Ngày 26 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Quần thể Thương cảng Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) gồm 2 cụm di tích tiêu biểu tại đảo Thắng Lợi và đảo Quan Lạn.

1. Cụm di tích tại đảo Thắng Lợi: Đây là khu vực được biết đến với tên gọi hệ thống bến Cống Đông, Cống Tây theo tên gọi của đảo Cống Đông, Cống Tây (còn gọi là đảo Thừa Cống), là những đảo lớn trong vịnh Bái Tử Long, nằm song song theo hướng Tây - Bắc, Đông - Nam tạo ra 1 dải nước như một vụng biển khá rộng và sâu, kín gió ở giữa (địa phương gọi là sông Cống Đông). Đây là địa điểm hết sức thuận lợi cho việc đỗ thuyền và vận chuyển hàng hoá lên xuống, cập bến, neo đậu của tàu, thuyền. Ở phần bờ Tây của đảo Cống Đông cũng có một số vụng biển xuất lộ rất nhiều bãi sành, gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc.

Hiện nay tại khu vực này còn khá nhiều vũng vụng bao gồm các vụng 1, vụng 2, vụng 3, vụng Chùa Cây Quéo, vụng Chùa Trong, vụng Chùa Lấm, vụng Chùa Cát, vụng Chuồng Bò, vụng Khe Sắn, vụng Huyện... Là các vũng (vụng) nằm trên 2 đảo Cống Đông và Cống Tây. Do địa hình của đảo khá hẹp, các vụng này thường là các lạch nước, ăn sâu vào gần vách núi tạo ra các vũng neo đậu tàu, thuyền. Một đặc điểm chung của hệ thống vũng (vụng) này là được tạo bởi 2 vách núi, kín gió, có diện tích khá rộng (từ 200 - 20.000m2), thấp so với xung quanh. Nhiều vụng còn có thể nhận ra dấu vết của dòng chảy. Trong đó bên đảo Cống Tây có số lượng vụng nhiều hơn, tập trung ở cả 2 phía Đông và Tây của đảo. Đảo Cống Đông có số lượng ít hơn và xuất hiện ở một bên.

Cùng với hệ thống các bến cảng đảo Cống Tây, trên sườn núi của nhiều vụng còn dấu tích kiến trúc, trong đó có khá nhiều kiến trúc là những ngôi chùa, tháp thời Trần như ngọn Bảo Tháp, chùa Lấm, chùa Cát, chùa Trong, chùa Cây Quéo.

Số lượng gốm sứ, sành Đại Việt xuất lộ ở vùng đảo Cống Tây là rất lớn. Kết quả khai quật và sưu tầm các loại gốm men ở Cống Tây cũng cho thấy gốm sứ tìm được trên các đảo chủ yếu là các loại men hoa nâu, gốm men trắng hoa lam. Về chủng loại, cùng với các hiện vật thông thường như bát, đĩa, còn có âu, ang, bình, lọ các loại hộp gốm sứ to, nhỏ, có nắp đậy và không có nắp đậy... Niên đại của các hiện vật này khoảng thế kỷ XIII - XIV với gốm hoa nâu và thế kỷ XV - XVII với gốm men trắng hoa lam.

Cùng với sự hiện diện của gốm sứ, sành Việt Nam, sự tập trung gốm sứ, sành, đất nung Trung Quốc ở vùng Cống Đông, Cống Tây cũng góp thêm cơ sở để đưa ra nhận định: vào thế kỷ XII - XV vùng Thừa Cống là trung tâm, luân chuyển hàng hoá lớn nhất của thương cảng Vân Đồn.

- Vụng 1, vụng 2, vụng 3 (thôn Thi Đua, xã Thắng Lợi): nằm ở sườn phía Tây đảo Cống Tây. Đây là 3 vụng đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, nằm dọc theo sông cống Đông, ở sườn Đông của đảo Cống Đông. Các vụng này là các vụng ăn tự nhiên vào lòng núi, tạo ra các bến đỗ thuyền rộng, thuận lợi ra vào. Hiện ở dưới 3 vụng còn nhiều mảnh sành, sứ vỡ, đại diện cho nhiều nguồn hàng từ nhiều nơi. Trong khu vực vụng 3 hiện còn dấu vết của cầu đá cổ.

