Ngày 27 tháng 9 năm 2024
Liên kết website

Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn, Hải Dương

Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn, hiện thờ tại chùa Côn Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Gỗ phủ sơn, thếp vàng.

- Niên đại: Thời Lê trung hưng

- Giá trị:

Chùa Côn Sơn được khởi dựng từ cuối thế kỷ XIII, mở rộng, hoàn chỉnh ở thế kỷ XIV; được trùng tu, tôn tạo ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII... Theo các nguồn tư liệu hiện còn lưu trữ tại Côn Sơn, bộ Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa. Qua các nguồn tư liệu trên cho thấy, bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn đã được thờ phụng tại chùa từ thế kỷ XVII. Từ đó đến nay, trải qua thời gian, chiến tranh, chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, quy mô chùa, hệ thống tượng pháp có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo tài liệu văn bia và theo tư liệu lưu truyền tại khu di tích, bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn là hiện vật gốc độc bản, được lưu giữ từ thế kỷ XVII đến nay, qua các lần trùng tu, tôn tạo chùa, tượng chỉ được trùng tu, sơn thếp lại chứ không thay mới.

Điều đặc biệt ở bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn đó là chiếc áo cà sa kiểu quấn mảnh vải từ vai trái vắt chéo xuống sườn phải để hở hẳn bờ vai, cánh tay và nửa ngực phải. Hiện tượng trật vai phải của những pho tượng này như để biểu thị sự tôn kính bề trên mà ở đây là Phật kính pháp. Trong kho tàng nghệ thuật cổ Việt Nam, tượng Tam thế chùa nào cũng có, hầu hết tượng Phật khoác áo cà sa che kín người hai nửa cân nhau, gọi là Tăng già lê, gồm áo mặc trong, áo mặc giữa và áo mặc ngoài; Nhưng kiểu khoác áo cà sa như thế này thì rất hiếm, trên cả nước chỉ có ở bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn và bộ Tam thế Phật chùa Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội).

Bộ tượng Tam thế chùa Côn Sơn tiếp tục kế thừa phong cách tạo hình thời Mạc và tiêu biểu cho phong cách tạo hình tượng thời Lê Trung hưng với phong cách tạo dáng rất hiếm và quý. Tượng được tạc với biểu tướng Sahasrâra (tướng trên đỉnh đầu) là khối cầu đứng độc lập. Kiểu thức tượng Sahasrâra dưới dạng một khối gần như tròn thường chỉ có ở tượng Phật thuộc “phong cách Mạc” (nửa cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII), và, hiện nay còn lại rất ít (dưới 10 pho, như ở chùa Côn Sơn - Hải Dương, chùa Thái Lai - Mê Linh, Hà Nội, phần nào ở chùa Bà Tề - Phúc Thọ, Hà Nội…). Tuy vậy, các tượng này vẫn đủ tư cách đại diện cho một phong cách riêng biệt, như chưa chịu sự chi phối của hai dòng Phật pháp Tào Động và Lâm Tế, mà còn giữ được phong cách tạo tượng Phật từ thời trước đó (có nhiều sự tương đồng về cách tạo tượng của thời Lý…).

Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn là một trong không nhiều bộ tượng đẹp thời Lê Trung Hưng. Các pho tượng được chạm rất kỹ, được quan tâm tới từng chi tiết. Người nghệ sĩ đã chú ý tới một vẻ đẹp theo quan niệm đương thời trong hình thức phúc hậu, thanh thoát. Bên cạnh đó, giá trị về những ý niệm cầu mong phồn thực vốn có trong tâm người Việt vẫn được thể hiện rõ nét qua các mẫu hình của biểu tượng về âm dương lưỡng hợp, về các lực lượng tự nhiên. Mặt khác, cùng với niên đại tu bổ thượng điện chùa Côn Sơn thời Lê Trung hưng còn biết đến hiện nay, bộ tượng Tam Thế Phật góp phần minh chứng một giai đoạn phát triển và khẳng định giá trị lịch sử của chùa Côn Sơn./.

                                                                          Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website