Ngày 22 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang

Cao nguyên đá nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, trải rộng trên địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Đây là vùng núi đá vôi, ít sông suối, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác. Để sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây, chủ yếu là người Mông và một số nhóm người, như Dao, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo... phải tận dụng từng hốc đá để canh tác. Theo đó, kĩ thuật thổ canh hốc đá độc đáo của đồng bào đã hình thành và được duy trì qua nhiều thế hệ.

Kĩ thuật thổ canh hốc đá - Canh tác trên vùng đất xen lẫn đá, thường dùng đá xếp quanh đất để che chắn, chống xói mòn, rửa trôi đất, nhiều hốc đá tự nhiên được người dân gùi đất đổ vào và trở thành hốc canh tác. Nhờ sáng tạo ra hình thức thổ canh hốc đá và kĩ thuật trồng ngô trên nương đá, kĩ thuật xen canh các loại cây hoa màu, mà bà con nơi đây thích nghi được với điều kiện tự nhiên đặc biệt để ổn định cuộc sống. Đến nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Trong thổ canh hốc đá, người dân đã sử dụng các nông cụ thích hợp với điều kiện canh tác, như: cày, bừa, cuốc bướm. Cày sử dụng trên nương đá là loại cày do người Mông chế tác, phù hợp với địa hình đất dốc, nhiều đá. Thân cày chắc khỏe, lưỡi cày có hình tam giác cân, nhỏ, dầy, mũi hơi tù và nặng, chịu được lực khi va đập vào đá. Bừa có hai loại: bừa tay và bừa chân. Bừa tay là loại bừa có tay ngang để người sử dụng cầm ấn xuống khi bừa. Bừa chân được dùng thông dụng hơn, thường có dạng hình chữ nhật, cấu tạo chắc chắn, với hai hàng răng, không có tay giữ, khi bừa, người điều khiển phải đứng lên bừa. Với nơi đất khô cứng, người bừa phải xếp thêm đá lên thân bừa để tạo sức nặng, cho bừa sâu hơn, làm cho tơi đất. Cuốc bướm có lưỡi mỏng, to bản, hình tam giác, cong ở phần chuôi, nhọn hai đầu, nên thuận lợi cho việc cào, vơ cỏ, vun gốc trên nương đá.

Để sản xuất nông nghiệp phục vụ đời sống, bà con các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá Hà Giang phải thực hiện quy trình khai phá nương, làm đất, tra hạt và chăm sóc cây, thu hoạch sản phẩm.

Khai phá nương là công việc tốn nhiều công sức và thời gian. Công việc này thường được làm vào mùa khô. Khi muốn tạo một mảnh nương mới, đồng bào thường chọn khu vực có nhiều ánh nắng, đất không quá dốc, tốt nhất là khu vực có nhiều cây mọc. Sau đó, người dân phát cỏ và cây bụi theo nguyên tắc phát từ dưới lên. Cây phát xong để phơi nắng khoảng 2 đến 3 tuần rồi đốt. Tiếp theo, họ nhặt đá xếp thành bờ ở sườn phía dưới của nương để giữ cho nương không bị sạt lở, xói mòn và rửa trôi màu. Nếu không đủ đá tại chỗ để xếp thành bờ, đồng bào thường tìm đá ở xung quanh xếp thêm lên. Quá trình khai thác nương, xếp đá chủ yếu được tiến hành bằng phương pháp thủ công, với những công cụ lao động thô sơ, như: búa, đục, xà beng,… Những đoạn nương dài và nhiều đất thì bờ đá được kè cao, chạy dọc theo sườn thấp của nương, với diện tích rộng thì có thể làm thành nương bậc thang. Thông thường, để tận dụng tối đa đất canh tác, đồng bào không chỉ xếp đá ở những nơi có diện tích rộng, tại những sườn phía trên cao của nương, những chỗ nhiều đá không thể san bằng được, đồng bào thường kè thành những hốc đá kín, sau đó gùi thêm đất đổ vào đó, mỗi hốc thường chỉ trồng được 1 - 2 cây ngô. Việc xếp bờ đá đòi hỏi nhiều công sức và kỹ thuật để xếp sao cho những phiến đá chồng lên nhau vừa khít, tạo sự chắc chắn và đất không bị xói mòn vào mùa mưa.

