Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền
Người Dao Tiền cư trú tập trung chủ yếu ở các xã: Nà Mường, Tân Lập, Phiêng Luông, Quy Hướng, thị trấn Nông Trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu); Tô Múa, Chiềng Yên, Suối Bàng, Lóng Luông, Vân Hồ, Liên Hòa (huyện Vân Hồ); Mường Cơi, Tân Lang, Bắc Phong, Đá Đỏ, Kim Bon, Mường Bang, Tường Phong, Huy Tường (huyện Phù Yên), tỉnh Sơn La.
Người Dao ở Sơn La còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt các nghi lễ đánh dấu chu kỳ đời người, trong đó có lễ cưới. Người Dao quan niệm hôn nhân có ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân, gia đình và họ tộc. Truyền thống hôn nhân là một vợ một chồng với nguyên tắc hôn nhân đồng tộc người, ngoại hôn dòng họ, sau kết hôn cư trú bên gia đình nhà chồng. Nghi lễ truyền thống của người Dao Tiền có Lễ dạm hỏi (xem tuổi cô dâu, chú rể) và 3 nghi lễ chính: Lễ xin dâu, lễ cắt khẩu và lễ nhập khẩu cho cô dâu, chủ yếu được thực hiện ở nhà gái.
Người Dao rất coi trọng việc xem, chọn ngày cưới và xem tuổi của cô dâu, chú rể. Nếu đôi trẻ hợp tuổi, người con trai thỉnh thoảng sang nhà gái giúp đỡ việc ruộng, vườn, việc nhà một ngày hoặc vài ngày trong thời gian 3 ngày đến 3 tháng, một hình thức trả công bố mẹ vợ đã nuôi nấng con gái để gả cho mình. Đây cũng là thời gian chờ thầy cúng chọn ngày cưới và cũng xem nhà gái có ưng thuận chàng rể tương lai không. Trước đây, do điều kiện khó khăn, nhiều gia đình chưa tổ chức được lễ cưới vẫn làm thủ tục để cô dâu, chú rể chung sống với nhau. Sau già mà vẫn chưa làm thủ tục cưới thì con cháu phải tổ chức đám cưới cho bố mẹ. Nếu không, họ bị coi là người chưa trưởng thành, không được đại diện đi cưới, hỏi cho gia đình nhà khác. Đôi vợ chồng đủ tuổi đăng ký kết hôn và ở với nhau, có con cái nhưng vẫn cư trú bên nhà gái cho đến ngày cưới.
Nhà trai chuẩn bị đồ lễ đưa sang nhà gái, đặt ở giữa nhà để 2 thầy cúng làm lễ báo cáo với tổ tiên nhà trai, xin phép được đưa đồ lễ dẫn cưới sang nhà gái. Nhà trai cử ít nhất 10 người cả nam và nữ đưa đồ lễ sang nhà gái (gồm cả chú rể), đồng thời ở lại phục vụ đám cưới tại nhà gái. Nhà gái đón tiếp nhà trai đến ngủ mơ, làm lễ cắt khẩu, nhập khẩu cho cô dâu.
Đi ngủ mơ: Nhà trai cử 1 ông mối (thường là anh của chú rể), 1 bà mối (thường là vợ của anh cả, hoặc chị gái của chú rể) và 1 cô gái dẫn dâu (là cháu gái của nhà trai khoảng từ 6 - 15 tuổi) sang nhà gái để “ngủ mơ” và đón dâu về. Ông mối mang theo 01 bộ lễ phục mới nhà trai chuẩn bị sẵn cho cô dâu mặc khi về nhà chồng. Nhà gái đón tiếp đoàn nhà trai, chuẩn bị chỗ cho đoàn tối ngủ xem có mơ thấy điềm gì không. Nếu mơ thấy điềm tốt thì hôm sau có thể đón dâu và tổ chức lễ cưới; thấy điềm xấu thì đám cưới phải chọn rời sang ngày khác. Ngày nay, tục lệ này chỉ mang tính hình thức, không phụ thuộc vào giấc mơ tốt hay xấu nhà trai vẫn được đón dâu về, đám cưới vẫn diễn ra.
