Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Thông tư sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, huỷ bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư này để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, huỷ bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính tại các văn bản sau:

I. Di sản văn hoá

1. Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT ngày 19 tháng 2 năm 2004 của Bộ Văn hoá- Thông tin hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (sau đây gọi là Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT);

2. Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế “Thăm dò, khai quật khảo cổ” (sau đây gọi là Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL).

II. Nghệ thuật biểu diễn

1. Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 02 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (sau đây gọi là Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT);

2. Thông báo số 5 (Văn bản số 453/VHTT-TB ngày 28 tháng 2 năm 1995 của Bộ Văn hoá-Thông tin) về việc sử dụng những bài hát sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam (sau đây gọi là Thông báo số 5);

3. Quyết định số 55/1999/QĐ-BVHTT ngày 05 tháng 8 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành Quy chế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình ca nhạc sân khấu (sau đây gọi là Quyết định số 55/1999/QĐ-BVHTT);

4. Thông tư số 48/2006/TT-BVHTT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ Văn hoá-Thông tin hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá Quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài (sau đây gọi là Thông tư số 48/2006/TT-BVHTT);

5. Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp (sau đây gọi là Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL).

III. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

1. Quyết định số 10/2000/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 5 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin về việc ban hành Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và Gallery (sau đây gọi là Quyết định số 10/2000/QĐ-BVHTT);

2. Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT ngày 20 tháng 11 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin về việc ban hành Quy chế hoạt động nhiếp ảnh (sau đây gọi là Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT);

3. Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT ngày 29 tháng 3 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật) (sau đây gọi là Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT);

4. Quyết định số 90/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Quy chế tổ chức trại sáng tác điêu khắc (sau đây gọi là Quyết định số 90/2008/QĐ-BVHTTDL).

IV. Xuất nhập khẩu văn hoá phẩm

1. Thông tư số 36/2002/TT-BVHTT ngày 24 tháng 12 năm 2002 của Bộ Văn hoá-Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2002/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (sau đây gọi là Thông tư số 36/2002/TT-BVHTT).

V. Văn hóa cơ sở

1. Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” (sau đây gọi là Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT).

VI. Hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch văn hoá công cộng

1. Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 12 năm 2009 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ (sau đây gọi là Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL).

VII. Du lịch

1. Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch (sau đây gọi là Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL);

2. Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng dẫn du lịch và xúc tiến du lịch (sau đây gọi là Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL).

Điều 2. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính tại các văn bản quy định tại Điều 1 Thông tư này được thực hiện như sau:

I. Di sản văn hoá

1. Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT

Mục II được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 như sau:

“1.Trình tự, thủ tục đăng ký.

- Chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia gửi một (01) đơn đề nghị đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (mẫu phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 07/2004/TT-BVHTT) tới Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi sở tại bằng cách nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xem xét và trả lời về thời hạn tổ chức đăng ký.

Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục đăng ký, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (mẫu phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 07/2004/TT-BVHTT) cho chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.”.

2. Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL

Điều 12 Quy chế “Thăm dò, khai quật khảo cổ” ban hành kèm theo Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 như sau:

“1. Tổ chức có chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tới Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bằng cách nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:”.

II. Nghệ thuật biểu diễn

1. Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT

1.1. Điều 13 Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại điểm 2.3 như sau:

“2.3. Thực hiện nghĩa vụ thuế, các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quảng cáo và các quy định tại Quy chế này. Khi biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài phải thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, các quy định pháp luật nước sở tại về cư trú, đi lại và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp;”.

1.2. Điều 15 Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại các khoản 2 và 4 như sau:

“2. Có đơn đề nghị (Mẫu 1), gửi kèm theo danh sách thành viên tham gia (ghi rõ họ tên, chức vụ, nghề nghiệp) và nội dung chương trình, tiết mục, vở diễn sẽ biểu diễn ở nước ngoài.”.

“4. Nơi nộp hồ sơ: Đơn vị gửi hồ sơ bằng cách nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện một (01) bộ (gồm các văn bản quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này) đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo phân cấp quản lý tại Điều 20, 21 Quy chế này. Trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.”.

