Ngày 29 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Rộc Tưng – Gò Đá, tỉnh Gia Lai

Nằm trên địa bàn thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, phức hợp di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng - Gò Đá gồm di tích Gò Đá ở phường An Bình và 12 di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Trong đó, 4 địa điểm đã khai quật là Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Số còn lại đều đã đào thám sát và xác nhận thuộc cùng phức hợp với Rộc Tưng - Gò Đá.

Gò Đá

Nằm ở phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, có tọa độ 13058’19,2” vĩ Bắc, 1080 39’05,1” kinh Đông, độ cao tuyệt đối 421,5m. Di tích nằm ở bờ phải và cách sông Ba khoảng 1,5km, trong vùng địa hình đồi sót của sông Ba bị bóc mòn tích tụ, niên đại sơ kỳ Cánh Tân (QI). Di tích được khai quật 2 lần (năm 2015 và 2016), với  tổng diện tích là 94m2, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga tiến hành.

Di tích Gò Đá có 1 tầng văn hóa, cấu tạo từ đá granite phong hóa tại chỗ, chứa công cụ đá và mảnh thiên thạch. Một số đặc trưng chung: đa số được làm từ đá quartz, quartzite, kích thước lớn, loại hình nổi trội là công cụ ghè hai mặt, mũi nhọn tam diện, nạo, công cụ chặt, mảnh tước, hòn ghè, chày…được ghè đẽo thô sơ, ít tu chỉnh, có hình thái khác và cổ hơn các di tích sơ kỳ Đá cũ hiện biết ở Việt Nam như Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai).

Về niên đại, các di vật đá và thiên thạch nằm trong lớp phong hóa granit tại chỗ, có tuổi sơ kỳ Cánh tân (Early Pleistocene). Kết quả phân tích niên đại 2 mẫu tectits bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Argon - Kali được thực hiện tại Phòng Thí nghiệm đồng vị địa hóa học và địa thời học IGEM RAN Viện Hàn lâm khoa học Nga. Kết quả mẫu ký hiệu 15.GD.M4.L1-2 ở địa điểm Gò Đá là 806.000 ± 22.000 năm BP.

Gò Đá là di tích cư trú, chế tác công cụ của cư dân sơ kỳ Đá cũ, ở giai đoạn người đứng thẳng (Homo erectus), trong dòng tiến hóa của nhân loại từ đây lên người hiện đại (Homo sapiens) và là bằng chứng về văn hóa đầu tiên của nhân loại.

Rộc Tưng 1

Nằm ở xã Xuân An, có tọa độ 14002’25,3” vĩ Bắc, 1080 40’82,2” kinh Đông, độ cao tuyệt đối 556m. Nằm ở bờ trái và cách sông Ba khoảng 2,5km, được khai quật 3 lần (năm 2016, 2017 và 2018); Năm 2016, khai quật hố 1 với diện tích 48m2 (6m x 8m); năm 2017, khai quật hố 2 với diện tích 70m2 (10m x 7m), được chọn dựng nhà trưng bày tại chỗ khi đào đến lớp 1.2. ở độ sâu 0,8m -1,1m (xuất lộ tầng văn hóa); năm 2018, khai quật 20m2 trong phạm vi 70m2 của hố 2, ở độ sâu lớp 2.2. còn lại 50m2 được bảo tồn trong nhà mái che.

Rộc Tưng 1 là di tích cư trú và nơi chế tác, trong đó yếu tố cư trú khá điển hình, thể hiện ở bề mặt tầng văn hóa có một số cụm đất đá, liên kết rắn chắc, nổi cao hơn xung quanh, trong đó tập trung cao các mảnh đá thạch anh, một vài hạch đá, mảnh tước và công cụ ghè đẽo.

Niên đại di tích Rộc Tưng 1, về cấu tạo địa chất cơ bản giống Gò Đá, thuộc sơ kỳ Pleistocene, về đặc điểm di vật cùng tồn tại của công cụ ghè hai mặt, ghè hết một mặt, mũi nhọn tam diện, nạo, choppers… mang đặc trưng sơ kỳ Đá cũ. Một mẫu tectit trong tầng văn hóa Hố 1, ký hiệu (16.RT1.H1.F6.L2.2) được phân tích niên đại bằng phương pháp động vị phóng xạ Argon - Kali cho kết quả: 782.000 ± 20.000 năm BP.

Trong số các mảnh thiên thạch ở hố 2 di tích Rộc Tưng 1 đáng chú ý là viên thiên thạch tìm thấy ở độ sâu 1,1m, có hình giọt nước, bề mặt xù xì với nhiều lỗ hổng quanh thân, một đầu to, thân cong, nằm thẳng đứng trong địa tầng hố khai quật. Tư liệu ghi nhận: thiên thạch bị nóng chảy trong khi rơi, nó đã  thải khí Argon qua bề mặt xù xì, khi rơi vào tầng văn hóa, do thân còn mềm nên một đầu cắm vào tầng văn hóa, tạo ra đầu to và thân hơi cong, các mảnh thiên thạch khác thường bị vỡ nhỏ hơn, tìm thấy trong địa tầng chứa công cụ. 

