Bình gốm hoa nâu, Hải Phòng
Bình gốm hoa nâu, hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chất liệu: Gốm
- Niên đại: Thế kỷ XI – XII
- Giá trị:
Bình gốm hoa nâu có cấu trúc cân đối, hoa văn tinh xảo, còn khá nguyên vẹn. Loại hình này vốn chưa được đề cập đến trong những nghiên cứu trước đây, thuộc dòng gốm hoa nâu thời Lý hiếm quý và độc lạ, mang nhiều giá trị của vật dụng hoàng gia và quốc tự, mà hiện nay ở Việt Nam hay nước ngoài chỉ còn một vài chiếc. Tuy chúng có cùng kiểu dáng cấu trúc và trang trí hoa văn cánh sen nhưng thường không còn hoàn chỉnh và cũng có nhiều nét khác biệt so với chiếc bình gốm này.
Bình gốm hoa nâu được tạo tác thanh thoát về hình khối, cầu kỳ, tinh mỹ trong đường nét hoa văn trang trí. Hoa sen là đồ án được sử dụng theo lối điêu khắc chạm tỉa tỉ mỉ, đều đặn rồi phủ men trắng, tô men nâu đường viền cánh. Các băng cánh sen kết hợp với băng vòng tròn nhỏ, vạch thẳng song song đã tạo ra một tác phẩm gốm độc đáo. Nắp Bình tạo núm hình bông hoa sen nở với 3 tầng cánh nổi, rỗng giữa, thông với thân bình. Đây chính là đường thông thiên, gợi mở một không gian vô tận thông linh: Thông cả thiên đường, thấu cùng địa phủ do sự vận hành vô thường và cũng là sự vĩnh hằng của vạn vật, nhân sinh. Lỗ thông linh hay cửa thông quang này chính là căn cứ xác định công năng đích thực của liễn/hộp là dùng để đặt xá lỵ của bậc Đại lão Hòa thượng trong những ngôi chùa, bảo tháp triều Lý.
Bình gốm hoa nâu, bảo vật linh thiêng trong giới thiền định dùng giữ, đựng xá lỵ, nhục thân của bậc cao tăng sau lễ trà tỳ (hoả thiêu), thuộc loại hình đặc biệt trong dòng gốm hoa nâu có nghệ thuật riêng biệt, đậm sắc thái bản địa của người Việt, mang hơi thở, hồn cốt văn hoá, chính trị một nhà nước quân chủ, khi Phật giáo trở thành quốc giáo dưới thời Lý. Tính tôn giáo được thể hiện sâu sắc trên hiện vật: cánh sen và hạt sen (vòng tròn nhỏ) trong Phật giáo Đại thừa tượng trưng cho trí tuệ, từ bi và phương tiện thiện xảo, là ba phẩm tính không thể thiếu của một vị bồ tát để hoằng độ giáo hoá chúng sinh. Tôn thờ xá lỵ sẽ nhận được nhiều phước huệ, và tuỳ theo phúc đức, căn tính của mỗi người mà hoá hiện, thăng tiến trên sự nghiệp tu hành đắc quả Phật.
Bình gốm hoa nâu này là một trong những điển hình cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Lý. Từ Bình gốm hoa nâu này, không chỉ phản ánh được một phần giá trị tư tưởng, trình độ thẩm mỹ của thời đại; mà còn cho thấy được những nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng cũng như tính hữu dụng trong quá trình tồn tại của di vật. Nét đẹp sang quý được tạo bởi sự kết tinh giữa nghệ thuật và tâm thức người Việt thể hiện trên chiếc liễn/hộp gốm này, vậy nên các học giả cho rằng chỉ một xã hội phát triển, thanh bình như thời Lý, những nghệ nhân làm gốm lấy đạo Phật di dưỡng tinh thần mới có thể tạo tác ra loại hình sản phẩm xuất sắc, giàu mỹ cảm văn hoá đến vậy./.
Thúy Hà
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)