1.3. Điều 16 Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại các điểm 1.1, 2.1, 3.1 và bổ sung điểm 4.3 như sau:

“1.1. Có đơn đề nghị (Mẫu 2) của đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp Việt Nam, gửi kèm nội dung chương trình, tiết mục, vở diễn, danh sách thành viên tham gia (ghi rõ họ tên, chức vụ, nghề nghiệp).”.

“2.1. Có đủ điều kiện quy định tại điểm 1.1, 1.2 khoản 1 Điều này; có đơn đề nghị (Mẫu 3).”.

“3.1. Có đơn đề nghị (Mẫu 4) của đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp Việt Nam.”.

“4.3. Số bộ hồ sơ cần nộp là một (01) bộ, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.”.

1.4. Điều 17 Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 như sau:

“1. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tại địa điểm đăng ký hoạt động:

Đơn vị tổ chức biểu diễn gửi văn bản thông báo lịch biểu diễn đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức biểu diễn trước 03 ngày theo lịch đã ghi trong thông báo.”.

1.5. Điều 22 Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 điểm 1.1 như sau:

“1. Đơn vị nghệ thuật biểu diễn, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp xin cấp giấy phép công diễn chương trình, tiết mục, vở diễn nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo phân cấp quản lý tại Điều 20, 21 Quy chế này.

1.1. Đơn xin phép công diễn chương trình, tiết mục, vở diễn ghi rõ: tên chương trình, tiết mục, vở diễn, thời gian, địa điểm công diễn (Mẫu 5);”.

2. Thông báo số 5

Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 2. Hồ sơ đề nghị xét duyệt gồm có:

- Đơn đề nghị của cơ quan (Mẫu 6);

- Những bài hát đề nghị xin xét duyệt cho phép sử dụng phải là bản nhạc được photocopy từ bản gốc, không tẩy xoá, sửa chữa.

Số bộ hồ sơ cần nộp là một (01) bộ, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.”.

3. Quyết định số 55/1999/QĐ-BVHTT

Điều 4 Quy chế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình ca nhạc, sân khấu ban hành kèm theo Quyết định số 55/1999/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 điểm b và khoản 3 như sau:

“b) Thủ tục:

Tổ chức ở Trung ương gửi đơn xin phép bằng cách nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn; tổ chức ở địa phương gửi đơn xin phép bằng cách nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Văn hoá, Thể thao Du lịch nơi có trụ sở chính (Mẫu 7).”.

“3. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.”.

4. Thông tư số 48/2006/TT-BVHTT

Mục II phần C  được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2.2. như sau:

“2.2. Đối với các loại sản phẩm nghe nhìn (ghi trên mọi chất liệu) không phải là tác phẩm điện ảnh: Phải được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt nội dung trước khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu.

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhập khẩu băng, đĩa ca nhạc, sân khấu hoặc sản phẩm nghe nhìn thuộc các thể loại khác (ghi trên mọi chất liệu) không phải là tác phẩm điện ảnh.

- Hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung sản phẩm, gồm:

+ Đơn đề nghị xét duyệt nội dung sản phẩm (Mẫu 8);

+ Văn bản chứng nhận bản quyền tác giả, nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm (kèm theo văn bản dịch ra tiếng Việt);

+ Mẫu sản phẩm đề nghị xét duyệt nội dung để nhập khẩu (nếu sản phẩm chứa đựng nội dung bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

- Cơ quan giải quyết thủ tục phê duyệt nội dung: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch uỷ quyền cho các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

- Số bộ hồ sơ cần nộp là một (01) bộ, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm trả lời bằng văn bản kết quả phê duyệt nội dung sản phẩm.

Văn bản phê duyệt nội dung sản phẩm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch là căn cứ để doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

- Riêng đối với sản phẩm nhập khẩu là băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình và các sản phẩm ghi trên vật liệu, phương tiện kỹ thuật khác có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách do Cục Xuất bản phê duyệt danh mục sản phẩm xin nhập khẩu.”.

5. Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL

5.1. Điều 4 Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 điểm a như sau:

“2. Hồ sơ đề nghị cấp phép một (01) bộ, gồm:

a) Đơn đề nghị (Mẫu 9);”.

5.2. Điều 5 Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 điểm a như sau:

“2. Hồ sơ dự thi một (01) bộ, gồm:

a) Đơn đăng ký dự thi (Mẫu 10);”.

5.3. Điều 6 Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 điểm a và điểm c như sau:

“2. Hồ sơ dự thi một (01) bộ, gồm:

a) Văn bản đề nghị của đơn vị Việt Nam đưa thí sinh dự thi (Mẫu 11), trong đó nêu rõ: Tên, thời gian, địa điểm tổ chức cuộc thi; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, danh hiệu và trình độ tiếng Anh của thí sinh; cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Quy chế này, các quy định của Ban tổ chức và pháp luật nước sở tại;”.

“c) Đơn đăng ký dự thi (Mẫu 12); hai ảnh (4 x 6);”.

5.4. Điều 8 Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 điểm a như sau:

“2. Hồ sơ đề nghị do đơn vị Việt Nam nộp một (01) bộ, gồm:

 a) Đơn đề nghị tổ chức thi Hoa hậu Quốc tế tại Việt Nam (Mẫu 13).”.

5.5. Điều 14 Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 như sau:

“2. Thời hạn giải quyết:

a) Cuộc thi Hoa hậu: Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ;

b) Cuộc thi Hoa khôi và Người đẹp: Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ;

c) Cuộc thi Hoa hậu quốc tế: Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ;

d) Đưa thí sinh dự thi Hoa hậu quốc tế: Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”.

III. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

1. Quyết định số 10/2000/QĐ-BVHTT

1.1. Cụm từ “Vụ Mỹ thuật” quy định trong Quyết định số 10/2000/QĐ-BVHTT và Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và Gallery ban hành kèm theo Quyết định số 10/2000/QĐ-BVHTT được thay bằng “Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm”.

1.2. Điều 6 Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và Gallery ban hành kèm theo Quyết định số 10/2000/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Thẩm quyền cấp phép:

1. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cấp giấy phép đối với:

a) Triển lãm mỹ thuật có quy mô toàn quốc, ngành, do các cơ quan Trung ương tổ chức.

b) Triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam do tổ chức quốc tế; tổ chức nước ngoài hoặc nhiều nước phối hợp mang danh nghĩa đại diện cho một hoặc nhiều quốc gia tổ chức.

c) Triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Việt Nam do tổ chức Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam tổ chức.

d) Hoạt động đưa tác phẩm mỹ thuật từ Việt Nam đi triển lãm tại nước ngoài do các cơ quan Trung ương thực hiện.

e) Hoạt động đưa tác phẩm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm mang danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với:

a) Triển lãm mỹ thuật tại địa phương do cá nhân, nhóm cá nhân người Việt Nam hoặc người nước ngoài tổ chức.

b) Triển lãm mỹ thuật tại địa phương, khu vực, do cơ quan trung ương, tổ chức nước ngoài tổ chức mà không thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

c) Hoạt động đưa tác phẩm mỹ thuật từ địa phương đi triển lãm tại nước ngoài không mang danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam do các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương thực hiện.

3. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.”.

1.3. Điều 8 Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và Gallery ban hành kèm theo Quyết định số 10/2000/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 8. Thủ tục đề nghị cấp phép

1. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép tổ chức triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam

Cá nhân, cơ quan, tổ chức muốn tổ chức triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định tại Điều 6 Quy chế này.

a) Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam (Mẫu 14) hoặc công văn, công hàm;

- Danh sách tác phẩm, tác giả, chất liệu, kích thước tác phẩm;

- Ảnh chụp tác phẩm sẽ triển lãm (ảnh mầu khuôn khổ 9cm x 12cm trở lên, dán trên giấy khổ A4, có chú thích ảnh kèm theo); Trường hợp trong tác phẩm có chữ viết bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt;

- Bản sao chứng minh thư nhân dân (đối với cá nhân Việt Nam), hộ chiếu (đối với cá nhân là Việt kiều và người nước ngoài). Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, khi nộp mang theo bản gốc để đối chiếu; trường hợp nộp hồ sơ gửi qua đường bưu điện, nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực.

