Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Nghề Dệt chiếu lác ở Long An

Long An là một trong những khu vực được khai phá sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ thế kỷ XVII, lưu dân từ miền Trung, miền Bắc đã đến khai cơ lập nghiệp ở vùng đất này, trong hành trang văn hóa của mình, họ mang theo nghề dệt chiếu lác.

Tại đây, ngoài việc khẩn hoang trồng lúa, lúc nông nhàn, người dân dệt chiếu lác dựa trên nguồn nguyên liệu là cây lác dồi dào. Sản phẩm làm ra phục vụ chính nhu cầu của cộng đồng, sau là trao đổi và trở thành một nghề truyền thống của bà con.

Xã Long Định, huyện Cần Đước được các nhà khoa học nhận định chính là quê hương khởi phát nghề dệt chiếu ở Long An và một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, từ thế kỷ XVII – XVIII và từ đây, lan truyền sang các xã Long Cang, Phước Vân, Long Sơn (huyện Cần Đước), một số nơi ở các huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ của tỉnh Long An.

Nguyên liệu dệt chiếu truyền thống ở Long An có hai loại cây: lác và đay. Cây lác là nguồn nguyên liệu chính gồm hai loại lác hoang và lác trồng. Với sự phát triển của nghề, năng suất và chất lượng lác hoang không đáp ứng được yêu cầu nên lác hoang đã dần mất đi. Thay vào đó, người dân trồng lác để đáp ứng nguồn nguyên liệu. Cây đay là nguồn nguyên liệu sau cây lác. Đay được trồng nhiều ở các huyện Đồng Tháp Mười như Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng.

Lác sau khi thu hoạch được chẻ và phơi. Để chuẩn bị cho việc dệt chiếu, người làm nghề phải chuẩn bị sợi trân, được xe bằng tay, bằng máy hoặc mua sợi trân thành phẩm.

Công cụ dệt chính là chiếc khung dệt, gồm 6 bộ phận liên kết với nhau bằng những đường trân: cọc nêm (còn gọi là trụ đứng hay nọc) liên kết với đòn ngang để mắc sợi dọc vào; đòn ngang (còn gọi là đò giàn, miền Bắc gọi là suốt ngang hay đòn ém, có nơi gọi là đòn néo) để căng sợi dọc (sợi trân) nối từ đòn ngang bên này luồn qua khung dạo với đòn ngang bên kia; đòn kê (ngựa) được đặt cố định để nâng sợi dọc và khung dạo không chạm đất; khung dạo (lược go) là bộ phận quan trọng nhất của chiếc khung dệt để thực hiện kỹ thuật dệt chiếu: tạo mặt sợi dọc và chia đôi sợi dọc khi khung dạo ở tư thế sấp, ngửa để thực hiện động tác kỹ thuật đưa sợi ngang vào (chuồi sợi lác) và nêm chặt sợi ngang; cây chuồi sợi (miền Bắc gọi là văng que, cây văng hay que chao công cụ quan trọng chỉ sau chiếc khung dạo, là một chiếc thoi để chuồi (lao) sợi lác; ghế cho người dệt ngồi. Ngoài ra còn có dụng cụ xơ dầu, làm bằng sợi đay trông tựa như cái chổi nhỏ. Xơ dầu dùng để quét dầu lên sợi đay để khi dệt được trơn, dễ dệt và tránh đứt sợi đay.

Trước khi dệt, người thợ dệt phải rũ lác, đảo lác và mắc sợi đay (sợi dọc, sợi trân) tạo thành mặt sợi dọc trên khung dệt. Khi dệt chiếu cần có hai người: một người ngồi dệt dập khung dạo, một người chuồi sợi ngồi bên cạnh. Đây là quy trình dệt cơ bản đối với chiếu thông thường. Với từng loại chiếu khác nhau, có những nguyên tắc kỹ thuật, cách thức chuẩn bị nguyên liệu đặc trưng khác nhau.

Kỹ thuật dệt chiếu gồm dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa (bông). Dệt chiếu trơn chỉ dùng sợi lác trắng, người chuồi sợi thực hiện việc chuồi sợi đan xen theo tuần tự một sợi gốc, một sợi ngọn đảo chiều nhau, bẻ bìa gốc, cứ thế cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Trong nhóm chiếu trơn, chiếu Bắc có chất lượng cao, dày, bền, đẹp hơn chiếu trơn thông thường với nguyên liệu tốt và kỹ thuật dệt công phu hơn.

