Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Bộ Linga - Yoni Đá Nổi

Chất liệu: Vàng, đồng thau

Kích thước: Cao 10cm; rộng 12,2cm x 12,2cm

Trọng lượng: 2.673gram 

Niên đại: Thế kỷ V - VI

Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng tỉnh An Giang.

Bộ Linga - Yoni có cấu trúc ba phần rời, ghép lại thống nhất với nhau, gồm: linga, yoni cùng khối bệ và tấm kim loại biểu tượng của bộ phận yoni.

Linga: chế tác bằng vàng, được gắn sâu vào trung tâm mặt trên của khối bệ bằng đồng. Cấu trúc gồm ba phần: phần dưới cùng hình khối vuông, phần giữa hình trụ bát giác, phần đầu hình trụ tròn. Đầu linga thuôn dài, tròn, gần đầu thể hiện rõ nét gờ nổi cột thiêng và mí thiêng rất hiện thực.

Yoni và khối bệ: có cấu trúc liền khối với phần bệ bên dưới, được đúc bằng đồng. Yoni nằm ở trên cùng, thể hiện rõ đường gờ đúc nổi cao trên bề mặt khối bệ, gồm thân hình vuông và vòi. Bên dưới là khối bệ ba cấp. Biểu tượng của bộ phận yoni: chế tác bằng vàng, dát mỏng, hình vuông. Chính giữa tạo lỗ thủng bằng hai đường cắt chéo. Linga được đặt xuyên qua tâm của biểu tượng yoni này, được diễn tả rất thực. Tấm kim loại như một màng trinh tiết, phủ kín bên trong yoni và bị phá thủng bởi linga, biểu thị cho sự hủy diệt và tái tạo của thần Shiva.

Bộ Linga - Yoni bằng vàng và đồng thau kết hợp là hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á, ở nửa sau thiên niên kỷ I. Nó là bằng chứng quan trọng trong việc nhận diện lịch sử phát triển của các hoạt động trao đổi thương mại, tương tác văn hóa, cùng lịch sử truyền bá, ảnh hưởng của tôn giáo từ nền văn minh Ấn Độ đến vùng đất này trong lịch sử. Tính hiện thực của bộ Linga - Yoni này thể hiện nổi bật ở bộ phận yoni, qua các chi tiết chạm - khắc rất tinh tế và rất hiện thực với tính biểu cảm cao, thể hiện được nội dung của Ấn Độ giáo và năng lực sáng tạo nghệ thuật trang trí của người thợ thủ công bản địa. Bộ Linga-Yoni là một hiện vật quan trọng mà các ngành khoa học có thể tiếp cận nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, có ý nghĩa không chỉ đối với khảo cổ học mà còn có ý nghĩa lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, quan hệ ngoại giao, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của vùng đất Nam Bộ với khu vực và rộng hơn trong thời kỳ văn hóa Óc Eo./.

Thúy Hà /theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa

Liên kết website