Sáng sớm, chuẩn bị nhà trai rước dâu, bà, bác hoặc thím của cô dâu chuẩn bị váy áo cho cháu đem về nhà chồng. Bà thím búi tóc và đội khăn cho cô dâu. Cô dâu được trang điểm, đeo đồ trang sức: hoa tai, vòng tay, vòng cổ. Các bà, bác, cô, chị bên nhà gái mặc váy áo cho cô dâu. Trước hết, là mặc bộ trang phục do mẹ cô dâu (hoặc cô dâu) chuẩn bị, sau đó đến bộ trang phục của nhà trai mang sang. Áo váy được mặc vào người cô dâu tầng tầng lớp lớp, không mặc được nữa thì cứ thế phủ lên trên đầu, vai (họ hàng đông thì cô dâu mặc nhiều trang phục, thường thì mặc ít nhất 10 bộ). Vào ngày này ai cũng muốn đưa cho cô dâu mặc bộ trang phục của mình để tỏ lòng yêu thương, bao bọc cô dâu. Cô dâu nào có càng nhiều họ hàng, hay được nhiều người yêu quý thì ngày rước dâu số trang phục mặc trên người sẽ càng nhiều. Sau khi làm lễ xong, các bộ váy áo sẽ được trả lại cho chủ nhân của nó, cô dâu chỉ giữ 02 bộ trang phục của mình và của nhà chồng. Người Dao quan niệm, cô dâu mặc nhiều áo là nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thương của họ hàng và nhận được sự che chở khỏi tà ma làm hại khi đi trên đường xa, núi hiểm về nhà chồng.
Ông mối, bà mối đưa người dẫn dâu đến (cô cháu gái khoảng 6 - 15 tuổi), ông mối làm phép, lạy 6 lạy để che chở cho cô dâu trên đường sang nhà chồng khỏe mạnh. Cô dâu mặc xong trang phục thì ngồi trên ghế ở cửa nhìn ra cổng (hướng Đông), bên cạnh là người dẫn dâu và bà mối. Ông thầy cúng của nhà gái và ông mối của nhà trai đứng sau lưng cô dâu, cùng làm lễ cúng “Choàng xin”, đọc lời cúng chúc phúc cho cô dâu về nhà chồng được bình an, khỏe mạnh, may mắn. Nếu đôi vợ chồng nào có con rồi thì làm lễ cho con trước, thầy cúng hoặc người lớn tuổi trong gia đình cúng cầu cho cháu bé khỏe mạnh, đi đường may mắn, bình yên, sau đó bên nhà trai đưa cháu bé về trước, rồi mới đón cô dâu đi sau.
Ông mối, bà mối sau khi làm phép xong thì quay vào trong nhà mời anh em họ hàng bên ngoại đưa cô dâu về nhà chồng, nhà gái cử 4 người 2 nam, 2 nữ đưa cô dâu về nhà chồng (người Dao tiền coi trọng số chẵn trong đám cưới vì họ cho là như vậy mới có đôi, mới hoàn hảo). Đoàn đưa cô dâu đi sang nhà chồng, cô gái dẫn dâu cầm tay cô dâu dắt đi, bên cạnh có một người đỡ cô dâu (do váy áo quá nặng), bà mối đi trước, đi được một đoạn bà mối chia bánh kẹo cho những người đi đưa dâu để cám ơn, bỏ bớt trang phục cho cô dâu đỡ nặng (nếu nhà trai ở xa thì cô dâu chỉ mặc hai bộ: 1 bộ của mẹ đẻ, 1 bộ của mẹ chồng; nếu nhà trai ở gần thì bỏ đỡ đi vài bộ). Khi cô dâu đến gần nhà trai, đoàn đưa đón dâu dừng lại ở gần nhà hoặc sân nhà hàng xóm mặc lại số váy áo, khăn đã bỏ ra trước đó. Cô dâu được dẫn vào trong nhà, ngồi trước bàn thờ chính để thầy cúng làm lễ báo với tổ tiên là đã đón dâu về. Có nơi, bà mối và người dẫn dâu đưa cô dâu vào sân, bà mối lấy chậu nước rửa mặt, rửa tay cho cô dâu, ý là để cô dâu về nhà chồng sau này biết làm việc của nhà chồng. Sau đó, bà dẫn cô dâu vào nhà và đưa cho cô một đồng tiền (trước đây thường dùng một hào bạc, ngày nay dùng tiền giấy) để vào giữa bếp thổ công (được bắc bằng 3 ông đầu rau gần bàn thờ tổ tiên ở trong nhà) để thổ công thổ địa nhận cô là con trong gia đình. Lễ đón dâu kết thúc, cô dâu bỏ bớt váy áo, chỉ mặc 2 bộ trang phục của mẹ đẻ và mẹ chồng.
