Ngày 27 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Chùa Kính Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc

Chùa Kính Phúc (hay còn gọi là chùa Cả) thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, khá bề thế giữa khu dân cư đông đúc, nằm xen giữa các cụm di tích đình như đình Hương Canh, đình Tiên Hường...

Chùa quay hướng Tây Nam, nằm trên diện tích đất rộng 1.352m², có kiến trúc kiểu chữ công, gồm 3 toà: Tiền đường, Thiên hương, Thượng điện, ngoài ra, còn có gác chuông phía sau.  

Phía trước cổng chùa có tam quan hay còn gọi là Sở môn tự. Cổng chùa không ghi tên chùa mà ghi “Sở môn tự”, có 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Đồng thời, để thể hiện tâm linh ước vọng của dân làng được“ Dân khang vật thịnh” đã thiết kế và xây dựng 2 bức cánh phong nối tiếp với cổng chùa, mỗi bức rộng 0,93m, cao 1,85m, chất liệu bằng gạch, vôi, vữa... Với nghệ thuật đắp nặn tinh xảo tiêu biểu ở phần ngoại thất của di tích, tạo hình cân đối, các bức cánh phong được đắp phù điêu “Long cuốn thuỷ” (bên phải) và “Hổ chầu phục" (bên trái) rất sinh động đối xứng hài hoà.

Sở môn tự có kiểu thức dạng 2 tầng 8 mái, phần mái trước có lan can để lấy ánh sáng vào, phần mái sau là thượng cung, gồm có 3 gian 2 dĩ, kiến trúc chống bồn con sơn, không có kèo, dấu kẻ có hình chữ thọ, hình hoa thị... Ở gian giữa phần cửa vào Sở môn tự có các kẻ bảy được chạm khắc hoa văn hình dây nho và hình sóng nước rất đẹp và sắc nét. Phần Thượng cung là gác lửng ở gian giữa với xà ngang bắc qua các cột con, có 2 cửa phụ và 1 cửa võng 3 lớp, được đục bong, chạm nổi hình rồng, rùa, phượng. Phần mái lợp bằng ngói mũi theo kiểu chồng ốc vảy rồng, bờ nóc, bờ đốc, cánh đao đắp bằng với vữa, bên trên có hình các con vật như rồng, nghê, phượng, ly... Dưới là các con rường song song đặt trên đấu kẻ có khắc chữ “Thọ”, các vì kèo còn lại kếu cấu theo kiểu thức thượng kèo hạ kẻ, các vì kèo phía trên đều theo kiểu kèo chống nóc.

Qua một sân 2 cấp và cây hương đá, lên các bậc tam cấp là toà Tiền đường, gồm có 5 gian 2 dĩ. Phần hiên Tiền đường có kết cấu kiến trúc gồm có 4 hàng cột gỗ với tổng số 30 cột, các cột này đều được sơn nâu và có bệ kẻ chân bằng xi măng, đá... Bộ vì kèo được kết cấu theo kiểu thức kèo cầu đánh bóng, kẻ truyền từ 2 hàng cột giữa trở ra, cột cái liên kết với xà dọc và câu đầu, trên câu đầu là vì kèo chống nóc, bên dưới là hàng con tiện chạy suốt có 2 chữ thọ ở 2 đầu.

Thượng điện và Tiền đường được nối với nhau qua hệ thống ống muống (hay còn gọi là thiên hương). Toà Thượng điện có kết cấu mặt bằng song song với Tiền đường, gồm 16 cột, bộ vì kèo làm theo kiến trúc chồng rường. Phần nóc ở gian giữa (thượng lương) làm theo kiểu “tứ trụ lòng thuyền”. Câu đầu nằm trên đầu cột cái và có các dấu kẻ giữa các con rường. Các xà ngang, xà dọc và các cột được làm bằng chất liệu gỗ tốt, gia cố cẩn thận kĩ thuật đóng bản, bào trơn, mộng sàm chặt khít tạo thành bộ khung rất chắc khoẻ. Đặc biệt là 4 góc có 4 cột xó 4 kèo xó để đao phía ngoài. Toàn bộ các cột đều được kê trên đá, loại đá cứng tự nhiên làm bọ đỡ rất chắc khoẻ để chống đỡ lực nén của bộ mái lợp ngói mũi nặng hàng chục tấn. Chùa có quy mô kiến trúc vừa phải, kết cấu chắc khỏe, các chi tiết kiến trúc đều đóng bén, bào trơn, mộng sàm chặt khít, thâm nghiêm nhưng ấm cúng, gần gũi.

Về nghệ thuật chạm khắc gỗ: Hai bức chạm trên của nách của Thượng cung Sở môn tự được chạm nổi, dài 0,5m rộng 0,2m, bên trái là hình phượng, bên phải là hình rồng thân uốn khúc, đuôi xoắn đăng vờn mây. Phủ kín bức chạm là hình vân mây, sóng nước, chạm bong với những nét chạm sắc gọn. Bức chạm ở cửa vòng chính giữa Thượng cung gồm 3 lớp: 2 lớp ngoài cùng chạm đầu rồng cách điệu xung quanh là mây lá, ở giữa chạm hình rùa, đều là chạm bong, ngoài ra ở một số kẻ bảy gian giữa Sở môn tự cũng có chạm khắc hình mây, sóng nước, dây nho.. . rất tinh tế.

Về nghệ thuật tạc tượng: Chùa Kính Phúc thuộc loại kiến trúc tôn giáo (Phật giáo) nên không tập trung vào kiến trúc chạm khắc như ở đình, miếu, đền, những giá trị về nghệ thuật điêu khắc được tập trung ở hệ thống tượng pháp, nên nét đặc trưng nghệ thuật ở ngôi chùa Kính Phúc là ở lĩnh vực tạo hình, được thể hiện ở các pho tượng bài trí thờ tự ở chùa.

Hiện tại, chùa Kính Phúc còn lưu giữ 32 pho tượng tròn, to, nhỏ khác nhau. Trong đó có 22 pho tượng có chất liệu bằng gỗ, 10 pho chất liệu bằng vôi giấy quyện cùng đất sét, lõi gỗ. Tất cả các tượng đều được sơn son thếp vàng. Với nghệ thuật tạo hình điêu luyện kết hợp với kỹ thuật sơn thếp hài hoà, các pho tượng ở chùa Kính Phúc đã được tạc đẹp hơn người thực, nhưng không xa lạ mà vẫn gần gũi với đời thường. Từng pho tượng được đặc tả 1 cách chi tiết, thể hiện rõ tính cách, tích truyện của từng nhân vật, khiến chúng sinh phật tử dễ hiểu.

Chùa Kính Phúc được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 06/2000/QĐ-BVHTT ngày 13/4/2000./.

Tuyết Chinh

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

 

Liên kết website