Ngày 24 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Bộ Sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh (18 hiện vật)

Chất liệu: Gốm đất nung - Kích thước: đường kính miệng từ 7cm - 10cm ; đường kính đáy từ 6cm - 12cm ; cao từ 16cm - 25cm - Trọng lượng: từ 300gram - 1000gram - Niên đại: C14: 3370 ± 40 năm cách ngày nay - Đơn vị lưu giữ hiện vật: Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi

- Mô tả tóm tắt: Nhóm bình gốm Long Thạnh không chỉ đa dạng, hoàn hảo mà còn có hoa văn độc đáo kết hợp với nhau bằng nhiều thủ pháp, với các hoa văn chủ đạo hình chữ S, tam giác, đường gấp khúc vuông, chấm tròn, sóng tự do, vạch song song… Hoa văn nhóm bình gốm Long Thạnh tiêu biểu cho yếu tố biển của cư dân nguyên thủy miền Trung.

- Giá trị tiêu biểu: Bộ sưu tập bình gốm đất nung hình lọ hoa là những di vật trong di tích Long Thạnh - một di tích tiền Sa Huỳnh, có giá trị nổi bật đánh dấu giai đoạn phát triển từ tiền Sa Huỳnh lên đỉnh cao của văn hóa Sa Huỳnh, được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về mỹ thuật trang trí của các loại hình đồ gốm này.

Qua nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng thanh nhã, cân đối và hoa văn phong phú được trang trí trên các bình gốm hình lọ hoa cho thấy cư dân Long Thạnh nói riêng và cư dân Sa Huỳnh nói chung rất khéo tay và có tư duy thẩm mỹ cao. Hình ảnh sóng biển được trang trí dày đặc trên các bình gốm Long Thạnh thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát vọng chinh phục biển cả của cư dân Sa Huỳnh, đồng thời, cũng phản ảnh đặc trưng văn hóa tộc người và nguồn gốc bản địa của nền văn hóa này.

Mười tám bình gốm đất nung hình lọ hoa được làm bằng kỹ thuật nặn tay kết hợp dải cuộn với chất liệu đất sét được lọc kỹ pha cát mịn, xương gốm mỏng tương đối chắc, áo gốm màu đỏ, kiểu dáng thanh thoát, hoa văn trang trí phong phú tạo được phong cách riêng. Vì vậy, có thể nói, bộ sưu tập 18 bình gốm đất nung có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật, phản ánh sự khéo léo tài hoa của cư dân Sa Huỳnh, Long Thạnh Quảng Ngãi cũng như sự phát triển của nghề thủ công làm gốm đất nung của cộng đồng cư dân này trong thời kỳ tiền sử./.

Thúy Hà (theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website