Dệt chiếu hoa gồm hai loại: in hoa và dệt hoa. In hoa là phương pháp tạo hoa văn trên chiếu trơn thành phẩm bằng khuôn in, bàn chải lông (hoặc cọ sơn), ván, phảng, giường với các đề tài khác nhau theo nhu cầu của khách hàng. Chiếu sau khi in, màu thuốc in khô thì hấp chiếu bằng hơi nước để màu ăn chặt vào sợi lác. Dụng cụ để hấp chiếu trước đây bằng thùng phuy, nay việc in chiếu hoa ở Bến Lức và Cần Đước được chuyên môn hóa, do các cơ sở in với số lượng lớn trong buồng hấp.

Tạo hoa văn bằng kỹ thuật dệt với sợi lác đã được nhuộm màu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Về hình thức và chất lượng, dệt hoa đẹp hơn dệt thường và bền màu hơn chiếu in hoa. Phẩm màu được pha với nước đun sôi, lọc bỏ cặn rồi nhúng sợi lác cho thấm đều khoảng 10 phút, đem phơi nắng khoảng 01 ngày. Thông thường, sợi lác được nhuộm các màu xanh, đỏ, vàng và tím (ở Long Định gọi là nâu). Ngoài dệt chiếu hoa cơ bản là dệt đan xen giữa sợi cói màu và sợi trắng theo mẫu còn có kỹ thuật dệt các loại chiếu hoa khác nhau như: chiếu phệt, chiếu sọc, chiếu hột mè...

Chiếu phệt là loại chiếu hoa văn được dệt ở chính giữa bằng cách chuồi xen kẽ sợi lác màu và trắng theo trình tự: hai đầu lá chiếu dệt sợi trắng 0.50cm, xong dệt ba (hoặc hai) màu phối hợp xen kẽ có độ dài 0,30cm (gọi là con lươn), dệt trắng tiếp dài 10cm, dệt bốn (hoặc ba) màu xen kẽ có độ dài là 10cm và đổi thứ tự màu ba lần tổng cộng có độ dài là 30cm (gọi là dí); giữa chiếu, bắt đầu từ dí dệt trắng 0,50cm dệt tổ hợp bốn màu (hoặc ba) phối hợp xen kẽ có độ dài 20cm và đổi thứ tự màu bốn lần tạo ra độ dài từ 1m đến 1,1m ở giữa thân chiếu thì gặp lại đầu dí bên kia, đoạn này gọi là phệt.

Chiếu sọc Miên là loại chiếu dệt tạo thành các đường sọc ở giữa chiếu. Người dệt cũng dùng sợi lác màu và sợi trắng dệt hai đầu chiếu như cách dệt chiếu phệt, ở giữa chiếu dệt tổ hợp xen kẽ hai màu gồm 6 đoạn, mỗi đoạn dài 10cm.

Chiếu hột mè hai đầu dệt như các loại chiếu trên, giữa chỉ dệt hai màu trắng, đỏ (hoặc xanh, đỏ) bằng cách chuồi một gốc một ngọn theo thứ tự trắng đỏ, cứ thế cho đến gặp đầu dí bên kia.

Dệt chiếu lảy là phương pháp dệt hoa, trong đó nghệ nhân dùng kỹ thuật lảy để thể hiện các đề tài, hoa văn. Khi dệt chiếu lảy, vai trò quyết định thuộc về người dập khung, là người vừa nắm thiết kế, mẫu mã, vừa trực tiếp thực hiện các động tác kỹ thuật (nhấn, đè, cắt, nối trân) để tạo hình; người chuồi đóng vai trò hỗ trợ. Về phương pháp: với người chuồi sợi, khi chuồi những sợi lác màu để tạo hình thì theo nguyên tắc, một gốc, một ngọn, bẻ bìa gốc; với người dệt, sau động tác dập khung sẽ dùng hai tay đè trân, cắt, nối trân ở những vị trí nào đó tạo ra khe hở để người chuồi theo đó làm động tác phăng sợi. Về nguyên lý, cần sợi lác màu nổi lên thì đè trân, che khuất thì nâng trân. Làng chiếu ở Long Định, Long Cang có ba mô típ lảy là: lảy hình, lảy chữ và lảy hoa văn.

Sản phẩm chiếu lác ở Long An được phân biệt với các vùng khác chủ yếu dựa vào kỹ thuật, nguyên liệu, hình thức và chức năng của từng loại. Ngày nay, các cơ sở dệt còn tạo ra rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu lác đạt yếu tố mỹ thuật cao, phong phú về chủng loại và mẫu mã để phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau trong nước và xuất khẩu. Có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như: các loại thảm cói, túi xách, dép cói, nón cói, chiếu du lịch, chiếu nôi, chiếu giường phòng, nệm xe, nệm ghế, gối cói, sọt, khăn chiếu, khay… Nghề dệt chiếu lác ở Long An còn hiện diện trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, cổ nhạc, trở thành hình tượng nghệ thuật phản ánh tâm tư tình cảm của con người trong cuộc sống. Năm 2014, Nghề dệt chiếu lác đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Liên kết website