Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Ot Ndrong (Sử thi) của người Mnông ở tỉnh Đăk Nông

Sử thi Mnông (người bản tộc gọi là Ot Ndrong) thuộc loại sử thi cổ sơ, được hình thành và lưu truyền trải qua một quá trình lâu dài, đặc biệt là qua hoạt động sáng tạo của người kể. Không những thuộc các cốt truyện, nhân vật, chủ đề, người kể còn vận dụng ngôn từ truyền thống để hát kể và ứng tác thành những tác phẩm sử thi tương đối hoàn chỉnh. Khi các truyện đã ổn định về nội dung và hình thức, các thế hệ sau cứ thế hát kể cho cộng đồng nghe vào mỗi đêm trong những mùa rẫy, thêm bớt cho phù hợp với hoàn cảnh và hát kể sao cho sinh động, hấp dẫn, thu hút người nghe bằng chất giọng trầm bổng, ngôn từ đậm chất thơ ca, ví von, giàu biểu cảm như so sánh, tương phản, mô phỏng, ngoa dụ.

Sử thi Mnông có thể bao gồm ba chủ đề chính:

 - Sự hình thành vũ trụ, con người và xã hội: Không gian vũ trụ trong sử thi Mnông được miêu tả theo ba tầng: tầng đất, tầng trời và âm phủ. Tầng đất có con người và thần linh, tầng trời và tầng âm phủ có thần linh và linh hồn người chết. Con người và thần linh có quan hệ mật thiết với nhau. Ở tầng đất, chủ yếu miêu tả gia tộc mẹ Rong, trong đó nổi bật là các nhân vật Bông, Rong, Tiăng, Ndu, Lêng, Mbông và một số các vị thần linh như Lêt, Mai thường gây nên sự hiềm khích đánh nhau. Ở tầng trời, có thần Me Trôk, Nri, Nre và các thần có khả năng đưa thế giới trở lại bình thường. Ở tầng âm phủ có thần Dê, Dơm canh giữ linh hồn người chết. Hệ thống thần linh trong sử thi Mnông tuy không đối lập, nhưng lại đứng theo số đông để loại trừ điều xấu, điều ác và bảo vệ con người.

Trong kho tàng sử thi Mnông, tiêu biểu nhất và có một vị trí quan trọng đặc biệt là sử thi Kể dòng con cháu mẹ Chếp - một trong những sử thi mẹ của toàn bộ sử thi Mnông.

Sử thi “Bông, Rong và Tiăng” nói về cuộc hành trình đầy gian khổ để khai thiên lập địa của hai nhân vật Bông và Rong, được người Mnông gọi là Mẹ Rong, Mẹ Bông. Tác phẩm thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, mở rộng địa bàn cư trú của người Mnông. Tiếp nối sự nghiệp của Mẹ Bông và Mẹ Rong, Tiăng là người anh hùng có công khai sáng cho cộng đồng Mnông. Mẹ Bông, Mẹ Rong và Tiăng là những biểu trưng văn hóa về nguồn gốc dân tộc Mnông.

- Ca ngợi cuộc sống trù phú và hạnh phúc của cộng đồng: Cuộc sống trong sử thi Mnông được đề cập với sự đầy đủ, giàu có và một cộng đồng có ý thức tập thể cao. Trong gia đình, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng, dệt vải, giã gạo, bổ củi, nấu cơm, bắt cá, hái lượm; người đàn ông giỏi công việc nương rẫy, săn bắt thú rừng, đan lát, rèn đúc, chặt cây và tham gia chiến đấu khi có chiến tranh. Ngoài ra, sử thi còn phản ánh khá sâu sắc đời sống tín ngưỡng và phong tục tập quán của gia đình, cộng đồng. Mọi hoạt động của các nhân vật trong sử thi đều bị chi phối bởi yếu tố thần linh. Trước khi làm một việc gì quan trọng, các nhân vật đều làm nghi lễ cúng thần linh, cầu mong được phù hộ. Trong gia đình có người đi xa hay có người chết, người phụ nữ, chủ gia đình phải giữ kiêng kị để đảm bảo an toàn. Quan niệm về thần, linh hồn, bùa ngải, phù thuỷ,... phong phú, đa dạng như vậy đã chi phối rất lớn đến hành động các nhân vật.

- Chiến tranh và người anh hùng: Chiến tranh trong sử thi Mnông chỉ đơn giản là những cuộc giao tranh, nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, như: bị lăng nhục, chiếm đoạt tài sản, nghi oan là ma lai, bị kẻ khác gây hoạ hoặc có thể mâu thuẫn lớn hơn, như: xâm phạm lãnh thổ người khác, cướp phụ nữ… Đứng đầu những cuộc giao tranh thường là người tài giỏi có sức mạnh phi thường, biết sắp xếp, tổ chức chiến đấu. Những nhân vật tiêu biểu là chàng Lêng, chàng Tiăng, chàng Mbông, vừa có đức tính như con người, vừa được thần linh giúp đỡ, nên có khả năng xuất chúng, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người và trở thành người anh hùng. Họ là biểu tượng về sức mạnh và khát vọng chiến thắng để bảo vệ lợi ích, công bằng cho con người và xã hội.