- Vụng chùa Lấm (thôn Thi Đua, xã Thắng Lợi): nằm ở sườn phía Tây đảo Cống Tây, có diện tích lớn nhất trong các vũng thuộc đảo Cống Tây, là khu vực đầm lầy ven biển, phía trong phần thung lũng khá cao so với phía gần biển. Diện tích đất thung lũng bằng phẳng còn rộng khoảng 90.000m2. Phía trước vụng hiện còn 1 bờ kè xếp đá dài hàng trăm mét được cho là cầu cảng cổ.

Một phần cửa vụng phía Tây Bắc có các dải đá lô nhô bao kín phía trong. Cửa vụng phía Đông Nam khá sâu, bị ngập khi nước triều lên. Kết quả các đợt khảo sát trước đây cho thấy trên bờ vụng đã phát hiện mảnh gốm men nâu thời Trần, gốm men ngọc thời Nguyễn và nhiều mảnh sành thời Mạc.

- Vụng chùa Cát: nằm ở sườn phía Tây đảo Cống Tây. Kết quả khảo sát trước đây cho thấy trong vụng đã phát hiện nhiều mành sành sứ Việt Nam và Trung Quốc có niên đại thế kỉ XIII - XV. Trong thung lũng bằng phẳng phía trên đã phát hiện dấu tích chùa Cát. Phần cửa vụng có các dải đá lô nhô, phía ngoài vụng là vùng đầm lầy ngập nước, có diện tích khoảng 50.000m2. Phần đất thung lũng phía sau mở rộng hình dẻ quạt, có diện tích rất lớn.

- Vụng chuồng Bò (thôn Cống Tây, xã Thắng Lợi): Nằm ở sườn phía Tây đảo Cống Tây. Tương tự các vụng nằm ở sườn Tây, gồm phần đầm lầy ngập nước phía trước và phần đất trong thung lũng phía sau, được mở rộng dọc theo sườn núi. Diện tích đầm lầy ngập nước khoảng 12.000m2. Phần thung lũng được mở rộng, có diện tích hơn 35.000m2. Trên bờ vụng đã nhận thấy những viên đá kè nền. Mặt vụng khi nước rút còn rải đầy mảnh sành, sứ. Nhiều mảnh sành thời Trần và sứ men xanh và trắng xanh Trung Quốc, phát triển mạnh từ thế kỉ XIII - XIV. Phần đất bằng phẳng ven bờ vụng, đặc biệt là ở cuối vụng, rất rộng.

- Vụng Huyện (thôn Cống Đông, xã Thắng Lợi): Nằm ở sườn phía Nam đảo Cống Đông, là khu vực dân cư thưa thớt, chỉ tập trung chủ yếu ven bờ phía Nam vụng Huyện. Hiện nay, một con đường kè đá được xây dựng chạy dọc ven bờ đào Cống Đông, chặn ngang cửa vụng lớn. Vụng Huyện được chia thành hai phần: vụng Huyện Lớn ở phía Nam và vụng Huyện Nhỏ ở phía Bắc, ngăn cách bởi một quả đồi thấp ở giữa. Phía sau lưng đồi, đất thấp và bằng phẳng, diện tích khá rộng, có thể nối thông giữa hai phần. Tuy nhiên hiện nay vụng Huyện Lớn đã bị san phẳng để xây dựng khu dân cư cho các cư dân đang sống trên thuyền. Vụng Huyện Nhỏ có diện tích đầm lầy phía trước khoảng gần 10.000m2, phần đất bằng phẳng trên bờ khoảng 30.000m2. Bờ vụng trải đầy mảnh sành sứ, đặc biệt là các mảnh sành thời Trần và sứ men trắng xanh Trung Quốc. Tại vụng Huyện, hiện vật tập trung dày đặc, trên sườn đồi bờ vụng còn dấu tích nhiều nền nhà cổ thời Nguyễn.

2. Cụm di tích tại đảo Quan Lạn:

Hệ thống bến bãi Cái Làng (thôn Đoài, xã Quan Lạn): là một vụng biển rộng, nằm ở phía Tây Nam núi Man, giữa đảo Quan Lạn và núi Man chảy qua sông Mang và Cống Cái ở phía Bắc. Ở khoảng giữa vụng là làng Cái Làng -  một làng côt nổi tiếng trong hệ thống các di tích của thương cảng cổ Vân Đồn.

