Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Vấn đề tranh luận về làm thế nào thực hiện đạo đức kinh doanh trong giới sưu tầm nghệ thuật và khảo cổ

Các bộ phim và tác phẩm văn học có xu hướng chủ đạo là hướng hình ảnh của các nhà sưu tầm nghệ thuật và đồ cổ như những tên trộm độc ác cướp đi những kho báu vô giá thuộc về nhân loại. Tuy nhiên, theo quan điểm của họ, nhiều nhà sưu tập và bảo tàng tư nhân cho rằng, họ sưu tầm chúng cho mục đích bảo tồn, bởi vì nhiều quốc gia trên thực tế không có khả năng bảo vệ các hiện vật quý hiếm khỏi bị phá hủy bởi tác hại môi trường và chiến tranh.

Không thể phủ nhận rằng, sưu tầm và giao dịch đều liên quan đến việc kiếm lợi nhuận từ các đối tượng văn hóa, nhưng người mua và người bán phải thiện chí trong việc mua bán, nghĩa là, phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, đây cũng là trọng tâm của những cuộc thảo luận rộng rãi trong giới buôn bán cổ vật, chỉ đứng sau việc người mua có thể chắc chắn rằng các đối tượng là đồ thật/hợp pháp. Trong khi vấn đề về tính xác thực đòi hỏi chuyên môn khoa học cao, thiện chí và đạo đức thương mại được đan xen trong các khía cạnh pháp lý của việc mua lại, quyền sở hữu với ý định tốt. Quan trọng nhất, những gì chứng minh trách nhiệm của người sưu tập là kiến ​​thức và hồ sơ về nguồn gốc của cổ vật.

Ông Isabelle Tassignon, người phụ trách Quỹ Gandur pour l’Art, Thụy Sĩ cho biết “Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng câu hỏi về nguồn gốc của các đồ cổ - tức là danh sách các chủ sở hữu trước đây, cái mà tôi gọi là phả hệ - phải là mối quan tâm chính của các nhà sưu tập ngày nay. Thực tế, điều này có nghĩa là, người ta không được mua các cổ vật được bán trong sự vội vàng hoặc trên các trang web không có sự kiểm soát, mà người ta chỉ nên mua từ các phòng trưng bày có danh tiếng. Người ta cũng nên thận trọng trong các hội chợ lớn, chẳng hạn, như: TEFAF (Hội chợ mỹ thuật châu Âu), BRAFA (Hội chợ nghệ thuật Brussels), Hội chợ mỹ thuật châu Á, v.v. Ngay cả khi việc kiểm tra sơ bộ các hội chợ lớn này đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải cân nhắc, xem xét.

Đầu tháng 8/2019, tại Diễn đàn của các Nhà sưu tập độc quyền diễn ra ở Bangkok với chủ đề “Tìm kiếm gì khi mua một tác phẩm nghệ thuật?” UNESCO đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp, điều ước quốc tế, chuyên gia về đấu giá và các biện pháp của Chính phủ để thảo luận mối liên hệ giữa kiến ​​thức về nguồn gốc và giá trị gia tăng cho các đồ tạo tác với các nhà buôn và sưu tầm đồ cổ và nghệ thuật. UNESCO, cùng với River City Bangkok tổ chức sự kiện này đã thu hút các nhà sưu tập, đại lý và nhà đấu giá tham dự phiên đấu giá River City Bangkok vào ngày hôm sau.

Marina Schneider, một chuyên gia cao cấp tại Viện Thống nhất Tư pháp quốc tế (UNIDROIT), đến từ Rome cho biết, phần lớn các cổ vật trong thị trường châu Á là chính từ khu vực. Tuy nhiên, gần đây các nhà quan sát đã nhìn thấy các cổ vật đến từ những khu vực khác, như: châu Phi, Trung Đông và châu Âu, ngày càng có sẵn để bán và dường như đang rất phổ biến trong giới sưu tập. Ở đâu có cầu ắt sẽ có cung. Điều này cũng có nghĩa là, lượng giao dịch các cổ vật đáng ngờ có khả năng tăng lên theo đó.

Bà Schneider cho biết: “Các thị trường nghệ thuật tồn tại, điều này rất quan trọng về mặt kinh tế đối với một đất nước. Do đó, nó phải được bảo vệ. Thị trường nghệ thuật, phải hợp pháp. Nhưng như vậy là chưa đủ. Nó cũng phải có đạo đức”. Tuy nhiên, đạo đức và luật pháp không phải lúc nào cũng song hành. Thật không may, hầu hết thời gian, luật pháp luôn phải chạy theo sau, vì bối cảnh xã hội và văn hóa phát triển nhanh hơn. Thị trường nghệ thuật được nuôi dưỡng như thế nào? Tất nhiên, bởi các cổ vật có nguồn gốc hợp pháp, nhưng cũng có cả nguồn gốc bất hợp pháp.

