Ngày 25 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Bia "Ngự kiến Thiên Mụ tự"

Bia “Ngự kiến Thiên mụ tự” hiện lưu giữ tại chùa Thiên Mụ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá

- Niên đại: Năm 1715

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu tại chùa Thiên Mụ gồm có 2 phần: Bia (cao 3,89m, rộng 1,68m, dày 0,25m) và đế bia (rùa đội bia dài 2,24m, rộng 1,65m, cao 0,66m; bệ bia mỗi cạnh dài 1,73m, cao 0,52m).

Bia được ghép từ hai tấm đá lớn, thuộc hai loại đá khác nhau. Trán bia làm bằng cẩm thạch trắng, chạm nổi đồ án “long vân”, “thủy ba”. Phần trung tâm phía trên theo chiều ngang chạm nổi hai chữ Hán: 御建 (Ngự kiến) và ba chữ Hán: 天姥寺 (Thiên Mụ Tự) ở phía dưới theo chiều dọc, trong khung hình chữ nhật đứng. Khắc chồng lên hai chữ 天姥 (Thiên Mụ) là hình dấu ấn khắc 9 chữ Hán theo lối chữ triện: 大越國阮主永鎮之寳 (Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo). Phần thân bia làm bằng sa thạch màu xám, có hình chữ nhật. Lòng thân khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán. Đế bia được tạo hình theo kiểu thức rùa đội bia. Rùa được tạc từ đá hoa cương nguyên khối, tạo hình rất sinh động đầu ngẩng lên cao, vươn ra ngoài và có kích thước rất lớn, cân đối hài hòa với chiều cao của bia. Bốn chân rùa đặt trên bệ đá, được chạm trổ uyển chuyển như đang bơi. Đặc biệt ở những vùng cổ chân hoặc bụng được tạo hình tả thực với những nét chạm khắc mềm mại nhằm biểu thị vùng thịt mềm của rùa, khiến tác phẩm điêu khắc trở nên cực kỳ sống động. Rùa được đặt trên bệ hình vuông, có 4 chân quỳ, trang trí chạm nổi hồi văn hình “kỷ hà” thanh thoát. Hình thức con rùa đội bia trong "Ngự kiến Thiên Mụ Tự" là một tác phẩm nghệ thuật, được tạo tác một cách sống động.

Bia Ngự kiến Thiên Mụ Tự của Chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản - một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Đây là tác phẩm điêu khắc đá Việt Nam vào đầu thế kỷ XVIII với kích thước đồ sộ nhất trong số các bia đá thời chúa Nguyễn. Hình thức trang trí và kỹ thuật điêu khắc trên Bia phản ánh sự kế thừa từ mỹ thuật thời Lê - Trịnh, đồng thời, vẫn mang nét riêng của phong cách thời Nguyễn. Những chi tiết hết sức đặc sắc ở tấm bia này là các dấu ấn được khắc chồng lên phần chữ của minh văn theo cách đóng dấu vẫn thường thấy trên các văn bản hành chính, thể hiện sự phong phú về hình thức nghệ thuật và trình độ chạm khắc trên đá của các nghệ nhân đương thời./.

 

Thúy Hà

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website