Ngày 17 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Bia Sùng Thiện Diên Linh

* Tên gọi khác: Bia bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư nhà Lý, nước Đại Việt.

* Đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Ban Quản lý di tích chùa Long Đọi Sơn xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

* Chất liệu: Bằng đá xanh nguyên khối.

* Kích thước:

- Bia hình chữ nhật cao 2,5m, rộng 1,75m (lòng 1,65m, diềm 5cm), dày 30cm. Trán bia cao 30cm.

- Bệ bia hình bầu dục cao 50cm, dài 2,4m, rộng 1,8m.

* Trọng lượng: khoảng trên một tấn.

Số lượng: 01

Miêu tả:

+Văn bia

- Mặt trước: Tổng cộng bài văn bia có 4257 chữ Hán. Trán bia khắc tên bia: Đại Việt quốc đương gia Đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp bi do chính nhà vua Lý Nhân Tông ngự đề theo lối chữ phi bạch, chia thành 7 hàng dọc mỗi hàng hai chữ. Lòng bia khắc bài ký bài minh và dòng lạc khoản do Nguyễn Công Bật giữ chức Triều liệt Hình bộ Thượng thư, Binh bộ Viên ngoại lang, Đồng tri phiên công viện chủ sự vâng sắc chỉ soạn. Lý Bảo Cung giữ chức Hữu Thị lang, Thượng thư Công bộ, Viên ngoại lang Đồng tri Thẩm hình viên sự, Thượng khinh sa Đô úy, Tử kim ngư vâng sắc chỉ viết chữ. Bài ký có thể chia làm 3 phần.

Phần một: Ca ngợi Phật Thích Ca và giáo lý sâu sắc huyền diệu của đạo Phật;

Phần hai: Ca ngợi vua Lý Nhân Tông: Từ điềm thiêng lúc đầu thai khi ra đời, vẻ trang nghiêm, tầm hiểu biết tài nghệ sáng chế rùa vàng, tài chế tạo, công vun đắp thắng duyên, việc dựng chùa Phật, uy lực thần vũ, sự lo toan nhiệm màu cho đến những biểu hiện về một thời đại thịnh trị của nhà vua. Văn bia cũng ca ngợi Thái Úy Lý Thường Kiệt – một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Lý. Đặc biệt cung cấp những thông tin hiếm quý chỉ có duy nhất ở bia này đó là Hội đèn quảng chiếu bảy ngày bảy đêm ở kinh thành Thăng Long thời Lý, múa rối nước, nghi lễ mật giáo, sửa chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) và các trò chơi giải trí dân gian và cung đình.

Phần ba: Kể lại quá trình xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh cùng ngôi chùa và tác dụng to lớn của phúc quả này.

Dòng lạc khoản khắc bên trái bia:

Dựng bia ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai (1121) (tức ngày 20/8/1121).

Nguyễn Công Bật giữ chức Triều liệt Hình bộ Thượng thư,Binh bộ Viên ngoại lang Đồng tri phiên công viện chủ sự vâng sắc chỉ soạn văn bia.

Lý Bảo Cung giữ chức Hữu Thị lang, Thượng thư Công bộ Viên ngoại lang Đồng tri Thẩm hình viện sự, Thượng khinh xa Đô Úy Tử kim ngư vâng sắc chỉ viết chữ.

- Mặt sau: Lòng bia khắc thành năm đoạn với năm niên đại khác nhau, cỡ chữ to nhỏ khác nhau. Có những đoạn chữ bị mờ và mất. Tính theo thời gian có những đoạn như sau:

- Đoạn một: Đoạn này khắc ở dưới trán bia bên trái bài lòng bia, ghi lại việc Phù thánh linh nhân Thái hậu (Ỷ Lan) mẹ vua Lý Nhân Tông, tiến cúng 72 mẫu ruộng ở xứ Mạn Để hai xã Cẩm Trục, Thu Lãng huyện Cẩm Giang, phủ Thượng Hồng. Văn bia khắc vào ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai (1121).

- Đoạn hai: Ở bên phải bia, khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông làm vào năm thứ 8 niên hiệu Quang Thuận (1467) khi về qua thăm chùa, do bề tôi là Lê Văn tướng quân vâng mệnh viết chữ.

- Đoạn ba: Ở bên trái bia, khắc vào tiết Đoan dương ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Mão niên hiệu Hưng Trị thứ tư đời vua thứ năm nhà Mạc (1591) ghi về việc cai huyện Duy Tân: Đô chỉ huy Vân Bảng bá, Đồng ty quan Phú Triều bá, Phù Thắng bá, Cai quan  Lam Kiều bá cùng giáp Nhất, giáp Nhì, giáp Tam xã Đội Sơn cùng các xã Đội Trung, Đội Lĩnh, Trung Tín dựng lại bia đổ, bắc lại xà nhà, tu bổ tượng hỏng, làm lại cổng, xây tường sau hơn năm trăm năm bị hủy hoại hư hỏng.

- Đoạn bốn: Bên phải giáp diềm bia, khắc vào ngày mồng 7 đầu tháng 10 năm thứ 19 niên hiệu Chính Hòa (Lê Hy Tông 1698) ghi nội dung văn ước các thửa đất ruộng Tam bảo của xã Đội Sơn.

- Đoạn năm: Khắc ở cuối bia, chữ bị mờ và mất nhiều, ghi lại khoảng hơn 40 thửa ruộng, ao, diện tích xứ đồng, giáp ranh, họ tên của tín chủ ở các thôn xã tiến cúng ruộng, ao cho Tam bảo chùa Đội Sơn.

+ Chạm khắc trang trí

- Mặt trước:

- Trán bia: Hình cung, cao 0,30m, chia làm ba băng trang trí. Trung tâm trán bia tạo một khung ô hình chữ nhật khắc nổi tên bia, chữ cỡ lớn theo lối chữ phi bạch do vua Lý Nhân Tông ngự đề. Hai bên ô chữ tạo thành hai góc nhọn đều đối xứng, bên trong trang trí đăng đối đồ án rồng chầu vào tên bia, gồm hai rồng. Rồng kéo dài thể hiện theo lối nhìn nghiêng, đầu rồng ngước lên cao. Thân rồng cuộn khúc uốn lượn thuôn dần đến cuối đuôi trùng khít với phần diềm của trán bia. Mình rồng tròn trơn uốn lượn mềm mại hình sin, các khúc uốn lượn phình to nhưng co lại gần nhau, đều đặn thon dần về đuôi. Rồng có ba chân đạp mây vươn về phía trước, mỗi chân đều có khuỷu và ba móng. Xung quanh rồng tạo thành những dải mây hình lửa đan xen quanh chân rồng. Trên lưng rồng lớn là một con rồng chầu nhỏ uốn lượn nằm dàn trên bốn khúc lượn của rồng lớn, tạo nên một đôi rồng ổ (mẫu tử). Phía dưới phần tiếp giáp với đôi rồng tạo một đường băng hoa văn đối xứng nhau, được trang trí hình lá đề cách điệu, thành dạng dấu hỏi. Diềm trên trán bia hình vòng cung chạm khắc các con rồng nối tiếp nhau. Diềm dưới của trán bia hình chữ nhật cũng chạm các con rồng nối tiếp nhau, nhưng đáng chú ý là khoảng giữa có một ô trang trí lá đề.

- Diềm bên của thân bia cũng được trang trí khá công phu tỉ mỉ. Đồ án trang trí là hình tượng rồng, gồm những con rồng nhỏ, thân mảnh, dàn đều trong khoảng rộng của diềm bia. Phần đuôi rồng uốn lượn hình sin thu dần về cuối đuôi. Đầu rồng ở diềm bia hai bên đều ở tư thế vươn lên phía trên hướng về trán bia.

- Thành bia: Hai bên thành bia trang trí khá độc đáo, mỗi bên tạo 9 ô quả trám vuông hình cạnh 8cm, nối tiếp nhau. Hai góc bên quả trám tiếp giáp với rìa cạnh, góc trên, góc dưới nối tiếp nhau tạo thành một băng trang trí khép kín từ trên xuống dưới. Đường viền cạnh của quả trám khắc sâu tạo thành đường soi chỉ. Trung tâm quả trám chạm một đôi rồng chầu, rồng uốn lượn, đầu chầu vào nhau, đuôi nối nhau thành một đường khép kín. Xung quanh là những con rồng nhỏ nối tiếp nhau theo hình quả trám.

- Bệ bia: Bệ đá đội bia hình bầu dục cao 50cm, dài 2,4m, rộng 1,8m. Mặt bia chia thành hai phần đối xứng nhau. Ở giữa tạo hộc đặt bia. Hai mặt trên bệ bia mỗi bên chạm hai con rồng. Rồng được chạm nổi khối, thân to tròn trơn uốn thành năm khúc, đầu chầu vào nhau hướng lên phía trên bia. Hai thân rồng đối xứng cuộn đều ra phần bìa bệ. Đuôi rồng giao nhau, uốn khít hình “vặn thừng” thon nhỏ dần. Rồng có ba chân lớn, năm móng nhọn bám chặt xuống bệ bia. Phần bệ bia tiếp giáp vời nền, xung quanh tạo thành hai lớp hoa văn sóng nước. Lớp trên tạo sóng nước hình quả núi, mỗi sóng nước có ba ngọn cao thấp khác nhau. Xen giữa các ngọn sóng là ba gợn sóng hình vòng cung. Lớp dưới tạo thành sóng nước hình cung cũng gồm ba lớp sóng.

- Mặt sau:

Trán bia được chạm khắc trang trí khác với mặt trước. Giữa trán bia chạm nổi hình lá đề biến thể, hai bên mỗi bên chạm một con rồng lớn chầu vào lá đề. Cũng giống như trán bia mặt trước, trên lưng đôi rồng lớn là một đôi rồng nhỏ, uốn lượn mềm mại theo những uốn khúc của rồng lớn.

- Hình tượng rồng và đồ án trang trí trên diềm trán bia, diềm hai bên thân bia cùng phong cách với mặt trước bia.

* Hiện trạng: Bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh còn khá nguyên vẹn về hình dạng, chạm khắc. Tuy nhiên một số đoạn chữ khắc bị mờ, mất song vẫn xác định được nội dung ghi chép. Bốn đầu rồng ở bệ bia đã bị vỡ.

* Niên đại:

- Theo dòng lạc khoản ở mặt trước Bia được dựng vào ngày 06 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) (tức 20/8/1121)

- Mặt sau bia khắc 05 đoạn văn ở 4 niên đại:

+ Ngày 06 đầu tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) (tức 20/8/1121).

+ Năm Quang Thuận thứ 8 (1467).

+ Tiết Đoan dương, ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Mão, niên hiệu Hưng Trị thứ 4 đời vua thứ 5 nhà Mạc (1591).

+ Ngày mồng 7 tháng 10 năm thứ 19, niên hiệu Chính Hòa (1698) đời vua Lê Hy Tông .

* Nguồn gốc xuất xứ:

Bia được dựng ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121). Đầu thế kỷ XV quân Minh phá hủy Tháp, bia bị lật đổ. Ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Mão niên hiệu Hưng Trị thứ 4 đời vua thứ 5 nhà Mạc (1591), Cai huyện Duy Tân Đô chỉ huy Vân Bảng bá, Đồng Ty quan Phú Triều bá, Phù Thắng bá Cai quan Lam Kiều bá cùng giáp Nhất, giáp Nhị, giáp Tam xã Đội Sơn cùng các xã Đội Trung, Đội Lĩnh, Trung Tín chung sức dựng lại bia. Năm 1997 được nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhà chùa và nhân dân địa phương làm nhà che bia để bảo quản bia.

* Lý do lựa chọn

- Đây là tấm bia của tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý được tạo tác năm 1121. Bia là hiện vật độc bản, có kích thước lớn nhất thời Lý.

- Hình thức bia độc đáo bởi toàn hai phần trang trí:

Thứ nhất: trán bia, diềm bia, sườn bia đều thống nhất chạm hình rồng thời Lý theo bố cục đối xứng chầu lá đề, uốn lượn theo dáng hình lá đề, lượn tròn trong hình thoi…ở dưới chân bia chạm hình sóng nước.

Thứ hai: đế bia chạm hai đôi rồng cuộn xoắn vào nhau. Bệ bia kiểu này thì chỉ có ở tháp Chương Sơn thời Lý, nhưng bia Chương Sơn đã bị mất, còn đế bia thì không rõ còn hay không. Do vậy, hình thức đế bia như thế này chỉ thấy duy nhất ở bia Sùng Thiện Diên Linh.

- Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh có nhiều giá trị lớn cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Lý.

Toàn bộ bia là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoàn hảo, phản ánh mỹ thuật và kỹ thuật thời Lý đạt đến đỉnh cao rực rỡ. Bài minh trên bia phản ánh văn chương thời Lý với lối văn biền ngẫu cầu kỳ, phức tạp, mang đặc trưng của văn chương thời Lý. Nội dung minh văn phản ánh các đức tính cao cả, tốt đẹp của vua Lý Nhân Tông, phản ánh tinh thần sùng Phật của Đại Việt thời Lý, phản ánh một nghi lễ và lễ hội đặc sắc của thời Lý. Đây cũng là văn bản gốc duy nhất còn lại của thời Lý trong đó có nói đôi chút về Kinh đô Thăng Long như Đoan Môn, Cấm Thành, chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Minh văn bia còn trực tiếp miêu tả tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý với nhiều chi tiết đặc sắc mà ngày nay ta không còn thấy được. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu tháp Lý, Phật giáo Lý …

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website