- Đối với các triển lãm được quy định tại điểm b, điểm c, khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Quy chế này thì cần phải có giấy mời, hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận giữa hai bên.

b) Thời hạn nộp hồ sơ: Trước ngày dự kiến khai mạc triển lãm ít nhất là bảy (07) ngày làm việc.

2. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép đưa tác phẩm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài tham dự triển lãm

Cá nhân, cơ quan, tổ chức muốn đưa tác phẩm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài tham dự triển lãm nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định tại Điều 6 Quy chế này.

a) Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép đưa tác phẩm mỹ thuật từ Việt Nam ra nước ngoài tham dự triển lãm (Mẫu 15) hoặc công văn, công hàm;

- Danh sách tác phẩm, tác giả, chất liệu, kích thước tác phẩm;

- Ảnh chụp tác phẩm sẽ triển lãm (ảnh mầu khuôn khổ 9cm x 12cm trở lên, dán trên giấy khổ A4, có chú thích ảnh kèm theo). Trường hợp trong tác phẩm có chữ viết bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt;

- Bản sao chứng minh thư nhân dân (đối với cá nhân Việt Nam), hộ chiếu (đối với cá nhân là Việt kiều và người nước ngoài). Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, khi nộp mang theo bản gốc để đối chiếu; trường hợp nộp hồ sơ gửi qua đường bưu điện, nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực;

- Giấy mời, hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận của hai bên.

b) Thời hạn nộp hồ sơ: trước ngày dự kiến gửi tác phẩm đi ít nhất là bảy (07) ngày làm việc;

3. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính tại thời điểm đề nghị cấp phép.”.

2. Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT

2.1. Cụm từ “Vụ Mỹ thuật” quy định trong Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT và Quy chế hoạt động nhiếp ảnh ban hành kèm theo Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT được thay bằng “Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm”.

2.2. Điều 5 Quy chế hoạt động nhiếp ảnh ban hành kèm theo Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 5. Thẩm quyền cấp phép

1. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cấp phép đối với:

a) Triển lãm, thi, liên hoan ảnh tại Việt Nam có quy mô toàn ngành do các cơ quan Trung ương tổ chức.

b) Triển lãm, thi, liên hoan ảnh tại Việt Nam do tổ chức quốc tế; tổ chức nước ngoài hoặc nhiều nước phối hợp mang danh nghĩa đại diện cho một hoặc nhiều quốc gia.

c) Triển lãm, thi, liên hoan ảnh, đại hội nhiếp ảnh quốc tế tại Việt Nam do tổ chức Việt Nam, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam tổ chức.

d) Hoạt động đưa ảnh từ Việt Nam đi triển lãm, thi, liên hoan tại nước ngoài do các cơ quan Trung ương thực hiện.

e) Hoạt động đưa ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm, thi, liên hoan mang danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép đối với:

a) Triển lãm ảnh tại địa phương do cá nhân, nhóm cá nhân người Việt Nam hoặc người nước ngoài tổ chức.

b) Triển lãm, thi, liên hoan ảnh tại địa phương do cơ quan trung ương, tổ chức nước ngoài tổ chức mà không thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

c) Hoạt động đưa ảnh từ địa phương đi triển lãm, thi, liên hoan tại nước ngoài không mang danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam do các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương thực hiện.”.

