, nơi thờ tự tưởng niệm danh nhân Trần Tịnh - người có công phò vua trị nước trong thời kỳ vua Lê chúa Trịnh của những năm thế kỷ XVI, XVII. Di tích toạ lạc trên một khuôn viên rộng, thoáng, cây xanh bao quanh và được bao bọc bởi khu dân cư đông đúc trù phú, có diện tích 2.880 m2. Nhìn tổng thể di tích nhà thờ được xây dựng theo hướng Tây, kiểu chữ Nhị, bao gồm các bộ phận kiến trúc chính: tam quan, tắc môn, tường bao và sân nhà bái đường, bái đường (hạ điện), thượng điện, nhà bia và Mộ.

Mộ và Đền thờ cùng với các tư liệu hiện vật gốc có giá trị lịch sử được lưu giữ tại di tích qua bao thế hệ như: văn bia, sắc phong, long phi, câu đối, bài vị, thần vị, gia phổ... bằng chữ Hán cổ thời Lê Nguyễn, là những nguồn tư liệu lịch sử quý giá giúp chúng ta nghiên cứu, đánh giá khoa học về thân thế, sự nghiệp công trạng của ông đối với quê hương, đất nước về bối cảnh lịch sử của một thời kỳ đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam thời Lê - Trịnh (thế kỷ XVI -  XVII).

Với giá trị tiêu biểu trên, Mộ và Đền thờ Trần Tịnh, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3083/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./.

 

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

 

(1) Đã dẫn - văn bia văn lý hầu - Thái Kim Đỉnh dịch, phiên và chú giải.

Liên kết website