Lễ cắt khẩu cho cô dâu được tiến hành vào buổi tối bên nhà gái cùng với Lễ nhận đồ dẫn cưới của nhà trai. Nhà gái chuẩn bị mâm cúng gồm thịt chua, cơm, rượu để báo cáo tổ tiên. Cúng xong, đoàn nhà trai đưa lễ vào trong nhà (có nơi nhà gái đóng cửa, nhà trai đến phải đứng ngoài gõ cửa xin vào, khi nào nhà gái đồng ý mới mở cửa để nhà trai đưa lễ vào). Sau đó, họ lấy một ít thịt lợn luộc (mang sẵn từ nhà trai sang) bổ sung vào các mâm cơm nhà gái đang ăn (mang tính chất phục vụ nhà gái), rồi ngồi vào ăn cơm cùng. Sau bữa cơm, nhà gái để 2 cái bàn ở gian giữa nhà, trước bàn thờ tổ tiên, bày các lễ vật của nhà trai mang sang: 9 cái đĩa, mỗi đĩa bày 1 túm thịt lợn sống và 2 cái bánh rán làm dấu hiệu vị trí đặt lễ, sau đó đặt 4 vai lợn, 1 bên đầu lợn có ít gan, mật và 1 cái đuôi lợn đặt vào đĩa ở trung tâm. 4 cái đĩa ở đầu bàn đặt bánh rán, mỗi đĩa gồm 30 chiếc bánh nhỏ và 2 chiếc bánh to xếp thành hình ống (bánh to tượng trưng là mẹ, bánh nhỏ tượng trưng là con, cầu mong sau này đông con nhiều cháu). Trước bàn đặt 4 cái bát để đựng rượu, 4 sọt đựng 4 đùi lợn, 2 sọt đựng thịt xương (đã xẻ thành từng dẻ), 1 sọt đựng thịt đã luộc chín, 2 sọt đựng muối, 1 sọt đựng bánh, 1 sọt đựng thịt chua và 1 chum rượu; đầu bàn đặt 1 chiếc mẹt lót vải trắng, vải đỏ, giấy vàng đỏ trắng, đặt 4 gói muối to có bọc giấy đỏ, giấy trắng và tiền vàng buộc chỉ tơ hồng đặt 4 bên đối diện (1 gói to, 2 gói bé ở 2 bên), giữa mẹt đặt 1 chiếc bát to lót giấy đỏ, giấy trắng và tiền vàng trong bát có 3 đồng bạc trắng, miệng bát có 8 dây chỉ đỏ (dây tơ hồng) vắt ngang, còn 2 đôi gà và con lợn sống được để ở ngoài sân (có đám cưới nhà gái yêu cầu nhà trai mổ luôn con lợn này mang sang làm lễ). Sắp lễ xong trưởng đoàn nhà trai đốt đuốc mời nhà gái kiểm tra lễ. Nhà gái lựa chọn 2 người bên ngoại (bác và cậu) có nhiệm vụ cầm đuốc soi và kiểm tra lễ xem đã đầy đủ chưa, nếu lễ vật đã đầy đủ thì nhà gái nhận đồ lễ và bắt đầu làm lễ cúng tổ tiên để cắt khẩu cho cô dâu (phần âm). Chú rể mặc trang phục truyền thống, dâng rượu, làm lễ xin cô dâu và nhận các anh, chị ruột, các anh rể, chị dâu của bên nhà gái.
