Ngày 29 tháng 3 năm 2024
Liên kết website

Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành

Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành (Số đăng ký: BVQG.NB.005), hiện lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Gỗ, sơn son thếp vàng

- Niên đại: Thế kỷ XVII

Mỗi Phủ Việt nặng 42 kg, tổng cộng 84kg. Phủ Việt bên trái dài 317cm, dày 06cm,  Phủ Việt bên phải, dài 317cm, dày 06cm. Phủ Việt có cấu tạo gồm ba phần: thân, đế và cán. Thân Phủ Việt là bộ phận trung tâm và quan trọng nhất, được chế tạo công phu, chi tiết với những bộ phận: Phần mũi (đầu) của Phủ Việt là một hình mặt trời, được diễn tả như một hình bản khuyên, lấp ló đằng sau 6 dải vân văn hình đao mác. Phần giữa (thân) của Phủ Việt là một hình rồng lớn uốn khúc, bố cục vô cùng chặt chẽ và hợp lý. Lưỡi của Phủ Việt, đồng thời cũng là một bộ phận của đầu rồng, được sáng tạo thành hình ảnh cột nước, phun ra từ miệng. Đế của Phủ Việt hay còn gọi là phần chắn tay ngăn cách cán và lưỡi, được tạo tác như một bệ thờ khối hộp hình chữ nhật, hai cấp. Cấp trên to, có chức năng đặt Phủ Việt. Cấp dưới nhỏ, có chức năng làm lá chắn giữa cán và lưỡi. Cán Phủ Việt được tạo hình 8 cạnh, khác biệt so với đa phần cán hình tròn của lỗ bộ bằng gỗ sơn thếp, được thờ tại các di tích đền - đình - miếu ở Việt Nam. Cán được phủ sơn son, màu đỏ; toàn bộ thân Phủ Việt được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Dựa trên văn bia "Trùng tu tạo tác Thánh thượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tính danh”, lập ngày 19 tháng 6 niên hiệu Hoàng Định (1612) tại đền thờ Vua Lê Đại Hành, có thể suy đoán đây là năm ngôi đền được trùng tu lớn, không những về kiến trúc mà có nhiều đồ thờ tự được tạo tác, cung tiến vào đền trong đó có đôi Phủ Việt. Thông qua hoa văn trang trí, phong cách nghệ thuật, ngôn ngữ thể hiện trên Phủ Việt có thể đoán định niên đại của Phủ Việt trùng khớp với niên đại của văn bia có dòng lạc khoản ghi rõ năm tạo tác 1612. Có thể khẳng định, Bộ Phủ Việt thờ tại đền Vua Lê Đại Hành là cổ vật độc bản. Hiện vật có hình thức độc đáo, được sáng tạo để tách riêng Phủ Việt ra khỏi bộ chấp kích để làm đồ thờ thông thường, mà trở thành một biểu tượng cho quyền uy của Vua Lê Đại Hành. Đề tài trang trí mỹ thuật mang ngôn ngữ nghệ thuật thời Lê Trung hưng. Chất lượng sơn son thếp vàng sang trọng, họa tiết hoa văn mang đậm yếu tố cung đình; đồng thời cũng phản ánh sự song hành và hòa quyện ba tôn giáo Đạo - Phật - Nho trong tín ngưỡng nước ta./.

 

Thúy Hà

 Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website