Ngày 25 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn, tỉnh Quảng Bình

Võ Xuân Cẩn đối với việc xây dựng và bảo vệ đất nước

          Sinh ra trong buổi nhuận triều, Võ Xuân Cẩn đậu Cống sĩ (Cử nhân) dưới thời Chúa Nguyễn nhưng không ra làm quan. Năm Tân Dậu (1801), Đức thế tổ Cao Hoàng đế (Nguyễn Ánh - Gia Long) khôi phục kinh đô Phú Xuân. Năm 1802, Gia Long đã mời Võ Xuân Cẩn vào làm ở Viện Hàn Lâm. Trong cuộc đời làm quan 50 năm (1802 - 1852), trải qua 4 triều Vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), Võ Xuân Cẩn đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều như: Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Công; Hàn Lâm Viện học sĩ; Đông các Đại học sĩ; quản lý các việc Bộ Lại; kiêm lãnh Quốc sử quán; Tổng tài quốc sử quán... hay ở ngoài các địa phương như: Tham biện hiệp trấn Hưng Hóa, Sơn Nam, Hoài Đức, Nghệ An; Thị lang biện lý Bắc Thành (Hà Nội); Hình tào ở Gia Định; Tổng đốc tỉnh Bình - Phú...

Tháng Giêng năm Minh Mạng thứ năm (1824) Nghệ An xảy ra nạn đói nặng, Võ Xuân Cẩn cùng với Hồ Tấn Hiệu và Nguyễn Công Đàm đi phát chẩn cứu đói cho dân. Năm 1833, Võ Xuân Cẩn được bổ làm Tổng đốc tỉnh Bình - Phú. Trong thời gian này, Nam Kỳ có loạn Lê Văn Khôi (1833 - 1835), chúng đã đánh và chiếm một số thành ở Biên Hoà, Phiên An... đặt chức ngụy, tự xưng làm Đại Nguyên Soái. Lúc này, Võ Xuân Cẩn ngoài việc chăm lo đời sống của nhân dân ông còn phải xây dựng lực lượng quân sự để đối phó khi có loạn.

Võ Xuân Cẩn với việc cải cách điền địa năm 1839 ở Bình Định

Trong thời gian làm Tổng đốc ở Bình - Phú, Võ Xuân Cẩn đã có rất nhiều đóng góp cho dân và triều đình, đặc biệt là việc cải cách ruộng đất năm 1839 ở Bình Định. Trong sách Đại Nam Liệt truyện do Sử quán triều Nguyễn ấn hành cho chúng ta biết thời ấy (1839) mà có người muốn “cải cách ruộng đất”, lấy ruộng địa chủ (nhà giàu) chia cho nông dân (nhà nghèo) thật là quý hiếm.

Bình Định đến cuối đời Minh Mạng là nơi có tỷ lệ ruộng công thấp (bằng khoảng 10% ruộng tư). Tháng 11 năm Mậu Tuất (1838), Tổng đốc Bình - Phú (Bình Định - Phú Yên) là Võ Xuân Cẩn dâng tập thỉnh an lên Vua Minh Mạng, nhận định việc quân điền, nghĩa là chia ruộng cho dân. Ông đề nghị nếu là ruộng tư thì cứ lấy 5 mẫu làm hạn, còn thừa bao nhiêu thời làm ruộng công phân cấp cho dân, để làm lương điền khẩu quân. Tháng 7/1839, Võ Xuân Cẩn cùng với Tham tri Bộ Hộ là Doãn Uẩn đến Bình Định thi hành phép chia đều ruộng, phái thêm thuộc viên theo làm, phát giấy kho và sổ sách. Đến tháng 10/1839, việc cải cách được thực hiện xong.

Võ Xuân Cẩn đối với Sử học nửa đầu thế kỷ XIX

Nửa đầu thế kỷ XIX, nền Sử học nước ta rất phát triển, nhất là từ thời Vua Minh Mạng trở đi. Trong những năm trị vì đất nước, Vua Minh Mạng đã làm được rất nhiều việc về quân sự, giáo dục, văn hoá, sử học... Đối với Sử học đáng kể nhất là việc Ông cho lập Quốc sử quán (năm 1821), vừa thu thập sách xưa, vừa biên soạn các bộ sử mới. Nhiều bộ sử lớn của Nhà nước đã ra đời như “Đại Nam Thực Lục”, “Minh Mạng chính yếu”...

