Ngày 22 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Bia “Xá lợi Tháp Minh”

* Tên đơn vị và cá nhân lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Bắc Ninh

* Số đăng ký: 2135

* Chất liệu: Đá

* Kích thước:

- Bia đá:

+ Thân bia: dài: 53,5cm, rộng: 45cm, cao: 8,5cm

+ Nắp bia: dài: 53,5cm, rộng: 45cm, cao 4cm

- Hộp đá:

+ Thân hộp: dài: 47cm, rộng: 44,5cm, cao: 31cm

+ Nắp hộp:dài: 47cm, rộng: 44,5cm, cao 8cm

- Phiến đá phía dưới đặt hộp đá và bia: chiều dài: 98cm, chiều rộng: 39cm, chiều cao: 17cm

* Số lượng: 01(kèm theo hộp đá và tấm đá phía dưới đặt bia đá và hộp đá)

* Miêu tả:

- Bia “Xá lợi tháp minh” được tạo tác bằng đá xám qua thời gian chất liệu đá vẫn còn giữ nguyên, còn hộp và nắp đậy cùng phiến đá phía dùng để đặt bia và hộp đá đều được chế tác bằng chất liệu đá xanh, qua thời gian đá bị bào mòn và phong hoá, đôi chỗ đã bị sứt mẻ nhỏ. Bia hình gần vuông (53,5cm x 44,5cm), lòng bia khắc chữ Hán còn rất rõ nét gồm 133 chữ, chia thành 13 dòng, dòng đầu khắc 4 chữ “Xá lợi tháp minh”. Mặt chữ được đậy bằng một nắp đá mỏng hơn dầy 4cm. Mặt dưới nắp tạo gờ nổi xung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ, mặt trên của nắp tạo góc bạt chéo hình trụ. Bia đá và nắp đậy được làm bằng chất liệu đá rất tốt nên qua thời gian mà đá vẫn nhẵn không thấy sự bào mòn phong hoá.

Căn cứ vào chất liệu đá, nghệ thuật tạo tác trang trí, phong cách viết chữ trên bia và niên đại ghi trên tấm bia cho ta biết được bia đá và hộp đá có niên đại thời Tuỳ (601).

- Hộp đá hình hộp (47cm x 44,5cm), trong lòng khoét lõm hình vuông kích thước: dài: 17cm, rộng: 17cm, sâu: 26cm, ở bên trong có một ít tạp chất mầu thâm đen và được đậy bằng một nắp đá dầy 8cm. Nắp đá mặt dưới tạo gờ nổi chạy xung quanh úp xuống vừa khít với thân, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ giống với nắp bia.

- Phiến đá phía dưới (đặt hộp và bia) hình chữ nhật không trang trí hoa văn, mặt trên phẳng, mặt dưới hơi gồ ghề, qua thời gian nằm ở dưới lòng đất mặt đá bị bào mòn, một đầu bị sứt vỡ nhỏ. 

* Hiện trạng:

Bia và nắp đậy bia bị sứt trong quá trình cậy (vì nó bị dinh rất chặt phải dùng mai cậy mãi mới được), đá không bị bào mòn do thời gian.

Hộp đá và tấm đá phía dưới (đặt bia và hộp) bị sứt mẻ và phong hoá.

* Niên đại: Thời Tuỳ (601).

* Nguồn gốc, xuất xứ: Hiện vật do ông Nguyễn Văn Đức thôn xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiến tặng cho Bảo tàng Bắc Ninh. Ông Đức cho biết trong quá trình đào đất để làm gạch ngói đã phát hiện bia đá và một số di vật khác ở khu đồng Sau Chùa (khu vực này xưa thuộc đất chùa), cách chùa làng Xuân Quan hiện nay 20m. 

* Lý do lựa chọn: Là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo. Bia “Xá lợi tháp minh” cùng với hệ thống di vật cổ bằng đá có niên đại cổ nhất Việt Nam. Nội dung trên bia cho chúng ta biết được rất nhiều thông tin quan trọng ghi chép về sự kiện dựng tháp và đặt xá lợi vào năm Nhân Thọ nguyên niên (601) đời vua Tuỳ Văn Đế ở chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, đất Giao Châu. Qua đó giúp ta nghiên cứu về tình hình chính trị, giao thông, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý. Tấm bia là Di sản văn hoá vật thể độc đáo ghi khắc về chùa Thiền Chúng, địa danh huyện Long Biên vùng đất Giao Châu góp phần quan trọng minh chứng cho việc xác định địa danh Long Biên cũng như tên chùa Thiền Chúng xuất hiện dưới thời Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VII.

(Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website