Ngày 27 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Thành Điện Hải

Thành Điện Hải (còn gọi là đồn Điện Hải hay Pháo đài phía Tây) nằm giữa trung tâm thành phố, phía Tây sông Hàn, thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.

Vào thế kỷ XIX, Đà Nẵng là cửa ngõ của kinh thành Huế, là hải cảng quan trọng nhất ở miền Trung Việt Nam. Nhưng trước đó, từ thế kỷ XVI, cảng Đà Nẵng đã được thuyền buôn phương Tây chú ý, chính vì thế theo quy định của Triều đình Huế, cảng Đà Nẵng là cửa ngõ duy nhất để thông thương với bên ngoài, vừa để kiểm soát tàu thuyền nước ngoài, vừa tránh sự dòm ngó của người ngoại quốc đối với kinh đô.

Với vị trí quan trọng của thương cảng Đà Nẵng, khi vừa lên ngôi (1802) Vua Gia Long (Triều Nguyễn) đã lo tổ chức canh phòng vùng đất này, với việc cho xây dựng nhiều đồn lũy ở bán đảo Sơn Trà và dọc hai bên bờ sông Hàn, ngoài thành Điện Hải, An Hải còn có Trấn Dương Thất Bảo và các đồn lũy khác như Mỹ Thị, Hải Châu, Liên Trì, Phước Ninh, Hóa Khuê… nhưng quan trọng nhất là Thành Điện Hải.

Cấu trúc của Thành Điện Hải theo mô tả của tư liệu

Thành Điện Hải nằm ở tả ngạn phía Tây sông Hàn nên người Pháp gọi là Fort de l’,Ouest (Pháo đài phía Tây). Ban đầu nó được Vua Gia Long cho xây dựng bằng đất vào năm 1813, nên được gọi là Bảo Điện Hải, nằm gần cửa biển nên dễ bị hư hại. Đến năm 1823, Vua Minh Mạng chỉ dụ cho xây lại bằng gạch, nên gọi Thành Điện Hải và lùi sâu vào đất liền, nằm trên vùng Trẹm thuộc làng Thạch Thang (như hiện nay), để đảm bảo an toàn và phân công Thái Tương Nguyễn Văn Thành phụ trách việc xây dựng. Thành được xây dựng theo kiểu Vauban - thiết kế của kĩ sư người Pháp Olivier Puymanel (người từng cộng tác với Bá Đa Lộc giúp Gia long trước đây), có hình vuông với bốn gốc lồi hình cung tròn, có độ cao hơn 5m, chu vi 556m, các hào sâu hơn 3m và 2 cửa: một cửa hướng về phía Đông, nhìn xuống sông Hàn; một cửa hướng về phía Nam (cửa chính). Thành có hai lớp tường, cách nhau bởi một hào sâu và thành ngoài cao hơn thành trong. Trong thành ngoài nhà ở của các tướng và binh sĩ còn có kho thuốc súng, kho đạn và vũ khí, kho lương thực, xưởng đúc đại bác và sửa chữa súng bị hỏng, hành cung kỳ đài. Trong thời kỳ này, Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở Đà Nẵng cùng với đồn An Hải bên kia tả ngạn sông Hàn, kiểm soát tàu thuyền vào ra ở cửa biển Đà Nẵng.

Thành Điện Hải sau giải phóng 1975 đến năm 2004

Ngày 4 tháng 2 năm 1976, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã quyết định thành lập Xí nghiệp Dược Quảng Nam - Đà Nẵng trên cơ sở thống nhất 03 Xưởng Dược: Quảng Đà, Quảng Nam và Khu V đặt tại Thành Điện Hải. Chính thức hoạt động vào ngày 10 tháng 4 năm 1976, Xí nghiệp đã tiến hành cải tạo sơ bộ cho phù hợp với điều kiện sản xuất bước đầu của đơn vị, riêng đoạn tường phía Tây bị các nhà dân bên ngoài xâm lấn nên sạt lở nghiêm trọng.

Đến năm 1977, để phát triển sản xuất dược phẩm đáp ứng nhu cầu tăng lên và xuất khẩu một số mặt hàng cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Xí nghiệp Dược Quảng Nam – Đà Nẵng bắt đầu chỉnh trang đơn vị: xây dựng một số dãy nhà cấp 4 ở mặt trước làm khu hành chánh và kho thành phẩm, đồng thời, xây một hệ thống nhà kho bằng khung sắt của Tiệp Khắc ở phía Tây trên bãi đất trống ở bên ngoài thành.

Năm 1985, Xí nghiệp Dược mở rộng sản xuất nên dỡ bỏ hai dãy nhà khung sắt ở hai bên và xây dựng mới hai dãy nhà 3 tầng, đồng thời cải tạo các nhà cũ do Pháp xây dựng để lại.

Ngày 10/11/2004, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể tôn tạo di tích Thành Điện Hải và các hạng mục cảnh quan nhằm phục vụ khách tham quan, du lịch. Xí nghiệp Dược Trung ương 5 chuyển đến một địa điểm khác ở phường Thanh Khê.

Thành Điện Hải hiện nay

Sau năm 2004, thành phố Đà Nẵng đã quyết định đầu tư trùng tu, tôn tạo lại Thành Điện Hải với kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và của Thành phố, với việc phục dựng toàn bộ tường thành góc lồi ở phía Tây Bắc, trùng tu tường thành ở phía Bắc và phía Đông, phục dựng lại cửa và hào phía Nam. Bên cạnh đó cũng cho xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên Thành Điện Hải, tiến hành xây lại 172,5 m2 tường thành bị sụt lở, nạo vét 1.800 m3 đất ở các hào rãnh bị lấp. Trong quá trình thi công những việc trên đã phát hiện một số khẩu súng thần công còn sót lại. Năm 2010, Bảo tàng Đà Nẵng chính thức khánh thành mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã trưng bày các khẩu súng thần công được tìm thấy tại Thành Điện Hải trước sân Bảo tàng.

Trong những năm qua, tường thành và cổng thành phía Nam cũng như tường thành phía Đông và một phần tường thành phía Bắc đã được phục dựng, chỉ còn tường thành và hào phía Tây đang tiếp giáp với khu dân cư nên chưa thể tu bổ, tôn tạo. Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã cho chủ trương di dời các hộ dân ở phía Tây thành Điện Hải để trả lại mặt bằng nguyên trạng của di tích, nhằm tiến đến phục hồi, tu bổ và tôn tạo lại toàn bộ di tích Thành Điện Hải trong những năm tới.    

Với những giá trị đặc biệt trên, Di tích lịch sử Thành Điện Hải đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017./.

 

Khánh Chi (Theo tư liệu của Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website