Chú rể nâng 2 bát rượu cho người làm lễ (thường anh rể của cô dâu đứng ra làm lễ cho em vợ, nếu cô dâu chưa có anh rể thì ông cậu sẽ làm lễ cho cháu gái), người cúng lễ lạy 12 lạy xin tổ tiên nhận chú rể, báo cáo tổ tiên phù hộ cho cô dâu, chú rể có cuộc sống đầy đủ, mạnh khỏe, hạnh phúc, sinh ra con cái khôn ngoan, hòa thuận. Nhà gái cử 4 người (2 nam, 2 nữ) là cô, bác lên làm lễ nhận chú rể. Sau đó, đồ lễ (thịt lợn) được chia cho họ hàng. Nhà gái làm thẻ bài, trên viết tên những người họ hàng đặt vào các phần lễ, khi thầy cúng gọi đến tên người nào thì người đó lên nhận. Chú rể lạy mỗi người nhận 12 lạy. Có dòng họ thì cô dâu đứng một bên, chú rể đứng một bên (hai người đứng gần nhau). Người cúng mời chú rể và cô dâu uống rượu. Xong các thủ tục, cô dâu, chú rể lạy 12 lạy; nhà gái dọn cỗ mời hàng xóm và gia đình hai bên cùng chung vui, mâm cỗ giành cho người cúng được đặt nơi trang trọng nhất. Sau đó, người nhà gái lên cúng tổ tiên xin phép thu dọn lễ vật. Trưởng đoàn nhà trai trao tiền đặt lễ cho nhà gái, sau đó nhà gái trao nhân khẩu của cô dâu cho nhà trai (tượng trưng là 2 túm thịt lợn sống và 02 bát rượu) và dăn dạy cô dâu, chú rể cách ăn ở, đối xử với bố mẹ và anh chị em họ hàng hai bên.
Lễ nhập khẩu cho cô dâu: Nhà gái cắt xong khẩu cho cô dâu (khoảng 22h - 23h), tin được báo về nhà trai và nhà trai chuẩn bị 1 mâm lễ vật để cúng nhập khẩu cho cô dâu, một số dòng họ phải đợi mang khẩu tượng trưng của cô dâu về thì nhà trai mới làm lễ nhập khẩu. Thầy cúng báo cáo với tổ tiên xin nhập khẩu cho cô dâu về nhà chồng. Theo truyền thống, xong Lễ nhập khẩu cho cô dâu là kết thúc đám cưới tại nhà trai.
Lễ lại mặt: Sau khi cưới 30 ngày trở lên, 120 ngày trở xuống, nhà trai tổ chức đi lại mặt. Thành phần gồm bố mẹ chú rể, cô dâu chú rể và 2 người anh em. Lễ vật mang đi gồm: 1 con lợn từ 5kg trở lên hoặc 1 con gà (tùy theo điều kiện từng gia đình), rượu, bánh rán mang đến nhà gái. Nhà gái chuẩn bị 1 mâm cúng báo cáo tổ tiên hôm nay con gái và con rể về xin giấy khai sinh, sau khi cúng xong nhà gái đưa giấy khai sinh của cô dâu cho nhà trai.
Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn tín ngưỡng, tâm linh, đạo đức, luân lý của cộng đồng. Trong lễ cưới của người Dao tiền, trang phục truyền thống được bảo tồn về chất liệu, kỹ thuật tạo hoa văn với việc vẽ sáp ong và thêu, ghép vải, màu sắc và đồ án hoa văn; vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc của cộng đồng người Dao. Nghi lễ trong đám cưới góp phần bảo tồn văn hóa ẩm thực truyền thống của người Dao tiền. Các nghi lễ thể hiện vai trò của gia đình, dòng họ, tính cộng đồng, sự chia sẻ, quan tâm giữa người với người trong dòng họ, cộng đồng
Với giá trị tiêu biểu, Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao Tiền được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2964/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.
Dương Anh
(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)