2.3. Điều 6 Quy chế hoạt động nhiếp ảnh ban hành kèm theo Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 6. Thủ tục đề nghị cấp phép

1. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép tổ chức triển lãm ảnh tại Việt Nam

Cá nhân, cơ quan, tổ chức muốn tổ chức triển lãm ảnh tại Việt Nam nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định tại Điều 5 Quy chế hoạt động nhiếp ảnh ban hành kèm theo Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT.

a) Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép tổ chức triển lãm ảnh tại Việt Nam (Mẫu 16) hoặc công văn, công hàm;

- Danh sách tác phẩm dự kiến triển lãm (ghi rõ tên tác giả, tên tác phẩm, chất liệu, kích thước, số lượng);

- Ảnh mẫu tác phẩm dự kiến triển lãm (ảnh mẫu in trên giấy ảnh kích thước nhỏ nhất 9x12cm, ảnh mẫu phải đúng với ảnh gốc về nội dung, chú thích);

- Bản sao chứng minh thư nhân dân (đối với cá nhân Việt Nam), hộ chiếu (đối với cá nhân là Việt kiều và người nước ngoài). Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, khi nộp mang theo bản gốc để đối chiếu; trường hợp nộp hồ sơ gửi qua đường bưu điện, nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực.

 b) Thời hạn nộp hồ sơ: trước ngày dự kiến khai mạc triển lãm ít nhất là bảy (07) ngày làm việc.

 2. Thủ tục đề nghị được tổ chức thi/liên hoan ảnh/đại hội nhiếp ảnh tại Việt Nam

Cơ quan, tổ chức muốn tổ chức thi/liên hoan ảnh/đại hội nhiếp ảnh tại Việt Nam nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định tại Điều 5 Quy chế hoạt động nhiếp ảnh ban hành kèm theo Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT.

a) Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị được tổ chức thi/liên hoan ảnh/đại hội nhiếp ảnh tại Việt Nam (Mẫu 17);

- Dự thảo thông báo thể lệ cuộc thi/liên hoan ảnh/đại hội nhiếp ảnh (ghi rõ mục đích, phạm vi, thời gian tổ chức, đối tượng tham dự, nội dung thi/liên hoan/đại hội; giải thưởng (nếu có) và các thông tin chi tiết khác của cuộc thi/liên hoan ảnh/đại hội nhiếp ảnh).

b) Thời hạn nộp hồ sơ: trước ngày dự kiến phát động, công bố chính thức về cuộc thi/liên hoan ảnh/đại hội nhiếp ảnh ít nhất là bảy (07) ngày làm việc.

3. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép đưa ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự triển lãm/ thi liên hoan ảnh

Cá nhân, cơ quan, tổ chức muốn đưa ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự triển lãm/thi/liên hoan ảnh nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định tại Điều 5 Quy chế hoạt động nhiếp ảnh ban hành kèm theo Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT.

a) Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép đưa ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự triển lãm/thi/liên hoan (Mẫu 18);

- Danh sách tác phẩm dự kiến đưa ra nước ngoài (ghi rõ tên tác giả, tên tác phẩm, chất liệu, kích thước, số lượng);

- Ảnh mẫu tác phẩm dự kiến đưa ra nước ngoài (kích thước nhỏ nhất 9x12cm, ảnh mẫu phải đúng với ảnh gốc về nội dung, chú thích);

- Bản sao chứng minh thư nhân dân (đối với cá nhân Việt Nam), hộ chiếu (đối với cá nhân là Việt kiều và người nước ngoài). Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, khi nộp mang theo bản gốc để đối chiếu; trường hợp nộp hồ sơ gửi qua đường bưu điện, nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực.

- Giấy mời của phía nước ngoài, hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận giữa hai bên.

b) Thời hạn nộp hồ sơ: trước ngày dự kiến gửi ảnh đi ít nhất là bảy (07) ngày làm việc.

4. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính tại thời điểm đề nghị cấp phép.”.

2.4. Điều 7 Quy chế hoạt động nhiếp ảnh ban hành kèm theo Quyết định số 29/2000/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung như sau:

  “Điều 7. Thời hạn cấp phép

1. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm cấp phép theo thẩm quyền quy định tại Điều 5 này.

 Thời hạn cấp giấy phép là bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.”.

2. Giấy phép đưa ảnh đi triển lãm, dự thi, liên hoan tại nước ngoài là cơ sở làm thủ tục hải quan.”.

3. Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT

3.1. Cụm từ “Vụ Mỹ thuật” quy định trong Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT và Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật) ban hành kèm theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT được thay bằng “Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm”.