Bến Cái Làng là một di tích bến cảng điển hình, là một trong hai bến trung tâm của thương cảng Vân Đồn ở khu vực đảo Quan Lạn. Bờ vụng phía đông của bến có một dải khoảng 200m chứa nhiều di vật khảo cổ gồm gốm men, sành của nhiều giai đoạn và nguồn gốc khác nhau, hiện vật xuất lộ chủ yếu có niên đại thế kỷ XVI - XVIII. Ngoài ra còn phát hiện một số hiện vật thời Bắc Thuộc và thời Lý như tiền Khai Nguyên, mảnh bát/đĩa gốm men ngọc xanh thời Lý, trang trí cánh sen, hoa cúc, khắc chìm dưới men, là một trong những mặt hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, xuất lộ hệ thống giếng nước ngọt như giếng Hệu, các bậc nền ở sâu trong thung lũng Cái Làng, dấu tích kiến trúc lợp ngói. Bên dưới mặt đất là các dấu tích kiến trúc nhà ở, hệ thống kè bến bằng đá, tầng văn hóa dày 1m, chứa khá nhiều gồm vật liệu kiến trúc, gốm men, sành cho thấy sự tụ cư đông đúc.

Sông Mang: Nằm trên đảo Trà Bản, đối diện với đảo Vân Hải, chạy dọc sông Cổng Đồn. Bến Cái Cổng gồm hai vụng được gọi là Cổng Ông (phía Bắc) và Cổng Bà (phía Nam). Tại đây còn nhiều vết tích nền nhà, mảnh sành sứ, tiền đồng như các bến khác và nhiều hũ, lon sành nguyên vẹn. 

Hệ thống giếng:

Tại khu vực xã Quan Lạn hiện còn nhiều giếng nước ngọt, tiêu biểu là khu vực Cái Làng có một giếng nước ngọt được gọi là giếng Hệu, cũng gọi là giếng Nàng Tiên.

Tại bến Cống Cái cũng có một khẩu giếng nước ngọt được gọi là giếng Rùa Vàng đáp ứng nhu cầu cung cấp nước ngọt cho các thuyền đi biển dài ngày. Ngoài ra ở sâu trong khu vực nội địa, còn có một số giếng như giếng Chổi, giếng Đình…

Các di tích khảo cổ học, địa điểm liên quan tới khu vực cư trú truyền thống

- Phế tích chùa Lấmnm ở đầu phía Tây Nam đảo Cống Tây.

Di tích được người dân phát hiện vào năm 1967 trong quá trình phát rừng trồng cây và gọi đó là khu vực chùa Lấm. Chùa được xây dựng trên sườn núi của vụng chùa Lấm, ba mặt có núi cao bao bọc, tạo thành thế tay ngai. Các công trình kiến trúc của chùa được phân bố trên hai cấp nền, mỗi cấp chênh nhau gần 04m. Các công trình chính của chùa bố trí ở cấp nền thứ nhất, chạy theo trục Bắc - Nam, mặt quay về hướng Nam. Nền chùa bó móng bằng đá xanh, có dấu vết nền móng nhà bia, hai ngọn tháp bằng đất nung. Phía sau là dấu vết của nhiều công trình kiến trúc khác.

- Phế tích Bảo tháp: nm ở đầu phía Tây Bắc đảo Cống Tây

Di tích được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1971, xây trên lưng chừng núi, ở độ cao khoảng 60m (so với mực nước biển). Mặt bằng có diện tích 70m x 30m, quay ra hướng biển. Kết quả khai quật đã xác định toàn bộ không gian di tích được bố cục ở ba khu vực, trong đó kiến trúc Bảo Tháp, xây dựng vào thời Trần, giai đoạn cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, nằm ở khu vực trung tâm; Kiến trúc chùa Phật xây dựng vào thời Mạc - Lê Trung hưng (thế kỷ XVI - XVII), nằm ở khu vực phía Tây Nam; Khu vực phía Đông Bắc là nơi tọa lạc của kiến trúc nhà Tổ và các công trình phụ trợ khác, cũng được xây mới vào giai đoạn thế kỷ XVI - XVII. Cả ba khu vực được cải tạo, san bạt, kè nền tạo mặt bằng với bố cục hình vòng cung, tạo thành một quần thể kiến trúc chặt chẽ và hài hòa.

