Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Ba pho Tượng Tam Thế

* Tên khác: Tượng Tam Thế chùa Linh Ứng

* Tên đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Chùa Linh Ứng, thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

* Số đăng ký: 02

* Chất liệu: Đỏ xanh

* Kích thước: 

- Chiều cao cả tượng và bệ: 2, 59 m.

- Chiều cao của tượng: 1, 46 m 

- Tượng có vai rộng 0,66 m; đùi rộng 0,96 m

- Chiều cao của đài sen: 0,41m; đường kính của đài sen: 2,15m

- Chiều cao của bệ tượng: 0,72m 

* Trọng lượng: Khoảng vài tấn 

* Số lượng: 03

* Miêu tả: 

a. Pho tượng ở giữa: 

- Tượng được tạc bằng đá khối với thân hình to lớn nở nang (cao 1,46 m, cả bệ 2,59 m) trong tư thế ngồi thiền định tư thế “bán kiết già” trên toà sen; đầu to, sọ nở, tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo. Khuôn mặt nữ tính, đầy đặn, phúc hậu, lông mày cong lá liễu, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ,  miệng mỉm cười độ lượng; tai to dài chảy. Thân hình nở nang; vận pháp y với 3 lớp mềm mại: Lớp áo ngoài choàng qua bờ vai, lớp trong phủ kín toàn thân, lớp trong cùng phía trên để hở ngực đeo dây “anh lạc”, diềm áo ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen . Tay phải giơ lên trong tư thế kết ấn ( ba ngón cuối giơ lên, ngón chỏ và ngón cái cong cụp vào lòng bàn tay). Tay trái để úp nhẹ nhàng trên đùi trái. Hiện trạng một góc đùi trái bị vỡ.

- Đài sen: Bằng đá khối lớn (đường kính 2,15 m, cao 0, 41 m) với 3 lớp cánh xen kẽ nhau nở rộ ( mỗi lớp 16 cánh): Lớp cánh sen trên cùng để trơn. Lớp cánh sen ở giữa cánh to mập và được chạm nổi hình “rồng đơn” xen kẽ với “ rồng đôi” chầu vào viên ngọc đang toả sáng. Lớp cánh sen dưới, cánh chạm nổi rồng chầu ngọc xen kẽ với cánh chạm hoa cúc dây. Rồng có thân hình mập mạp, mình trơn không vẩy, đầu có mào bờm tóc bốc lên cao.

- Bệ tượng: Được chia làm ba phần: Phía trên là trụ tròn bẹt và được chạm nổi một đôi rồng lớn đang chầu vào một viên ngọc. Rồng đầu có tai thú, sừng có ngạc, bờm râu và tóc dài, mắt lồi to, miệng há rộng để lộ răng; trên thân rồng có vảy đơn, sống lưng có vây dựng cao; chân trước có 3 móng sắc cong quặp và 1 móng choãi sau. Phần bệ tiếp theo là 2 lớp cánh sen to mập và đầu cánh sen chạm nổi vân mây cuộn; lớp trên chạm nổi những hạt nhỏ xếp theo hình hoa. Phần bệ cuối cùng tiếp đất được tạo theo kiểu bát giác ba cấp: Cấp trên cùng các mặt bên tạo thành 4 ô chữ nhật to và 4 ô chữ nhật nhỏ, được chạm nổi đề tài “ tứ linh tứ quý” gồm long, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai với đường nét chau chuốt tỉ mỉ. Cấp tiếp theo bề mặt trên chạm nổi hoa dây; các mặt bên cũng tạo thành 4 ô chữ nhật to và nhỏ, chạm nổi đề tài “ mã hoá long” xen kẽ với “ rồng chầu ngọc”. Cấp cuối cùng tiếp đất: Mặt trước chạm rồng chầu, mặt sau chạm sóng nước “thuỷ ba” với đưòng nét to khoẻ phóng khoáng. 

b. Pho tượng thứ hai (bên tay trái): 