3.2. Điều 13 Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật) ban hành kèm theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại khoản d như sau:

"d. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng phần mỹ thuật

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp hai (02) bộ hồ sơ bằng cách gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi có công trình xin phép xây dựng theo quy định tại điểm c Điều 13 Quy chế này.

Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (Mẫu số 1 Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng ban hàn kèm theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT);

- Biên bản lần duyệt chọn mẫu phác thảo cuối cùng của Hội đồng nghệ thuật;

- Hồ sơ dự án được duyệt;

- Ảnh chụp phác thảo 3 chiều (kích thước nhỏ nhất là 15 x 18 cm) và bản vẽ phương án thiết kế.

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xem xét hồ sơ, cấp phép. Thời hạn cấp giấy phép là hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét hồ sơ, cấp phép. Thời hạn cấp giấy phép là mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Giấy phép thể hiện tượng đài, tranh hoành tráng có hiệu lực trong thời gian mười hai (12) tháng kể từ ngày ký, quá thời hạn trên mà không thực hiện chủ đầu tư phải xin cấp lại.".

3.3. Điều 15 Quy chế quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng (phần mỹ thuật) ban hành kèm theo Quyết định số 05/2000/QĐ-BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại các khoản b, c, d và e như sau:

“b. Cơ quan thẩm định dự toán phần mỹ thuật (chỉ ứng dụng với nguồn vốn ngân sách nhà nước):

- Dự toán kinh phí phần mỹ thuật lớn hơn 7 tỷ đồng phải được Hội đồng liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thẩm định (giúp việc cho Hội đồng có các chuyên viên thẩm định);

- Dự toán kinh phí phần mỹ thuật dưới 7 tỷ đồng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì) thẩm định (giúp Cục trưởng có các chuyên viên thẩm định);

- Công trình có dự toán kinh phí phần mỹ thuật dưới 300 triệu đồng do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định.
c. Tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định dự toán phần mỹ thuật tượng đài, tranh hoành tráng nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hai (02) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng tượng đài tranh hoành tráng (phần mỹ thuật) đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (đối với dự toán kinh phí từ 7 tỷ đồng trở lên và dự toán kinh phí dưới 7 tỷ đồng); nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện  hai (02) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi có công trình đề nghị thẩm định (đối với dự toán kinh phí dưới 300 triệu đồng). Hồ sơ gồm:

- Công văn đề nghị thẩm định dự toán phần mỹ thuật của chủ đầu tư dự án;

- Dự toán kinh phí do tác giả hoặc kết hợp giữa tác giả với đơn vị thể hiện lập;

- Quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án (nếu có).

d. Kết thúc thẩm định:

- Cơ quan thẩm định phải trả kết quả thẩm định cho tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định;

- Cơ quan thẩm định dự toán phần mỹ thuật phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về kết quả công việc do mình thực hiện.

e. Thời hạn thẩm định là hai mươi lăm (25) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đối với công trình từ 7 tỷ đồng trở lên); mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đối với công trình dưới 7 tỷ đồng) và bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đối với công trình dưới 300 triệu đồng). Trường hợp không thẩm định, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.”.

4. Quyết định số 90/2008/QĐ-BVHTTDL

4.1. Điều 12 Quy chế tổ chức trại sáng tác điêu khắc ban hành kèm theo Quyết định số 90/2008/QĐ-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 12. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế, trại điêu khắc quốc gia nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hai (02) bộ hồ sơ đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; đề nghị cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc trong nước do tổ chức, cá nhân thuộc địa phương tổ chức tại địa phương nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hai (02) bộ hồ sơ đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức trại Hồ sơ gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép (Mẫu 19);

2. Đề án, thiết kế quy hoạch tổng thể nơi trưng bày vườn tượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nội dung Đề án bao gồm:

- Tên Đề án, đơn vị tổ chức;

- Mục đích, ý nghĩa, tính chất và hiệu quả của đề án;

- Thời gian, địa điểm tổ chức trại;

- Địa điểm trưng bày tác phẩm kèm theo bản vẽ thiết kế mặt bằng;

- Nguồn vốn đầu tư, tổng mức đầu tư;

- Quy mô tổ chức trại: Số lượng tác giả, tác phẩm;

- Chất liệu, giải pháp thi công, nhân công thực hiện tác phẩm;

- Cơ chế quản lý, phương án bảo vệ, bảo quản, tu bổ và khai thác sử dụng tác phẩm;

- Trách nhiệm và quyền lợi của tác giả.

