Ngày 27 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Thị trấn cổ Ouro Preto

Được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, Ouro Preto (Vàng đen) là trung tâm của cơn sốt vàng và là thời hoàng kim của Brazil thế kỷ XVIII. Trong thế kỷ XIX, do khai thác quá nhiều nên các mỏ vàng bắt đầu cạn kiệt, ảnh hưởng đến sự phồn thịnh của thành phố, nhưng, nhiều nhà thờ, cây cầu và đài phun nước vẫn tồn tại, minh chứng cho sự thịnh vượng trong quá khứ và tài năng đặc biệt của nhà điêu khắc Aleijadinho, thuộc trường phái nghệ thuật kiến trúc Baroque.

Giá trị nổi bật toàn cầu

Được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII, cách thủ đô Rio de Janeiro 513km về phía Bắc, thị trấn cổ Ouro Preto (Vàng đen) được bao phủ bởi các sườn dốc của Vila Rica (Thung lũng giàu có), trung tâm của khu vực khai thác vàng và là thủ phủ của tỉnh Minas Gerais từ 1720 - 1897. Thị trấn cổ Ouro Preto nổi bật với các con đường quanh co, khuôn viên đất không đều nhau, chạy dọc theo các đường viền của cảnh quan đồi núi với các tòa nhà công cộng, nhà ở, đài phun nước, các cây cầu và nhà thờ tạo thành một tổng thể đồng nhất nổi bật, thể hiện được hình dạng, đường cong tuyệt đẹp của kiến ​​trúc Baroque. Ouro Preto là biểu tượng trung tâm của Inconfidência Mineira vào năm 1789 - một phong trào độc lập ở Brazil và là quê hương của các nghệ sĩ đặc biệt, chịu trách nhiệm cho nhiều tác phẩm quan trọng nhất của thời kỳ Baroque Brazil, bao gồm Nhà thờ São Francisco của Assisi được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư và nhà điêu khắc nổi tiếng Antônio Francisco Lisboa (Aleijadinho). Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, việc khai thác vàng ngưng trệ, kinh tế suy giảm, Ouro Preto mất dần ảnh hưởng với khu vực xung quanh, song, chính hoàn cảnh này lại tạo điều kiện cho việc bảo tồn các công trình và mô hình đô thị được xây dựng vào thời kỳ đầu của giai đoạn thuộc địa.

Tiêu chí (i): Nằm ở một địa hình xa xôi và cách trở, kiến trúc và mô hình quy hoạch đô thị bản địa với giá trị thẩm mỹ đặc biệt và độc đáo của Ouro Preto khiến thị trấn trở thành một kho báu vô giá của nhân loại. Đáng chú ý nhất trong các công trình kiến trúc của thị trấn là những di tích tôn giáo và tòa nhà hành chính, bao gồm Palácio dos Governadores (Dinh Thống đốc), ngày nay là Trường kỹ thuật Khai thác mỏ, và nhà Casa de Câmara e Cadeia (Nhà hành chính và Nhà tù), nay là Bảo tàng Inconfidência. Các nhà thờ với kiến trúc Baroque với các tác phẩm điêu khắc của Antônio Francisco Lisboa, Aleijadinho, nghệ sĩ vĩ đại nhất Brazil thời thuộc địa, và các bức tranh trần của Manuel da Costa Athaide cùng với những người khác. Đây là đại diện tiêu biểu cho các loại hình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia và được phát triển trong một khu vực với điều kiện tiếp cận khó khăn, sự khan hiếm vật liệu và nhân công lao động trong thế kỷ XVIII.

Tiêu chí (iii): Các công trình xây dựng của Thị trấn Ouro Preto là bằng chứng độc đáo về tài năng sáng tạo của một xã hội được xây dựng dựa trên sự trù phú nhờ việc khai thác mỏ dưới sự cai trị của thực dân Bồ Đào Nha. Mặc dù kiến trúc, tranh vẽ và các tác phẩm điêu khắc bắt nguồn từ các mô thức cơ bản do người nhập cư Bồ Đào Nha du nhập vào, song những tác phẩm tại đây khác rất nhiều so với nghệ thuật châu Âu đương đại, không chỉ về không gian mà còn cả trong cách xử lý trang trí, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc đá trên mặt tiền của các ngôi nhà, thể hiện sự độc đáo trong thiết kế với việc kết hợp sử dụng hai loại vật liệu đá phiến (gneiss) và đá mỹ nghệ (soapstone). Sự thiếu vắng của các tu viện, nhà dòng chính thống do sắc lệnh của Vương quốc Bồ Đào Nha vốn cấm việc thiết lập các trật tự tôn giáo ở Minas Gerais và không có quy định chặt chẽ cho các công trình tôn giáo, dẫn đến việc xây dựng các nhà thờ, nhà nguyện tại đây đã thể hiện được sự lộng lẫy và độc đáo trong kiến trúc, kết hợp với nghệ thuật truyền thống của những nền văn hóa.

