Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Bảo kiếm An Dân, Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bảo kiếm An Dân, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Sắt, vàng, gỗ, đồi mồi, đá quý

- Niên đại: Niên hiệu Khải Định (1916-1925)

- Giá trị:

Qua các nguồn tài liệu, hiện vật được biết, đối chiếu với Bảo kiếm An Dân hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho phép khẳng định chắc chắn bảo kiếm này do Hoàng đế Khải Định cho chế tác với tên gọi: An Dân Bảo Kiếm - 安民寳剣 (Bảo kiếm An Dân), và thời gian chế tác thuộc niên hiệu Khải Định: Khải Định niên tạo - 啓定年造 (Tạo tác năm Khải Định). Bảo kiếm được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và hiện được lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Mặc dù, năm 2008 - 2009, một số bộ phận hữu cơ của bao kiếm đã được phục dựng theo nguyên mẫu, nhưng cơ bản phần lưỡi, chuôi kiếm và nạm vàng ở bao kiếm vẫn còn nguyên vẹn.

Bảo kiếm An Dân có hình thức, kỹ thuật tạo tác và kích thước khác biệt so với các bảo kiếm khác trong sưu tập bảo kiếm hiện đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các bảo tàng khác. Nếu so sánh Bảo kiếm An Dân với các loại kiếm có từ thời Đông Sơn (cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm) đến thế kỷ XVIII thì hẳn nhiên có sự khác biệt quá rõ rệt do chênh lệch về niên đại, khác biệt về chất liệu, hoa văn trang trí.... Nếu so sánh với các loại hình kiếm thuộc giai đoạn triều Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) cũng nhận thấy có sự khác biệt lớn. Có thể nói, từ cảm hứng nghệ thuật dựa trên các mẫu kiếm của Pháp, Hoàng đế Khải Định đã cho thiết kế thanh kiếm của mình với những đặc điểm khác biệt, vừa tiếp nhận dấu ấn thời đại mới, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Pháp, vừa bảo lưu những giá trị truyền thống, cổ điển của cung đình triều Nguyễn, khéo léo lồng ghép, tạo nên một thanh bảo kiếm độc đáo, phản ánh nghệ thuật thủ công truyền thống mang phong cách cung đình triều Nguyễn.

Bảo kiếm An Dân với hình dáng, cấu trúc, hoa văn trang trí do Hoàng đế Khải Định yêu cầu thiết kế mang nét đặc trưng riêng, đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu chân xác về loại hình bảo kiếm triều Nguyễn, về các đề tài trang trí rồng, mặt trời, tản vân, hoa lá... của mỹ thuật cung đình triều Nguyễn trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Thông qua đó, phần nào chúng ta cũng có cái nhìn sinh động hơn về tính cách và cuộc đời của Hoàng đế Khải Định - một nhân vật lịch sử còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan hơn. Bảo kiếm được các nghệ nhân cung đình triều Nguyễn chế tác công phu, tỉ mỉ, kết hợp nhiều kỹ thuật như rèn, đúc, chạm, cẩn, tạo nên một sản phẩm vô cùng tinh xảo. Các đường nét hoa văn và chữ Hán theo lối Khải thư được bố cục rất tinh tế, gọn gàng, đường nét sắc xảo, đạt đến trình độ điêu luyện về kỹ thuật và chắc chắn phải được thực hiện bởi những nghệ nhân tài hoa, danh tiếng đương thời.

Bảo kiếm An Dân là bảo vật quý hiếm trong sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn, là thanh bảo kiếm luôn song hành cùng với Hoàng đế Khải Định trong thời gian trị vì của Ngài. Do vậy, bảo kiếm cũng chính là vật chứng tham gia vào mọi hoạt động chính trị quan trọng của vua quan triều Nguyễn trong giai đoạn từ 1916 đến 1925. Hình thức và đề tài trang trí trên bảo kiếm phản ánh sinh động lịch sử, đời sống văn hóa, nghệ thuật dưới thời Khải Định nói riêng, triều đình nhà Nguyễn và đất nước Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX nói chung. Bảo kiếm An Dân được chế tác bằng các chất liệu quý hiếm, do các nghệ nhân cung đình triều Nguyễn chế tác công phu, kết hợp nhiều kỹ thuật tạo nên một sản phẩm vô cùng tinh xảo, quý hiếm, có giá trị trên nhiều phương diện về lịch sử, nghệ thuật, văn hóa Việt Nam, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật thủ công truyền thống mang phong cách mỹ thuật cung đình triều Nguyễn trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Bảo kiếm An Dân là một tư liệu quý, là biểu tượng, là đại diện tiêu biểu, minh chứng cho những giá trị văn hóa trong giai đoạn “gạch nối” đó của lịch sử dân tộc Việt Nam./.

                                                                     Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website