Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Tọa đàm “Giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Bổ Đà”

Ngày 26/7/2016, tại chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức Tọa đàm “Giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Bổ Đà”. Tham dự Tọa đàm có đại diện Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Cục Di sản văn hóa, cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang…

Khu di tích Chùa Bổ Đà gồm nhiều công trình: chùa Cao (tức chùa Bổ Đà hay chùa Bổ), chùa Tứ Ân, am Tam Đức, vườn Tháp, ao miếu, nằm trên ngọn Phượng Hoàng sơn, thuộc dãy núi Bổ Đà - thắng địa của vùng Kinh Bắc. Tương truyền, chùa có lịch sử khởi dựng từ thời Lý, hưng thịnh vào thời Lê Trung Hưng và tiếp tục được trùng tu, tôn tạo qua các thời kỳ sau này.

Giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc biệt của Chùa Bổ Đà thể hiện qua bố cục kiến trúc độc đáo theo kiểu “nội thông ngoại bế”, với các hạng mục đan xen nhau, ngăn cách bởi các cổng nhỏ và hệ thống tường bằng đất nện (tường trình đất), tạo vẻ kín đáo, thâm nghiêm chốn Phật môn. Khu vườn Tháp. gồm 110 tháp xây bằng gạch, trong đó có 97 tháp lưu giữ xá lị của 1.214 bậc cao tăng. Hệ thống mộc bản với 1.935 bản (gồm 18 bộ kinh sách chính), được khắc trên gỗ thị thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786). Hệ thống tượng thờ gồm 40 pho tượng gỗ, nghệ thuật tạo tác tinh xảo, niên đại từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) đến thời Nguyễn… Chùa Bổ Đà là chứng tích quan trọng cho tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, thể hiện qua hệ thống tượng (thờ Phật, Lão Tử, Khổng Tử), đồng thời là nơi hội tụ của các dòng thiền Lâm Tế, Trúc Lâm và tín ngưỡng dân gian, là cơ sở đào tạo các tăng, ni của Thiền phái Lâm Tế xưa.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, quản lý đánh giá cao những di sản văn hóa còn lưu giữ tại đây và thẳng thắn góp ý, trao đổi kinh nghiệm, để cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ khoa học, làm nổi bật được các giá trị tiêu biểu của di sản… phục vụ mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./. 

Liên kết website