Ngày 21 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Biểu trưng Cục Di sản văn hóa

Trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Âu - Mỹ, việc sử dụng biểu trưng trong các hoạt động xã hội đã được quan tâm và trở nên phổ cập từ cách đây rất lâu. Với ý nghĩa thể hiện khái quát những thông tin mang tính chất tiêu biểu nhất về đối tượng phản ánh, biểu trưng, ở một chừng mực nào đó, đã thực sự là một thành tố không thể tách rời trong cuộc sống.


Ở nước ta, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế, vấn đề biểu trưng đã dần nhận được sự chú ý của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp bởi những tính năng ưu việt của nó. Rất nhiều loại biểu trưng giàu tính hình tượng, biểu cảm đã xuất hiện trong thời gian gần đây và, mặc dù mới chỉ là những bước tiếp cận đầu tiên, nhưng hiệu quả mang lại đã là điều không thể phủ nhận.

Với chức năng là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa, được Bộ trưởng giao trách nhiệm hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Cục Di sản văn hóa nhận thức rất rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc xây dựng một mẫu biểu trưng riêng.

Tháng 8/2005, cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng của Cục Di sản văn hóa được tổ chức. Qua ba vòng thi, từ 46 mẫu thiết kế ban đầu, 3 mẫu đạt số phiếu cao nhất của Hội đồng xét chọn biểu trưng đã được nhất trí nghiệm thu. Sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện, mẫu của họa sĩ Lê Quốc Vũ đã được Lãnh đạo Bộ Văn hóa -Thông tin duyệt chọn là biểu trưng chính thức của Cục Di sản văn hóa.

Biểu trưng Cục Di sản văn hóa được thiết kế gồm ba phần: Phần trên là một ngôi sao 12 cánh; phần giữa là 3 hình trăng lưỡi liềm, khum về hướng ngôi sao và lớn dần theo thứ tự từ trên xuống; phần dưới là hai dòng chữ in hoa:
 
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
CỤC DI SẢN VĂN HOÁ
 
Nhìn tổng thể, biểu trưng là hình ảnh cách điệu của mặt trống đồng đặt trên giá đỡ là Cục Di sản văn hóa. Theo quan niệm phương Đông thì mọi sự vật, hiện tượng đều được hình thành, vận động và phát triển bắt nguồn từ hai yếu tố Âm (-) và Dương (+). ở đây, sự giao hòa giữ hai yếu tố này đã được thể hiện rõ khi phần mang ý nghĩa vật thể (3 hình trăng khuyết, mang tính Âm (-)) lại trở thành giá đỡ vật lý cho phần mang ý nghĩa phi vật thể (ngôi sao 12 cánh - một biểu tượng của mặt trời, mang tính Dương (+)). Nhìn từ một góc độ khác thì ngôi sao, cách điệu từ hình tượng mặt trống đồng Ngọc Lũ, tượng trưng cho kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, lại được tổng hòa, hội tụ nên từ tất cả những tinh hoa của 3 yếu tố Thiên - Địa - Nhân, và được trân trọng gìn giữ, bảo vệ bằng Luật pháp - ý thức trách nhiệm - Hành động cụ thể, mà cơ quan tổ chức thực hiện chính là Cục Di sản văn hóa; ngược lại, kho tàng di sản văn hóa, với những giá trị vĩnh hằng, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử, thực sự trở thành nhịp cầu kết nối Quá khứ - Hiện tại - Tương lai.
 
Với họa tiết trang trí kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại, giữa trừu tượng và hiện thực, giữa ngôn ngữ hình tượng và ngôn ngữ viết, biểu trưng đã thể hiện sinh động nhiệm vụ có tính đặc thù trong hoạt động chuyên môn của Cục Di sản văn hóa là gìn giữ, phát huy giá trị và chuyển giao kho tàng di sản văn hóa Việt Nam dưới dạng nguyên gốc và chân thực cho các thế hệ tương lai.
 
Tùy theo bối cảnh, biểu trưng sẽ được thể hiện bằng một trong hai màu: đỏ hoặc xanh và có thể dễ dàng sử dụng dưới các hình thức in ấn, chạm khắc, đúc...
 
Hy vọng rằng, biểu trưng được đưa vào sử dụng sẽ là một hình tượng mang tính thẩm mỹ và tính khái quát cao về Cục Di sản văn hóa đối với các cơ quan, tổ chức cũng như công chúng trong và ngoài nước./. 
Liên kết website