Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Nghề Chàng slaw (làm tranh cắt giấy) của người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai

Nghề Chàng slaw (nghề thủ công làm tranh cắt giấy) của người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và sáng tạo, để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật tinh tế phục vụ cho nghi lễ vòng đời của mỗi kiếp người Nùng Dín.

Hiện chưa ai biết rõ nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín xuất hiện từ khi nào, nhưng nghề này đã tồn tại trong đời sống văn hóa tâm linh của mọi gia đình và cộng đồng người Nùng Dín ở Lào Cai từ rất lâu đời. Tranh cắt giấy thường được làm và sử dụng khi trong cộng đồng có người qua đời và tổ chức tang lễ. Đây là lễ vật dâng người quá cố, có ý nghĩa như một món quà thể hiện lòng hiếu thảo mà con cháu dành cho cha mẹ, ông bà khi trở về thế giới bên kia. Theo quan niệm của người Nùng Dín, con người có linh hồn, khi người chết thì hồn sẽ lìa khỏi xác, nhưng vẫn tồn tại ở một thế giới siêu nhiên và có ảnh hưởng tới người còn sống. Hồn người chết có thể quay về thăm gia đình, phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, sống mạnh khoẻ, bình an và ngược lại,… Chính vì thế, việc tổ chức làm ma cho người qua đời là hết sức quan trọng và cần thiết đối với người Nùng Dín. Đây cũng là một hình thức báo đáp công ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Khi ông (bà), cha (mẹ) mất đi, ngoài việc xót thương, con cháu phải chuẩn bị tài sản cho người quá cố, như nhà táng, cột tiền, cục vàng, cục bạc, con ngựa, để mong người thân của mình khi sang thế giới bên kia, sẽ có một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc hơn ở trần gian, thoả mãn được ước vọng của cả người sống và người đã chết,...

Bộ tranh cắt giấy của người Nùng Dín có nhiều loại. Thông thường, bộ tranh cho một đám tang bao gồm: nhà táng, cây tiền, những bức trướng, ngựa giấy,... Nhà táng (rân sả) tượng trưng cho một cơ ngươi khang trang, một cuộc sống đầy đủ, là những gì mà người sống mong muốn làm cho người đã khuất; cột tiền (ẳn xả) hay còn gọi là cây tiền cho người chết, với mong muốn người chết có được cuộc sống giàu sang phú quý; những bức trướng “chỉ vần đứng”, “chỉ vần ngồi” để tỏ lòng tiếc thương người qua đời; ngựa giấy mang ý nghĩa là con vật chuyên chở hàng hóa khi người quá cố về thế giới bên kia,…

Trong quy trình làm tranh cắt giấy, việc đục tranh là khâu quan trọng, khó và mất nhiều thời gian nhất. Tranh cắt giấy được đục theo hai cách: đục trực tiếp trên khổ giấy hoặc đục theo khuôn mẫu có trước. Vì các họa tiết, hoa văn rất sát nhau, với nhiều hình dáng, lại thường đục cả tập giấy dày nhiều lớp, nên lưỡi đục phải sắc, thao tác phải khéo léo,... Tùy thuộc vào từng loại hoa văn mà nghệ nhân lựa chọn dụng cụ cắt (kéo, dao, cật nứa), dùi, đục, búa cho phù hợp, để tạo ra các hoa văn sắc nét, tinh tế.

Về việc phối màu: hiện nay, các nghệ nhân thường kết hợp nhiều màu khác nhau trên cùng một bức tranh, như tím, đỏ, xanh, vàng, đen và trắng. Cách sử dụng màu trên tranh cắt giấy của người Nùng Dín ở Lào Cai có những đặc điểm riêng biệt, từ kỹ thuật pha chế và nhuộm màu cho tới việc phối màu. Sau khi đục cắt, chạm trổ là đến việc cài xen các bức chạm trổ tranh giấy màu để trang trí: rỡ từng lớp tranh ra khỏi tập giấy, rồi dán bồi lên một lớp giấy màu khác (đối lập với màu tranh) để tạo màu sắc hài hòa giữa gam nóng và gam lạnh mà không bị sặc sỡ, lòe loẹt. Mô típ hoa văn trang trí trên nhà táng (bằng giấy) đã khắc họa những ý niệm của con người về thế giới cõi âm mà họ tưởng tượng ra qua hình ảnh hoa, lá, cỏ, cây, làng bản, chim muông, thú rừng, trâu bò, lợn gà, con cá, con cua, nhà cửa, công cụ lao động sản xuất (cày, bừa, cuốc xẻng,...).

Người thợ làm tranh cắt giấy bao giờ cũng lập ban thờ Tổ nghề và Thày trực tiếp truyền nghề. Trước khi nhận lời làm tranh cắt giấy cho gia đình nào, họ đều phải làm lễ xin phép Thày và Tổ nghề. Bài học đầu tiên khi học nghề là phải hiểu, làm tranh cắt giấy là việc phúc, làm hiếu, nên không được đòi giá cao, chỉ lấy tiền vật liệu và một chút tiền công, thậm chí giúp không cho những nhà khó khăn. Đây là bài học đạo đức được trao truyền trong nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín.

Tranh cắt giấy có giá trị nghệ thuật, văn hóa và tâm linh, phản ánh về vũ trụ quan của người Nùng, thể hiện tinh thần cộng đồng cũng như đạo đức xã hội giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Giá trị của nghệ thuật tranh cắt giấy còn thể hiện ở những cung bậc diễn cảm thông qua hình tượng các mô típ hoa văn, mảng mầu, mô tả sự sinh động của vũ trụ cùng với những khát vọng của con người trong thế giới thực tại cũng như gửi gắm vào thế giới tâm linh.

Tranh cắt giấy là sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ vòng đời của người Nùng. Các loại tranh cắt giấy do người Nùng sáng tạo và giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh một phần lịch sử xã hội người Nùng thông qua nghi thức tổ chức tang lễ cho người đã khuất. Đây cũng là những sản phẩm được tạo nên bởi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ, sáng tạo của những nghệ nhân Nùng Dí, nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của họ. Theo đó, nét văn hóa trong nghệ thuật tranh cắt giấy cũng là biểu hiện sinh động về tinh thần cộng đồng, đạo đức xã hội giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản và mang tính nhân văn trong đạo đức hành nghề.

Với những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học tiêu biểu và đặc sắc, Nghề Chàng slaw (làm tranh cắt giấy) của người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Liên kết website