Ngày 19 tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Chùa Thiên Phúc, Thành phố Hà Nội

 

Chùa Thiên Phúc tên chữ Thiên Phúc Tự (thường gọi là chùa An Trung, hay còn gọi là chùa “Tây Cú”), tọa lạc tại số 94 Hai Bà Trưng, Phường Cửa Nam, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1288VH/QĐ ngày 16/11/1988.

Theo những tư liệu và kiến trúc hiện còn, Tấm bia “Thiên phúc tự bi” có niên đại Khải Định thứ 7 (năm 1922), những pho tượng có niên đại sớm trong chùa cho thấy di tích di tích tồn tại ở thế kỷ XIX.

Chùa có quy mô vừa phải, quay hướng Nam (bao gồm chùa thờ Phật và điện Thiên Phúc thờ Mẫu Liễu Hạnh và Trần Hưng Đạo). Tam quan chùa Thiên Phúc được xây bằng gạch, với 6 cột trụ có khoảng cách không đều, các cửa vào được xây gạch cuốn nối hai cột với nhau. Phần trên cùng cửa chính đắp nổi hình “lưỡng long chầu nhật” bên dưới trang trí cuốn thư với ba chữ Hán “Thiên Phúc tự”.

Điện Thiên Phúc nằm theo hướng Đông trông ra sân chùa, xây gạch, hai đầu hồi bít đốc, tay ngai, lợp ngói ta, bờ nóc đắp vữa kiểu bờ đinh, chính nóc mái xây cao hình cuốn thư trong đó có 3 chữ Hán lớn “Thiên Phúc điện”. Điện kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Các bộ vì đỡ mái làm theo kiểu thượng rường hạ kẻ, bảy hiên với sáu hàng cột bên trong điện thấp, tối do mái chạy dài về phía trước. Trong điện, các pho tượng được đặt trên các bệ gạch xây cao dần từ ngoài vào. Trang trọng nhất ở phần Hậu cung thờ Tam phủ (Tam tòa Thánh Mẫu) gồm Liễu Hạnh (Mẫu Thiên), Mẫu Địa và Mẫu Thoải, hai bên có Quỳnh Hoa và Quế Hoa đứng chầu. Đồng thời còn có các ông Hoàng Ba, Hoàng Bẩy và Hoàng Mười... động Sơn trang thờ Mẫu Nhạc - người cai quản 36 cửa rừng.

Chùa Thiên Phúc thờ nhân vật trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Chùa có quy mô không lớn nhưng giá trị kiến trúc hài hòa, ăn nhập giữa các bộ phận với nhau, có sự cân đối giữa kiến trúc và trang trí.

Chùa chính gồm 5 gian Tiền đường và Hậu cung tạo thành hình chữ đinh. Chùa được xây tường bao quanh, mái lợp ngói ta. Hai hồi xây kiểu bít nóc, tay ngai, bờ nóc đắp vữa dạng bờ đinh. Chính giữa nóc là 2 con rồng chầu mặt trời, rồng thô, cứng, trên thân ghép những mảnh đồ sứ nhiều màu để trang trí.

Trong chùa các bộ vì được làm theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ. Riêng hai bộ vì ở gian giữa làm theo kiểu cột trốn hai cột cái, tạo không gian thoáng, rộng cho gian chính giữa của Tiền đường. Trên các con rường, đầu kẻ trang trí hoa văn hình lá ba chẽ, mây xoắn, rồng lá. Sự sắp xếp trong Tiền đường khá đơn giản, gian giữa chạy thẳng vào Phật điện có treo một bức võng sơn son có niên đại muộn. Phần trên cửa võng chạm khắc 2 con phượng chầu mặt trời – được thể hiện bằng một bông hoa cúc lớn với những cánh nhỏ xung quanh, phần dưới hình hoa dây với những chùm nho và lá.

Hai gian bên của nhà Tiền đường đặt hai bệ thờ Đức Ông (Thổ Thần) và Giám Trai (người trông coi lễ vật của chùa). Sát tường hồi bên phải đặt tấm bia đá “Thiên Phúc tự bi”.

Phật điện của chùa Thiên Phúc được trang hoàng khá lộng lẫy với những pho tượng có kích thước lớn. Tượng được đặt trên bệ cao dần từ ngoài vào và theo từng lớp 3 tượng một, trên cùng là 3 vị Tam thế tọa tòa sen; tiếp đến là lớp tượng A di đà ở chính giữa, hai bên là hai vị bồ tát: Quan âm, Thế chí; lớp thứ ba gồm Quan Âm thập nhị tý ngồi giữa, bên trái là Quan âm tống tử, bên phải là Thái thượng lão quân; lớp cuối cùng là tòa Cửu long có Thích ca sơ sinh ở trong, hai bên là hai nhân vật không thuộc Phật giáo là Ngọc Hoàng và Đế Thích.

Bên trên lớp tượng Cửu long có treo bức cửa võng rất đẹp, chạm thủng hình lưỡng long chầu nhật, bên dưới với 2 cột chạm hình rồng, long mã chở mặt trời, rùa đội hòm sách là những motip quen thuộc trong kiến trúc truyền thống.

Các pho tượng chùa Thiên Phúc một số được làm bằng gỗ, số còn lại làm bằng đất luyện sơn son rất có giá trị của dòng nghệ thuật dân gian.

Di tích có số lượng hiện vật đa dạng, nhiều loại và nhiều chất liệu khác nhau, niên đại của những hiện vật này chủ yếu vào thế kỷ XIX, số ít vào cuối thời Lê, một số thuộc cuối thế kỷ XVIII, số khác thuộc đầu thế kỷ XX, có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao./.

Tuyết Chinh

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website