- Tượng: được tạo tác tương tự như pho ở giữa, nhưng khác trong tư thế ngồi thiền, thế tay kết ấn, một số chi tiết trang trí trên đài sen và bệ : Tượng cũng có thân hình nở nang to lớn ( cao 1,46 m, vai rộng 0,66 m, đùi rộng 1,13 m); đầu to sọ nở, tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo, tai to dài, mặt đầy đặn phúc hậu, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, môi mỉm cười độ lượng. Tượng ngồi thiền “bán kiết” trên toà sen; tay phải giơ lên kết ấn theo kiểu ( ngón chỏ, ngón giữa giơ lên, còn ngón cái, ngón nhẫn và ngón út thì cong cụp vào lòng bàn tay); tay trái để ngửa nhẹ nhàng trên lòng đùi. Áo tượng ba lớp, lớp ngoài choàng qua vai, lớp trong choàng kín người để hở cổ và ngực đeo dây anh lạc, trước bụng thắt “con ro”; diềm áo ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen. 

- Đài sen: được tạo bằng đá khối lớn (đường kính 1,13 m, cao 0, 38 m) với 3 lớp cánh sen to mập, nở rộ, đầu các cánh sen chạm nổi mây cuộn: Lớp cánh sen trên cùng để trơn không chạm khắc. Lớp giữa các cánh sen chạm xen kẽ đôi rồng chầu ngọc và rồng đơn uốn khúc cũng chầu ngọc đang toả sáng. Lớp cánh sen dưới cùng, mỗi cánh được chạm một con rồng đang uốn khúc chầu vào viên ngọc đang toả sáng. Rồng trên các lớp cánh sen đều có thân hình mập mạp, trơn không vảy, đầu có bờm râu tóc bốc lên phía trước, miệng há to đang chầu vào viên ngọc, chân có 4 móng với 3 móng trước cong quặp sắc nhọn. 

- Bệ tượng: Chia làm ba phần: Phía trên là trụ tròn bẹt, mặt trước chạm nổi một đôi rồng lớn chầu vào viên ngọc đang toả sáng; rồng đầu có sừng và tai, lưng có vây dựng đứng. Bên cạnh chạm hình lá đề bên trong có cặp sừng vắt chéo trên cây vũ trụ và sóng nước. Mặt bên chạm “lân hoá long” với chân trước vuốt râu, chân sau đeo túi kinh. Phần bệ dưới tiếp đất được tạo theo kiểu ba cấp: Cấp trên cùng tạo thành 4 ô chữ nhật to chạm nổi đôi rồng “chầu ngọc” và 4 ô chữ nhật nhỏ chạm nổi hoa cúc mãn khai. Cấp tiếp theo được tạo thành hình chữ nhật và chạm nổi các lớp sen xếp chồng cánh lên nhau. Cấp cuối cùng tiếp đất được tạo như một “sập chân quỳ” xung quanh chạm hoa lá cách điệu. 

c. Pho tượng thứ ba (bên tay phải):

- Tượng: cũng được tạo tác tương tự như hai pho bên, nhưng khác trong tư thế ngồi thiền, thế tay kết ấn, một số chi tiết trang trí trên đài sen và bệ : Tượng có thân hình nở nang to lớn, nhưng chiều cao thấp hơn một chút so với hai tượng bên ( cao 1,42 m, vai rộng 0,66 m, đùi rộng 1,13 m); đầu to sọ nở tóc xoắn ốc, đỉnh nổi nhục kháo, tai to dài, mặt đầy đặn phúc hậu, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, môi mỉm cười độ lượng. Tượng ngồi thiền “bán kiết” trên toà sen;  hai tay để nhẹ nhàng trên đùi kết ấn “ tam muội”. Áo tượng cũng ba lớp, lớp ngoài choàng qua vai, lớp trong choàng kín người để hở cổ và ngực đeo dây “anh lạc”, bụng thắt “con ro”; diềm áo ngoài chạm chìm hoa cúc và hoa sen. 

- Đài sen: được tạo bằng đá khối lớn (đường kính 1,17 m, cao 0, 38 m) với 3 lớp cánh ( mối lớp 16 cánh) xen kẽ nhau nở rộ to mập: Lớp cánh sen trên cùng để trơn không chạm khắc. Lớp cánh sen giữa cứ một ánh chạm nổi đôi rồng “chầu ngọc” lại xen kẽ một cánh chạm nổi một con rồng uốn khúc trong lá đề chầu vào viên ngọc đang toả sáng; đầu các cánh sen chạm nổi mây cuộn. Lớp cánh sen dưới cùng, mỗi cánh được chạm một con rồng đang uốn khúc chầu vào viên ngọc đang toả sáng lại xen kẽ với cánh chạm nổi cúc dây . Rồng trên các lớp cánh sen đều có thân hình mập mạp, trơn không vảy, đầu có bờm râu tóc bốc lên phía trước, miệng há to đang chầu vào viên ngọc. 

