Ngày 23 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Phương án tu bổ, tôn tạo đình Hoàng Cầu, thành phố Hà Nội

Di tích lịch sử đình Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 2895/QĐ-BVHTTDL ngày 18/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo hồ sơ khoa học di tích, đình Hoàng Cầu có giá trị lịch sử, là nơi thờ nhân vật lịch sử Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và các vị thần có công với dân tộc (Cao Sơn Đại vương, thần Bạch Mã, Phùng An, Bảo Hoa công chúa), đồng thời, có ý nghĩa nhất định trong việc nghiên cứu vị trí, ý nghĩa của đàn Xã Tắc thời Lý - Trần - Lê ở khu vực này (Công văn số 250/KCH ngày 25/7/2016 của Viện Khảo cổ học và Công văn số 107/VSH ngày 20/7/2016 của Viện Sử học). Ngoài giá trị là địa điểm lịch sử, tưởng niệm nhân vật lịch sử, di tích còn lưu giữ hệ thống cổ vật có giá trị gồm 22 đạo sắc phong trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn, 03 bia đá (01 bia thời Lê, 02 bia thời Nguyễn), 01 chuông đồng niên hiệu Tự Đức thời Nguyễn.

Tại thời điểm xếp hạng di tích quốc gia, các hạng mục chính của đình Hoàng Cầu (Phương đình, Đại bái/Tiền tế, Hậu cung) đều được xây dựng bằng gạch mới, khung cột bê tông cốt thép giả gỗ, chỉ có hạng mục cổng (Nghi môn) được tô trát các chi tiết nghệ thuật bằng vữa truyền thống.

Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hà Nội (Tờ trình số 29/TTr-UBND ngày 29/3/2019), từ thực trạng những năm gần đây, di tích đã xuống cấp, thấm dột nghiêm trọng, căn cứ Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1467/BVHTTDL-DSVH ngày 18/4/2019 thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu (nội dung: thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu, bao gồm các hạng mục: tu bổ cổng đình; tôn tạo Đại đình (Tiền tế, Hậu cung), Phương đình, nhà Mẫu, miếu thờ, nhà bia, bình phong, am hóa sớ, giếng đình, nhà phụ trợ (thủ từ - kho - bếp - tiếp khách - ban quản lý), nhà vệ sinh, cổng phụ, tường rào và hạ tầng kỹ thuật); Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 34/DSVH-DT ngày 22/01/2020 thỏa thuận Thiết kế bản vẽ thi công của Dự án.

Như vậy, quy trình thẩm định Dự án, thiết kế tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu đảm bảo đúng quy định hiện hành về di sản văn hóa và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Phương án được đề xuất (tu bổ nguyên trạng Nghi môn; hạ giải các hạng mục xây bằng bê tông cốt thép không phù hợp để tôn tạo lại bằng vật liệu khung cột gỗ truyền thống...) phù hợp nguyên tắc tu bổ di tích và điều kiện hiện trạng của di tích./.

 

Đức Dũng

Liên kết website