Năm Minh Mạng thứ 20 (1840), Vua thấy Hiệp Biện Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn là cựu thần già lão, vả lại am hiểu việc cũ, bèn sai sung Tổng tài sở thực lục, cùng Trương Đăng Quế khảo đính các sử tích.

Do có những đóng góp nhất định về mặt Sử học, Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), gặp khánh tiết, ban ơn gia chức Võ Xuân Cẩn là Ngự tiền Đại thần, cho bài đeo bằng ngọc. Vua Thiệu Trị mất năm 1847, Vua Tự Đức lên ngôi, Võ Xuân Cẩn được kiêm lĩnh chức “Hoàng thân sư bảo” (Sư bảo của Hoàng thân) trông coi các bộ vụ như cũ.

Vai trò của Võ Xuân Cẩn đối với triều đình những năm 1840 - 1852

Trong suốt 50 năm làm quan dưới bốn triều Vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), tám lần ứng vụ nhiều nơi, chín lần giữ chức vụ ở các đại sảnh, Võ Xuân Cẩn đều chứng tỏ sự thông thạo trong việc chọn người, âm thầm tiến cử nhân tài. Từ việc trong coi Quốc Tử Giám, tu chính quốc sử, xem xét việc học hành của các hoàng tử... hầu hết các chức vụ trọng yếu trong triều đình ông đều đảm đương tốt, ông có khả năng giữ cho đất nước được thái hòa.

Tháng 4/1852, Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn mất, thọ 81 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc ban sắc hậu cấp vàng, lụa, sửa việc tang, sai quan đến tế, cho tên thụy là Văn Đoan. Ngày 9/7/1852, Vua Tự Đức sai Bộ Lễ cùng quan nội các Nguyễn Cửu Trường, Nguyễn Tư Giản, Phạm Thanh đem bài thơ và bài minh của Vua làm nhan đề rằng: “Tứ triều nguyên lão”, cho khắc vào bia đá dựng ở đầu làng.

Di tích gồm ba phần: Mộ, nhà thờ và tấm bia “Tứ triều nguyên lão” thờ Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn.

Mộ Võ Xuân Cẩn được xây dựng năm 1852, ở phía Đông làng Hòa Luật. Cuối thời Nguyễn, mộ của Ông được chuyển lên thôn Tân Hòa, xã Tân Thuỷ ngày nay. Mộ quay hướng Bắc, xây bằng đá, gạch, có tường bao quanh. Toàn bộ khuôn viên mộ có chiều dài 2,7m, rộng 2,36m. Tường bao quanh cao 0,66m; bốn góc có bốn trụ hình vuông, mỗi trụ cao 0,91m; dày 0,2m x 0,2m. Trên đỉnh các trụ có đắp nổi hình cái đấu cách điệu. Cũng trên tường bao quanh phía đầu mộ có tấm bình phong cao 0,83m, rộng phía trên 0,76m, phía dưới 0,73m, có đắp nổi chữ “Phúc” bằng chữ Hán.

Nhà thờ Võ Xuân Cẩn được Vua Đồng Khánh cho xây dựng vào năm 1885, đến năm 2018, được phục hồi lại trên nền cũ. Nhà thờ được thiết kế ba gian, với chiều rộng 11,28m; chiều sâu 7,44m, chiều cao 5,495m; hệ thống cửa đi làm bằng gỗ 4 cánh rộng 2m. Vật liệu xây dựng nhà thờ bằng bê tông cốt thép, tường ngoài ốp gạch thẻ màu đỏ; các xuyên trính, xà cò, trụ đội làm bằng bê tông, sơn giả gỗ. Phần mái nhà thờ được lợp bằng ngói vảy, trên đỉnh có gắn lưỡng long chầu nguyệt; bốn góc mái uốn cong vàđều gắn đầu rồng; các góc hai đầu nóc có gắn kỳ lân. Phần hiên nhà thờ có 4 cột đá; hai bên bậc cấp lên xuống nhà thờ có đặt 2 con rồng bằng đá tự nhiên.

Di tích lịch sử Mộ và nhà thờ Võ Xuân Cẩn có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của quê hương, đất nước. Đây là nơi đặt di hài và thờ tự Thái Bảo Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng và cũng rất đặc biệt. Ông đã cống hiến cho triều Nguyễn từ đời Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, đến Tự Đức, được phong “Tứ triều nguyên lão” có lẽ là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng đất nước trong suốt 50 năm làm quan của mình (1802 - 1852).

Với những giá trị tiêu biểu trên, Mộ và Nhà thờ Võ Xuân Cẩn, tỉnh Quảng Bình , được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3232/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website