Bình gốm Nhơn Thành
Chất liệu: Gốm
Kích thước: cao 26,3cm; chu vi thân 83,5cm; đường kính miệng 12cm; đường kính đáy 11cm
Trọng lượng : 2500gram
Niên đại: Thế kỷ V
Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng thành phố Cần Thơ.
Bình gốm có vòi, xương gốm mịn, mỏng. Áo gốm màu vàng nhạt. Dáng cao, miệng loe, cổ thắt, vai rộng, thân hình cầu, đáy hẹp, chân đế thấp hình vành khăn. Trên vai bình gắn một vòi tròn, dáng xiên thẳng lên trên, đầu vòi trang trí gờ nhẫn nổi.
Giá trị tiêu biểu: Bình gốm được phát hiện ở di chỉ Nhơn Thành còn trong tình trạng nguyên vẹn, hoàn hảo, là tiêu bản duy nhất, độc bản trong lịch sử khai quật nền Văn hóa Óc Eo. Hiện vật đã phản ánh được sự hội tụ, kết tinh đỉnh cao của kỹ thuật thủ công chế tác gốm, cũng như tư duy thẩm mỹ độc đáo, có sự kết hợp từ sự trao đổi, giao thoa văn hóa, tôn giáo ngoại nhập (Ấn Độ) với văn hóa bản địa của cư dân Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long vào giữa thiên niên kỷ I, từ đó tạo ra sản phẩm đồ gốm đặc sắc riêng có, trở thành một nét đặc trưng nổi bật của văn hóa giai đoạn này. Với nguồn gốc rõ ràng, giá trị thẩm mỹ cao, bình gốm có vòi Nhơn Thành không chỉ là một di vật tiêu biểu, quý hiếm của nền văn hóa Óc Eo, mà còn là một sản phẩm văn hóa vật chất quan trọng, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử phát triển rực rỡ của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đất Nam Bộ nói chung./.
Thúy Hà /theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa