Ngày 5 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Bia Phước Thiện, Ninh Thuận

Bia Phước Thiện, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá (Sa thạch)

- Niên đại: Cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX

- Giá trị:

Bia Phước Thiện là hiện vật gốc độc bản, có niên đại khá sớm, vào năm 705 thuộc kỷ nguyên Saka (năm 783 sau Công nguyên), khoảng cuối thế kỷ VIII và đầu thế kỷ IX, đây là khoảng thời gian tương đối hưng thịnh, của vương quốc Champa – thời kỳ Hoàn vương - thời kỳ đặc biệt trong lịch sử Champa. Các vua có nguồn gốc phía Nam (xứ Kauthara và Panduranga) có vị trí bá quyền đối với các vùng/xứ khác của Champa, trung tâm quyền lực đã được rời từ Bắc vào Nam và mọi bi ký hay những công trình tôn giáo quan trọng thời kỳ này được xây dựng tập trung ở Kauthara và Panduranga.

Bia Phước Thiện là tác phẩm nghệ thuật cổ quý hiếm, được chạm khắc một cách cẩn trọng, gọt giũa để ghi lại thông tin trên hai mặt của một tấm bia đá sa thạch dạng lá đề. Chữ viết được khắc rất tinh xảo, các họa tiết trang trí xuyên suốt, kỹ thuật này là duy nhất trong kho văn bản Champa, thể hiện tính mỹ thuật cao và tay nghề tinh mỹ của nghệ nhân Champa thời cổ. Văn khắc Phước Thiện là sự lồng ghép giữa thơ và văn, nghệ thuật thơ ở trình độ hoàn hảo, hợp quy tắc và cách xử lý cũng rất khéo léo.

Bia Phước Thiện mang tính lịch sử, đánh dấu một giai đoạn phát triển thịnh đạt của vương quốc Champa lúc bấy giờ - là thời kỳ trị vì của vua Satyavarman, người đã thiết lập nên những bi ký quan trọng của Po Nagar (Nha Trang), bia Hòa Lai và Bia Phước Thiện (Ninh Thuận). Bia Phước Thiện đã xác định vai trò tôn giáo của vua Satyavarman bên ngoài lãnh thổ Kauthara, văn bia xác nhận việc thiết lập một Mukhalinga ở Kauthara mà những mô tả là đồng nhất với tấm Linga được dựng ở đền thờ Po Nagar ở Nha Trang. Đồng thời, tấm bia cũng kể lại việc vua Satyavarman đã kiến lập việc thờ tự một vị Thần có tên là Sri Satyadesvaranatha (hóa thân của Siva) vào năm 705 Saka (năm 783 Sau công nguyên). Những sự kiện này, cùng với hình dạng chữ viết và cổ văn của tấm bia chắc chắn rằng bia Phước Thiện có mối quan hệ trực tiếp với bi ký nổi tiếng của vua Satyavarman tại đền tháp Po Nagar ở Nha Trang đó là bia C.38, cách bia Phước Thiện khoảng 80 km về phía Bắc, thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Bia Phước Thiện và bia Hòa Lai có giá trị đặc biệt, vì nó cùng gợi mở về lãnh địa Panduranga là nơi khởi nguồn ban đầu của triều đại Satyavarman, từ đó, lan tỏa ảnh hưởng của mình đến khu vực Kauthara và trở thành vua của cả hai tiểu quốc này. Như vậy, Satyavarman là người mở đầu cho sự nổi lên quyền lực của các thủ lĩnh phương Nam Champa, và từ đây tiểu quốc Kathara và Panduranga giữ vai trò bá quyền trong khu vực, là một vùng thực sự tự chủ nhưng vẫn thần phục một vua, có thể là vua ở vùng phía Bắc Champa. Mặt khác, liên quan đến cả hai văn bia Phước Thiện và Hòa Lai là thời trị vì của vua Satyavarman cũng gợi mở về tư tưởng mẫu hệ kế tiếp, kế thừa của chính quyền và thực tế minh chứng rằng tộc người Chăm hiện đang theo chế độ mẫu hệ./.

                                                                                               Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website