Ngày 10 tháng 9 năm 2024
Liên kết website

Văn miếu Mao Điền, tỉnh Hải Dương

Văn miếu Mao Điền thuộc làng Mao (còn gọi là làng Mậu Tài), xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nằm ngay trên Quốc lộ số 5 mới, cách thủ đô Hà Nội 40km về phía Đông và thành phố Hải Dương về phía Tây chừng 16km.

 

         Chữ Văn có hàm nghĩa rất rộng bao gồm toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội; Miếu là nơi thờ tự; Mao có nghĩa là cỏ, cỏ thơm, cỏ thi; Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, cỏ thi người ta đã chọn nơi này để làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn, Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trường thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích gọi là Văn miếu Mao Điền.

         Văn miếu là một kiến trúc của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo. Đây là kiến trúc được dựng nên để thực hiện hai chức năng tôn giáo và văn hóa. Về chức năng tôn giáo, Văn miếu là nơi thờ các vị thánh hiền của Đạo Nho; về chức năng văn hóa, Văn miếu được sử dụng như một ngôi trường, để dạy học cho hoàng tử, hoàng thân và con cái các quan đại phu... Ngoài ra, Văn miếu còn là nơi bảo tồn những tấm bia đá, ghi danh các vị đỗ đại khoa (Tiến sĩ trở lên) của quốc gia hoặc địa phương.

         Khởi nguồn của Văn miếu Mao Điền là Văn miếu trấn Hải Dương được lập trong khoảng từ những năm 1740 đến 1800 dưới thời nhà Lê và Tây Sơn trên đất Vân Dậu (Vĩnh Tuy, Vĩnh Lại, Bình Giang, Hải Dương). Khi đó, Văn miếu trấn Hải Dương là một trong những Văn miếu địa phương được xây dựng sớm ở miền Bắc. Văn miếu trấn Hải Dương được di chuyển về chỗ hiện nay và xây dựng các công trình bổ sung, hoàn thành vào ngày 26 tháng 7 năm Tân Dậu (1801). Vị trí đặt Văn miếu ở trên nền trường học của phủ Thượng Hồng xưa, nằm ở phía Bắc lỵ sở của trấn thành Hải Dương, ở khu vực Mao Điền. Đầu thế kỷ XIX, Văn miếu trấn Hải Dương được trùng tu, sửa chữa lớn dưới thời vua Gia Long, tiến hành từ ngày mồng 6 tháng 10 năm Bính Dần (1806) đến ngày mồng 5 tháng 8 năm Đinh Mão (1807) hoàn thành. Và 16 năm sau đó, Văn miếu lại tiếp tục được trùng tu lớn năm Minh Mạng thứ 4 (1823).    

         Bài trí thờ tự tại di tích trước đây được sắp xếp theo mô hình của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Ngoài Bái đường có 01 ban thờ công đồng để nho sinh xa, gần đến lễ bái. Trong Hậu cung có 03 ban thờ, chính giữa thờ Khổng Tử; bên tả thờ Nhan Hồi, Tử Tư; bên hữu thờ Mạnh Tử và Tăng Tử - là bốn học trò thân tín nhất của Khổng Tử.

         Năm 2002, bài trí thờ tự trong di tích đã có sự thay đổi, ngoài việc thờ Khổng Tử, còn phối thờ 08 vị Đại khoa người Việt, trong đó, đúc tượng đồng 5 danh nhân là Đức Khổng Tử, Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tượng được đặt trong khám gỗ sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Đồng thời, lập bài vị 04 danh nhân là Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh, Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ.

         Đến thời Nguyễn, Văn miếu trấn Hải Dương được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 1947, các hạng mục công tình của Văn miếu Mao Điền còn khá hoàn chỉnh, hàng năm 2 kỳ Xuân - Thu, quan Tổng đốc từ thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương) về Tế lễ hết sức trang nghiêm.

         Năm 1994, 1999, 6/2002, Văn miếu liên tục được đầu tư trùng tu, sửa chữa. toàn bộ khu di tích, trả lại quy mô, dáng vẻ như vốn có của di tích, tương xứng với những giá trị lịch sử và văn hóa mà nó mang trong mình, dấu ấn về một mảnh đất xứ Đông văn hiến. Văn miếu Mao Điền sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng với tổng diện tích lên tới gần 01ha, gồm có:

         Miếu Thổ Cờ

         Là nơi thờ Thổ thần theo tín ngưỡng dân gian. Trong kháng chiến di tích bị tàn phá huỷ hoàn toàn. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), nhân dân địa phương đã xây lại một gian nhỏ, mặt trước quay theo hướng Nam, diện tích gần 6m2. Công trình kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm 3 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung, chất liệu gỗ nghiến, khung vì kiểu “kèo cầu, trụ báng”.

         Văn Miếu môn

        Trong kháng chiến chống Pháp di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1995, Văn miếu môn được phục dựng trên nền cũ, thiết kế theo mẫu của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội với ba phần: Chính môn, Tả môn, Hữu môn kiểu vòm cuốn. Hai cổng Tả môn và Hữu được xây nhỏ, có kết cấu hai tầng tám mái, lợp ngói vẩy hến. Chính môn được xây cao hơn so với Tả môn và Hữu môn, cao 5,7m, gồm 2 phần: thượng và hạ. Chính giữa Hạ chính môn là cổng cuốn vòm cao lắp 2 cánh cửa gỗ chạm khắc đẹp mắt, hai bên có hai cửa sổ trổ chữ “Thọ”. Mặt trước và sau của Hạ chính môn có bốn ô chữ nhật đắp nổi hình“Tứ linh”. Bên dưới có ba cửa cuốn vòm thông thoáng. Toàn bộ cột trụ để trơn, riêng ô chính giữa phía truớc có đắp nổi 4 chữ Hán “Ngưỡng Di Chi Cao”(Ngưỡng trông cao vời).