3. Thể lệ tổ chức Trại sáng tác điêu khắc của Chủ đầu tư.”.

4.2. Điều 13 Quy chế tổ chức trại sáng tác điều khắc ban hành kèm theo Quyết định số 90/2008/QĐ-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung tại các khoản 1 và 2 như sau:

"1. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xem xét, thẩm định hồ sơ, cấp phép. Thời hạn cấp giấy phép là bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức trại xem xét, thẩm định hồ sơ, cấp phép. Thời hạn cấp giấy phép là năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức trại có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.".

IV. Xuất nhập khẩu văn hoá phẩm

1. Thông tư số 36/2002/TT-BVHTT

1.1. Mục II được bổ sung các điểm c và d tại khoản 5 như sau:

c) Tổ chức, cá nhân có văn hóa phẩm đề nghị cấp phép nhập khẩu, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ;

d) Giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm có thời hạn trong ba mươi (30) ngày.”.

1.2. Bỏ cụm từ “Ý kiến của cơ quan chủ quản” trong mẫu Đơn xin cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm (BM.Đ) (Mẫu 20).

V. Văn hóa cơ sở

1. Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT

1.1. Điều 5 Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” ban hành kèm theo Quyết định số 62/2006/QĐ- BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại các khoản 2 và 3 như sau:

“2. Hồ sơ đề nghị công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”, gồm:

a) Bản đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”;

b) Biên bản họp bình xét ở khu dân cư kèm theo danh sách những gia đình được đề nghị công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (có từ 50% trở lên số người tham gia dự họp nhất trí đề nghị).

Số bộ hồ sơ cần nộp là một (01) bộ, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

3. Căn cứ vào biên bản họp bình xét ở khu dân cư, Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm. Thời gian giải quyết năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”.

1.2. Điều 9 Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” ban hành kèm theo Quyết định số 62/2006/QĐ- BVHTT được sửa đổi, bổ sung tại các khoản 2 và 3 như sau:

“2. Hồ sơ đề nghị công nhận hoặc công nhận lại danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, gồm:

a) Công văn đề nghị của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

b) Báo cáo thành tích ba (03) năm xây dựng hoặc giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Số bộ hồ sơ cần nộp là một (01) bộ, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

3. Căn cứ vào hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với cơ quan thi đua-khen thưởng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trình Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh ra quyết định công nhận hoặc công nhận lại kèm theo giấy chứng nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” theo định kỳ ba (03) năm một lần (kể từ thời gian đăng ký xây dựng hoặc được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”). Thời gian giải quyết năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”.

VI. Hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch văn hoá công cộng

1. Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL

1.1. Bổ sung Điều 4a như sau:

“Điều 4a. Thủ tục cấp giấy phép trình diễn thời trang

Tổ chức, cá nhân muốn tổ chức trình diễn thời trang nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP.

Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép trình diễn thời trang (Mẫu 21).

- Ảnh hoặc mẫu thiết kế trang phục trình diễn đối với trình diễn thời trang.”.

1.2. Bổ sung Điều 6a như sau:

“Điều 6a. Thủ tục cấp giấy phép tổ chức lễ hội

Cơ quan, tổ chức muốn tổ chức lễ hội nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) đơn đề nghị cấp giấy phép đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức lễ hội trước ngày dự định khai mạc lễ hội ít nhất là ba mươi (30) ngày làm việc (Mẫu 22).”.

1.3. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 như sau:

“1. Người xin cấp giấy phép kinh doanh vũ trường nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ xin cấp giấy phép đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ xin cấp giấy phép đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan cấp giấy phép kinh doanh cấp huyện theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.”.