Việc làm đất thường diễn ra sau Tết của đồng bào. Đối với những nương đã được khai phá và canh tác nhiều vụ, thì công việc đầu tiên là dọn những phiến đá lộ ra trong quá trình canh tác từ vụ trước, rồi xếp lại và tu sửa những đoạn bờ kè bị xói lở. Sau đó, đồng bào sử dụng cuốc bướm và dao phát dọn sạch cỏ, phơi khô và đốt. Tro được rải đều ra khắp mặt nương để làm nguồn phân bón. Đối với những mảnh nương nhiều đá thì tro được cho vào quẩy tấu/gùi mang đi rải đều vào những chỗ có đất canh tác. Với những mảnh nương rộng và ít đá, đồng bào tiến hành cày bừa cho đất tơi xốp. Công việc này thường do người đàn ông đảm nhiệm. Sức kéo chính được sử dụng là bò, vì bò là loại gia súc chịu rét tốt, sau khi được huấn luyện, khi cày, nếu gặp phải đá hộc thì chúng biết dừng lại để người cày lách cày ra khỏi tảng đá, tránh làm gãy lưỡi cày. Đất cày vỡ xong, gốc ngô cũ, cây cỏ được dọn sạch. Đối với nương nhiều đá và những hốc đá không thể cày, họ dùng cuốc bướm để cuốc tơi đất, dọn sạch cỏ, gùi đất bổ sung vào hốc đá đất bị trôi nhiều và kè lại cho kín.

Sau khi làm đất, bà con dùng phân chuồng đã được ủ kĩ bón cho đất. Ngô giống được ngâm nước khoảng 2 - 3 ngày, để khi trồng hạt giống nhanh nảy mầm, tránh được sự phá hoại của sâu bọ, chuột khi bị vùi lâu dưới mặt đất. Khi tra hạt, người Mông kiêng tra vào ngày con rắn và con rồng, vì với họ, đây là những ngày xấu, nếu tra hạt vào ngày này thì năng xuất sẽ không cao.

Việc tra hạt được tiến hành từ nương thấp đến nương cao, hốc đá phải tra hạt riêng lẻ sẽ làm sau cùng. Thông thường, công đoạn tra hạt được làm theo nhóm 4 người: người đi đầu cuốc hốc, người tiếp theo tra hạt, người đi sau bỏ phân và người cuối cùng lấp đất. Công việc cuốc hốc tốn nhiều công sức hơn nên nam giới thường đảm nhiệm. Những công đoạn sau thường dành cho phụ nữ, người già và trẻ con. Về cách trồng, mỗi hốc thường tra từ 4 - 5 hạt để phòng sâu bọ làm hỏng. Khoảng cách giữa các hốc ngô thường từ 50 - 60cm, hàng cách hàng 50 - 60cm (đối với người Mông và người Pu Péo), khoảng cách hốc với người Lô Lô là 70 - 80cm, hàng cách hàng cũng 70 - 80cm. Sau khi tra hạt xong ở nương thấp, đồng bào mới bắt đầu tra hạt trên những hốc đá. Việc tra hạt trên hốc đá thường do một người làm. Sau 20 - 25 ngày, cây ngô mọc cao khoảng 20cm, họ bắt đầu tỉa bớt cây, chỉ để 2 đến 3 cây, hốc nào không mọc đủ thì lại nhổ ở những hốc mọc nhiều dặm vào. Cây ngô mọc được 2, 3 lá thì tiến hành làm cỏ và vun gốc lần đầu. Cây ngô đã cao chừng 1m là lúc ngô chuẩn bị trổ hoa thụ phấn thì tiến hành làm cỏ, bổ sung phân bón và vun gốc lần 2. Đây cũng là lần vun gốc cuối cùng. Đối với cây ngô trồng trong những hốc đá, nếu thấy cỏ mọc nhiều thì có thể thêm một lần phát cỏ nữa.

Do nguồn đất khan hiếm nên đồng bào áp dụng phương pháp xen canh trong việc gieo trồng. Cây ngô thường được trồng xen với một số loại cây khác, như rau dền, dưa chuột, bí, rau cải, bằng cách trộn lẫn hạt giống của những loại cây này với phân ải để bón vào từng hốc ngô, khi ngô nảy mầm, các loại rau này cũng mọc theo. Sau một hai tháng, ngô được vun gốc và làm cỏ cũng là lúc bắt đầu thu hái nguồn rau về ăn. Có thể nói, phương thức xen canh, gối vụ là một phương thức canh tác tổng hợp, có hệ thống, được đúc kết qua nhiều thế hệ và trở thành tập quán mà các dân tộc sinh sống ở nơi đây đã chia sẻ và học hỏi nhau, để có rau ăn, tạo ra nhiều nguồn hoa màu trên cùng một mảnh đất, trong cùng một quỹ thời gian. Việc xen canh luôn duy trì lớp thực vật phủ lên mặt đất, hạn chế sự xói mòn và rửa trôi đất.

Thu hoạch và cất trữ là khâu cuối cùng của chu kỳ sản xuất. Việc thu hoạch của đồng bào thường diễn ra vào tháng 6, tháng 7, có khi kéo dài đến tháng 8 và tháng 9 Âm lịch, tùy vào từng loại cây trồng. Trước tiên, bà con thu hoạch các loại đậu, bí, rồi mới đến thu hoạch ngô. Ngô trồng ở vùng cao đa phần là giống địa phương, có thời gian sinh trưởng kéo dài 6 - 7 tháng. Theo đồng bào, loại ngô này chịu hạn và chịu rét tốt, phù hợp với khí hậu ở khu vực 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Mặt khác, việc bảo quản loại ngô này khá đơn giản, ít bị mọt và ngon hơn ngô lai, tuy nhiên, năng suất không cao.