Tính toàn diện

Thị trấn cổ Ouro Preto vẫn giữ được tính chất là đô thị hạt nhân được xây dựng từ thời thuộc địa, bao gồm sự đa dạng của các công trình dân sự và tôn giáo, được nhận diện qua tính thẩm mỹ và kiến trúc tinh tế thể hiện Giá trị nổi bật toàn cầu. Không phải tất cả trong số này đều ở trạng thái bảo tồn tốt; một số ngôi nhà và nhà thờ bị bỏ quên.

Thị trấn cổ dễ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển đô thị, giao thông, công nghiệp hóa và tác động du lịch. Việc mở rộng Ouro Preto đến các sườn đồi xung quanh, làm cho địa hình không ổn định về mặt địa chất, đặt ra mối đe dọa, thiệt hại đối với môi trường đô thị, như các khu vực cây xanh, khảo cổ và không gian công cộng.

Tính chân xác

Ngày nay, các công trình về kiến trúc tôn giáo và dân cư, kèm theo các tác phẩm nghệ thuật tại Thị trấn cổ Ouro Preto đã được bảo tồn về hình thức và thiết kế, vật liệu. Sự phát triển một cách có kiểm soát của những tòa nhà mới tại các thành phố xung quanh đều được giới hạn về quy mô, với mục đích bảo tồn, phát huy cảnh quan đô thị của Ouro Preto (thế kỷ XVIII và XIX). Việc cấp phép xây dựng, sửa chữa đối với các công trình dân cư và thương mại là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, những công trình này phải bắt buộc giữ gìn và bảo tồn nguyên trạng mặt tiền ban đầu. Các biện pháp bảo tồn được Chính phủ Liên bang ban hành với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, dựa trên các chỉ tiêu quy hoạch đô thị và dự án bảo tồn, phục hồi kế tiếp đã đảm bảo tính chân xác của di sản văn hóa này.

Yêu cầu về quản lý và bảo vệ

Từ những năm 1930, Thị trấn cổ Ouro Preto đã là mục tiêu bảo tồn thông qua một loạt sáng kiến ​​của Chính phủ. Các Nghị định liên quan đầu tiên của Thành phố là Nghị định số 13 năm 1931 và Nghị định số 25 năm 1932 do Thị trưởng João Velloso ban hành về việc bảo tồn kiến trúc mặt tiền của các công trình kiến trúc thuộc địa. Một năm sau, Tổng thống Getúlio Vargas đã công nhậnthị trấn là di tích quốc gia, tạo ra trung tâm dịch vụ di sản lịch sử và nghệ thuật quốc gia (Serviço do Patrimônio Histórico e Artístico Nacional - SPHAN), ngày nay là Viện Di sản Lịch sử và Nghệ thuật Quốc gia (Viện Di sản Patrimônio Histórico e Artístico Nacional - IPHAN). Ngày 30 tháng 11 năm 1937, ban hành Nghị định - Luật số 25, là các công cụ pháp lý cần thiết, vẫn có hiệu lực đến ngày nay, để bảo vệ tất cả di sản văn hóa được xác định là có giá trị nổi bật đối với quốc gia. Dựa trên Nghị định, kiến ​​trúc đô thị của Ouro Preto đã chính thức được đưa vào danh sách đăng ký là di sản mỹ thuật (Livro de Tombo de Belas Artes) vào ngày 20 tháng 01 năm 1938.

Bắt đầu từ những năm 1950, thành phố được mở rộng nhanh chóng với sự gia tăng lớn lưu lượng giao thông trong bối cảnh phát triển kinh tế mới nổi của khu vực, hậu quả trực tiếp của các hoạt động khai thác và sản xuất thép tăng cường. Để đáp lại, Chính phủ Liên bang đã xây dựng một đường cao tốc quanh thành phố được đặt theo tên của Giám đốc đầu tiên của SPHAN, Rodrigo Mello Franco de Andrade. Biện pháp thứ hai được thực hiện để bảo vệ thành phố khỏi việc tăng lưu lượng phương tiện quá mức, là xây dựng một bến xe buýt ở ngoại ô Ouro Preto để giải tỏa sự tập trung của xe buýt nội địa, liên bang và du lịch. Nhằm tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa Ouro Preto, IPHAN đã mở Văn phòng kỹ thuật trong thành phố vào những năm 1980 với một đội ngũ chuyên gia đa ngành. Với những biện pháp này, Chính phủ Brazil đã đệ trình lên UNESCO công nhận Thị trấn cổ Ouro Preto là Di sản thế giới. Vào ngày 05 tháng 09 năm 1980, Thị trấn trở thành di sản văn hóa đầu tiên của Brazil được đưa vào Danh sách Di sản thế giới. Ngày 15 tháng 9 năm 1986, IPHAN đã mở rộng phạm vi giá trị cho di sản thông qua việc ghi vào danh sách địa danh lịch sử và cảnh quan thiên nhiên thế giới (khảo cổ học và dân tộc học).