Rộc Tưng 4

Nằm ở tọa độ 14002’2,7” vĩ Bắc và 108040’35,7” kinh Đông, cao 430m, nằm cách Rộc Tưng 1 khoảng 500m và cùng ở bờ trái sông Ba. Di tích được thám sát tháng 11/2015 và khai quật vào năm 2016, 2017 và 2018. Kết quả khai quật 4 hố ở di tích Rộc Tưng 4 cho thấy, các hố có cấu trúc địa tầng, đặc điểm hiện vật giống nhau, phản ánh tính chất cư trú và chế tác công cụ. Trong đó, yếu tố chế tác công cụ khá nổi bật hơn, bởi sự có mặt của khối lượng rất lớn đá nguyên liệu, hạch cuội và mảnh tước. Tổ hợp công cụ đá ở các địa điểm Rộc Tưng 4 về cơ bản giống  Rộc Tưng 1 và Gò Đá. Kết quả khai quật này không chỉ bổ sung tư liệu nghiên cứu lịch sử Việt Nam, mà còn cung cấp tư liệu mới nghiên cứu con đường tiến hóa của nhân loại giai đoạn Homo erectus ở châu Á.

Rộc Tưng 7  

Nằm ở xã Xuân An, thị xã An Khê, tọa độ 14001’452” vĩ Bắc và 108041’11,3” kinh Đông, cao 438m. Di tích được phát hiện năm 2016 và khai quật 2 lần (năm 2017 và 2018) với tổng diện tích 40m2. Kết quả khai quật thu được một số công cụ đá, để chặt, mũi nhọn, nạo, công cụ ghè hai mặt, hạch và nhiều mảnh tước. Rộc Tưng 7 có đặc điểm, tính chất và niên đại tương tụ như các địa điểm đã khai quật ở thung lũng An Khê. Việc phát hiện, thám sát di tích Rộc Tưng 7 đã bổ sung vào danh sách các địa điểm sơ kỳ Đá cũ hiện biết ở vùng đồi gò thung lũng An Khê, bổ sung thêm bằng chứng về sự hiện diện của cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam.

Các di tích khảo cổ Đá cũ ở An Khê đều phân bố trên các đồi gò cao trung bình 420 - 450m so với mực nước biển, thuộc vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam. Địa hình nơi đây khá bằng phẳng, dạng thung lũng cổ sông Ba với hệ động thực vật phong phú, đa dạng và nguồn nguyên liệu đá cuội dồi dào, thích  hợp cho người tiền sử cư trú lâu dài.

Các di vật được bảo lưu trong địa tầng dày trung bình 25cm - 40cm, nằm dưới lớp đất canh tác và nằm trên lớp đất đá granit. Chúng là sản phẩm phong hóa tại chỗ của đá granit, đã bị laterit hóa, với độ gắn kết rắn chắc. Trong đó đã tìm thấy công cụ lao động của con người và những mảnh thiên thạch bị rơi từ ngoài hành tinh vào. Địa tầng chứa dấu tích văn hóa của con người ở An Khê là khá nguyên vẹn.

Tổ hợp hiện vật trong các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê có sự thống nhất, ổn định về chất liệu, loại hình, kỹ thuật chế tác, mang đặc trưng chung của một kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ, mang tên kỹ nghệ An Khê. Kỹ nghệ An Khê được đặc trưng bởi tổ hợp công cụ đá làm từ cuội sông, suối tại địa phương, kích thước lớn, đá cứng, hạt mịn, chủ yếu là quartz và quartzite. Công cụ đá được ghè đẽo thô sơ với các loại hình tiêu biểu: công cụ ghè hai mặt (beface), rìu tay (Handaxe),  mũi nhọn (pick), mũi nhọn tam diện và công cụ chặt thô (chopper). Trong đó, công cụ chặt thô chủ yếu phân bố ở khu vực châu Á, công cụ ghè hai mặt và rìu tay nổi trội cho Đá cũ phương Tây, còn mũi nhọn và mũi nhọn tam diện rõ nét nhất ở sơ kỳ Đá cũ vùng An Khê.

Tất cả các di tích đã khai quật cho biết đều là điểm cư trú và tác công cụ của người nguyên thủy. Dựa vào tỷ lệ công cụ hoàn chỉnh và đá nguyên liệu có thể ghi nhận, di tích Gò Đá và di tích Rộc Tưng 1 bảo lưu đậm nét hơn dấu tích cư trú, còn các di tích Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7 yếu tố công xưởng chế tác điển hình hơn. Các di tích khác được thám sát cho thấy vừa là điểm cư trú và chế tác công cụ, phản ánh tính chất của di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê và nhiều nơi trên thế giới.