- Phế tích chùa Cát (Cống Tây, xã Thắng Lợi): Phế tích nằm trong vụng biển nhỏ ở phía Tây vụng chùa Lấm, nhân dân trong vùng gọi là vụng chùa Cát. Chùa được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, cao hơn mặt bờ vụng chừng 02m, núi bao bọc xung quanh. Chùa nhìn về hướng Nam, trước mặt là vụng biển ăn sâu vào hỏm núi. Hiện nay dấu tích còn lại gồm 2 cấp nền đối xứng. Công trình chính nằm trên cấp nền thứ nhất, có diện tích 10m x 6,5m, móng bó được kè đá. Ở hai bên đầu hồi có hai kiến trúc nhỏ. Phía trước có nền vuông kè đá kích thước 4m x 4m, phía sau là một di tích kè đá vây thành hình tròn có đường kính 01m. Cấp nền thứ hai cũng có dấu tích kiến trúc. Hiện nay trên mặt đất phát hiện nhiều mảnh ngói mũi hài, mũi hình tam giác nằm ken dày thành lớp. Ngói đều được làm bằng đất nung màu đỏ tươi, niên đại thế kỷ XIII - XIV.

- Phế tích chùa Cây Quéo (thôn Quyết Thắng, xã Thắng Lợi)

Phế tích hiện nằm phía Bắc của chùa Trong. Tại đây đã phát hiện ngói mũi sen, mô hình tháp đất nung thời Trần. Trên khu vực phế tích, người dân dựng 01 công trình có tên "Phủ thờ Phật Tiên Tam Bảo" vào năm 2011. Theo lời kể của người dân, trước đây có các cấp trên nền nhà được kè đá xanh. Hiện nay, đã xây dựng các công trình kiên cố.C

 Các di tích tốn giáo tín ngưỡng

- Cụm di tích đình, chùa, miếu Quan Lạn

Đình Quan Lạn (xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn) bên trái là chùa Quan Lạn, trước mặt là bến Đình thuộc vịnh Vân Đồn. Đình nằm khá gần với nhiều di tích tôn giáo tín ngưỡng khác như: nghè Bản thổ, miếu Đức Ông, đền thờ Trần Khánh Dư, miếu Cao Sơn, miếu Đông Hồ... Toàn bộ khuôn viên đình được xây tường bao xung quanh. Phía trước có cổng tứ trụ, xây gạch đắp vữa vững chãi. Sân đình rộng thoáng lát gạch đỏ - mạch chữ Công. Tiếp đến là Đại bái, Ống muống, Hậu cung với bố cục hình chữ Công. Bên phải tòa Hậu cung là các kiến trúc phụ trợ.

Nghi môn kiểu tứ trụ vững chãi, có hàng tường bao thấp, lắp chấn song nối từ cổng, bao quanh khuôn viên tới trụ tường hai hồi. Phía sau và bên phải đình xây tường bao cao hơn, bên trái, mở thông thoáng dẫn sang khu vực chùa. Sân phía trước Đại bái, lát gạch Bát, mạch chữ Công. Bên góc phải cổng xây một bệ thờ Thổ Địa.

- Miếu Lòng Dinh (thôn Tân Lập, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) là công trình liên quan tới Chiến thắng Vân Đồn trên sông Mang năm 1288. Miếu nằm trên một khu đất rộng, theo tương truyền vốn là nơi luyện quân, được xây bằng gạch, đã đổ nát nhiều hạng mục, đoạn tường.

 - Đền thờ Trần Khánh Dư (thuộc Xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) được dựng trên phủ cũ của ông. Trong nghè còn có pho tượng Trần Khánh Dư từ thời Nguyễn và nhiều hoành phi câu đối ca ngợi công đức của Ông. Năm 2010, nghè được trùng tu tôn tạo lại và đổi tên thành đền thờ Trần Khánh Dư. Đền có mặt bằng hình chữ Đinh, hai bên là 2 giải vũ.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Quần thể Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 24/10/2023)./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website