1.4. Bỏ cụm từ “Tên, biển hiệu của vũ trường (nếu có)” trong “Mẫu số 3 đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vũ trường” (Mẫu 23).

1.5. Bỏ các cụm từ “Gia hạn lần 1, gia hạn lần 2” và “Tên, biển hiệu kinh doanh” trong “Mẫu số 4 giấy phép kinh doanh vũ trường” (Mẫu 24).

1.6. Bỏ các cụm từ “Gia hạn” và “Giấy phép này có giá trị đến hết ngày... tháng... năm...” trong “Mẫu số 5 giấy phép kinh doanh karaoke” (Mẫu 25).

VII. Du lịch

1. Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL

1.1. Mục VI được sửa đổi, bổ sung tại điểm 4.3. như sau:

“4.3. Các cơ sở mua sắm du lịch, ăn uống du lịch gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.”.

1.2. Mục VI được sửa đổi, bổ sung tại điểm 5.2. như sau:

“5.2. Ít nhất ba tháng trước khi hết thời hạn ghi trong quyết định cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, cơ sở kinh doanh phải gửi một (01) bộ hồ sơ đăng ký đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để thẩm định, xem xét và ra quyết định cấp lại biển hiệu.”.

1.3. Bỏ nội dung “Xác nhận báo cáo tác động môi trường hoặc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của cấp có thẩm quyền” tại điểm d khoản 1 Mục III.

1.4. Sửa đổi phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL về Đơn đề nghị xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch (Mẫu 26).

2. Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL

2.1. Mục I được sửa đổi, bổ sung tại các khoản 1 và 2 như sau:

"1. Cấp, đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

a) Cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Doanh nghiệp nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hai (02) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đến cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Du lịch.

Đơn đề nghị cấp, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện theo Mẫu 27 Thông tư này; phương án kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện theo Mẫu 28 Thông tư này; giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 3 Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL.

b) Đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày có sự thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch, doanh nghiệp gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đề nghị đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương;

Hồ sơ và thủ tục đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch.

Đơn đề nghị đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện theo Mẫu 27 Thông tư này.

Các giấy tờ liên quan được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 49 Luật Du lịch bao gồm các giấy tờ sau: bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thông báo của ngân hàng về thay đổi liên quan đến các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch.

2. Cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

a) Doanh nghiệp nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đơn đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế kèm theo bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đến Tổng cục Du lịch trong trường hợp giấy phép bị mất, cháy, tiêu hủy hoặc bị rách, nát.

b) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo quy định tại điểm a khoản này, Tổng cục Du lịch xem xét, cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp.".

2.2. Mục III được bổ sung khoản 5a như sau:

"5a. Người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đến một trong các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên toàn quốc.".

2.3. Sửa đổi, bổ sung phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL về Đơn đề nghị cấp, đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (Mẫu 27).

2.4. Sửa đổi, bổ sung phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư số 89/2008/TT-BHVHTTDL về Phương án kinh doanh lữ hành (Mẫu 28).

2.5. Sửa đổi, bổ sung phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL về Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh/văn phòng đại diện (Mẫu 29).

2.6. Sửa đổi, bổ sung phụ lục số 8 ban hành kèm theo Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL về Đơn đề nghị gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép thành lập chi nhánh/văn phòng đại diện (Mẫu 30).

2.7. Sửa đổi, bổ sung phụ lục số 15 ban hành kèm theo Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL về Đơn đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch (Mẫu 31).

Điều 3. Trong toàn bộ các văn bản quy định tại các khoản I.1, II.1, II.2, II.3, II.4, III.1, III.2, III.3, IV.1, V.1 Điều 1 Thông tư này, các cụm từ “Bộ Văn hoá-Thông tin”, “Sở Văn hoá-Thông tin”, “cơ quan Văn hóa-Thông tin” được thay bằng “Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch”, “Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch”, “cơ quan văn hóa, thể thao và du lịch”.

Điều 4. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2011.

Điều 5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, giải quyết./.

 

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)

Hoàng Tuấn Anh

Liên kết website