Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Bia ma nhai ngự chế của Vua Lê Thái Tổ

Bia ma nhai ngự chế của Vua Lê Thái Tổ hiện lưu giữ trên vách núi Phia Tém, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá vôi

- Niên đại: Năm 1431

Bia Ngự Chế dài 150cm, rộng 70cm được khắc trên vách núi Phia Tém (còn gọi là núi Ba Điểm, tiếng địa phương là Phia Tém nghĩa là núi nhọn). Đây là một ngọn núi cao, đứng độc lập, phía trước là sông Dẻ Rào - một nhánh của sông Bằng Giang, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Bia được tạo tác ở độ cao khoảng 12 mét so với mặt đất. Chữ trên bia được khắc trong khung hình chữ nhật, không được tu chỉnh kỹ, nên mặt bia không có độ nhẵn và mịn. Chữ trên bia được bố cục thành 8 cột dọc, dưới dạng một bài thơ chữ Hán, thể thất ngôn, gồm 56 chữ, viết liền mạch từ trái sang phải. Các chữ trên bia được khắc theo lối Khải chân, to, rõ ràng, dễ đọc. Bên cạnh bài thơ có khắc tên phiên thần Thái Nguyên là Ám Quyết vâng lệnh khắc.

Nội dung văn bia được Vua Lê Thái Tổ cảm khái làm trong lần Vua thân chinh đem quân lên châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên (tức vùng Hòa An, Thạch An, Cao Bằng ngày nay) để dẹp mưu đồ cát cứ của Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái. Các nhà nghiên cứu Hán Nôm khi nghiên cứu thư pháp trên tấm bia, kể cả 8 câu thơ và dòng lạc khoản đều khẳng định, đây là thư pháp của đầu thời Lê sơ soạn, khắc, không có hiện tượng khắc lại, khắc thêm như một số tấm bia khác. Bia không có trán và diềm, không có trang trí hoa văn, không có rùa đội bia như các tấm bia thường gặp, mà được khắc trên vách núi cheo leo, nhưng thư pháp không hề kém bất cứ một tấm bia nào cùng thời, chứng tỏ người khắc là một vị túc nho, nhưng không hề được lưu danh. Tính độc đáo còn ở chỗ làm thế nào để có thể thực hiện được việc khắc văn bia ngay trên vách đá cheo leo. Đây là tấm bia có niên đại sớm nhất trong số những tuyệt tác của Vua Lê Thái Tổ để lại. Việc Vua thân chinh đem quân đi chinh phạt tạo dựng nên một quốc gia kỷ cương, phép nước, khẳng định chủ quyền quốc gia ở vùng biên cương Tổ quốc./.

 

Thúy Hà

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website