Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Bình gốm Đầu Rằm (Bình gốm Hoàng Tân)

Chất liệu: đất sét nung. - Kích thước: cao tổng thể 25,3cm; đường kính vai 14cm và xương gốm dày trung bình 0,5 - 0,7cm; đường kính miệng: 6,5cm; vai bình cao 2,3cm; thân bình cao 16,2cm. - Trọng lượng: 1.000 gram - Niên đại: 3.400 - 3.000 năm cách ngày nay - Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh

- Mô tả tóm tắt:

Bình gốm Đầu Rằm có hình dáng như một chiếc gùi bằng tre, nhưng chất liệu lại bằng đất sét rất độc đáo, được nung ngoài trời, không có lò cố định, nên nhiệt độ không đều (là cách nung phổ biến trong thời Tiền - Sơ sử Việt Nam) tạo nên những mảng màu khác nhau Trên bề mặt của bình gốm được tạo hoa văn đường chỉ chìm, đường chấm dài, hình chữ S, đường khắc vạch song song hoặc chéo ô trám với kỹ thuật giải cuộn, gắn đắp, miết bóng rất khéo léo và tinh tế. Người thợ thủ công Văn hóa Phùng Nguyên thời kỳ đồng thau nước ta đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hiếm thấy.

Bình gốm Đầu Rằm. ẢnhHồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa 

- Giá trị tiêu biểu:

Bình gốm Đầu Rằm là tác phẩm nghệ thuật nổi trội về giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một phong cách trang trí đồ gốm của một thời đại, là di vật gốm duy nhất thuộc văn hóa Phùng Nguyên có hình dáng giống như một chiếc gùi tre, thân tròn chia thành bốn mặt, chân đế vuông rất độc đáo. Bình có hoa văn trang trí phong phú, bố cục chặt chẽ, phản ảnh ý thức tâm linh về sức mạnh của thiên nhiên và con người. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong lịch sử phát triển của nghề thủ công làm gốm Việt Nam thời Tiền Sơ sử; đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nghệ thuật gốm cổ Việt Nam-giai đoạn huy hoàng nhất của gốm Tiền Sơ Sử miền Bắc nước ta. Mặt khác, bình gốm Đầu Rằm còn có sự tham góp công sức của nhiều cộng đồng cư dân cùng thời khác, nhất là cư dân văn hóa Phùng Nguyên. Qua tư liệu văn hóa Tràng Kênh, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về quá trình tiếp xúc, giao lưu, hội nhập, tiếp biến nhộn nhịp giữa các cộng đồng cư dân sơ kỳ thời đại đồng thau, nhất là cư dân văn hóa Phùng Nguyên. Những dấu ấn sứt mẻ trên miệng, vòi và chân đế bình gốm Đầu Rằm còn cho thấy quan niệm tâm linh của cư dân cổ vùng biển đảo Đông Bắc Việt Nam. Dường như, người Đầu Rằm đã có nghi thức “sát hại đồ vật” khi chôn cất đồ tùy táng theo người chết trong tang lễ./.  

Thúy Hà (theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website