- Bệ tượng: Chia làm ba phần: Phía trên là trụ tròn bẹt, mặt trước và sau chạm nổi rồng có mặt kiểu hổ phù. Rồng có bờm tóc xoắn ốc, râu trê, tóc tốt dựng trên đỉnh đầu, thân có vẩy, sống lưng có vây dựng đứng. Hai mặt bên lại chạm nổi rồng có thân trơn không vẩy, đầu có bờm tóc râu bốc lên. Phần bệ tiếp theo là hai lớp cánh sen, đầu cánh sen chạm nổi mây cuộn. Phần bệ dưới tiếp đất được tạo theo kiểu bát giác ba cấp: Cấp trên cùng tạo thành 4 ô chữ nhật to để trơn và 4 ô chữ nhật nhỏ chạm nổi cúc mãn khai. Cấp tiếp theo được tạo thành 4 ô chữ nhật to chạm nổi rồng chầu ngọc và 4 ô nhỏ chạm  nổi xen nở rộ. Cấp cuối cùng tiếp đất, mặt trên chạm hoa dây, các mặt bên chạm nổi sóng nước thuỷ ba. 

Kết luận chung: Cả 3 pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng được tạo tác cơ bản là giống nhau, cùng chất liệu bằng đá xanh, đã ngả màu xám; toàn thân tượng trong khối đóng kín với thân hình nở nang to lớn (cao 1,46 m, cả bệ 2,59 m), được bố cục thành 3 phần (tượng, đài sen, bệ). Tượng được tạo tác với nét chạm to khoẻ phóng khoáng, cùng hoa văn rồng trên đài. 

Căn cứ vào phong cách nghệ thuật tạo tác và hoa văn trang trí đã cho biết cả ba pho Tượng Tam Thế (tượng và đài sen) và tấm bia đá của chùa có tên “Trùng tu Linh Ứng tự các chung bi”, niên đại “Hoằng Định 13” (1612), năm Nhâm Tý triều vua Lê Kính Tông được trùng tu và tu sửa tượng Phật như sau:  “Cổ tích Linh Ưng làm từ thời Trần, lâu ngày đổ nát…Ngày 25 tháng 10 cùng năm ( tức năm Nhâm Tý - 1612) tô tượng Phật…”. Cú thể thấy ba pho tượng này được tạo tỏc vào thế kỷ XVII (thời Lê Trung Hưng).

* Hiện trạng: Cả ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng cơ bản còn nguyên vẹn, riêng pho ở giữa sứt một phần đùi trái.

* Niên đại: Ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng được tạo tác vào thời  Lê Trung Hưng ( thế kỷ XVII ).  

* Nguồn gốc, xuất xứ: Chùa Linh Ứng, thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

* Lý do lựa chọn: 

- Hiện vật gốc độc bản: Bắc Ninh là miền đất cổ hàng ngàn năm văn hiến, trong đó được ca ngợi là cái nôi của Phật giáo, vương quốc của đình chùa lễ hội. Hiện nay trên đất Bắc Ninh còn bảo lưu được hàng trăm ngôi chùa cổ với nhiều lớp tượng Phật có niên đại khác nhau. Song duy nhất chỉ có chùa Linh Ứng còn bảo lưu được ba pho Tượng Tam thế bằng đá thế kỷ XVII.  

- Hiện vật có hình thức thể hiện độc đáo: 

Ba pho tượng Tam Thế chùa Linh Ứng đều được tạo tác bằng đá khối với kích thước rất lớn( tượng cao 1,46 m , cả bệ cao 2,59 m) nặng khoảng vài tấn. Tượng được tạo tác toàn thân trong khối đóng kín với thân hình to lớn mập mạp. Sự độc đáo còn thể hiện ở phần bệ tượng với kiểu dáng và những mô típ hoa văn trang trí đó kế thừa được những nét tinh túy của nghệ thuật thời Trần và thời Lê Sơ, thời Mạc mà còn tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật Pháp. 

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website