Công việc đầu tiên của vụ thu hoạch là chọn ngô để giống cho vụ sau. Đồng bào thường chọn ngô giống ngay tại nương, thu hoạch riêng, đem về treo trên gác bếp. Sau khi đã thu hoạch ngô giống, các gia đình thường dàn hàng ngang, đi từ chân nương ngô lên tới đỉnh, dùng tay bẻ bắp cho vào quẩy tấu, đem về bóc bớt vỏ, phơi 3 - 4 nắng rồi phân loại và xếp trên gác. Loại tốt dùng để ăn và nấu rượu ngô, loại xấu cho gia súc, gia cầm. Loại ngô nào không để được lâu thì dùng trước.

Do việc canh tác thổ canh trên nương phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên nên thường chỉ trồng được một vụ ngô chính. Sau khi thu hoạch ngô xong, đồng bào tận dụng đất để trồng thêm một số loại cây lương thực, hoa màu khác. Ngoài ngô thì sản phẩm từ nương thổ canh hốc đá còn có tam giác mạch. Đây là một loại cây trồng rất phổ biến. Tam giác mạch có chu kỳ sinh trưởng ngắn, không mất nhiều công chăm sóc. Đồng bào thường trồng loại cây này sau khi thu hoạch ngô hoặc ở những khu vực đất quá xấu mà ngô và các loại cây trồng khác kém phát triển. Trước kia, khi điều kiện sống khó khăn, tam giác mạch thường là nguồn lương thực chính trong mùa giáp hạt. Tam giác mạch cũng được chế biến thành mèn mén như món mèn mén làm từ ngô. Hiện nay, đa phần đồng bào trồng loại này để nuôi gia súc, gia cầm. Khi thu hoạch, đồng bào dùng liềm cắt sát gốc, đập hạt vào thùng gỗ ngay tại nương. Thân cây để khô và đốt làm phân bón tại chỗ.

Bên cạnh việc trồng ngô và tam giác mạch, còn một số loại cây cũng được trồng khá phổ biến trên nương thổ canh hốc đá, như đậu tương, đậu Hà Lan, đậu răng ngựa, dong riềng,… Riêng với người Mông, đồng bào còn trồng lanh để dệt vải may trang phục.

Qua quá trình canh tác, cùng với môi trường sống, văn hóa bản địa, cư dân nơi đây đã sáng tạo ra nhiều nghi lễ mang đậm nét văn hóa nông nghiệp và duy trì đến ngày nay, như: lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới, hay đúc kết kinh nghiệp sản xuất trong các bài ca dao, dân ca, những câu chuyện cổ liên quan đến hoạt động canh tác nương đá. Kĩ thuật thổ canh hốc đá còn đúc kết, sáng tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần đa dạng, đặc trưng của vùng cao nguyên đá, như: nông cụ, nương đá, hệ thống Nông lịch, ẩm thực,...

Việc canh tác trên nương đá của người Mông, người Lô Lô, người Pu Péo theo một Nông lịch tương đối thống nhất về thời gian và các loại cây trồng, như: tháng 2 là thời gian dọn cỏ, đốt nương, làm đất, đổ thêm đất, ủ phân chuồng vào nương hay các hốc đá; tháng 2 đến đầu tháng 3 là thời gian gieo trồng ngô, xen canh bí, đậu hoặc dưa chuột…; tháng 3, khi ngô được 2, 3 lá, cây xen canh vươn ngọn thì vun gốc lần 1; tháng 4, khi cây ngô, cây xen canh sắp trổ hoa thì vun tiếp lần 2, cũng là lần cuối; tháng 8 và 9 là thời gian thu hoạch; thu hoạch xong, đồng bào trồng thêm một vụ tam giác mạch và một số loại rau vụ đông, chủ yếu là rau cải và đậu răng ngựa. Hiện nay, quy trình sản xuất ở một số nơi được rút ngắn lại, do đồng bào sử dụng các giống ngô lai ngắn ngày và nguồn phân bón hóa học, nhưng về cơ bản, những nương thổ canh vẫn áp dụng theo lịch canh tác truyền thống.

Sản phẩm nông nghiệp từ nương đá được người Mông và một số dân tộc khác ở nơi đây chế biến thành các món ăn phục vụ cuộc sống thường ngày, như: mèn mén, bánh ngô, rượu ngô, các loại bánh từ tam giác mạch, hạt rau dền, đậu phụ, canh đậu,...

Tri thức và kĩ thuật thổ canh hốc đá của người Mông và một số tộc người thiểu số khác sống trên cao nguyên đá Đồng Văn thể hiện tinh thần sáng tạo, vượt khó và thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt của cư dân. Phương thức sản xuất này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên vùng cao nguyên đá, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, giữ gìn mảnh đất biên cương nơi địa đầu của tổ quốc.

Với những giá trị đặc sắc của di sản, năm 2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

 

Liên kết website