Các cổ vật bất hợp pháp có thể đến từ việc phá hủy các di tích hoặc địa điểm - chẳng hạn như cướp bóc - hoặc thiệt hại từ tự nhiên, như: biến đổi khí hậu, lũ lụt và động đất. Mọi người tiếp tục truy tìm các di tích bị phá hủy để đánh cắp cổ vật và đưa chúng ra thị trường. Schneider cho biết thêm, thị trường nghệ thuật, về mặt pháp lý và có thể là đạo đức, không nên vượt qua giới hạn hợp pháp, bởi nếu không, nó không còn là một thị trường nghệ thuật nữa - đó là một thị trường chợ đen.

Etienne Clement, một chuyên gia của UNESCO về Di sản văn hóa và Pháp luật cho biết “Các nhà sưu tầm và các nhà buôn nghệ thuật nên thận trọng về nguồn gốc từ nơi họ tìm kiếm các cổ vật. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa bao giờ xử lý các cổ vật văn hóa trước đây. Nhưng vào năm 2014, lần đầu tiên Hội đồng tuyên bố bằng chứng rõ ràng đến việc di chuyển bất hợp pháp các cổ vật từ Iraq, Syria và Sudan để tài trợ cho khủng bố. Thật vậy, buôn bán các cổ vật văn hóa là một trong những nguồn hỗ trợ tài chính cho IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria) và các hoạt động khủng bố khác ở Trung Đông và các nơi khác.

Nói một cách ngắn gọn, có một số biện pháp ngăn chặn cần được thực hiện trước khi bán và mua tác phẩm nghệ thuật cổ, ông Mr Clement nói. Ông đã chỉ ra các nguồn tin cậy, như: Cơ sở dữ liệu INTERPOL về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp và Cơ sở dữ liệu của UNESCO về Luật di sản văn hóa quốc gia, cả hai đều có thể dễ dàng truy cập công khai. Ngoài ra còn có một số Danh sách đỏ do Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) biên soạn cho các quốc gia về những đối tượng được coi là có nguy cơ biến mất và không nên giao dịch.

Tại Thái Lan, các cửa hàng/đại lý buôn bán cổ vật phải đăng ký giấy phép mua bán với Cục Mỹ thuật (FAD), và danh sách này thường xuyên được công bố trên công báo của chính phủ. Đạo luật quốc gia về xuất nhập khẩu hàng hóa (1966) là văn bản pháp lý đầu tiên cấm xuất khẩu các tượng tôn giáo, tác phẩm điêu khắc hoặc các mảnh vỡ… của quốc gia. Thông báo năm 2004 của Bộ Thương mại về việc nhập khẩu cổ vật có nguồn gốc từ nước ngoài cũng ngăn chặn việc nhập khẩu các tượng và biểu tượng tôn giáo, một phần của các địa điểm khảo cổ, tiền cổ, kinh sách và tài liệu cổ, các công cụ và phụ kiện thời Tiền sử vào Thái Lan.

Disapong Netlomwong, người phụ trách cao cấp của Văn phòng Bảo tàng Quốc gia, giải thích lý do tại sao có rất nhiều bộ luật và quy định quốc gia về xuất, nhập khẩu các tài sản văn hóa. Hồi hương và bồi thường là một quá trình rất khó khăn và tốn kém cho đất nước. Chúng tôi luôn cần huy động vốn để lấy lại cổ vật, nhiều hơn giá thực tế mà đối tượng được bán và chúng tôi không biết mình sẽ phải đấu tranh bao nhiêu lần nữa về vấn đề này trong tương lai.

Một biện pháp phòng ngừa khác của Chính phủ là kiểm kê. Ông Disapong cho biết, Tổng giám đốc FAD có thể đưa ra một thông báo để đăng ký một đồ cổ hoặc tác phẩm nghệ thuật không thuộc sở hữu của chính phủ, để kiểm kê các tài sản có giá trị trong lãnh thổ quốc gia, nếu FAD coi nó có tính lịch sử, nghệ thuật, xã hội đặc biệt hoặc giá trị văn hóa, thì các đối tượng/hiện vật vẫn thuộc về chủ sở hữu hoặc tổ chức tư nhân, và việc kiểm kê chỉ nhằm đảm bảo nguồn thông tin về sự xuất hiện và nơi đối tượng/hiện vật thuộc về.

Trong cuộc thảo luận, nhiều thành viên đã lo ngại về những khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu cho các cổ vật mà họ có được từ lâu, trong khi các chuyên gia khẳng định rằng, những nỗ lực nghiên cứu đó là cần thiết để xác định, liệu ai đó có thiện chí trong quá trình mua và sở hữu đối tượng văn hóa cổ đại.

Bà Tassignon cho rằng, “Ngoài thú vui của việc gia tăng số lượng của bộ sưu tập và bỏ qua những vấn đề mà nó có thể xảy ra, thì việc mua bán cổ vật có đạo đức, ghi chép và thông tin về chúng là nghĩa vụ đạo đức, mà bạn nên thực hiện. Đối với bạn, đó là cách tôn trọng những cam kết của bạn đối với di sản chung của chúng ta”./.

(Được viết bởi Montakarn Suvanatap, Trợ lý Chương trình Văn hóa tại Unesco Bangkok. Bài viết này được xuất bản lần đầu trên tờ Bangkok Post)

 

Khánh Chi

(Dịch từ bài viết trên website: www.bangkok.unesco.org)

Liên kết website