Ngày 25 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

UNESCO ghi danh 05 di sản vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Ngày 11/12/2019, Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể họp tại Thủ đô Bogota, Colombia đã ghi danh 05 di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia: Botswana, Kenya, Mauritius, Philippines và Belarus vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, gồm:

1. Điệu nhảy dân gian Seperu và các thực hành liên quan (Botswana):

Điệu nhảy dân gian Seperu và các thực hành liên quan, như ca hát, nhảy múa và các nghi lễ được thực hiện bởi các thành viên thuộc cộng đồng Veekuhane. Trong trình diễn, các nữ vũ công xếp thành đội hình móng ngựa, với các nam vũ công xếp ở phía cuối. Một nữ vũ công mặc chiếc váy có nhiều lớp (“mushishi”), được lựa chọn để thể hiện kỹ năng nhảy của mình. Vũ công này sử dụng chiếc váy của mình để mô phỏng hình dáng đuôi công trong khi những người khác mô phỏng âm thanh của chim bồ câu. Mặc dù di sản là một biểu tượng thể hiện bản sắc quan trọng đối với cộng đồng người Veehukane nhưng việc duy trì di sản đang gặp khó khăn, bởi sự suy giảm nhanh chóng về số người thực hành, do tác động của quá trình hiện đại hóa, thiếu sự gắn kết với giáo dục học đường và nhiều nguyên nhân khác…

 

 

Nữ vũ công sử dụng Mushishi để mô phỏng điệu múa đuôi công. Nguồn: © UNESCO

 

2. Các nghi lễ và thực hành gắn với đền thờ Kit Mikayi (Kenya):

Các nghi lễ và thực hành gắn với đền thờ Kit Mikayi thuộc cộng đồng người Luos ở miền Tây Kenya. Mọi người đến thăm đền thờ vì nhiều lý do, bao gồm cả việc thề nguyện và các nghi lễ khác. Khi gặp thảm họa, những người Lous lớn tuổi sẽ tiến hành các nghi lễ ở đây, như hiến tế động vật, nhảy múa và ca hát -  những nghi lễ được cho là gắn với tục cầu mưa và cầu cho mùa màng bội thu. Qua nhiều thế hệ, cộng đồng người Luos đã coi đền thờ Kit Mikayi như một điểm tựa linh thiêng. Tuy nhiên, di sản này hiện đang bị đe dọa bởi một số yếu tố, như hiện tượng lấn chiếm các khu vực xung quanh, những người thực hành ngày càng cao tuổi và tần suất thực hành di sản giảm dần.

 

 

Nhóm phụ nữ Kangeso trình diễn một điệu nhảy ngoài trời tại đền thờ Mik Mikayi. Nguồn: © UNESCO

 

3. Sega tambour Chagos (Mauritius):

Sega tambour Chagos là một trong những thể loại nhạc Sega của Mauritius, bắt nguồn từ quần đảo Chagos. Giống như các Segas khác, Sega tambour Chagos được sinh ra từ chế độ nô lệ và được trình diễn trong cộng đồng người Chagossian, thuộc nhóm dân tộc Creole. Di sản có giai điệu nhịp nhàng của âm nhạc, bài hát và điệu nhảy dựa trên “tambour”, với ca từ gắn với những sinh hoạt hằng ngày. Tuy người Chagossian luôn cố gắng bảo vệ di sản này nhưng hiện có rất nhiều mối đe dọa đối với khả năng tồn tại của nó, như nhiều người thực hành lớn tuổi qua đời, những người trẻ tuổi lại chuyển sang các thể loại âm nhạc khác, dẫn đến việc đánh mất ký ức về di sản.

 

 

Sự truyền dạy giữa ba thế hệ của Sega Tambour Chagos. Nguồn © UNESCO

 

4. Buklog, hệ thống nghi lễ tạ ơn của người Subanen (Philippines):

Buklog là một hệ thống nghi lễ tạ ơn của người Subanen, bao gồm nhiều thành tố. Trong đó, các điệu nhảy được thực hiện trên một công trình dựng bằng gỗ, gọi là “Buklog”, hòa nhịp với âm thanh được cho là làm thỏa mãn các linh hồn. Tiếp theo là điệu nhảy của cộng đồng để đánh dấu sự đổi mới của các mối quan hệ xã hội. Các nghi lễ gắn với di sản thể hiện lòng biết ơn đối với linh hồn, đồng thời, đảm bảo sự hòa hợp trong cộng đồng và trong các mối quan hệ giữa thế giới con người, tự nhiên và tâm linh. Mặc dù người Subanen đã phát triển các cơ chế thích ứng cao để bảo vệ Buklog nhưng di sản vẫn đang phải đối mặt với các mối đe dọa và hạn chế liên quan nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của di sản.

 

 

Người Subanen dựng Buklog chuẩn bị cho nghi lễ Tạ ơn. Nguồn: © UNESCO

 

5. Nghi lễ Mùa xuân của Juraŭski Karahod (Belarus):

Nghi lễ Mùa xuân của Juraǔski Karahod được thực hành bởi những người dân ở làng Pahost vào Ngày Thánh George, với nhiều nghi lễ khác nhau. Theo truyền thống, nghi lễ bao gồm hai phần: phần đầu, diễn ra ở trong sân, nơi động vật được dẫn ra khỏi chuồng sau mùa đông; phần thứ hai, liên quan đến một số nghi lễ, bao gồm việc nướng và phân phát bánh mì nghi lễ (Karahod) và chôn cất bánh mì “đen”. Bất chấp những nỗ lực phối hợp bảo vệ của cộng đồng, di sản này đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố, như những người thực hành ngày càng cao tuổi, nạn thất nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội trong khu vực và tác động của toàn cầu hóa.

 

 

Ba nhánh cây ăn quả được gói trong bánh ngọt và nướng qua lửa để trang trí cho bánh mì nghi lễ Karahod. Nguồn: © UNESCO

 

Hoàng Phúc (theo UNESCO)

Liên kết website