          Nhà bia Tiến sĩ

Hai nhà bia Tiến sĩ dựng năm 2002, để tôn vinh đạo học tỉnh Đông. Mỗi nhà 7 gian bằng gỗ lim, kết cấu khung vì kiểu “chồng giường”, mái lợp ngói mũi  kiểu“đao tàu, déo góc”. Trong đó có 2 tấm bia ghi tóm tắt lịch sử văn miếu và quá trình trùng tu, tôn tạo; 12 tấm bia đề danh Tiến sĩ nho học trấn Hải Dương (1075 - 1919).

         Thiên Quang tỉnh

        Nguyên trước là hai ao lấy nước tưới cây được xây dựng cùng thời với Văn miếu (1801). Năm 2002, ao được cải tạo lấy tên là “Thiên quang tỉnh” (phỏng theo mô hình của Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội, chính giữa dựng một cầu đá, xung quanh có lan can gạch hoa và đường dạo bộ.

           Hai nhà bia cổ (hai bên Thiên quang tỉnh)

Văn miếu còn lưu giữ được 03 tấm bia ghi những lần trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, trải qua năm tháng và chiến tranh, chỉ có 02 tấm còn rõ chữ, còn 01 tấm đã bị mòn không thể đọc được. Nội dung tóm tắt như sau:

          Bia thứ nhất có tựa đề “Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo”, kích thước (190 x 108 x 23)cm. Bia thứ hai có tựa đề “Trùng tu Văn miếu bi ký”, kích thước (142 x 90 x 19)cm, được đặt trên bệ đá. Bia ghi việc trùng tu Văn miếu giai đoạn 1806 - 1807 với việc hoàn thiện các hạng mục công trình Bái đường, Hậu cung, Khải Thánh, Tây vu, Đông vu, nhà Học hiệu, gác Chuông, gác Khánh, gác Khuê Văn…. Bia được dựng vào ngày tốt, tháng 8 năm Gia Long thứ 9 (1810).

            Gác Chuông, gác Trống

            Được xây dựng bằng gạch ngói, vôi vữa từ năm 1806, đến năm 2004, gác chuông, gác khánh được phục dựng bằng gỗ lim, kiểu chồng diêm, tám mái. Do khánh đá cũ nhỏ bé, sứt vỡ nên đã được thay thế bằng chiếc trống đại. Đây là một kỷ vật của Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Trung tâm hoạt động VHKH Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội trao tặng (theo đó, gác Khánh đổi tên thành gác Trống). Cũng trong dịp này, đã đúc 01 quả chuông đồng nặng 1.040kg do nhóm thợ đúc phường Ngũ Xã, quận Đống Đa, TP. Hà Nội thực hiện.

Nhà Đông vu và Tây vu

         Công trình được xây dựng cùng thời với văn miếu (1801), là nơi tụ họp của bá quan văn, võ trước khi vào lễ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền. Hai nhà được thiết kế giống nhau, mỗi nhà 5 gian, xây kiểu bít đốc bổ trụ. Kết cấu khung vì  kiểu“kèo cầu, trụ báng”, chất liệu gỗ lim vững chắc; trang trí điêu khắc đơn giản, chủ yếu là vân xoắn và hoa lá cách điệu. Năm 2004, được phục dựng làm Nhà truyền thống và nơi đón tiếp khách.

         Bái đường, Hậu cung

Qua khoảng sân rộng hình chữ nhật lát gạch vuông đỏ và bậc Tam cấp được làm bằng đá xanh là toà Bái đường, không gian thờ tự của Văn miếu. Công trình có kiến trúc kiểu chữ “Nhị” dạng “trùng thiềm điệp ốc”. Đây là hai công trình chính của Văn miếu, có mặt tiền quay hướng chính Nam với lối kiến trúc 2 tầng 8 mái, có quy mô bề thế, gồm 7 gian và 6 hàng cột (dài 22,5m; rộng 18,6 m; cao 0,5m). Công trình được làm bằng chất liệu gỗ lim, kết cấu khung vì như nhà Đông vu và Tây vu. Trang trí điêu khắc tập trung tại khung vì với các họa tiết vân xoắn và hoa lá cách điệu. Năm 2002 - 2004, toàn bộ hệ thống cột, xà, khung vì đã được tu bổ và sơn thếp làm cho công trình thêm uy linh lộng lẫy.

         Phía sau Hậu cung có một gò đất cao gọi là “Hậu Chẩm”. Theo thuyết phong thủy, nơi thờ Thánh nhân phải có thế đất “gối sơn, đạp thủy”. Khu vực Văn miếu vốn là mảnh đất bằng phẳng nên người xưa đã đắp đất cao thành gò. Năm 2007, đắp cao 1,2m Hậu Chẩm thành Tam Sơn.

         Khải Thánh

         Công trình được xây dựng trong giai đoạn 1806 - 1807, dưới triều vua Gia Long. Quy mô nhỏ, kiến trúc kiểu chữ “Nhất”gồm 3 gian gỗ lim. Đây là nơi thờ thân phụ, thân mẫu đức Khổng Tử là Thúc Lương Ngột và Nhan Trưng Tại. Trong kháng chiến, Khải Thánh đã bị xuống cấp và đổ nát hoàn toàn. Năm 2009, được xây dựng lại trên nền cũ, 5 gian, kết cấu khung vì theo mẫu toà Hậu cung.

Di tích còn lưu giữ một số cổ vật gồm Đỉnh hương đá, Khánh đá và Ba tấm bia đá cổ.

Với những giá trị đặc biệt trên, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Văn Miếu Mao Điền là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017./.

 

                                                                                                    Khánh Chi

                                                             (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website