Vào những năm 1990, Nhóm tư vấn kỹ thuật (Grupo de Assigatoramento Técnico - GAT) được thành lập, bao gồm các chuyên gia kỹ thuật đại diện cho IPHAN và Chính quyền thành phố, cùng các cơ quan khác của Chính phủ để đảm bảo sự nỗ lực bảo tồn Thị trấn. Nhóm đã đưa ra một loạt các hướng dẫn để kiểm soát việc sử dụng và lấn chiếm đất ở trung tâm thị trấn (gọi là Khu vực bảo vệ đặc biệt). Những hướng dẫn này đã chính thức được hợp nhất trong Chỉ thị IPHAN, được ban hành năm 2004.

Tương tự, một loạt quy định được các cấp chính quyền đồng ý ban hành để triển khai cụ thể Kế hoạch quản lý thành phố được phê duyệt thông qua Luật bổ sung ngày 01 tháng 12 năm 1996. Mười năm sau, Kế hoạch quản lý đã được đệ trình để xem xét và cập nhật thông qua một đạo luật bổ sung của thành phố.

Ngoài các sáng kiến ​​lập pháp này, Thành phố đã áp dụng một số biện pháp khác để điều chỉnh việc sử dụng đất đô thị, đặc biệt là thông qua việc giới thiệu nhiều Dự án kiến trúc kiểu mẫu dựa trên các Kế hoạch thiết kế cộng đồng. Ngoài khu vực được đưa vào Danh sách Di sản của UNESCO, Ouro Preto đã thành lập Trung tâm Dịch vụ kiến trúc và kỹ thuật công cộng của thành phố, được giao nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật công cộng miễn phí cho việc thiết kế và giám sát các dự án xây dựng nhà ở, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

Với mục đích tăng cường công tác quản lý được chia sẻ cho di sản này, năm 2006, thành phố đã thành lập Ban Thư ký Di sản và Phát triển đô thị, một cơ quan bao gồm một nhóm chuyên gia đa ngành. Ban Thư ký hỗ trợ cho Hội đồng chính sách đô thị và di sản văn hóa thành phố và được tài trợ thông qua Quỹ Bảo tồn Di sản.

Vào năm 2010, IPHAN đã ban hành các quy tắc và tiêu chí để bảo tồn mô hình kiến ​​trúc và đô thị của Ouro Preto, nhằm đưa ra các biện pháp điều chỉnh, can thiệp trong quá trình bảo tồn những công trình kiến trúc trong khu vực và những quy tắc đó được chính quyền liên bang bảo vệ và bãi bỏ. Cũng trong năm 2010, IPHAN đã ban hành hai quy tắc nhằm tăng cường công tác quản lý của thành phố: Chỉ thị số 187 ngày 11 tháng 6 năm 2010, điều chỉnh các thủ tục điều tra đối với các hành vi vi phạm hành chính bao gồm cáo buộc liên quan đến hành vi và ứng xử được coi là có hại hoặc làm tổn hại đến kiến trúc di sản văn hóa của thành phố và Chỉ thị số 420 ngày 22 tháng 12 năm 2010, về các thủ tục liên quan đến việc can thiệp ở mức cho phép vào các cấu trúc di sản được bảo vệ và các khu vực xung quanh tương ứng.

Để đảm bảo quản lý thị trấn đúng cách, một số thách thức vẫn đang cần giải quyết: tăng cường quy hoạch mở rộng đô thị thông qua các biện pháp kiểm soát bổ sung đối với việc chiếm giữ các sườn đồi xung quanh, điều chỉnh quy hoạch giao thông chung trong khu đô thị xung quanh khu vực được bảo vệ và phát triển hiệu quả tiềm năng văn hóa du lịch của khu vực, biến thành phố thành một điểm đến văn hóa quốc tế, được công nhận bởi sự giàu có về di sản văn hóa.

Không gian di sản được mở rộng ra phía sau để xây dựng những công trình, nhà ở mới, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cùng với việc thay thế các vật liệu và kỹ thuật truyền thống bằng các vật liệu mới cũng là một vấn đề thách thức đối với di sản, đặc biệt là việc mở rộng đáng kể Đại học Liên bang và Trường Kỹ thuật địa phương. Nhiều biện pháp đã được thực hiện ở cả cấp liên bang và thành phố để ngăn chặn xu hướng này, đây cũng là nỗ lực của chính quyền trong việc bảo tồn di sản và nó đã mang lại những thành công nhất định cho đến nay.

Trong suốt thời gian qua, Thị trấn cổ Ouro Preto đã nhận được nhiều khoản đầu tư lớn nhằm bảo tồn, phục hồi các di sản văn hóa và đảm bảo, theo cách này, di sản vẫn tồn tại và được sử dụng cho các thế hệ hiện tại và tương lai./.

Khánh Chi

(dịch từ website: www.whc.unesco.org)

 

Liên kết website