Hát kể sử thi tồn tại suốt chiều dài lịch sử, trở thành một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mnông. Người hát kể sử thi có thể thuộc tới hàng vạn câu. Trong lúc hát kể, người nghệ nhân và người nghe, cùng chung cảm xúc và suy nghĩ, họ như đang sống trong “một thế giới riêng” - thế giới của Ot N’drong. Với giọng hát hay và tài diễn xuất độc đáo bằng điệu bộ, cử chỉ của ngôn ngữ, họ hóa thân một cách mạnh mẽ vào nhân vật, thể hiện niềm tin rằng những điều kể trong sử thi chính là cuộc sống quá khứ của dân tộc mình. 

Sử thi được biểu hiện bằng ngôn từ riêng thông qua diễn xướng của người hát kể. Đặc điểm về ngôn từ, chủ đề truyền thống, về những câu mang tính “luật” (ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong văn hóa dân gian của người Mnông) trở thành những công thức mà người hát kể phải nắm vững. Người hát kể tạo nên những áng sử thi hùng vĩ bằng việc áp dụng những công thức này cùng với trí tưởng tượng, khả năng ứng tác, trí nhớ, chất giọng… Cấu trúc lặp lại là một đặc trưng của sử thi vừa mang tính thẩm mĩ, vừa là thủ pháp của diễn xướng. Sự nhắc đi nhắc lại một hoặc một vài câu, hoặc hình ảnh là cách định hướng sự chú ý của người nghe và nhấn mạnh đến sự miêu tả đó.

Ngôn từ của sử thi chứa đựng nhiều từ cổ, hiện ít xuất hiện trong ngôn ngữ hằng ngày. Đây là đặc điểm quan trọng tạo nên không khí của thời đại sử thi, nhưng cũng chính vì thế có những đoạn khó hiểu, đôi chỗ cả người hát kể cũng không thể giải thích được. Cùng với đó, sử thi Mnông rất giàu những điển tích trong truyền thống của người Mnông. Đó là sự xuất hiện của những biểu tượng thần thoại, truyền thuyết, mà nếu người nghe không am tường về văn học, văn hóa tộc người Mnông, thì rất khó hiểu. Trong các tác phẩm, mỗi địa danh, mỗi tên núi tên sông, tên nhân vật đều gắn với một huyền thoại. Ngôn ngữ của diễn xướng sử thi Mnông mang tính bóng bẩy, giàu hình ảnh so sánh, với chất nghệ thuật và biểu cảm sâu sắc.

Tác phẩm sử thi Mnông được người hát kể theo phương thức kết hợp hát và điệu bộ. Phần hát trong sử thi Mnông đóng vai trò chính, khá phong phú, đa dạng, có hát cúng thần, hát khóc và một số hình thức khác nhằm thể hiện quan điểm nhân sinh quan của người Mnông.

Người hát kể sử thi trong lúc diễn xướng đều có sự vận dụng kết hợp nhuần nhuyễn cùng lúc nhiều yếu tố: ngôn ngữ (lời hát) + nhạc (hát) + cử chỉ, điệu bộ, nét mặt và cả khả năng ứng tác. Sử thi có thể được hát kể trong sinh hoạt gia đình, theo yêu cầu của người thân, bè bạn. Diễn xướng sử thi Mnông thường được thực hiện nhiều hơn sau các lễ thức gia đình, hoặc cộng đồng. Sử thi Mnông thường được kể vào những đêm nông nhàn sau mùa làm rẫy, dịp lễ hội trong năm, hay trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy, sau những ngày lao động vất vả. Khi màn đêm buông xuống, người Mnông thường kéo đến nhà có người hát kể, thưởng thức câu chuyện xa xưa của cha ông mình. Từ đêm này qua đêm khác, bên bếp lửa, già trẻ, nam nữ ngồi bên nhau nghe người già hát kể sử thi - đây chính là hình thức truyền dạy gián tiếp cho các thế hệ kế cận.

Sử thi Mnông gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Mnông; chứa đựng các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người, như: kể về các hiện tượng và quan hệ ứng xử để thích nghi của con người trong tự nhiên; sinh hoạt đời sống vật chất và tinh thần; quan hệ gia đình, dòng họ; về tính cách, lối sống phẩm chất con người. Các tri thức dân gian này được thể hiện theo phong cách tư duy của người Mnông thông qua những so sánh có tính độc lập: tốt - xấu, đúng - sai, thiện - ác, khôn - dại, nguyên nhân - kết quả…

Sử thi Mnông giáo dục con người hướng tới cuộc sống tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của con người. Với những giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa, Ot Ndrong (Sử thi) của người Mnông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Liên kết website