Dựa vào tư liệu địa tầng, niên đại đồng vị phóng xạ từ các di vật tectit và loại hình học so sánh với các di tích sơ kỳ Đá cũ đã biết, các nhà khảo cổ Việt - Nga xác định, các di tích khảo cổ Đá cũ An Khê có tuổi sơ kỳ Đá cũ. 

Về tư liệu địa chất, các di tích khảo cổ An Khê nằm trên thềm cổ nhất sông Ba, thềm này có tuổi sơ kỳ Cánh tân (QI3), cách ngày nay 2,7triệu đến 1triệu năm (Bản đồ kỷ Đệ tứ tỷ lệ 1:25.000). Có thể xem đây là giới hạn trước của các di tích An Khê. Địa tầng chứa công cụ đá An Khê vốn phong hóa từ đá granite, tầng có tuổi sơ kỳ Cánh tân.

Trong các hố khai quật tìm thấy trên 300 mảnh thiên thạch, rơi từ ngoài hành tinh vào tầng văn hóa, nằm cùng công cụ đá trong địa tầng nguyên vẹn. Hai viên ở 2 địa điểm khác nhau được phân tích niên đại đồng vị phóng xạ Kalium - Argon (40K/38Ar).

Khi so sánh loại hình học công cụ giữa An Khê với các kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ hiện biết ở Việt Nam như Núi Đọ (Thanh Hóa) (có tuổi 0,4 triệu năm) và Xuân Lộc (Đồng Nai) (0,6 triệu năm), các nhà khảo cổ trong đoàn khai quật  Việt - Nga cho rằng, kỹ nghệ An Khê khác và cổ hơn hai kỹ nghệ trên. 

So sánh với công cụ trong kỹ nghệ Acheulean (Pháp) cho thấy sưu tập An Khê hoàn toàn khác về chất liệu, loại hình công cụ, công cụ. Về rìu tay, Acheulean có rất nhiều loại, tồn tại từ 500,000 - 300.000 năm BP, chỉ có hình quả hạnh nhân và mũi lao là gần với An Khê. Ở Trung Quốc, rìu tay đã tìm thấy trong một số địa điểm sơ kỳ Đá cũ, tiêu iểu nhất là kỹ nghệ Bách Sắc (Baise) gồm 40 địa điểm, phân bố trong thung lũng Bách Sắc, dọc đôi bờ sông Hữu, thuộc đất 5 huyện của tỉnh Quảng Tây. Về chất liệu, loại hình, kỹ thuật chế tác giữa An Khê và Bách Sắc rất giống nhau.

Cho đến nay chưa tìm thấy di cốt người trong các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê. Đây cũng là hiện trạng chung của các di tích Đá cũ sơ kỳ trên thế giới. Trong một số di tích có niên đại từ 1triệu đến 0,5triệu năm thường tìm thấy hóa thạch của người đứng thẳng (Homo erectus).

Như vậy, chủ nhân kỹ nghệ An Khê là người đứng thẳng (Homo erectus). Dạng người này cũng đã tìm thấy ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (tỉnh Lạng Sơn). Nhưng ở đó, chưa thấy công cụ đá. Còn ở An Khê, sớm hơn, gặp công cụ nhưng chưa có di cốt người.

Sự xuất hiện những biface ở Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, không liên quan đến sự xâm nhập của cư dân thuộc kỹ nghệ Acheulean vào lãnh thổ này. Do vậy, chủ nhân chủ nhân các kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ Việt Nam là kết quả của sự hội tụ hoặc là do tiếp xúc với các cư dân sử dụng rìu tay sớm khác trên cựu lục địa. Sự xuất hiện rìu tay ở An Khê phản ánh sự tương thích con người với môi trường, sự phát triển đồng qui, độc lập giữa các vùng khác nhau.

Trong khai quật thu được khối lượng rất lớn di vật, trong đó có một số di vật quan trọng, mang tính chỉ thị về tính chất, niên đại và giá trị ngoại hạng của di tích. Đó là các công cụ ghè hai mặt (bifaces) / rìu tay, mũi nhọn và mũi nhọn tam diện, công cụ ghè hết một mặt (unifaces), chopper, công cụ nạo cắt, những viên tectits.

Trên thế giới, những chiếc rìu tay trong kỹ nghệ Acheulean (ở Pháp) được giới khoa học xem là công cụ điển hình cho kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ của nhân loại. Chúng được làm từ đá lửa, ghè hai mặt, có một lưỡi mỏng nhọn, đốc cầm rộng và dày, có nhiều kiểu hình dáng, nhưng tiêu biểu nhất là hình mũi lao. Nằm cùng rìu tay còn có mũi nhọn Moustier; mảnh tước Clacton, hạch đá Levallois, hòn ném (bolas), có tuổi 0,5triệu năm cách ngày nay. Đến nay, rìu tay Acheulean đã tìm thấy trong nhiều di tích sơ kỳ Đá cũ châu Âu, châu Phi và châu Á, có niên đại từ 1,7 triệu đến 30 vạn năm cách ngày nay.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Rộc Tưng - Gò Đá, tỉnh Gia Lai được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 3237/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website