Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Phiên họp Đại Hội đồng (lần VI) các quốc gia thành viên của Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Từ ngày 30/5 đến 01/6/2016, Phiên họp Đại Hội đồng (lần VI) các quốc gia thành viên của Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã diễn ra tại trụ sở của UNESCO, thành phố Paris, Cộng hòa Pháp với sự tham dự của hơn 500 đại biểu.

Sau ba ngày làm việc, theo thông lệ, Đại Hội đồng đã thông qua báo cáo hoạt động của Uỷ ban liên chính phủ Ban thư ký Công ước cũng như báo cáo về việc sử dụng Quỹ Di sản văn hoá phi vật thể. Đáng chú ý, Đại Hội đồng lần này đã thảo luận và thông qua một số nghị quyết quan trọng cũng như có nhiều sửa đổi đối với Hướng dẫn thực hiện Công ước, cụ thể như sau:

- Thông qua một chương mới (Chương VI) tái khẳng định tầm quan trọng của di sản sống như một động lực cho phát triển bền vững. Nội dung của chương này chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ các Quốc gia thành viên lưu tâm đến sự gắn kết giữa việc bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể với phát triển bền vững; hướng dẫn các Quốc gia thành viên thực hiện tốt hơn việc gắn công tác bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể vào quá trình hình thành, thực hiện các chính sách và chiến lược của quốc gia; hỗ trợ các bên liên quan đến Công ước ngăn chặn và giảm thiểu các hành động có thể gây tổn hại tới sự tồn tại của di sản sống. Tuy nhiên, để đưa Chương VI vào Hướng dẫn thực hiện Công ước đạt được sự đồng thuận, nhiều quốc gia thành viên đề nghị Ban Thư ký sẽ phải có báo cáo đánh giá về kết quả triển khai tại cuộc họp Đại Hội đồng lần VII.

-  Tăng ngân sách trần đối với các yêu cầu hỗ trợ quốc tế từ 25.000 đô la Mỹ lên 100.000 đô la Mỹ. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, việc tăng ngân sách trần sẽ giúp các quốc gia thụ hưởng tăng quy mô của các dự án cần được hỗ trợ.

-  Nới lỏng quy định xét duyệt hồ sơ đối với các đề cử vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đăng ký Những thực hành được bảo vệ tốt nhất và Yêu cầu hỗ trợ quốc tế. Theo đó, hồ sơ đăng ký các đề cử này nếu chưa đạt yêu cầu sẽ được chuyển lại cho nước đề cử để bổ sung thông tin cần thiết.

Bên cạnh đó, Đại hội đồng cũng đã công nhận thêm 24 tổ chức phi Chính phủ, có nghĩa là Ủy ban Liên Chính phủ có thể tham khảo ý kiến ​​của tổng cộng 164 tổ chức phi Chính phủ đối với một loạt các vấn đề.   

Đại diện cho đoàn Việt Nam, Đại sứ Lê Hồng Phấn - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đánh giá cao những nỗ lực và công tác điều phối hiệu quả của Ban Thư ký, cảm ơn sự hỗ trợ của Ban thư ký đối với sự tham gia của Việt Nam tại Công ước. Đại sứ cũng nhắc lại đề xuất của Việt Nam trong việc cần cụ thể hóa nội dung hướng dẫn chuyển hồ sơ di sản đã được ghi danh từ một danh sách này sang danh sách khác của Công ước tại Chương I, khoản I.11, xuất phát từ kinh nghiệm thực tế khi Việt Nam làm hồ sơ Hát Xoan tỉnh Phú Thọ, nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia ở trường hợp tương tự.

Trong ngày cuối cùng của phiên họp, Đại hội đồng đã bầu ra 12 thành viên mới của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ di sản phi vật thể văn hóa là các quốc gia: Armenia, Áo, Colombia, Cuba, Cyprus, Guatemala, Lebanon, Palestine, Philippines, Mauritius, Senegal, và Zambia.

Liên kết website